Bệnh nhân say nắng không được cấp cứu kịp thời có thể để lại biến chứng như suy thận, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Sơn Nam, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới 40 độ, đặc biệt là khu đô thị, mật độ giao thông đông đúc, dân số cao. Ngoài ra, sự chênh lệch nhiệt độ trong nhà – ngoài trời cũng là nguy cơ đe dọa sức khỏe, gây say nắng, say nóng, sốc nhiệt.
Một tuần qua, bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu nhiều trường hợp nhập viện do say nắng, sốc nhiệt. Trung bình một ngày từ hai đến ba người, chủ yếu là lao động ngoài trời. Trong đó, bệnh nhân nữ, 61 tuổi, mắc bệnh tăng huyết áp bị say nắng trong lúc khi đi chợ là ca nặng nhất. Người bệnh nhập viện ngày 21/6 trong tình trạng hôn mê sâu, không tiếp xúc, sốt cao 42 độ C, nôn nhiều, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn thân nhiệt.
Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, làm các xét nghiệm đánh giá chức năng các cơ quan, chụp CT não. Bác sĩ chỉ định bù nước điện giải, hạ sốt, chườm mát, chống phù não. Hiện, sức khỏe người bệnh đã ổn định hơn.
Say nắng, say nóng là một bệnh lý nằm trong nhóm bệnh lý thân nhiệt. Đây là nhóm bệnh lý có thể phòng ngừa được, thường gặp trong mùa hè, nhất là trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.
Theo bác sĩ Nam, cơ thể con người có cơ chế điều hòa thân nhiệt cân bằng, quanh mức 37 độ C. Nếu cơ thể ở trong thời tiết nắng nóng kéo dài, trên 41 độ C, chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận và đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng “dẫn đến hôn mê, co giật”.
Nhóm nguy cơ cao bị sốc nhiệt là những người lao động ngoài trời nắng nóng với cường độ liên tục hoặc người cao tuổi, trẻ nhỏ, những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính.
Ngoài ra, “sự giảm nhiệt độ môi trường làm tăng nguy cơ đột quỵ”, bác sĩ Trần Huyền Trang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cảnh báo.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe người bệnh sau một ngày điều trị tích cực. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Các nhóm người có nguy cơ bị đột quỵ do nhiệt độ thay đổi, bao gồm người cao tuổi, có bệnh lý tim mạch kèm theo như tăng huyết áp, rung nhĩ, suy tim… Đột quỵ não nếu không được xử trí, cấp cứu kịp thời có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng, làm giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí tử vong.
Các biểu hiện của say nắng có thể diễn tiến từ sớm là trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, da mặt đỏ gay, rối loạn tri giác, khó thở, tụt huyết áp, nhịp tim tăng lên và có thể hôn mê. Nặng hơn là suy thận, ảnh hưởng đến não, tim và có thể tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo, một giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu, hiệu quả gần như đạt 100%. Trường hợp cấp cứu chậm trong vòng ba giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.
Khi gặp người bị say nắng, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến nơi mát mẻ, thoáng khí. Cởi bỏ quần áo và sử dụng khăn ướt đắp vào cổ, nách, bẹn. Không nhúng người bệnh vào nước để tránh nguy cơ bị hít sặc; cho bệnh nhân uống nước để hạ thân nhiệt.
Đối với người bình thường cần che chắn cơ thể khi đi ra ngoài đường để tránh bị tăng thân nhiệt, không tắm nước lạnh ngay khi vừa đi ngoài trời nắng vào… Không nên sử dụng điều hòa với mức nhiệt độ quá thấp, nên duy trì ở khoảng 27 độ, tránh chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với môi trường bên ngoài.
Duy trì một lối sống lành mạnh, cân nặng lý tưởng, không ăn mặn, hạn chế chất béo, uống đủ nước, tăng cường ăn rau củ quả và dành thời gian tập thể dục đều đặn mỗi ngày khoảng 30 – 45 phút.
Thùy An