Rụng tóc từng mảng (Alopecia Areate)

Rụng tóc từng mảng là kiểu tóc rụng đột ngột từng cụm tròn, tạo ra các mảng da đầu nhẵn không sẹo.

Rụng tóc từng mảng, hay rụng tóc từng vùng, là dạng rụng tóc rất phổ biến ở người. Có tới 2% dân số thế giới từng bị rụng tóc từng mảng ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, bất kể giới tính. Bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến tóc mà còn có thể tác động lên các loại lông và móng trên cơ thể; ví dụ như nữ giới có thể bị rụng tóc, lông mày, lông mi…, ở nam thì có thêm phần râu. Về mặt y học, rụng tóc từng mảng không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bệnh sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lý và cảm xúc của bệnh nhân và gia đình người bệnh.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rụng tóc từng vùng là một loại bệnh tự miễn phức tạp, tức là hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công các nang tóc, gây ra bệnh rụng tóc. Những đặc điểm của bệnh này là đột ngột khởi phát, rụng tóc không sẹo và không làm tổn hại nang tóc.

Chính vì nang tóc còn nguyên vẹn, nên sau khi rụng, tóc có thể tự mọc trở lại trong vòng một năm mà không cần điều trị đối với phân nửa số bệnh nhân. Tuy nhiên điều này không chắc chắn sẽ xảy ra và cũng không thể dự đoán trước thời điểm chính xác mà tóc sẽ mọc lại. Sau khi điều trị, bệnh rụng tóc từng mảng vẫn có khả năng tái phát.

Bệnh này không phân biệt giới tính hay độ tuổi, dù là nam hay nữ, ở bất kỳ thời điểm nào cũng đều có khả năng khởi phát bệnh. Những đặc điểm phổ biến của bệnh nhân rụng tóc từng mảng là:

  • Đa phần là bệnh nhân trẻ: Có gần một nửa số bệnh nhân mắc bệnh rụng tóc từng mảng nằm ở độ tuổi nhỏ hơn 21, độ tuổi dễ mắc bệnh nhất là từ 15-29 tuổi. Bên cạnh đó, 20% bệnh nhân khởi phát bệnh ở tuổi 40. Bệnh này có xu hướng xuất hiện từ lúc nhỏ nhưng thực tế nó có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời bạn. Có những ca bệnh bộc phát khi còn nhỏ, tự khỏi sau đó tái phát ở độ tuổi trưởng thành.
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh tự nhiễm hoặc bị rụng tóc từng mảng: Nếu trong gia đình có thành viên mắc bệnh thì khả năng bị rụng tóc của người bệnh sẽ cao hơn, theo thống kê khoảng 20% bệnh nhân mắc bệnh có người nhà gặp tình trạng tương tự.
  • Cá nhân người bệnh mắc bệnh tự miễn hoặc bị dị ứng.

Bạn có thể nhận ra mình có triệu chứng của rụng tóc mảng thông qua các dấu hiệu sau:

  • Tóc rụng từng cụm – thường rụng không cân xứng, chỉ tập trung vào một bên đầu: Tóc rụng đột ngột và theo từng cụm, tạo ra những mảng trống hình tròn hoặc hình bầu dục. Bên trong vùng rụng tóc hoàn toàn không có tóc. Da đầu nhẵn, trông bình thường, không đỏ, không kích ứng (trừ một số trường hợp đặc biệt). Kích cỡ của các mảng da đầu không cố định, có thể to hoặc nhỏ và có thể có vài mảng rụng cùng một lúc. Các mảng tóc rụng không phân bổ đều và đối xứng, thường chỉ tập trung ở một bên đầu. Đây là những dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh rụng tóc từng mảng. Lưu ý, hiện tượng rụng lông-tóc này có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận có lông nào khác trên cơ thể (cằm, chân, tay, lông mày…), mặc dù nó hay xuất hiện ở vùng đầu nhiều hơn.

