QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI PHÍA BẮC THỜI
KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24
tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13
tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số
751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải
thích một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP
ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 119/NQ-CP
ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao
chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày
05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;
Căn cứ Quyết định số 1226/QĐ-TTg
ngày 24 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng quy hoạch
quốc gia thời kỳ 2021 – 2030;
Theo Báo cáo thẩm định số 36/BC-HĐTĐNVLQHV
ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời
kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại
Tờ trình số 2220/TTr-BKHĐT ngày 05 tháng 4 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng trung du
và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội
dung chính sau:
1. Tên quy hoạch,
phạm vi ranh giới, thời kỳ quy hoạch
a) Tên quy hoạch: Quy hoạch vùng
trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
b) Phạm vi, ranh giới quy hoạch:
Phạm vi lập quy hoạch: Toàn bộ địa giới
hành chính vùng trung du và miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng,
Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn,
Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình. Tổng diện tích: 9.518.414 ha.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao
gồm: Toàn bộ phạm vi lập quy hoạch và những vấn đề của cả nước, quốc tế có ảnh
hưởng trực tiếp hoặc ảnh hưởng lớn đến vùng; những nội dung liên vùng như kết nối
của vùng trung du và miền núi phía Bắc với các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc
Trung bộ và duyên hải miền Trung và với cả nước; các hành lang, vành đai kinh tế,
các cực tăng trưởng của vùng kết nối với các hành lang, vành đai kinh tế, các cực
tăng trưởng của cả nước được xác định trong quy hoạch tổng thể quốc gia.
Ranh giới: Vùng trung du và miền núi
phía Bắc có ranh giới giáp với các địa phương cấp tỉnh là Quảng Tây và Vân Nam
của Trung Quốc ở phía Bắc; phía Tây giáp Lào; phía Đông và phía Nam giáp vùng đồng
bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
c) Thời kỳ quy hoạch: Lập cho thời kỳ
2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Quan điểm, mục
tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch
a) Quan điểm lập quy hoạch:
– Bảo đảm tính phù hợp, thống nhất, đồng
bộ về quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển (không gian và phi không gian)
giữa Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc với Chiến lược phát triển
kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy
hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch vùng liên quan và Quy hoạch ngành quốc
gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
– Quy hoạch vùng trung du và miền núi
phía Bắc phải mang tính định hướng cao, xác định việc phân bố và tổ chức không
gian các hoạt động kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi
trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ toàn vùng, bảo đảm tính liên kết nội
vùng và ngoại vùng.
– Bảo đảm phát triển hài hòa giữa
kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật
tự an toàn xã hội và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường khả năng
chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu
quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên.
– Bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ
và hệ thống giữa các ngành và các tiểu vùng, địa phương trong vùng; khai thác,
sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng
tiểu vùng, từng địa phương; gắn với việc hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng
bộ, hiện đại tạo động lực phát triển, đảm bảo an toàn, an ninh cơ sở hạ tầng
thiết yếu (hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng số) và thúc đẩy hoàn thành
chính phủ số, kinh tế số, xã hội số làm động lực quan trọng để phát triển kinh
tế – xã hội của vùng.
– Bảo đảm giảm thiểu các tác động
tiêu cực do kinh tế – xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế cả cộng đồng
dân cư. Quá trình lập quy hoạch cần kết hợp với các chính sách khác thúc đẩy
phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và đảm bảo sinh kế bền vững
của người dân trong khu vực này.
– Bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả
các nguồn tài nguyên; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng
quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện
tái cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm giải
quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với sử dụng hiệu
quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường của vùng; thực hiện thí điểm các
công cụ chính sách mới, dựa vào thị trường để huy động sự tham gia của toàn xã
hội trong bảo vệ môi trường, bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên và đa
dạng sinh học của từng tiểu vùng, từng địa phương trong vùng.
– Lập quy hoạch phải đảm bảo thể hiện
tính đặc thù của vùng trung du và miền núi phía Bắc, lợi thế so sánh của vùng đối
với các vùng khác trong cả nước. Bảo đảm phát huy nội lực của vùng, đồng thời
thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ quốc tế. Đa dạng hóa nguồn lực
để bảo đảm chất lượng môi trường tự nhiên và ứng phó với thiên tai trong vùng
trên cơ sở công bằng, hiệu lực và hiệu quả.
– Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng
bộ, hiệu quả giữa cơ quan lập quy hoạch và cơ quan phối hợp lập quy hoạch vùng,
thực hiện đúng quy trình lập quy hoạch vùng.
b) Mục tiêu lập quy hoạch:
– Là công cụ quản lý của Nhà nước
trong việc điều hành phát triển kinh tế – xã hội vùng trung du và miền núi phía
Bắc, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực để phát triển
kinh tế vùng theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững; là cơ sở để lập quy hoạch
của các tỉnh trong vùng và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành
liên quan.
– Xây dựng quy hoạch vùng là để cụ thể
hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế
– xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết
cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường
trên cơ sở kết nối các tỉnh.
– Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển,
các chỉ tiêu phát triển, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội
toàn vùng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
– Xác định và đề xuất phương hướng,
giải pháp phát triển các ngành có lợi thế của vùng; phương án phát triển, phân
bổ nguồn lực trên lãnh thổ vùng; phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng, khai
thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn
vùng.
– Xây dựng được hệ thống thông tin,
cơ sở dữ liệu (CSDL) quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thống nhất giữa
các địa phương trong vùng, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của các địa
phương trong vùng và của quốc gia.
c) Nguyên tắc lập quy hoạch:
– Đảm bảo sự tuân thủ, bám sát các quy
trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật Quy hoạch, Nghị định, Thông tư hướng dẫn
thực hiện Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan.
– Đảm bảo tính thống nhất, tổng thể,
đồng bộ và hệ thống giữa quy hoạch vùng với quy hoạch, chiến lược và kế hoạch
phát triển kinh tế – xã hội cấp quốc gia, cấp tỉnh; đảm bảo sự kết hợp hiệu quả
giữa quản lý ngành, lĩnh vực với quản lý lãnh thổ, bảo vệ môi trường và quốc
phòng, an ninh; các phân tích, đánh giá và định hướng phát triển phải dựa trên
mối quan hệ tổng thể, có tính hệ thống, tính kết nối liên ngành, liên vùng,
lãnh thổ.
– Đảm bảo lập quy hoạch dựa trên cả
ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường cho một thời gian dài, tầm nhìn đến
năm 2050.
– Đảm bảo tính khả thi và thích ứng
trong triển khai, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực; xây dựng các phương
án, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển và vận động của bối cảnh
trong và ngoài nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.
– Đảm bảo tính kế thừa và tính mở để
tiếp cận các phương pháp quy hoạch hiện đại; ứng dụng công nghệ hiện đại, số
hóa thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu
chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển; nội dung quy hoạch
sẽ chọn lọc, kế thừa những chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và các
quy hoạch cấp quốc gia trước đó.
– Đảm bảo tính thị trường trong việc
huy động các yếu tố, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của vùng cũng như
trong xây dựng định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh
vực trên địa bàn vùng; đảm bảo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước
trong phân bổ nguồn lực.
– Đảm bảo tính liên kết không gian,
thời gian trong quá trình lựa chọn các công cụ sử dụng trong hoạt động quy hoạch.
– Đảm bảo tính tương thích với các điều
ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
– Bảo đảm tính khách quan, công khai,
minh bạch, có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân theo quy
định; đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của cộng đồng và giữa
lợi ích của các vùng, các địa phương trong vùng.
3. Phương pháp tiếp
cận và yêu cầu đối với phương pháp lập quy hoạch
a) Phương pháp tiếp cận lập quy hoạch:
Việc lập quy hoạch vùng trung du và
miền núi phía Bắc được thực hiện dựa trên các phương pháp tiếp cận sau:
– Phương pháp tiếp cận từ đánh giá, dự
báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của vùng, thực trạng phát triển
kinh tế – xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị, nông
thôn, trong đó tập trung đánh giá các tiềm năng của vùng và chỉ ra được khả
năng, các điều kiện cần thiết để khai thác các tiềm năng, điều kiện phát triển
đặc thù của vùng về: Vị trí địa kinh tế – chính trị; vai trò, vị thế của vùng
trung du và miền núi phía Bắc với các vùng khác và cả nước; các cơ hội phát triển,
liên kết giữa vùng trung du và miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng,
vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, các vùng khác và khu vực các nước
Lào, Trung Quốc.
