Rối loạn tiền đình uống thuốc gì?

1. Rối loạn tiền đình là gì?

Hệ thống tiền đình có chức năng chính là giữ thăng bằng cho cơ thể khi thực hiện các động tác chuyển động như: Xoay người, cúi người, di chuyển… được điều khiển bởi các nhóm thần kinh trong não.

Rối loạn tiền đình không phải là một bệnh mà là một hội chứng, báo hiệu nguy cơ của một bệnh lý nào đó. Rối loạn tiền đình chỉ là một trong những lý do của biểu hiện mất thăng bằng, buồn nôn, nôn, chóng mặt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình, một số chưa rõ, tùy theo triệu chứng.

Bệnh nhân hay gặp các triệu chứng: Mất thăng bằng, đi không vững, cảm giác chóng mặt, mọi vật xung quanh đang quay hay di động; đầu lâng lâng, muốn ngã, xỉu, yếu, mệt, kém tập trung; mắt mờ khi quay cổ hay cử động đầu, buồn nôn, ói mửa…

Rối loạn tiền đình là gì? Ai dễ mắc và điều trị thế nào? - Ảnh 1.

Cấu trúc hệ thống tiền đình.

2. Ai dễ mắc rối loạn tiền đình?

Rối loạn tiền đình có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người trưởng thành, càng nhiều tuổi thì tỉ lệ gặp phải hội chứng ngày càng cao hơn.

Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh:

  • Người làm việc văn phòng, những người ngồi nhiều trong phòng lạnh và tiếp xúc thường xuyên với máy tính.
  • Người làm việc trong môi trường ồn ào, áp lực trong công việc, cuộc sống… nhất là những người phải làm việc một chỗ, không gian kín, ít di chuyển, ít vận động.
  • Người bị thoái hóa cột sống cổ nặng chèn ép động mạch đốt sống gây thiếu máu vận chuyển nuôi vùng não thuộc hệ sống nền như thân não, tiểu não, dẫn đến rối loạn tiền đình…

3. Điều trị rối loạn tiền đình thế nào?

Rối loạn tiền đình là một hội chứng, không phải là một bệnh lý, nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Cần phải tìm nguyên nhân gây ra hội chứng này để điều trị căn nguyên.

Rối loạn tiền đình là gì? Ai dễ mắc và điều trị thế nào? - Ảnh 2.

Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, đứng không vững… là biểu hiện của rối loạn tiền đình.

Khi có những triệu chứng như chóng mặt, ù tai, đi đứng không vững, nghi ngờ rối loạn tiền đình, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và xác định chính xác nguyên nhân để từ đó có hướng chữa trị thích hợp, càng sớm càng tốt. Đặc biệt cần khảo sát kỹ hệ mạch đốt sống thân nền. Trong một khảo sát gần đây, gần 30% các bệnh nhân hẹp tắc động mạch thân nền gây nhồi máu thân não, tiểu não có triệu chứng tiền đình trước đó một thời gian dài.

Trong mọi trường hợp, khi xảy ra chóng mặt cấp tính (triệu chứng hay gặp của hội chứng tiền đình) cần phải điều trị triệu chứng vì dù cho các cơn chóng mặt có thể tự khỏi nhưng bệnh nhân rất khó chịu và sợ hãi vì các triệu chứng này.

Việc sử dụng thuốc phải được tư vấn của các bác sĩ lâm sàng.

Một số thuốc sau đây thường được sử dụng:

– Các thuốc thuộc nhóm kháng histamin:

Các thuốc như: Promethazine, dimenhydrinate, scopolamine… có thể làm giảm ngay triệu chứng chóng mặt, chống nôn nhưng tác dụng phụ là buồn ngủ ngây ngất:

Cinnarizin là thuốc kháng histamin H1, được chỉ định điều trị choáng váng, chóng mặt, ù tai do rối loạn tiền đình. Thuốc cũng có thể được dùng để kiểm soát các cơn say tàu xe… nhưng thuốc có thể gây buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa. Để giảm các tác dụng phụ này, nên uống thuốc sau khi ăn no.

– Thuốc làm giảm chóng mặt, buồn nôn:

Acetyl leucin là hoạt chất có tác dụng điều trị các triệu chứng của rối loạn tiền đình như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn. Tuy nhiên thuốc có tương tác với một số thuốc khác, do đó bệnh nhân không nên tự ý dùng trước khi có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh và kê đơn thuốc.