Rụng tóc từng mảng, không đối xứng
Tóc rụng thành một hoặc nhiều cụm đơn lẻ – không đối xứng

  • Có sự tiến triển: Rụng tóc từng mảng có tính tiến triển, mặc dù không thể dự đoán trước tình trạng rụng tóc sẽ thay đổi như thế nào. Tóc có thể rụng thêm khiến mảng tóc rụng lan rộng, hoặc mọc lại tại chính vị trí đã rụng sau khoảng vài tháng; hoặc có thể sẽ có thêm các mảng tóc rụng mới sau những quãng thời gian khác nhau. Các mảng trống cũng có thể “kết nối” và tạo ra mảng tóc rụng to hơn. Trong một số trường hợp, tình trạng này còn tiến triển thành rụng tóc toàn phần (alopecia totalis) hoặc rụng tóc toàn bộ (alopecia universalis), tức là khi tình trạng mất lông-tóc lan ra toàn bộ đầu hoặc trên toàn cơ thể, tuy nhiên tỉ lệ bệnh nhân gặp trường hợp này là rất hiếm, chỉ khoảng 1% trên tổng số các ca bệnh.
  • Sợi tóc hình “dấu chấm than – !”: Sợi tóc hình chấm than là những sợi tóc vô cùng ngắn (~4mm) có ngọn to, gốc bé. Phần ngọn mọc xa da đầu thì to đen, còn càng gần về phía gốc thì sợi tóc càng mảnh nhỏ lại, trông giống hình dấu chấm than. Khó có thể quan sát loại tóc này bằng mắt thường mà phải nhờ đến các công cụ phóng đại hỗ trợ. Loại tóc này có thể xuất hiện ở phần rìa xung quanh vùng rụng tóc trong giai đoạn cấp tính của bệnh, tức vài tuần đến vài tháng sau khởi phát bệnh. Đối với bệnh nhân đã bị rụng tóc từng mảng trong quãng thời gian vài năm, thì không thể quan sát thấy loại tóc này.

ch717 fig2
Tóc hình chấm than

  • Biểu hiện bất thường ở móng: Đôi khi, những dấu hiệu sớm nhất của rụng tóc mảng lại xuất hiện ở móng tay. Những biểu hiện ở móng bao gồm: xuất hiện những vết lõm, sọc ngang dọc và có đốm trắng, móng bị ráp thô + mất đi độ sáng bóng, móng trở nên mỏng giòn, dễ gãy hơn.
  • Tóc trắng thường không bị tác động: Tóc trắng (không màu) thường không bị ảnh hưởng bởi chứng rụng tóc từng mảng. Bệnh nhân có tóc hoa râm, mái tóc pha trộn giữ tóc đen và tóc trắng, thì khi mắc bệnh rụng tóc mảng, tóc đen sẽ bị tấn công và rụng đi, để lại mái tóc trắng mỏng và thưa. Nguyên nhân cho tình trạng này có thể là do hệ miễn dịch tấn công vào vùng nang tóc trong giai đoạn sản sinh sắc tố.

mong
Móng bị ảnh hưởng trong rụng tóc từng mảng

Bệnh rụng tóc từng mảng đa phần không có biểu hiện sớm, tóc thường rụng hoặc trở nên thưa thớt một cách đột ngột. Một số bệnh nhân có cảm giác rát, châm chích ở vùng rụng tóc.

Rụng tóc từng vùng được chia thành các loại:

  • Rụng tóc đám, mảng: tóc sẽ rụng thành một hoặc nhiều mảng riêng biệt, hoặc nhiều mảng tóc rụng liên kết chồng chéo với nhau. Đây là kiểu rụng phổ biến nhất.

Sau đó là tới các kiểu rụng ít gặp hơn và cũng là dạng nặng hơn của căn bệnh này.