– Phương pháp tiếp cận cân đối tổng
thể, yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng các mục tiêu, phương án phát triển
là cần xem xét sự tương thích giữa các mục tiêu và cân bằng tổng thể của kinh tế
vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong
quá trình thực hiện quy hoạch.
– Phương pháp tiếp cận liên ngành được
sử dụng để tính hiệu quả kinh tế, xã hội tổng hợp cho từng ngành và sau đó tiến
hành so sánh giữa các ngành để lựa chọn ngành có hiệu quả cao nhất. Phương pháp
tiếp cận liên ngành sử dụng mô hình cân đối liên ngành để lượng hóa tác động của
mỗi ngành đối với tổng thể kinh tế, xã hội, rồi sau đó so sánh lựa chọn ngành.
Trong một số trường hợp có thể sử dụng phương pháp chồng lớp bản đồ, công cụ
GIS để lựa chọn, nhất là lựa chọn trong ngành lâm nghiệp và nông nghiệp. Ngoài
ra, có thể sử dụng thêm phương pháp chuyên gia, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa
đàm, tham vấn cộng đồng, các quy chuẩn, quy phạm ngành.
– Tiếp cận liên vùng, liên tỉnh được
sử dụng để xử lý các vấn đề liên vùng, liên tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển
bền vững, nâng cao hiệu quả phân bổ, khai thác, sử dụng hợp lý các yếu tố, điều
kiện, nguồn lực cho phát triển và bảo vệ môi trường có tính liên vùng, liên tỉnh.
– Tiếp cận hai chiều từ trên xuống, từ
dưới lên: Quy hoạch vùng phải cập nhật, cụ thể hóa các mục tiêu, phương án phát
triển của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành cấp quốc gia, mặt khác gắn
liền với những chủ trương, định hướng phát triển vùng; quá trình quy hoạch phải
đảm bảo luôn được thực hiện theo nguyên tắc hai chiều, từ trên xuống và từ dưới
lên.
– Tiếp cận đảm bảo nguyên tắc thị trường
được sử dụng để đảm bảo quá trình lập quy hoạch vùng sẽ không tính toán quy mô,
khối lượng các sản phẩm hàng hóa để đưa vào mục tiêu quy hoạch (chỉ đưa vào
trong quá trình phân tích). Chỉ xác định các chức năng sử dụng chung, không xác
định rõ tên dự án riêng theo chủ sở hữu. Các nội dung định hướng, dự báo, dự liệu
những khả năng có thể xảy ra là các nội dung có tính chất sử dụng để tham khảo
định tính, nắm bắt xu hướng như một yếu tố cấu thành để lựa chọn phương án tổng
thể. Phương pháp tiếp cận này cũng đảm bảo tính “thông qua” của các yếu tố luân
chuyển trong không gian quy hoạch, tạo thuận lợi cho quá trình liên kết và đảm
bảo tính tự điều chỉnh về “cung – cầu”.
– Tiếp cận hội nhập quốc tế, theo đó,
quy hoạch vùng là cơ sở, định hướng cho hội nhập quốc tế, đồng thời thích ứng với
yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước và tình hình thế giới. Quy hoạch vùng
trung du và miền núi phía Bắc phải gắn với hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực
vào nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và liên kết kinh tế quốc tế của vùng và
đất nước. Đồng thời, quy hoạch cũng cần bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế,
điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, từng bước tiếp cận và đáp ứng các tiêu
chuẩn, quy chuẩn quốc tế.
b) Yêu cầu đối với phương pháp lập
quy hoạch:
– Các phương pháp, công cụ được sử dụng
nhằm cung cấp những căn cứ, luận chứng khoa học cho việc đánh giá thực trạng, đối
sánh với quốc tế, dự báo bối cảnh, xác định mục tiêu, phương hướng và giải pháp
phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
– Các phương pháp, công cụ được áp dụng
bảo đảm cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá được các nhân tố phát triển trong
mối quan hệ động và có so sánh, cập nhật và bảo đảm tính khách quan trong
nghiên cứu.
