Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là dạng nhân cách bất thường, đặc trưng bởi nỗi sợ bị bỏ rơi, cảm xúc không ổn định và mơ hồ về giá trị của bản thân. Chứng bệnh này thường phát triển ở người từng bị lạm dụng, bỏ rơi hoặc mồ côi bố mẹ từ khi còn nhỏ.
Rối loạn nhân cách ranh giới là gì?
Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder – BPD) là dạng rối loạn nhân cách phổ biến nhất với tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 2 – 5.9% dân số thế giới. Dạng rối loạn nhân cách này đặc trưng bởi sự nhạy cảm quá mức trong mối quan hệ cá nhân, luôn sợ hãi bị bỏ rơi, xung động mạnh và dao động tâm trạng lớn. Ngoài ra, người bị rối loạn nhân cách ranh giới còn mơ hồ về giá trị của bản thân và có tư duy đen – trắng.
Rối loạn nhân cách ranh giới chỉ được phát hiện khi bệnh nhân phát triển các vấn đề tâm lý, tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn lưỡng cực. Giống như các dạng nhân cách bất thường khác, BPD dễ bị nhầm lẫn với tính cách nhạy cảm thông thường. Chứng bệnh này được xếp vào rối loạn nhân cách nhóm B – nhóm đặc trưng bởi cảm xúc cường điệu, hành vi kịch tính, suy nghĩ nông cạn và tâm trạng không ổn định.
Nguy cơ phát triển dạng nhân cách này không có sự chênh lệch ở nam và nữ giới. Nếu không được điều trị, bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới sẽ có nguy cơ tự sát cao với tỷ lệ tương tự như trầm cảm. Mặc dù là bệnh mãn tính và tiến triển suốt đời nhưng rối loạn nhân cách ranh giới có thể được kiểm soát thông qua trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách ranh giới
Triệu chứng điển hình của rối loạn nhân cách ranh giới là sự mất ổn định (bất định) và nỗi sợ bị bỏ rơi. Ngoài tên gọi rối loạn nhân cách ranh giới, chứng bệnh này còn được gọi là rối loạn nhân cách thể bất định. Điều này nhấn mạnh tính không ổn định ở cảm xúc, hành vi và suy nghĩ (nhận thức).
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách ranh giới:
- Lo lắng, sợ hãi và nhạy cảm quá mức về việc bị bỏ rơi. Cảm giác lo sợ này kéo dài dai dẳng và bùng phát khi đối phương có những hành vi làm liên tưởng đến việc sẽ kết thúc mối quan hệ (từ chối gặp gỡ, ân ái, thiếu quan tâm,…)
- Bệnh nhân trở nên giận dữ tột độ khi đối phương đề nghị chấm dứt mối quan hệ. Một số người trở nên hoảng loạn, sợ hãi, gào thét, khóc lóc và đập phá đồ đạc.
- Nỗ lực níu kéo mối quan hệ bằng mọi cách như van nài, cầu xin, thậm chí đe dọa sẽ tự làm hại bản thân và tự sát nếu đối phương không chấp nhận tiếp tục mối quan hệ.
- Thay đổi quan điểm về người khác một cách đột ngột (tư duy trắng đen). Bệnh nhân có thể lý tưởng hóa và tâng bốc một người khi đối phương dành sự quan tâm, nuông chiều cho bản thân. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể ghét bỏ đối phương khi họ dành đủ sự quan tâm hoặc có những hành vi làm người bệnh không hài lòng.
- Bệnh nhân dễ tức giận và không kiềm chế được cơn giận. Người bệnh tỏ ra gay gắt, chì chiết, trách móc và thậm chí nhục mạ người khác chỉ vì đối phương không chấp nhận tiếp tục mối quan hệ hoặc từ chối, thoái thác yêu cầu của bệnh nhân.
- Mơ hồ về hình ảnh của bản thân, thường xuyên thay đổi về mục tiêu, khuynh hướng nghề nghiệp và các giá trị mà bản thân theo đuổi.
- Có cảm giác trống rỗng, lo âu từ sâu bên trong vì không thực sự nhận thức được vị trí và giá trị của bản thân
- Bệnh nhân vẫn có khả năng thấu cảm người khác nhưng chỉ khi người bệnh tin rằng người đó sẽ ở bên cạnh và chăm sóc họ.
