Nguyễn Thị Hân (Bắc Giang)
Sau nhiều năm lắng dịu, tưởng như loài rệp đã biến khỏi trái đất, nhưng gần đây tình trạng nhiễm rệp giường đã bùng phát trở lại ngay cả ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển như ở châu Âu… Tình trạng dơ bẩn không thu hút rệp mà rệp lại bị hấp dẫn bởi độ ấm của cơ thể và khí CO2 do con người tiết ra qua hơi thở. Rệp thường sống ở những nơi khó bị phát hiện như khe giường, chăn, chiếu, ghế nệm, kẹt ván gỗ, kẹt tủ…
Mặc dù rệp cắn thường không cần đến sự chăm sóc y tế đặc biệt nhưng chúng lại gây ra rất nhiều lo lắng, khó ngủ về đêm. Có thể tự điều trị các vết rệp cắn tại nhà nếu không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng hoặc phản ứng nghiêm trọng: Rửa tổn thương da bằng nước sạch và xà phòng để làm sạch vết cắn, ngăn ngừa nhiễm khuẩn da và giúp giảm ngứa. Nếu vết cắn ngứa nhiều, không nên gãi hay chà xát mạnh. Có thể dùng một loại kem có corticosteroid loại nhẹ để thoa lên vết cắn. Vết cắn của rệp thường lành tính và có thể biến mất sau 1-2 tuần.
Nên đến bác sĩ da liễu để khám và điều trị khi có nhiều vết cắn, nổi bóng nước, ngứa nhiều; vết cắn đau, chảy máu, phản ứng dị ứng da nặng (sưng đỏ, đau, phát ban lan rộng…).
Để phòng rệp cắn, biện pháp đơn giản nhất là giũ sạch giường, chiếu, nệm; gõ mạnh vạt giường xuống sàn để tìm và diệt rệp; lấy que khều bắt rệp ở các khe hở của giường. Sau đó, dùng nước sôi chế vào các khe, kẽ giường hoặc dùng que lửa hơ nóng để đốt chết rệp con và trứng. Giặt giũ quần áo, chăn nệm bằng nước nóng trên 50oC. Có thể dùng dipterex 2-3% hoặc pyrethrin 0,1-0,2% phun xịt vào những nơi có rệp. Chỉ phun 1 lần cũng có thể tiêu diệt được rệp nhưng nếu cần có thể thực hiện thêm lần thứ 2, cách lần thứ nhất tối thiểu 2 tuần.