– Phương pháp lập quy hoạch phải phù
hợp với thực tế của Việt Nam, tôn trọng và bảo đảm tính thị trường của các hoạt
động kinh tế – xã hội.
– Phương pháp lập quy hoạch bảo đảm cập
nhật, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình và bối cảnh mới trong và ngoài
nước; đồng thời phương pháp lập quy hoạch bảo đảm tính phản biện của cộng đồng.
– Các phương pháp lập hợp phần quy hoạch
phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia ban hành. Hệ thống chỉ tiêu sử
dụng trong quy hoạch cần mang tính tổng hợp, phản ánh được bản chất các vấn đề
kinh tế, xã-hội và môi trường, bảo đảm tính linh hoạt, đa dạng phù hợp với thực
tế và bối cảnh của kinh tế thị trường.
– Các phương pháp lập quy hoạch liên
quan đến vấn đề lượng hóa trong xử lý tổng hợp cần được xem xét trên nguyên tắc
hiệu quả cho toàn bộ hệ thống.
– Các phương pháp lập quy hoạch phải
căn cứ vào thực tiễn (tư liệu, số liệu tin cậy), phản ánh được yêu cầu thực tế
của vùng. Những thông tin cần thiết cho việc lập quy hoạch phải phù hợp và
tương thích với thông tin và chỉ tiêu kinh tế – xã hội hiện có.
– Thông tin phục vụ quy hoạch vùng phải
được thu thập từ các nguồn thông tin chính thống do các cơ quan có chức năng
cung cấp hoặc được cập nhật từ các nguồn thông tin đáng tin cậy.
c) Phương pháp lập quy hoạch:
– Phương pháp thống kê.
– Phương pháp khảo sát, tiếp cận thực
địa.
– Phương pháp thông tin địa lý, bản đồ
(GIS).
– Phương pháp tích hợp quy hoạch.
– Phương pháp phân tích hệ thống,
phương pháp so sánh, phương pháp chuyên gia và các phương pháp phân tích chuyên
ngành được sử dụng trong quá trình lập quy hoạch để phân tích sự vận hành tổng
thể nền kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc để chỉ ra các điểm mạnh, điểm
yếu, cơ hội, nguy cơ và thách thức đối với hiện trạng và phương án phát triển
kinh tế – xã hội của vùng trong thời kỳ quy hoạch.
– Phương pháp nghiên cứu mô hình được
sử dụng để dự báo các chỉ tiêu chính phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo bền
vững môi trường của vùng.
– Phương pháp mô hình hóa được sử dụng
để tiến hành dự báo các chỉ tiêu chính phát triển kinh tế – xã hội.
– Phương pháp chuyên gia và tham vấn
các bộ, ngành, các cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương (nếu cần thiết).
– Phương pháp lựa chọn ngành ưu tiên
đầu tư, ưu tiên phát triển.
4. Nội dung chính của
quy hoạch
Nội dung Quy hoạch vùng trung du và
miền núi phía Bắc phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định
số 37/2019/NĐ-CP trong đó bao gồm các nội dung chính sau:
a) Phân tích, đánh giá thực trạng các
yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng: Vị trí địa lý, điều kiện
tự nhiên của vùng; hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội; tài nguyên thiên
nhiên, môi trường; hệ thống đô thị, nông thôn; kết cấu hạ tầng; liên kết nội
vùng, liên kết vùng với khu vực và quốc tế; các nguồn lực của vùng đã và đang
được khai thác, các tiềm năng chưa được khai thác; các nguy cơ và tác động của
thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng; vị thế, vai trò của vùng đối với
quốc gia; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng.
b) Quan điểm và mục tiêu phát triển:
Quan điểm về phát triển vùng, tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh
tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài
nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ vùng trong thời kỳ quy hoạch; mục
tiêu tổng quát phát triển vùng trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 20 đến
30 năm; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh,
phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ
chức không gian phát triển vùng trong thời kỳ quy hoạch.
c) Phương hướng phát triển ngành có lợi
thế của vùng.
d) Phương án phát triển, sắp xếp, lựa
chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng.
