Những lợi ích của việc đọc sách
Theo tổng kết của các nhà nghiên cứu, việc đọc sách mang lại 9 lợi ích sau đây: 1) Đọc sách giúp bạn nâng cao kiến thức bởi sách là nguồn tri thức vô tận về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của những người đi trước viết ra kể lại và truyền đạt cho chúng ta; 2) Đọc sách giúp bạn cải thiện sự tập trung và tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích bởi khi đọc sách toàn bộ tâm trí và các giác quan của bạn đều tập trung vào những kiến thức mà cuốn sách đang nhắc đến hay suy nghĩ theo dõi diễn biến tiếp theo của câu truyện mà không cần phải quan tâm tới mọi thứ xung quanh; 3) Đọc sách giúp bạn mở rộng vốn từ bởi đọc sách bạn học được cách diễn đạt, kể chuyện logic thu hút người nghe nhờ khả năng tư duy với vốn từ ngữ phong phú ấn tượng; 4) Đọc sách giúp bạn cải thiện trí nhớ bởi khi đọc sách, bạn phải ghi nhớ các nhân vật, thông tin về họ, hoài bão, lịch sử, sắc thái hay các tình tiết hình thành nên lối sống qua mỗi câu chuyện; 5) Đọc sách là một hình thức giải trí nên giúp bạn giảm căng thẳng. Có rất nhiều loại sách từ tiểu thuyết, tâm lý tình cảm cho đến truyện cười, truyện kể về cuộc đời của một người thú vị… các đầu sách này không quá nhiều kiến thức và bạn cũng không cần phả suy nghĩ quá nhiều mới có thể hiểu. Chúng giúp bạn giải trí và đem lại tiếng cười sự sảng khoái nhờ lối viết hóm hỉnh, tự nhiên mà chân thật. 6) Đọc sách giúp bạn có tinh thần phấn kích, tạo động lực tiếp tục làm việc và học tập hoặc giúp bạn những cách thức vượt qua áp lực của cuộc sống, có được tinh thần thư thái, vui vẻ, hạnh phúc,… 7) Đọc sách giúp bạn hoàn thiện kỹ năng viết bởi khi đọc sách bạn học được phong cách viết, sử dụng vốn từ của tác giả; 8) Đọc sách giúp bạn điều chỉnh được cảm xúc bản thân. Sách giúp bạn nhận thức được vấn đề đang xảy ra từ đó bạn có thể xác định, phân tích và nhìn nhận chính xác tình huống cũng như trạng thái hiện tại, qua đó, điều chỉnh cảm xúc của mình để có được những quyết định chính xác; 9) Đọc sách giúp bạn tạo dựng một thói quen lành mạnh, bổ ích và hạn chế những thói quen xấu như lười biếng, tư duy thụ động, thờ ơ vô cảm,…
Đọc sách có vai trò quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc, bởi sách có tầm quan trọng với con đường phát triển của nhân loại. Sách đã ghi chép, lưu truyền mọi tri thức, mọi thành tựu mà nhân loại đã tìm tòi, tích lũy được qua từng giai đoạn, từng thời kì lịch sử. Có thể xem những cuốn sách tốt, sách có gía trị là những cột mốc trên con đường phát triển tri thức của nhân loại. Sách là kho tàng quý báu lưu giữ di sản tinh thần của nhân loại đã thu lượm trong suốt chiều dài lịch sử. Đọc sách là một con đường gom góp, tích lũy nâng cao vốn tri thức hiểu biết của con người. Đối với mỗi con người, đó cũng là cách tốt nhất để tiếp nhận kinh nghiệm xã hội và kinh nghiệm sống. Ngoài ra, đọc sách còn là sự chuẩn bị hành trang để tiến hành cuộc rèn luyện lâu dài trên đường học vấn, tích lũy tri thức nhằm khám phá và chinh phục thế giới quanh ta.
Cần rèn luyện thói quen đọc sách
Rèn luyện thói quen đọc sách
Theo Charles Duhigg, tác giả cuốn Sức mạnh của thói quen cho rằng, thói quen được hình thành dựa trên một vòng lặp ba bước mà ông gọi là vòng lặp thói quen, bao gồm: sự gợi ý, hành động và phần thưởng. Trong đó, “sự gợi ý” như một nút bấm sẽ đưa não bộ vào trạng thái tự động và lựa chọn thói quen để vận hành, sau đó, một “hành động” có thể thuộc về thể chất, tinh thần hay cảm xúc sẽ diễn ra, cuối cùng, “phần thưởng” sẽ xuất hiện giúp não bộ xác định vòng lặp đó cần ghi nhớ để vận hành sau này hay không. Qua thời gian, vòng lặp đó trở nên tự động hóa và trở thành thói quen của con người. Khi thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, trở nên tự động và sẽ hình thành động lực to lớn, thôi thúc con người làm việc mà không cần tới bất cứ một sự ép buộc nào. Từ gợi ý của Charles Duhigg cho thấy thói quen đọc, nhất là đối với trẻ em nếu được hình thành sớm trong gia đình và nhà trường sẽ có tác động sâu sắc đến sự phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, cảm xúc, nhân cách của con người trong quá trình phát triển sau này.
Rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ em
Trong thời gian gần đây đã có một số cuộc hội thảo, tọa đàm, bài viết về nội dung “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ”, bước đầu đánh thức toàn xã hội về tầm quan trọng xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ em, đồng thời đã đề xuất một số giải pháp rất đáng được quan tâm trong việc khuyến khích, rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ em. Đặc điểm tâm lý của trẻ em là rất dễ làm quen với cái mới. Vì vậy, tạo thói quen mới cho con trẻ, trong đó có thói quen đọc sách là điều không khó. Vấn đề là trách nhiệm của gia đình, nhất là đối với bố mẹ nên vai trò của gia đình, bố mẹ là rất quan trọng trong việc rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ. Đây là một quá trình đòi hỏi cao tính kiên trì và khoa học.
Để làm được điều này, bố mẹ trước hết phải có nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò của việc đọc sách; tự mình phải có thói quen đọc sách làm tấm gương cho con trẻ. Bố mẹ cần tạo không gian đọc cho trẻ: vị trí đọc, ánh sáng, màu sắc, nhiệt độ, yên tĩnh…; lựa chọn các loại sách và thời gian đọc phù hợp cho từng lứa tuổi của trẻ; thường xuyên cho trẻ đi mua sách, đến thư viện, cùng trẻ đọc sách, dạy trẻ cách đọc, cách nhận xét, đánh giá cuốn sách sau khi đọc, hướng dẫn trẻ làm nhật ký đọc sách để viết ra những suy nghĩ của mình…; bố mẹ cần kịp thời ghi nhận những tiến bộ của trẻ nhằm khơi dậy cảm giác tự tin, thỏa mãn, hạnh phúc của trẻ, đồng thời nên có những phần quà vật chất cũng như tinh thần kịp thời cho trẻ. Để rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ, vai trò của gia đình rất quan trọng nhưng chưa đủ, cần phải có vai trò của nhà trường.
Thực tế đã cho thấy, nhà trường là môi trường rất hữu ích trong việc giúp cho trẻ rèn luyện thói quen đọc sách. Đã có nhiều kiến nghị, đề xuất đối với nhà trường cần hình thành tiết đọc sách trong khung giờ giảng dạy chính thức, hướng dẫn việc lựa chọn sách, cách đọc sách, tổ chức các hoạt động lan tỏa hoạt động đọc như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu sách, cảm nhận về sách, giới thiệu sách và giao lưu tác giả – bạn đọc; đầu tư cải tạo không gian thư viện nhà trường tạo sự hấp dẫn và thân thiện, đa dạng các đầu sách để học sinh lựa chọn… Sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường về rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ nhất định sẽ tạo được những thế hệ ham đọc sách. Đến lượt họ sẽ có tác động tích cực đến việc rèn luyện thói quen đọc sách cho thế hệ con cái của họ.
Gia đình luôn là nền tảng vững chắc nhất để con trẻ có thể vững vàng trong cuộc đời, đồng thời cũng là thành trì an toàn nhất bảo vệ con trẻ khỏi những cám dỗ trong cuộc sống. Nhà trường là môi trường quan trọng nhất để giúp con trẻ những kiến thức, kỹ năng, hình thành nhân cách của một con người, tạo điều kiện cho họ có khả năng thích ứng với cuộc sống trong một thế giới đầy biến động. Gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện thói quen đọc sách cho con trẻ, tạo những bước đầu tiên cho sự phát triển vững chắc sau này.
Rèn luyện thói quen đọc sách cho người lớn
Có thể nói việc rèn luyện thói quen đọc sách của người lớn nói chung hiện nay gặp không ít khó khăn. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: nền giáo dục mà họ thừa hưởng chưa thật sự quan tâm đến việc đọc sách cho học sinh; phần lớn trong số họ chưa hiểu hết những giá trị to lớn mà sách mang lại, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách; thiếu kỹ năng lựa chọn sách và kỹ năng đọc sách; ông bà, bố mẹ của họ hầu hết trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm nên không thể có điều kiện quan tâm đến việc đọc sách cho con cái; áp lực của cuộc sống trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; ngành xuất bản còn nhiều hạn chế, yếu kém, v.v.. Tuy nhiên, một khi người lớn được tuyên truyền, vận động, nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc đọc sách, những lợi ích từ việc đọc sách mang lại thì họ sẽ thắng được sức ì vốn có để đọc sách.