– Nhóm thuốc ức chế calci:

Flunarizin có tác dụng phòng ngừa và điều trị triệu chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình, giúp giảm đau nửa đầu, thiểu năng tuần hoàn não. Tuy nhiên, thuốc lại có thể làm gia tăng triệu chứng trầm cảm, buồn ngủ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tiêu hóa và gia tăng bệnh Parkinson ở người bệnh Pakinson. Do đó thuốc cần được bác sĩ kê toa và kiểm soát quá trình uống thuốc cho bệnh nhân.

– Nhóm benzodiazepines (diazepam):

Là thuốc an thần giúp bệnh nhân giảm lo lắng, trấn tĩnh nhẹ, có thể kê đơn cho bệnh nhân dùng trong những ngày đầu để giảm lo lắng. Tuy nhiên, thuốc dùng lâu dài có thể gây quen và lệ thuộc thuốc. Do đó nhóm thuốc này cần được kiểm soát chặt khi kê đơn và bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh lạm dụng thuốc, dẫn đến lệ thuộc.

– Điều trị hỗ trợ, tăng tuần hoàn não:

Có thể bổ sung dùng gingkor giloba, piracetam…

Mặc dù chóng mặt ít khi là triệu chứng của bệnh lý trầm trọng, nhưng nếu thấy xuất hiện một trong những triệu chứng sau đây thì nên đến gặp bác sĩ ngay để được khám và xác định nguyên nhân: Chóng mặt kèm đau đầu đột ngột; mờ mắt, nhìn không rõ sự vật, nhìn đôi, mất thị lực, giảm thính giác, mất định hướng thời gian, không gian, nói khó khăn, chóng mặt, lảo đảo, muốn té… đau tức ngực, nhịp tim bất thường. Các triệu chứng đó có thể là báo hiệu cho những bệnh lý nặng như: U não, đột quỵ não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng

Điều trị rối loạn tiền đình chủ yếu là điều trị nội khoa và hoàn toàn phải do bác sĩ chỉ định về chế độ thuốc men và thời gian uống thuốc, thời gian điều trị. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về uống hoặc nghe theo các biện pháp dân gian để tự điều trị. Đặc biệt là phải tuân thủ đúng chế độ y lệnh của bác sĩ, có như thế mới có thể đạt được hiệu quả và đề phòng tái phát, nhất là với rối loạn tiền đình ngoại biên.

4. Tránh cơn chóng mặt kịch phát do rối loạn tiền đình bằng cách nào?

– Để tránh những cơn chóng mặt kịch phát, bệnh nhân cần tránh các tư thế gây chóng mặt, như: Không ngồi liên tục quá lâu, nhất là ngồi máy tính; tránh quay cổ hoặc đứng lên, ngồi xuống quá nhanh; tránh leo trèo cao, tránh đọc sách báo khi đang ngồi xe; tránh căng thẳng, lo âu, hoảng hốt… thái quá; nên ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt.

– Tránh dùng những thức ăn – uống quá ngọt hoặc quá mặn quá sẽ làm tăng thể tích dịch của cơ thể và tai trong, vì khi có sự thay đổi về thể tích dịch trong thành phần của tai trong (tăng hay giảm) có thể gây khởi phát cơn chóng mặt.

– Tránh uống cà phê hoặc đồ uống có cồn vì sẽ làm ù tai nặng hơn, gây lợi tiểu mất nước. Tránh những loại thực phẩm có chứa acid amin tyramine: Rượu vang đỏ, gan gà, thịt xông khói, sữa chua, chocolate, chuối, cam, quýt, sung, phô mai, các loại hạt…

– Tránh một số thuốc có thể làm nặng thêm các triệu chứng rối loạn tiền đình như: Aspirin làm ù tai nhiều hơn; steroids gây giữ nước làm rối loạn điện giải; chất nicotin trong thuốc lá gây biến chứng vữa xơ hẹp mạch máu, làm tăng huyết áp, giảm máu đến vùng tai trong…

Mời độc giả xem thêm video:

Hướng dẫn tự lấy mẫu dịch tỵ hầu xét nghiệm Covid-19 tại nhà

Rate this post

Viết một bình luận