- Khi tức giận, người bệnh thể hiện sự giận dữ một cách dữ dội qua biểu cảm khuôn mặt và lời nói cay nghiệt, đả kích. Tuy nhiên sau cơn giận, bệnh nhân thường có cảm giác xấu hổ và dằn vặt.
- Có xu hướng hủy hoại bản thân như bỏ công việc trong khi đang thăng tiến tốt, chủ động chấm dứt mối quan hệ có tiềm năng phát triển lâu dài, bỏ học ngay khi chuẩn bị tốt nghiệp,…
- Xung động lớn thôi thúc các hành vi tự gây tổn thương như rạch tay, tự đập đầu vào tường, gây bỏng bằng thuốc lá,…
- Ngoài ra, bệnh nhân có thể thực hiện các hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro trong cơn xung động như quan hệ tình dục không an toàn, lạm dụng chất, tiêu xài không tính toán, đua xe, đánh bài,… Những hành vi này thường được kích hoạt bởi việc bị đối phương từ chối và bỏ rơi.
- Dao động cảm xúc lớn, có thể hưng cảm quá độ vài ngày, sau đó trở nên lo âu và bồn chồn trong vài giờ đến vài ngày.
- Trong các cơn giận dữ và hoảng loạn, bệnh nhân có thể có biểu hiện rối loạn phân ly (tách rời thực tại) và hoang tưởng bị hại. Tuy nhiên, các triệu chứng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán là bệnh loạn thần, tâm thần phân liệt hay rối loạn phân ly.
Các triệu chứng của rối loạn nhân cách ranh giới có thể được gia đình, bạn đời phát hiện sau một khoảng thời gian chung sống. Do sự nhạy cảm quá mức và cảm xúc không ổn định nên bệnh nhân khó duy trì được mối quan hệ lâu dài. Những người có dạng nhân cách này có thể kết hôn nhưng thường sẽ ly hôn, ly thân do đối phương không chịu được tính cách bất thường của họ.
Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách ranh giới
Rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách ranh giới nói riêng đều có liên quan đến di truyền, bẩm sinh và tác động từ môi trường sống. Dù vậy, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể.
Thông qua những nghiên cứu đã thực hiện, các chuyên gia tìm thấy vai trò của những yếu tố sau trong cơ chế bệnh sinh:
1. Tổn thương não bộ trong thời kỳ chu sinh
Các chuyên gia cho rằng, tổn thương não trong thời kỳ chu sinh như chấn thương, viêm não,… có liên quan đến rối loạn nhân cách ranh giới – đặc biệt là tổn thương ở thùy trán. Tổn thương ở vị trí này là suy giảm khả năng kiểm soát cảm xúc và phán đoán. Ngoài ra, rối loạn chức năng điều hòa và rối loạn hệ thống neuropeptide cũng có liên quan đến việc phát triển các dạng nhân cách bất thường.
2. Sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu
Phần lớn những dạng nhân cách bất thường đều phát triển do sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu. Rối loạn nhân cách ranh giới có thể phát triển sau những sự kiện sang chấn như bị bỏ rơi, lạm dụng thể chất, tình dục, mồ côi,…
Những sang chấn này tạo nên nỗi sợ về việc bị bỏ rơi trong vô thức. Ngoài ra, những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ cũng khiến cho não bộ trở nên nhạy cảm và gặp vấn đề trong việc kiểm soát cảm xúc. Một số chuyên gia nhận thấy, cách giáo dục bảo bọc và nuông chiều quá mức cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của chứng rối loạn nhân cách ranh giới.
3. Di truyền
Rối loạn nhân cách ranh giới có thể di truyền từ gia đình. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên rõ rệt ở người có bị mẹ bị rối loạn nhân cách ranh giới, tiền sử gia đình lạm dụng chất và có các rối loạn khí sắc. Các nghiên cứu cũng cho thấy, nguy cơ bị rối loạn nhân cách ranh giới tăng lên gấp 5 lần khi bố mẹ, anh chị em ruột mắc chứng bệnh này.
Rối loạn nhân cách ranh giới có nguy hiểm không?
Tất cả các rối loạn nhân cách đều gây cản trở trong cuộc sống từ học tập, nghề nghiệp đến các mối quan hệ. Trong đó, rối loạn nhân cách ranh giới ảnh hưởng sâu sắc đến mọi khía cạnh do bản thân người bệnh mơ hồ về bản thân, luôn có cảm giác trống rỗng, nhạy cảm quá mức trong các mối quan hệ và không ý thức về mục tiêu, giá trị bản thân theo đuổi.