đ) Phương hướng xây dựng hệ thống đô
thị, nông thôn và các khu chức năng.
e) Phương hướng phát triển kết cấu hạ
tầng.
g) Phương hướng bảo vệ môi trường,
khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng, chống thiên tai và ứng
phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng.
h) Danh mục dự án và thứ tự ưu tiên
thực hiện.
i) Xác định các giải pháp và dự kiến
nguồn lực thực hiện quy hoạch.
5. Hợp phần quy hoạch
và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch
– Hợp phần quy hoạch: Xây dựng 12 hợp
phần quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời
kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Phụ lục đính kèm).
– Lập báo cáo đánh giá môi trường chiến
lược quy hoạch vùng: Thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
và pháp luật về quy hoạch.
6. Thời hạn lập quy
hoạch
Bảo đảm đúng tiến độ Chính phủ giao tại
Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để
nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030.
7. Yêu cầu về thành
phần, số lượng, quy cách hồ sơ quy hoạch
a) Thành phần hồ sơ quy hoạch:
– Sản phẩm báo cáo quy hoạch:
+ Dự thảo văn bản trình thẩm định quy
hoạch.
+ Dự thảo văn bản trình phê duyệt quy
hoạch.
+ Dự thảo Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ về phê duyệt quy hoạch.
+ Các tài liệu có liên quan khác.
+ Báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch
kèm theo danh mục bản đồ khổ A3.
+ Báo cáo tóm tắt quy hoạch.
+ Báo cáo đánh giá môi trường chiến
lược quy hoạch.
+ Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến
góp ý về quy hoạch; bản sao ý kiến góp ý kèm theo.
+ Báo cáo thẩm định quy hoạch; bản
sao ý kiến của chuyên gia, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và tổ chức khác cỏ liên
quan; báo cáo phản biện của tư vấn phản biện độc lập (nếu có).
+ Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến
thẩm định.
+ Bản đồ quy hoạch, cơ sở dữ liệu về
quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc được lưu trong đĩa CD phải bảo đảm
theo yêu cầu chung của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
+ Các văn bản pháp lý, tài liệu liên
quan.
– Sản phẩm báo cáo hợp phần quy hoạch:
+ Báo cáo thuyết minh tổng hợp hợp phần
quy hoạch kèm theo danh mục bản đồ khổ A3.
+ Báo cáo tóm tắt hợp phần quy hoạch.
+ Bản đồ và cơ sở dữ liệu các hợp phần
quy hoạch.
+ Báo cáo thẩm định, bản sao ý kiến của
các đơn vị, cá nhân có liên quan.
+ Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến
thẩm định.
– Danh mục bản đồ:
+ Sản phẩm bản đồ: Hệ thống bản đồ
theo quy định tại Mục VIII Phụ lục I của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP .
+ Sản phẩm bản đồ thực hiện trên cơ sở
dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa và cập nhật theo quy định của Bộ
Tài nguyên và Môi trường.
+ Tỷ lệ bản đồ thực hiện theo đúng
quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP .
+ Các sản phẩm bản đồ giao nộp phải
được đóng gói, chuẩn hóa về định dạng GIS làm cơ sở để tích hợp vào hệ thống
thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Các đối tượng không gian phải
có thông tin mô tả cho đối tượng, tùy theo từng đối tượng cụ thể sẽ có các trường
thông tin thuộc tính khác nhau. Chất lượng phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản
trong biên tập, trình bày, in ấn bản đồ.
+ Đối với bản đồ và cơ sở dữ liệu quy
hoạch của các hợp phần quy hoạch phải đảm bảo theo yêu cầu và mục đích của các
nội dung được xác định tích hợp vào quy hoạch vùng.
b) Số lượng và quy cách hồ sơ quy hoạch:
– Số lượng hồ sơ: Đảm bảo đáp ứng yêu
cầu về việc xin ý kiến về quy hoạch, trình thẩm định, trình phê duyệt, công bố,
lưu trữ hồ sơ quy hoạch theo quy định của pháp luật.
– Quy cách hồ sơ:
+ Các văn bản, báo cáo, bản đồ về quy
hoạch bao gồm bản in màu và bản điện tử; kỹ thuật trình bày tuân thủ quy định của
pháp luật có liên quan.
