Sao Việt Nam không dùng GMT+8?
- Nguyễn Quảng
- Gửi cho BBC từ Milton Keynes, Anh Quốc
22 tháng 12 2013
Ở Anh quốc, cứ Chủ Nhật cuối cùng của tháng Ba, mọi đồng hồ cùng vặn tiến thêm 1 giờ, khi 0 giờ Chủ Nhật, mọi đồng hồ trên máy tính đều tự nhảy, thành ra 1 giờ sáng Chủ Nhật.
Họ gọi đó là ‘Daylight Saving’ hay tiết kiệm nhờ ánh sáng mặt trời, vì khi mùa hè tới, vặn tiến thêm một giờ để tận dụng ánh sáng mặt trời thêm một giờ, và vào Chủ Nhật cuối cùng của tháng Mười, mọi đồng hồ lại về vị trí cũ, tức vặn ngược lại một giờ, mùa hè ở Anh do đó ngày rất dài, 10 giờ đêm vẫn có thể có nắng.
Kinh tuyến Đài thiên văn Greenwich Anh Quốc quy ước bằng 0 độ, và giờ ở đó sẽ dùng làm giờ chuẩn, viết tắt là GMT (Greenwich Mean Time).
Việt Nam đang dùng múi giờ GMT+7, tức khi đồng hồ Greeenwich chỉ 0 giờ, Việt Nam sẽ là 7 giờ sáng. Về mặt địa lý và khoa học, múi giờ này hoàn toàn phù hợp, nhưng không có nghĩa là chuẩn cho Việt Nam.
‘Sẽ vui thế nào’
Hồi ở Việt Nam, phòng ngủ của tôi ở trên tầng 3, và mùa hè, cứ 6 giờ sáng là tôi rất khó chịu khi mặt trời xiên vào mắt nếu buổi tối tôi quên kéo rèm cửa, và gần như hôm nào tôi cũng quên, đến nỗi tôi phải dùng một hộp sơn xịt, sơn luôn cửa kính lại.
Ở Hà Nội mùa hè, 5 giờ trời đã sáng, 6 giờ là có nắng, và 7 giờ thì nắng chang chang, nhân dân đi làm lúc 8h30 thì trời đã bắt đầu nóng hầm hập.
Trời sáng quá sớm không mang lại nhiều lợi lộc, vì lúc đó, phần đông mọi người đang ngủ. Và chiều khi tan sở làm, đàn bà loanh quanh chợ búa cơm nước, đàn ông lang thang cốc bia hơi, đến 7 giờ thì trời đã sẩm tối, và 8 giờ thì tối mịt.
Chụp lại hình ảnh,
Dân chúng sẽ mua sắm và vui chơi được thêm một giờ?
Vào thời Pháp thuộc, Việt nam dùng GMT+7 cho tới khi Chính phủ Pháp ra nghị định ngày 23/12/1942 liên kết Đông Dương (Lào, Việt nam, Campuchia) vào múi giờ 8 và do vậy đồng hồ được vặn nhanh lên 60 phút vào lúc 23 giờ ngày 31/12/1942. Việt Nam chính thức dùng GMT+8.
Việt Nam đã có thời gian dùng GMT+9 trong vòng nửa năm, đó là thời Nhật đảo chính Pháp và buộc các nước Đông Dương theo múi giờ của Tokyo, tức là múi giờ 9, nên giờ chính thức lại được vặn nhanh lên 1 giờ vào 23 giờ ngày 14/3/1945.
Thử tưởng tượng GMT+9 ở Hà Nội và Sài Gòn sẽ vui thế nào, vào lúc 8 giờ tối trời vẫn có nắng và 9 giờ tối, trời mới sẩm tối, nhưng rõ ràng bà con sẽ phải thức dậy đi làm vào lúc vẫn còn nhọ mặt người.
Sau đó Việt minh cướp chính quyền, Chính phủ của Hồ Chí Minh quay lại múi giờ như bây giờ GMT+7, và khi người Pháp quay lại, họ lại quy định dùng GMT+8.
Lúc này ở vùng kháng chiến vẫn theo giờ của Việt minh, và khi hiệp định Giơ-ne-vơ kí kết chia đất nước làm đôi, ở miền Bắc dùng GMT+7, và trong Nam đến ngày 01/01/1960 Chính quyền Sài Gòn quy định giờ chính thức của Nam Việt Nam là múi giờ 8, đồng hồ phải vặn nhanh lên 1 giờ kể từ 23 giờ đêm ngày 31/12/1959 (tức 0 giờ ngày 01/01/1960).