  • Rụng kiểu rắn bò (Ophiasis): Tóc rụng thành dạng như hình băng đô hoặc thành dải kéo dài từ thái dương vòng xuống phần gáy.
  • Sisaipho (viết đảo ngược của Ophiasis): Một dạng hiếm của rụng tóc mảng, tóc chỉ rụng ở đỉnh đầu, phần tóc ở thái dương và phần gáy không bị ảnh hưởng.
  • Rụng toàn phần (Alopecia totalis): Tóc rụng trên toàn bộ da đầu, dẫn đến mất gần như toàn bộ hoặc toàn bộ tóc trên đầu.
  • Rụng toàn thân (Alopecia universalis): Đây là tình trạng rụng lông-tóc trầm trọng, phạm vi trên toàn bộ cơ thể.
  • Rụng tóc khuếch tán (Difuse alopecia areata hoặc Alopecia areata incognita): Đây là dạng hiếm gặp của bệnh rụng tóc mảng, xuất hiện chủ yếu ở bệnh nhân nữ trẻ tuổi. Kiểu rụng tóc này không có biểu hiện đặc trưng của rụng tóc từng mảng, tóc không rụng theo từng cụm, mà rụng đột ngột trên toàn bộ đầu, dẫn đến mái tóc thưa thớt, rất giống với bị hói.
  • Hội chứng Marie Antoinette: tóc bạc trắng đột ngột “chỉ sau một đêm”.

phan loai
Phân loại rụng tóc từng mảng: (a): rụng tóc ophiasis; (b): rụng tóc sisaipho; (c): rụng tóc toàn phần; (d) rụng tóc khuếch tán

Trong bệnh rụng tóc từng mảng, xung quanh nang tóc nằm sâu bên dưới da xuất hiện hiện tượng sưng viêm. Sự sưng viêm này khiến cho nang không thể tiếp tục nuôi dưỡng sợi tóc, khiến sợi tóc bị rụng khỏi đầu, hoặc làm sợi tóc yếu dẫn đến đứt gãy. Nguyên nhân gây ra tình trạng sưng viêm vẫn chưa được xác định cụ thể, tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống miễn dịch chính là thủ phạm đứng sau hiện tượng này. Trong đó, hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể, bình thường bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và các bệnh khác, nay xác nhận tóc là vật thể cần tiêu diệt và tự quay sang tấn công sợi tóc đang mọc.

Vì trong quá trình này, tế bào gốc để sản sinh sợi tóc mới không bị tổn thương vĩnh viễn, vậy nên nếu có thể làm cho hết viêm, thì tóc có thể mọc trở lại từ những nang tóc cũ. Đây cũng là cơ chế của hầu hết các phương pháp điều trị bệnh rụng tóc từng mảng.

Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh rụng tóc từng mảng là phản ứng tự miễn dịch tác động nên nang tóc, gây ra bởi cả yếu tố di truyền và môi trường.

Yếu tố di truyền

Theo nghiên cứu quan sát, bệnh rụng tóc từng mảng có tỉ lệ liên quan cao tới di truyền, với con số cụ thể là từ 10-42%. Vào năm 2011, một báo cáo đã chỉ ra có một số lượng gen nhất định (8-16 gen) quy định việc liệu một người có mắc chứng rụng tóc từng mảng hay không. Trong đó, vùng kháng nguyên bạch cầu người lớp II (Human leukocyte antigen class II) nằm trên nhiễm sắc thể số 6 là vùng có khả năng cao nhất chứa các gen quy định khả năng mắc bệnh này ở mỗi người. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rụng tóc từng mảng là bệnh di truyền đa gene phức tạp.

Nhìn chung, bệnh nhân trưởng thành có người nhà mắc bệnh rơi vào khoảng 0-8,6%, trong khi trẻ em bị rụng tóc mảng có người nhà mắc bệnh chiếm từ 10-51,6%. Một nghiên cứu phát hiện ra bệnh nhân nam có tỉ lệ người thân bị rụng tóc cao hơn bệnh nhân nữ.

Yếu tố môi trường

Các gen gây ra rụng tóc từng mảng vốn dĩ đã nằm trong cơ thể bệnh nhân ngay từ khi mới chào đời, tuy nhiên, có những người sẽ khởi phát bệnh tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ, còn những người khác có thể cả đời không mắc bệnh. Để lý giải cho điều trên, người ta đưa ra giả thuyết là do sự tác động của môi trường xung quanh. Yếu tố môi trường có thể kích hoạt bệnh rụng tóc từng mảng, và-hoặc làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Stress – căng thẳng thường được ghi nhận là nguyên nhân gây bệnh, mặc dù chưa có kết luận cụ thể. Các yếu tố môi trường gây stress khác trong rụng tóc mảng có thể bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Tiêm vác-xin
  • Hormon thay đổi
  • Chế độ ăn

Tuy nhiên, tác động cụ thể đến từ các yếu tố này đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Đại đa số bệnh nhân mắc bệnh rụng tóc từng mảng (ít nhất là một nửa số bệnh nhân) có thể tự mọc tóc trở lại một cách ngẫu nhiên trong vòng một năm, vậy nên việc lựa chọn không chữa trị là phương án hoàn toàn hợp lý đối với nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể tái phát nhiều lần, không khỏi dứt điểm và có thể tiến triển nặng hơn. Trong trường hợp rụng tóc lan toàn da đầu hoặc gặp những dạng nặng của bệnh, thì bệnh nhân khó có thể tự hồi phục. Việc điều trị có khả năng giúp rút ngắn thời gian tóc mọc trở lại và ngăn các đợt rụng tóc mới trong tương lai. Bệnh nhân nên trao đổi kỹ với bác sĩ về các yếu tố tiên lượng xấu và khả năng tái phát của bệnh, để nắm rõ bệnh tình và đưa ra quyết định hợp lý cho bản thân.

Các yếu tố tiên lượng xấu bao gồm:

  • Khởi phát khi còn nhỏ: bệnh rụng tóc mảng ở trẻ 1-5 tuổi thường khó chữa hơn ở người lớn, tất nhiên vẫn có ngoại lệ.
  • Bệnh tiến triển nặng hơn, trở thành rụng tóc toàn phần, rụng tóc toàn bộ, rụng tóc rắn bò…
  • Xuất hiện dấu hiệu ở móng tay
  • Tóc rụng hơn 1 năm mà chưa mọc lại
  • Rụng tóc trước khi dậy thì
  • Gia đình có người mắc bệnh rụng tóc từng vùng
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh tự miễn
  • Có hội chứng Down

Có rất nhiều phương pháp để điều trị rụng tóc mảng, nếu kể ra hết thì có thể lên đến 20-30 phương pháp các loại. Tuy nhiên đây đều là các biện pháp off-label, tức là sử dụng thuốc hay công cụ khác với chỉ dẫn in trên bao bì. Hiện vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu để đối phó với bệnh này. Thêm vào đó, do tóc có thể tự mọc lại nên cũng gây khó khăn trong việc đánh giá mức độ hiệu quả của quá trình điều trị. Bài viết sẽ liệt kê một số phương pháp điều trị phổ biến của chứng rụng tóc từng mảng.

Liệu pháp điều trị Corticosteroid (Corticoid)

Có hai cách sử dụng corticosteroid: tiêm hoặc bôi ngoài da.

Cortisteroid bôi ngoài da thường chỉ được chỉ định cho các ca mắc bệnh ở trẻ nhỏ, liều lượng sẽ được bác sĩ điều chỉnh tùy theo mỗi ca bệnh cụ thể. Cơ chế của thuốc là chặn đứng quá trình sưng viêm và đẩy nhanh quá trình hồi phục của nang tóc bị ảnh hưởng. Kết quả của phương pháp này không nhất quán, nhưng ước tính khoảng 57% bệnh nhân đã mọc lại tóc hoàn toàn trong quá trình chữa bệnh.