Vậy làm thế nào để người lớn rèn luyện thói quen đọc sách, nuôi dưỡng ham muốn đọc sách một cách lành mạnh? Muốn vậy, bạn đừng nóng vội đọc những cuốn sách có nội dung quá khó mà hãy bắt đầu từ những gì mình thích trước, có thể thu lượm được những điều mới mẻ, có ý nghĩa sau mỗi cuốn sách mình đã đọc. Bạn sẽ không thể rèn luyện được một thói quen lành mạnh khi đọc không có chủ đích. Nếu bạn đọc sách mà không ghi chép, không nghiền ngẫm thì bạn không thể rút ra được một ý chủ đạo nào, hoặc bạn đọc sách cho nó có thì cùng lắm bạn chỉ thu được một mớ thông tin rối bời, hoặc khi tâm trí đang muốn làm một việc khác mà vẫn phải đọc cho xong cuốn sách… Tất cả những trạng thái đó đều sẽ khiến việc đọc của bạn trở nên vô bổ và làm giảm bớt hứng thú đối việc đọc.
Lê Quý Đôn nói: “Đọc sách không cần nhiều, đọc một chữ đem áp dụng làm việc được một chữ, thế là được”. Vì vậy, đối với người lớn khi đọc sách nên theo nguyên tắc “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, bạn không nên tham đọc nhiều, đọc lung tung mà đọc phải chọn cho tinh, đọc cho kỹ, hiểu cho sâu những quyển sách thật sự cần thiết, thật sự có giá trị và thật sự hữu ích, nhất là cần đọc kỹ, hiểu sâu các cuốn sách, tài liệu cơ bản thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình; trong khi đọc các tài liệu chuyên sâu cũng lưu ý là không được quên đọc các loại sách phổ thông, thường thức, loại sách ở các lĩnh vực kề cận, gần gũi; bạn không nên đọc một cách tràn lan, tùy hứng mà cần phải đọc có kế hoạch và có hệ thống. Có thể xem đọc sách của người lớn không chỉ là việc học tập, tích lũy tri thức mà còn là chuyện rèn luyện tính cách, là chuyện học làm người, là một công việc rèn luyện, một cuộc chuẩn bị âm thầm và gian khổ, rất cần nghị lực.
Thực tiễn đã chứng minh rằng, bí quyết thành công của những người nổi tiếng trên thế giới như Warren Buffet, Bill Gates, v.v.. đều có chung một điểm là ham đọc sách. Ở Việt Nam, cuốn sách “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” của Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà cũng cho ta thấy điều đó. Cuốn sách này giúp bạn đọc, đặc biệt các bạn học sinh, sinh viên ra sức học tập và làm theo những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh, nhằm cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc, góp phần đưa dân tộc ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như Bác Hồ hằng mong muốn khi Người còn sống.
Văn hóa đọc là việc vận dụng các nhân tố văn hóa (giá trị, truyền thống, tập quán, thói quen, tâm lý…) vào hoạt động đọc của các chủ thể, là cái văn hóa mà các chủ thể đọc tạo ra trong quá trình đọc có tác dụng cổ vũ, lôi cuốn mọi người tạo lập thói quen, phương pháp lựa chọn và cách đọc sách có văn hóa. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, có một thực trạng rất đáng lo ngại là sự suy giảm của văn hóa đọc bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như: sự thiếu hụt về thời gian do áp lực ngày càng lớn của công việc, thói quen sử dụng smart phone và các thiết bị điện tử. Muốn nâng cao văn hóa đọc, trước hết phải rèn luyện để hình thành thói quen đọc của mỗi người, từ người lớn đến con trẻ. Trách nhiệm này phải là của toàn xã hội.
Việc hình thành và phát triển văn hóa đọc lành mạnh trong mỗi người có ý nghĩa vô cùng to lớn để tập hợp thành một bộ phận sức mạnh “mềm” của một quốc gia. Việc gia tăng sức mạnh này là chiến lược quan trọng để hoàn thành nhiều mục tiêu lớn, trong đó có nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Ngay từ ngày hôm nay, mỗi người chúng ta hãy nuôi dưỡng khát khao đối với việc đọc sách, hình thành thói quen đọc sách và rồi nó sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu, một nhu cầu lành mạnh, nó sẽ cho chúng ta hạnh phúc. Vì vậy, rèn luyện thói quen đọc sách của mỗi người là một trong những cách thức thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, góp phần hiện thực hóa Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017.
(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)