Đề tài “Đánh giá hiện trạng khai thác và khả năng sinh sản nhân tạo cá bắp nẻ xanh ở Khánh Hòa” vừa được nghiệm thu. Đề tài nhằm giải quyết vấn đề sản xuất cá cảnh bắp nẻ xanh trước áp lực nguồn cá cảnh biển bị khai thác quá mức.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Minh Sang – Trưởng khoa Nuôi trồng thủy sản, Viện Hải dương học Nha Trang, chủ nhiệm đề tài, cá bắp nẻ xanh (tên khoa học là Paracanthurus hepatus Linnaeus) là một trong những loài cá cảnh biển được ưa chuộng nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, loài cá này sinh sống tại các vùng biển có rạn san hô như: Trường Sa, Phú Quý và các đảo tại Khánh Hòa. Để bắt cá, ngư dân dùng các ghe lặn có công suất từ 20 đến 30CV ở vịnh Nha Trang và 45 – 90CV tại khu vực Trường Sa. Ngư dân chủ yếu là lặn và dùng chất độc cyanua để đánh bắt cá. Cá bị nhiễm cyanua nên sức khỏe rất yếu và dễ dàng chết sau một vài tuần. Loài cá này đang bị thu mua ráo riết nên bị ngư dân khai thác cạn kiệt, nguồn lợi còn lại trong tự nhiên rất thấp, đáng báo động.
Kinh doanh cá cảnh biển tại TP. Nha Trang
Trước vấn đề trên, Viện Hải dương học Nha Trang đã xây dựng đề tài cấp cơ sở đưa ra biện pháp khai thác hợp lý và xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo cá bắp nẻ xanh. Qua nghiên cứu cho thấy, cá bắp nẻ xanh đẻ quanh năm, mùa sinh sản tập trung từ tháng 3 đến tháng 8. Tỷ lệ ghép đực cái của cá bắp nẻ xanh ở vùng biển Khánh Hòa là 1:1. Các phân tích về cơ sở sinh học sinh sản nhân tạo, khả năng lưu giữ và nuôi thành thục cá bố mẹ, khả năng kích thích sinh sản, ương nuôi ấu trùng dựa trên các thông tin tổng quan đã được thực hiện cho thấy, cá bắp nẻ xanh có thể cho sinh sản nhân tạo. Việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm kết hợp với áp dụng triệt để các giải pháp bảo tồn là những giải pháp cơ bản để phát triển nguồn lợi cá bắp nẻ xanh tại Khánh Hòa.
Theo Tiến sĩ Sang, trên thế giới chưa có sự thành công rõ ràng trong việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá bắp nẻ xanh. Trong nghiên cứu này, mặc dù đã nuôi phát dục thành công cá bắp nẻ xanh song việc kích thích sinh sản nhân tạo chưa đạt như mong muốn. Đề tài cần tiếp tục nghiên cứu về vai trò của hóc-môn sinh dục trong sinh sản nhân tạo và các yếu tố sinh thái trong kích thích sinh sản nhân tạo của cá bắp nẻ xanh.
Cũng theo Tiến sĩ Sang, năm 2008, Viện Hải dương học đã sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công loài cá khoang cổ nemo (Amphiprion ocellaris Cuvier) (đề tài của Tiến sĩ Hà Lê Thị Lộc và cộng sự) với tỷ lệ sống giai đoạn cá 1 tháng tuổi đạt 30% và cá thương phẩm đạt 70%. Cá có sức sống tốt, màu sắc tươi sáng như cá ngoài tự nhiên nhờ bổ sung hàm lượng chất tạo màu Asthaxanthin vào thức ăn cho đàn cá trước khi đưa ra thị trường.