Phương pháp tiêm corticosteroid thì được chỉ định khi tổng diện tích tóc rụng tùng vùng không vượt quá 50% diện tích đa đầu. Kết quả mà phương pháp này mang lại cũng khả quan hơn một chút, với 63% bệnh nhân hồi phục hoàn toàn chỉ trong vòng 4 tháng.

Nhược điểm của phương pháp này:

  • Có tác dụng phụ
  • Liều cao mới có tác dụng mọc tóc, nhưng liều càng cao thì càng dễ gặp tác dụng phụ
  • Phần lớn bệnh nhân tái phát sau khi ngừng điều trị

Phương pháp PUVA

PUVA là phương áp chiếu tia cực tím để ức chế tổng hợp ADN làm giảm tăng sinh tế bào, giảm lympho T, giảm số lượng và chức năng của tế bào langerhans… từ đó điều trị và giảm triệu chứng của các bệnh ngoài da, bao gồm rụng tóc từng mảng. Phương pháp này có thể sử dụng toàn thân hoặc tại chỗ, đem lại kết quả sau 20-40 lần điều trị. Mặc dù có đạt được tác dụng mọc tóc, nhưng hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu chính xác về phương pháp này nên chưa thể đánh giá mức độ hiệu quả, thêm vào đó tỉ lệ tái phát sau khi ngừng điều trị cũng khá cao.

Liệu pháp miễn dịch tiếp xúc (contact immunotherapy)

Đây là biện pháp dùng hoạt chất kích thích bôi lên bề mặt vùng da bị rụng tóc từng mảng để tạo ra các phản ứng viêm da tiếp xúc dị ứng ở những vùng này, từ đó đánh lạc hướng tế bào T để nó không tấn công nang tóc nữa. Áp dụng 1 lần/1 tuần, liên tục trong vòng 6 tháng và được chỉ định đối với những người có các mảng tóc rụng lớn. Tác dụng của biện pháp này giao động từ 9-87%, tuy nhiên nó có thể có các tác dụng phụ khá khó chịu.

Các tác dụng phụ bao gồm:

  • Viêm da nặng nề hơn
  • Nổi mề đay
  • Mụn rộp
  • Mất sắc tố

Thuốc bôi ngoài da minoxidil

Minoxidil là dạng thuốc mỡ bôi ngoài da dùng để trị rụng tóc từng mảng hoặc bệnh hói đầu, sử dụng trực tiếp lên vùng bị rụng tóc mỗi ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Công dụng của nó là làm giãn mao mạch ở da, qua đó cải thiện chức năng nang tóc, kích thích tóc mọc trở lại. Thuốc Minoxidil thường được áp dụng làm phương án điều trị phụ, kết hợp cùng các biện pháp khác. Bệnh nhân sẽ cần duy trì sử dụng thuốc để giữ cho kết quả được như ý.

Hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về bệnh rụng tóc từng mảng, cũng như nghiên cứu thêm về các phương pháp điều trị mới, trong đó có thể kể đến như: sử dụng chất ức chế JAK, Phenol, Quercetin, Vitamin A… Mối tương quan của bệnh rụng tóc với các loại bệnh khác (viêm khớp dạng thấp, tiểu đường loại I, tình trạng đường ruột…) cũng là một chủ đề đang dần được khai thác và hứa hẹn sẽ mở ra những hướng mới trong việc điều trị chứng rụng tóc mảng.

Bên cạnh việc điều trị, bệnh nhân có thể tham khảo biện pháp đội tóc giả hoặc hóa trang, trang điểm để che đi mảng rụng tóc, giúp đem lại vẻ ngoài mong muốn và trở nên tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm

Rate this post

Viết một bình luận