Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Không chấp nhận hành vi ngang ngược

Thế Lâm

  –  

Thứ bảy, 19/06/2021 17:50 (GMT+7)

Lên mạng xã hội viết status, đăng tải hình ảnh hoặc livestream cáo buộc vô căn cứ, tấn công, nói xấu, xúc phạm người khác suy cho cùng cũng chính là những hành vi không chính trực.

Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Không chấp nhận hành vi ngang ngược
Sử dụng mạng xã hội nên có những ứng xử chuẩn mực. Ảnh: Thế Lâm

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, ở Điều 4, Khoản 6 đề cập rất rõ rằng: Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Những nội dung không được phép trên mạng xã hội được đề cập ở trên cũng đã chạm đến một thực tế là trong thời gian qua rằng có một số cá nhân, đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để cáo buộc vô căn cứ, công kích, xúc phạm người khác. Cụ thể, đã có trường hợp bị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM mời lên làm việc và đã phải cam kết chấm dứt các hành vi trên.

Và cũng từ thực tế thời gian qua, để phản ứng lại những phiên livestream tấn công, xúc phạm nhiều nghệ sĩ và nhân vật showbiz, một số nghệ sĩ đã sử dụng đến những ngôn từ, phát ngôn phản cảm, tục tĩu trên trang cá nhân.

Không dừng lại ở đó, không ít nghệ sĩ do vô tình hay biết nhưng vẫn làm là đi “quảng cáo láo” cho một số thực phẩm chức năng, nói vống chức năng, tác dụng của loại sản phẩm này như những loại thần dược.

Ở mức độ nào đó, những sai sót của một số nghệ sĩ đã được nhìn nhận và đưa ra lời xin lỗi, rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, đối với tình trạng livestream hay viết status công kích, xúc phạm người khác trên mạng xã hội thì vẫn còn diễn biến phức tạp. Cùng với đó là những tin giả cũng được phát tán như một thứ dịch bệnh. Đa phần, các đối tượng thực hiện những hành vi này cậy vào tính ẩn danh trên mạng xã hội, nghĩ rằng có thể “ném đá giấu tay”.

Điển hình nhất của lối tư duy, suy nghĩ lệch lạc và sai lầm đó đã dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật là tấn công mạng đối với Báo điện tử VOV bằng phương thức từ chối dịch vụ DDoS. Đợt tấn công diễn ra sau khi Báo điện tử VOV có loạt bài phê phán hiện tượng livestream trên mạng xã hội tấn công, xúc phạm người khác có đề cập tới một streamer là doanh nhân.

Các quy tắc chung về ứng xử trên mạng xã hội như tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin và trách nhiệm không chỉ cần thiết, mà còn giúp cho môi trường mạng xã hội phát huy được những điều tích cực, cộng đồng chung tay hỗ trợ nhau; thay vì nếu làm ngược lại sẽ khiến cho mạng xã hội thành nơi hổ lốn những hành vi vàng thau lẫn lộn, lan truyền những tiêu cực ra xã hội.

Sử dụng mạng xã hội nói chung và phương thức livestream nói riêng để thực hiện ý đồ không lành mạnh, thể hiện bằng các hành vi vi phạm pháp luật như tấn công, quy chụp, xúc phạm người khác chẳng khác nào những hành vi ngang ngược, tự cho mình một thứ “đặc quyền” được phán xét người khác một cách không có căn cứ và thông tin sai sự thật.

Rate this post

Viết một bình luận