Bệnh nhân khó có thể duy trì mối quan hệ lâu dài do tính cách nhạy cảm và đòi hỏi sự chiều chuộng, quan tâm quá mức. Khi bị chối từ yêu cầu hoặc đòi hỏi nào đó, người bệnh trở nên tức giận, nóng nảy và liên tục mắng nhiếc, chì chiết đối phương. Ngoài ra, việc liên tục thực hiện các hành vi tự hủy hoại và đe dọa tự sát cũng khiến đối phương mệt mỏi và muốn chấm dứt mối quan hệ.
Những sự kiện sang chấn (bị bỏ rơi, từ chối,…) có thể kích thích xung động dẫn đến các hành vi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như ăn vô độ, tiêu xài phung phí, quan hệ tình dục không an toàn, đua xe, lạm dụng chất,… Những hành động này khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều hậu quả như nợ nần, chấn thương, tàn tật và có thể nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục.
Bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới thường thực hiện các hành vi tự hủy hoại để uy hiếp đối phương phải tiếp tục mối quan hệ hoặc để giải tỏa cảm xúc của bản thân. Mặc dù hành vi này không được thực hiện vì mục đích tự sát nhưng bệnh nhân có thể tử vong do mất máu, sốc nhiễm khuẩn.
Người bị rối loạn nhân cách ranh giới có cảm xúc không ổn định và liên tục phải đối mặt với các vấn đề về tài chính, công việc, các mối quan hệ,… dẫn đến tỷ lệ tự sát cao. Thống kê cho thấy, khoảng 8 – 10% bệnh nhân tự sát và nguy cơ cao gấp 40 lần so với những người khỏe mạnh.
Nếu được điều trị, rối loạn nhân cách ranh giới sẽ thuyên giảm dần theo thời gian và tỷ lệ tái phát khá thấp. Ngược lại, chứng bệnh này có thể phát triển nặng dần khi không được thăm khám. Ngoài những ảnh hưởng trên, rối loạn nhân cách ranh giới còn gia tăng các vấn đề như nghiện chất, rối loạn dạng cơ thể, loạn thần, trầm cảm và các vấn đề thể chất.
Chẩn đoán rối loạn nhân cách ranh giới
Rối loạn nhân cách ranh giới thường được chẩn đoán trước năm 40 tuổi. Trong đó, đa phần bệnh nhân chỉ thăm khám khi gặp phải các vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần như rối loạn dạng cơ thể, trầm cảm, loạn thần,…
Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách ranh giới được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng. Để có đánh giá khách quan, bác sĩ thường yêu cầu sự hỗ trợ của người thân (đặc biệt là bạn đời hoặc người yêu).
Rối loạn nhân cách ranh giới có đặc điểm của nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần như loạn thần, rối loạn lưỡng cực, chứng cuồng loạn Hysteria,… Do đó, các xét nghiệm cận lâm sàng và xét nghiệm hình ảnh sẽ được thực hiện để loại trừ những khả năng này.
Rối loạn nhân cách ranh giới cũng sẽ được phân biệt với các rối loạn nhân cách khác – đặc biệt là những dạng nhân cách bất thường nhóm B (đặc trưng bởi nhu cầu được quan tâm, chú ý, cảm xúc và hành vi kịch tính, không ổn định). Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành chẩn đoán biến chứng bệnh (nếu có).
Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách ranh giới
Rối loạn nhân cách ranh giới thường được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và hóa trị liệu. Kết hợp hai phương pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt, bệnh nhân có thể giảm bớt sự nhạy cảm, ổn định cảm xúc và có mục tiêu, nhận thức rõ ràng về giá trị của bản thân. Bên cạnh các phương pháp y tế, sự nâng đỡ từ gia đình và xã hội cũng có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị.
Các phương pháp điều trị được áp dụng cho người bị rối loạn nhân cách ranh giới:
1. Tâm lý trị liệu
Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị rối loạn nhân cách ranh giới. Mục tiêu của phương pháp này là kiểm soát xung động và giúp bệnh nhân kiềm chế cơn giận. Đồng thời giảm bớt sự nhạy cảm và sợ hãi về việc bị bỏ rơi và chỉ trích.
Liệu pháp tâm lý còn giúp bệnh nhân phát triển các kỹ năng xã hội để tăng khả năng thích nghi. Bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới thường mơ hồ về hình ảnh của bản thân nên không có mục tiêu rõ ràng. Vì vậy, trong quá trình trị liệu, chuyên gia cũng sẽ giúp bệnh nhân nhận thức đúng đắn về bản thân, có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng trong cuộc sống.