Ở miền Nam hồi đó rõ ràng giàu mạnh hơn hẳn, việc buổi tối có hơn 1 giờ ánh sáng khiến cho nhân giàu hơn chăng? và khi Việt Nam thống nhất vào 30/4/1975, Sài Gòn dùng múi giờ +7, mọi đồng hồ phải ngậm ngùi quay ngược lại 1 giờ.
‘Chỉ cần một nghị định’
Vậy buổi tối có thêm 1 giờ ánh sáng thì có lợi gì?
Buổi tối dài hơn sẽ kích thích nhân dân vận động, chơi, mua sắm nhiều hơn. Thay cho việc lên gường đi ngủ sớm và việc ngủ sớm rất có thể liên quan tới việc tăng thêm dân số.
Ví dụ tôi vẫn chạy quanh công viên một vòng rồi về ăn tối lúc 6h30, vì vào giờ đó, trời đã chạng vạng tối, nhưng nếu vặn tiến thêm một giờ, thì lúc đó vẫn nắng, tôi có thể chạy thêm vòng nữa, việc chạy đó khiến tôi đốt nhiều năng lượng hơn và ăn thêm được 1 bát cơm hoạc uống thêm được một lon bia. Nông dân sẽ bán thêm được một nắm gạo và hãng bia bán thêm được một lon bia.
Hay tôi quyết định mua 2 cái xe đạp để vợ chồng đạp quanh hồ Tây trước khi ăn tối, vì trời thay vì tối lúc 7 giờ, với việc vặn thêm một giờ, lúc này 7 giờ trời vẫn nắng và 8 giờ trời mới tối. Của hàng xe đạp bán thêm được 2 chiếc xe, đồng nghĩa với việc nhà máy sản xuất xe đạp cần thêm công nhân để tăng công suất.
Chị bán nước mía có thêm một giờ trời đang sáng để bán thêm hàng, cũng như anh xe ôm, hay hàng cà phê, rạp chiếu phim hay các trung tâm mua sắm, việc các khách hàng ở lại thêm một giờ sẽ khiến doanh thu tăng vọt, để kinh tế Việt Nam phát triển.
Cái cần tăng là dù chỉ là tỷ trọng dịch vụ, có thêm một giờ ánh sáng buổi tối là có thêm cơ hội cho nhân dân tiêu tiền vào các dịch vụ, thời buổi kinh tế khó khăn, dân Việt đang thắt chặt chi tiêu thì việc có nắng muộn hơn một giờ sẽ làm họ dễ dãi hơn trong việc mở hầu bao.
Cái lợi nhãn tiền là tiền điện thắp sáng đường phố xa lộ trên toàn bộ tỉnh thành Việt Nam, thay vì bật lúc 6 giờ tối, giờ có thể chuyển sang 7 giờ, nhiều triệu đô la tiền điện thắp sáng sẽ được tích kiếm hàng năm, và vì dân sẽ đi làm sớm hơn 1 giờ, thì mùa hè buổi sáng vẫn còn mát, họ có thể tích kiệm được một giờ dùng điều hòa chăng?
Và việc này hoàn toàn không khó, chính phủ chỉ cần ra một nghị định, tuyên bố toàn bộ Việt nam sẽ dùng múi giờ GMT+8 vào ngày đầu tiên của năm mới hoặc ngày bất kỳ, vào đúng ngày giờ đó, toàn dân vặn đồng tiến thêm một tiếng, thế là xong, không cần vốn, không cần kêu gọi đầu tư, không cần cân đối ngân sách, chỉ cần chị biên tập viên trên VTV nói trước khi kết thúc chương trình tivi: “Bà con đừng quên vào lúc 0h đêm nay vặn đồng hồ tiến 1 giờ”.
Cùng lắm là mất tiền cho việc kẻ khẩu hiệu, giăng lên khắp Việt nam, ví dụ như “ Vì Việt Nam dân giàu nước mạnh, Chủ Nhật này vặn tiến 1 giờ” chẳng hạn.
Bài viết phản ánh quan điêm riêng và văn phong của tác giả, một blogger người Việt Nam đang sinh sống ở Anh.