+ Cơ sở dữ liệu về quy hoạch: Theo
yêu cầu chung của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; thể
hiện nội dung của quy hoạch trên bản đồ GIS để tích hợp vào hệ thống thông tin
và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch
8. Chi phí lập quy
hoạch
Thực hiện theo quy định của pháp luật
về đầu tư công, pháp luật về quy hoạch và các quy định của pháp luật khác có
liên quan.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt
tại Điều 1 của Quyết định này, Hội đồng Quy hoạch quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo
tổ chức lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm
nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các quy định của
pháp luật hiện hành.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm
chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh
trong vùng thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Lập, tổ chức thẩm định và phê duyệt
dự toán chi phí lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 –
2030, tầm nhìn đến năm 2050 (bao gồm cả dự toán lập báo cáo đánh giá môi trường
chiến lược quy hoạch vùng) theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật
về đầu tư công và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
b) Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét,
chấp thuận phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để lập Quy hoạch
vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
và lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch vùng theo Nghị quyết số
119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ.
c) Xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu các hợp
phần quy hoạch bảo đảm yêu cầu tích hợp vào quy hoạch vùng; triển khai lập quy hoạch
vùng trung du và miền núi phía Bắc theo quy định của pháp luật về quy hoạch và
nhiệm vụ lập quy hoạch vùng được phê duyệt, lập báo cáo đánh giá môi trường chiến
lược quy hoạch vùng, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 119/NQ-CP
ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ.
d) Trình cấp có thẩm quyền thẩm định
và trình phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 –
2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
3. Các bộ được Thủ tướng Chính phủ
giao tổ chức lập hợp phần quy hoạch tại Phụ lục kèm theo Quyết định này có
trách nhiệm đề xuất Viện nghiên cứu thuộc bộ tham gia lập hợp phần quy hoạch, gửi
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để xây dựng phương án lựa chọn nhà thầu trong
trường hợp đặc biệt; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo triển khai lập
hợp phần quy hoạch; tổ chức thẩm định hợp phần quy hoạch theo đúng quy định của
pháp luật về quy hoạch, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để tích hợp vào quy
hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm
2050.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương trong vùng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu
tư trong quá trình lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc; chủ động
phối hợp, cập nhật thông tin của Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc
thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện
quy hoạch tỉnh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy
định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
Điều 3. Hiệu lực
thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày
ký ban hành.
2. Hội đồng quy hoạch quốc gia; các Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
PHỤ LỤC
HỢP PHẦN QUY HOẠCH TÍCH HỢP VÀO QUY HOẠCH
VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI PHÍA BẮC THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT
Tên
hợp phần
Cơ
quan tổ chức thực hiện
1
Thực trạng và phương hướng tổ chức không
gian phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và khu vực khuyến
khích phát triển trên địa bàn vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021
– 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bộ Kế
hoạch và Đầu tư
2
Thực trạng và phương hướng tổ chức
không gian phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất,
khu công nghệ cao trên địa bàn vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ
2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
3
Thực trạng và phương hướng tổ chức
không gian phát triển các hành lang kinh tế, cực tăng trưởng và liên kết vùng
trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
4
Thực trạng và phương hướng khai
thác, sử dụng tài nguyên nước các lưu vực sông trên địa bàn vùng trung du và
miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bộ
Tài nguyên và Môi trường
5
Thực trạng và phương hướng bảo vệ
môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn vùng trung
du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
6
Thực trạng và phương hướng phát triển
bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển kết cấu hạ
tầng lâm nghiệp trên địa bàn vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021
– 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
7
Thực trạng và phương hướng phát triển
hệ thống đê điều, thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn
vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
8
Thực trạng và phương hướng xây dựng,
tổ chức không gian phát triển hệ thống đô thị, nông thôn trên địa bàn vùng
trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bộ
Xây dựng
9
Thực trạng và phương hướng tổ chức
không gian phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa
bàn vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm
2050
Bộ
Giao thông vận tải
10
Thực trạng và phương hướng liên kết
hạ tầng mạng lưới cấp điện, cung cấp năng lượng trên địa bàn vùng trung du và
miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bộ
Công Thương
11
Thực trạng và phương hướng tổ chức
không gian phát triển hệ thống du lịch, khu du lịch trên địa bàn vùng trung
du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
12
Thực trạng và phương hướng tổ chức
không gian phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trên địa bàn vùng
trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bộ
Thông tin và Truyền thông