TP – “Quới” không phải “quái” cũng chẳng phải “quý” mà là giữa hai trạng thái đó với phần “tốt” nhiều hơn chút đỉnh so với phần còn lại. “Quới nhân” hay “quới nhơn” có thể là phương ngữ thích hợp nhất để nói về một nhân vật lạ lùng – Phạm Thế Cường, nhà sưu tập sách.
Ăn trưa cùng ông trước chuyến xuất ngoại đầu năm dương lịch đi Đài Loan, ông hề hà kể, từ khi mở thư viện tư phục vụ cộng đồng, một trong những cái được lớn nhất là đi nhiều nơi, quen nhiều người, giao lưu với nhiều bạn văn, bạn bè cùng chí hướng. Khi thì đi Thái Nguyên nói chuyện với sinh viên sư phạm, lúc ra Quảng Ngãi tư vấn giúp địa phương lập thư viện về một vị lãnh đạo cấp cao quê ở đây.
Ông vừa trở về từ Phú Quốc sau khi chia sẻ kinh nghiệm giúp cô Võ Thùy mở thư viện sách thiếu nhi. Ông từng lang bạt nhiều nơi để giúp văn hữu có lòng với sách mở tủ sách, hoặc thư viện phục vụ cộng đồng. Không chỉ giúp bằng kiến thức, kinh nghiệm, ông còn vận động các nhà hảo tâm là các thư viện, nhà xuất bản, cá nhân…trao đổi, tặng sách và chuyển miễn phí cho các đồng đạo. Có thể kể tới tủ sách cá nhân của cô Đặng Thị Thu Hương ở Vĩnh Phúc, cô Nguyễn Thị Hương ở Thái Nguyên, anh Tứ Hưng ở Vĩnh Long, cô Võ Thùy ở Phú Quốc…
“Nhưng tủ sách mà tôi kỳ vọng nhất lại là của chị Huỳnh Thị Thành, con gái “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ đứng ra quy tập, tổ chức, thành lập như món quà để tưởng nhớ người cha, vị tướng tài hoa nhưng cũng không ít thăng trầm”- ông Cường chia sẻ.
“Quái tính và quái tướng”
Nhìn bề ngoài ông không có nhiều khác biệt, nhưng sở hữu chất giọng mà người mới quen lần đầu nghe qua điện thoại không ai không nhầm là đang nói chuyện với một nữ nhân. Ông giờ đang hạnh phúc với người vợ trẻ, đẹp và những đứa con thành đạt. Nhưng ông toàn làm chuyện mà thói thường ít hoặc không ai làm. Chẳng hạn khi ở tuổi lên 6 lẽ thường lũ trẻ ở độ tuổi đó cắm đầu vào đọc truyện tranh, cổ tích thì ông “chơi” tiểu thuyết. Số là vào sinh nhật lần thứ 6, cậu bé Cường, được bố mua tặng cuốn tiểu thuyết “Không gia đình” của văn hào Pháp Hector Malot, tập 1, dày khoảng 200 trang, mà đến nay vẫn còn giữ được. Khi đó cậu còn chưa đi học, chữ nghĩa đọc bập bẹ. Nhẫn nại đánh vần từng chữ, vậy mà chỉ hai tháng cậu đã đọc xong.
Năm 2001, khi đang làm việc bình thường ở vị trí quản lý, mới 41 tuổi thì ông đột ngột xin nghỉ hưu non chỉ để … “dành thời gian đọc sách”. “Vì khi đó mình đã sưu tập được khoảng bảy, tám ngàn cuốn sách. Ngày nào mình cũng đọc khoảng 300 – 400 trang sách, nhưng vẫn thấy không đủ” – ông Cường chia sẻ. Bạn bè, người quen của ông khi biết chuyện ông bỏ vị trí béo bở, “bên A” về xây dựng để về hưu, ai cũng tiếc. Khi biết lý do, ai nấy đều nhìn ông với con mắt ít nhiều khác thường.
Ông Phạm Thế Cường (phải) và một bạn yêu sách
Bốn năm trời đóng cửa “luyện công” cho thỏa chí bình sinh, bỗng ông “ngộ” ra một con đường mới mẻ quá ít người đi hoặc phần nhiều đi mà không tới. Ông Cường hồi tưởng: “Một ngày mình thức dậy, nhìn hàng hàng lớp lớp sách trong thư viện riêng của mình đột nhiên nhận ra rằng hóa ra lâu nay mình là “một tên cai ngục sách” mà không biết.