Tâm lý trị liệu là lựa chọn đầu tay khi điều trị rối loạn nhân cách ranh giới. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân hoảng loạn, kích động và liên tục thực hiện hành vi tự hủy hoại, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội trú trong một thời gian để ổn định lại tinh thần trước khi trị liệu. Trị liệu tâm lý cho hiệu quả cao nhưng mất nhiều thời gian (khoảng 20 tuần) nên gia đình cần động viên bệnh nhân kiên trì trị liệu.
Các phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới:
- Liệu pháp nhận thức hành vi
- Liệu pháp hành vi biện chứng
- Liệu pháp phân tâm học
- Liệu pháp lược đồ (Schema Therapy)
Các liệu pháp tâm lý có thể giải quyết hoặc giảm bớt những bất thường trong cảm xúc, tư duy, hành vi của bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới. Điều này sẽ giúp người bệnh dễ dàng thích nghi và giảm các vấn đề, trở ngại trong cuộc sống.
2. Sử dụng thuốc
Không có loại thuốc nào được khuyến khích sử dụng trong điều trị rối loạn nhân cách ranh giới. Tuy nhiên, thuốc có thể được sử dụng để giảm một vài triệu chứng do BPD gây ra như cảm xúc không ổn định, loạn thần, trạng thái phân lý, stress,… Thuốc cũng được chỉ định trong hầu hết trường hợp có bệnh đồng mắc như trầm cảm, rối loạn lo âu,…
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn nhân cách ranh giới:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) như Sertraline, Fluoxetine,…
- Thuốc điều chỉnh khí sắc như Carbamazépine, Lithium,…
- Thuốc chống loạn thần như Olanzapine, Clozapine,…
- Thuốc an thần nhóm benzodiazepine
- Thuốc kháng histamine H1 có tác dụng an thần như Promethazine
- Thuốc đối kháng opioid như Naltrexone,…
Điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới không có phác đồ cụ thể mà sẽ được điều chỉnh tùy theo triệu chứng bệnh nhân gặp phải. Mặc dù mang lại hiệu quả nhưng dùng thuốc tiềm ẩn nhiều rủi ro nên bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định.
3. Chế độ chăm sóc
Người bị rối loạn nhân cách ranh giới khó kiểm soát cảm xúc giận dữ và dễ căng thẳng do tính cách nhạy cảm quá mức. Vì vậy, bệnh nhân cần có biện pháp chăm sóc để hỗ trợ các phương pháp y tế. Ngoài ra, gia đình cũng cần xây dựng môi trường sống lành mạnh để bệnh nhân thay đổi tính cách theo chiều hướng tích cực.
Các biện pháp chăm sóc cho bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới:
- Giữ không khí gia đình hạnh phúc, ấm êm, thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu đối với người bệnh. Tuy nhiên, không nên thể hiện sự nuông chiều và quan tâm thái quá.
- Hạn chế tối đa mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống.
- Can thiệp thêm một số liệu pháp hỗ trợ như ngồi thiền, tập yoga, âm nhạc trị liệu, liệu pháp mùi hương,… để học cách kiểm soát cơn giận và giảm các hành vi tự hủy hoại.
- Duy trì lối sống lành mạnh, tránh xa bia rượu, thuốc lá và chất kích thích.
- Hạn chế đồ uống chứa caffeine vì caffeine có thể gia tăng mức độ căng thẳng, lo âu.
- Gia tăng nhận thức của người bệnh về hậu quả của những hành vi trong cơn xung động như quan hệ tình dục không an toàn, đua xe, tiêu xài phung phí, cờ bạc,…
- Định hướng bệnh nhân xây dựng mục tiêu và kế hoạch rõ ràng để có động lực trong cuộc sống.
- Có thể tham gia các hoạt động thiện nguyện để khơi gợi lòng trắc ẩn, học cách cảm thông với cảm xúc của người khác và hiểu hơn cảm xúc của chính mình.
Rối loạn nhân cách ranh giới chiếm khoảng 30 – 60% trong tổng số bệnh nhân bị rối loạn nhân cách. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh khá cao nhưng hiểu biết của cộng đồng về chứng bệnh này còn hạn chế. Điều này khiến cho bệnh nhân không được phát hiện sớm và phải đối mặt nhiều ảnh hưởng về sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống.