Không được nuôi thỏ bằng cà rốt?
Mối lo ngại xuất phát từ Thông tư vừa ban hành của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 11/2.
Thỏ và cà rốt. Ảnh: Think Stock.
Theo dự thảo này, thức ăn theo tập quán dùng trong chăn nuôi gồm 18 loại. Như vậy, các loại thức ăn chăn nuôi được phép sẽ gồm ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, các loại hạt, thức ăn thô, phụ phẩm công nghệ chế biến các loại ngũ cốc DDGS, mía, các loại củ, các loại bã, thức ăn có nguồn gốc thủy sản, thức ăn có nguồn gốc động vật trên cạn, sữa và sản phẩm từ sữa, dầu mỡ, dầu cá.
Liệt kê cụ thể các loại thức ăn nhưng nhiều loại nguyên liệu người dân sử dụng trong chăn nuôi theo tập quán chưa có mặt. Trong danh mục không có cà rốt, không có rau củ quả (trừ khoai, sắn), không có rau muống, rau lang, thân chuối, bèo… Khi không được định nghĩa là thức ăn, phải chăng, Việt Nam sẽ không cho phép sử dụng cà rốt, các loại củ, rau muống, bèo… làm thức ăn chăn nuôi nữa?
“Không phải lợn, thỏ ăn gì cũng được. Cho ăn gì người dân, doanh nghiệp phải tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng đã công bố”, Quyền Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương chia sẻ vớiNgười Đồng Hành.
Khi các thức ăn như theo tập quán không có người dân, doanh nghiệp nào đăng ký, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có trách nhiệm công bố những sản phẩm này dưới dạng Thông tư.
Quyền Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương. Ảnh: Nông Nghiệp Việt Nam.
Theo đại diện đơn vị đề xuất Thông tư, danh mục vừa ban hành chủ yếu là những thức ăn theo tập quán nhưng mang tính hàng hóa phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
“Thức ăn có tính chất thương mại, có thể xảy ra tranh chấp, khó quản lý hoặc gây khó dễ cho người dân, cơ quan soạn thảo mới được đưa nhanh vào Thông tư”, ông Dương cho hay.
Theo ông Dương, về nguyên lý, các loại như thân chuối, bèo, cà rốt… cũng sẽ được bổ sung vào danh sách thức ăn khi có yêu cầu quản lý (nếu được dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn).
“Mỗi địa phương có một sáng tạo riêng trong sử dụng thức ăn. Làm sao cơ quan soạn thảo có thể hiểu hết được các nguồn thức ăn?”, một cựu lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi bày tỏ quan điểm.
Theo vị này, cây lá ven đường nhìn chung trâu bò sẽ ăn được, liệu cơ quan quản lý có thể liệt kê hết được hay không, nếu kể tên có thể cả trăm loại cây có mặt trong danh sách.
Việc danh sách thức ăn dài không phải là vấn đề, theo quan điểm của lãnh đạo Cục Chăn nuôi. Vị này giải thích, khi danh sách dài thêm, thức ăn sẽ được nhóm thành các nhóm thực vật nhưng không quá chi tiết. Danh sách này sẽ được cung cấp, bổ sung hàng quý.
Ông Dương cho hay, dù là những thức ăn theo tập quán như bèo, cây chuối, hay cà rốt… cũng phải xác định tiêu chuẩn, quy chuẩn, có chất lượng tối thiểu mới được đưa vào sản xuất làm thức ăn chăn nuôi.
Dấu hỏi về tư duy làm luật
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, nhận định Thông tư 02 của Bộ Nông nghiệp bất hợp lý bởi cách tiếp cận theo phương pháp quản lý “chọn cho”, tức người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
“Vì sai từ tư duy nên sẽ tiếp tục sai khi danh mục thiếu sót”, ông Đức nhận định.
Theo lý giải của ông Đức, tập quán là những thứ tồn tại từ trước khi có Nhà nước, hình thành và phát triển chẳng phụ thuộc vào Nhà nước. Vì vậy, nếu thấy có tập quán nào đó không tốt, Nhà nước có thể cấm riêng cái tập quán đó thôi.
“Rất khó hiểu vì sao lại ban hành danh mục những thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành. Vậy chẳng lẽ toàn bộ trí tuệ xã hội bị đóng khung trong hiểu biết của nhà làm luật?”, ông Đức bình luận.
Vị chuyên viên pháp chế Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra điểm bất thường của Thông tư 02. Dự thảo thông tư này được đăng trên website của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lấy ý kiến từ ngày 10/1. Một tháng sau đó, Bộ ký ban hành ngày 11/2, trong khi thời điểm hết hạn lấy ý kiến là ngày 13/3.
Trả lời vấn đề này, Quyền Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương lý giải Cục đã lấy ý kiến trước đó. Việc thông qua tại vào ngày 11/2 do đó là thời điểm hết hạn của Thông tư 26/2012 “Danh mục tạm thời thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm”.
“Thông qua thời điểm đó để đảm bảo Thông tư 26 hết hạn, thông tư 02 có hiệu lực ngay. Thời điểm trùng hợp để giúp doanh nghiệp, nếu không sẽ có khoảng trống với doanh nghiệp”, ông Dương nói.
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2019, do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký.
Nam Anh