Lúc đó mình đã có khoảng 10.000 cuốn sách, tính ra cũng tương đương một thư viện quận trung bình. Nhưng sách của mình gần như chỉ một mình mình đọc… Sách là tri thức của nhân loại nên phải là của chung mọi người”.
Suy nghĩ đó làm thay đổi cả quãng đời còn lại của ông, dẫn tới hành xử “quái” tiếp theo. Đó là việc mở thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng tại nhà riêng là căn nhà lớn 3 tầng tại số 252 đường số 8 quận Gò Vấp, TPHCM, phục vụ mọi lứa tuổi.
Thư viện mở cửa thu hút một lượng lớn bạn đọc, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Mỗi tối thư viện Phạm Thế Cường đón trung bình 60 – 70 em tới đọc sách. Vào những ngày hè lượng bạn đọc còn đông hơn. Bên cạnh đó là các nhà giáo, nhà văn, nhà báo và các vị hưu trí cũng coi thư viện Phạm Thế Cường là nơi để tra cứu tài liệu, tác phẩm, đọc nhưng cuốn sách mà mình ưa thích… Các cháu đọc, trao đổi, tranh luận một cách hồn nhiên nhưng sôi nổi. Mọi ý kiến đều được chủ nhân tôn trọng và khuyến khích. Từ đó chủ nhân nảy ra ý tưởng thành lập câu lạc bộ, rồi tập san phát hành định kỳ hàng tháng để tạo sân chơi giữa các hội viên, giữa hội viên với các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật.
Câu lạc bộ người yêu sách lấy tên nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, vốn là thần tượng thuở bé của ông. Từ khi thành lập từ năm 2011 đến nay đã trở thành cái địa điểm để giới thiệu tác phẩm, tác giả, để các thành viên biết, tìm đọc, để mọi người cùng chia sẻ về tác phẩm, tác giả và để nhà văn giới thiệu tách phẩm của mình… 3 năm qua câu lạc bộ tổ chức vài chục buổi giới thiệu tác phẩm, tác giả với sự hợp tác của nhiều nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu, các nhà giáo, giáo sư… và đông đảo bạn đọc trẻ hâm mộ tác giả, tác phẩm.
Ông Phạm Thế Cường
“Tôi có một cái thú là rất thích nhìn các cháu đọc sách”, ông Cường chia sẻ. Có lẽ vì sở thích khác người như vậy mà ông không ngừng nghĩ ra các sân chơi để thu hút thêm lớp trẻ tới thư viện. Ngoài việc sưu tập để nâng số lượng đầu sách lên 30.000 bản hiện nay, chia làm 30 thể loại như sách thiếu nhi, sách khoa học, kinh tế, tôn giáo, triết học, chính trị, lãnh tụ…
Ông Cường thường xuyên tổ chức cho các hội viên nhí của câu lạc bộ đi chơi xa, tham quan các tụ điểm văn hóa như bảo tàng, thư viện quốc gia, dự hội thảo văn hóa văn nghệ, giới thiệu tác phẩm của các nhà văn hoặc tổ chức hội thảo, tiểu phẩm dã ngoại hoặc thi thố về văn hóa văn nghệ. Đi xa phải thuê xe, và chính là ông tự bỏ tiền túi trang trải chuyến đi. Các cháu gần như không phải đóng gì, cùng lắm là đóng chục ngàn tiền ăn trưa.
Ông Phạm Thế Cường bắt đầu sưu tập sách từ năm 15 tuổi, khi kiếm được đồng tiền đầu tiên từ việc làm phụ hồ cho Đội xây dựng Nhà máy điện Yên Phụ. Ban ngày ông đi phụ hồ để có tiền phụ nuôi mẹ bệnh và mua sách, ban đêm học bổ túc. Hiện tại ông duy trì và phát triển số lượng đầu sách và các hoạt động của thư viện bằng việc cho thuê một phần căn nhà mặt tiền và khoản tiền hưu trí. Ông là một trong số ít các nhà sưu tập sách chỉ mua không bán.
Ông kể: “Duy nhất một lần trong đời tôi bán bộ sách hiếm là trước tác có thủ bút của một vị quan chức hàng đầu chính quyền Sài Gòn trước đây cho con cái vị quan chức đó “vì họ nài nỉ quá”, cần bộ sách để tưởng nhớ người cha quá cố”. Ông nhận sách tặng nhiều nhưng đem tặng cho cũng không ít. Riêng năm 2014, ông Cường tặng trên 2.000 cuốn sách cho 5 thư viện mà ông đỡ đầu trên khắp cả nước.