Nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa biết nhiều đến sản phẩm gà Mía dẫn tới đầu ra không ổn định. Cùng với đó, quy mô chăn nuôi gà Mía tại xã Đường Lâm thường nhỏ lẻ hộ gia đình, chưa xây dựng được cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, dẫn tới khó khăn trong kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, do khả năng sinh trưởng thấp và tiêu tốn thức ăn nên người chăn nuôi thường ưu tiên lựa chọn giống gà lai khác có giá trị kinh tế cao hơn. Vì vậy, hiện nay hầu hết những người dân chăn nuôi gà Mía tại địa phương vẫn tự bán sản phẩm cho thương lái mà chưa có cửa hàng để bán và giới thiệu sản phẩm nên giá trị thấp. Đứng trước nguy cơ mai một bởi các giống ngoại lai và sẽ mất dần đi nguồn đặc sản nổi tiếng, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định quy định gà Mía là một giống gà nằm trong danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn. Do vậy, UBND thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn và phát triển chăn nuôi gà Mía. Đến nay giống gà Mía đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu hàng hóa “gà Mía Sơn Tây”. Trước những khó khăn trong việc phát triển sản phẩm gà mía, Sở NNPTNT Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gà mía Sơn Tây” để phát huy vai trò của cộng đồng, tổ chức trong quản lý sử dụng, phát triển danh tiếng của sản phẩm gà mía. Hiện nay, gà Mía tuy phân bố rộng hơn, không chỉ ở xã Đường Lâm mà còn ở cac khu vực lân cận nhưng nguy cơ thoái hóa gen cao. Đồng thời, do người chăn nuôi chưa ý thức được đầy đủ giá trị của giống gà địa phương nên dẫn tới xói mòn hệ gen gà Mía gốc. Thêm vào đó, khi thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh thường khó kiểm soát hơn, đơn cử như dịch cúm gia cầm nên khó xử lý. Tính thích nghi của gà Mía vẫn theo phương thức nuôi “thả vườn” mới bảo đảm chất lượng nên việc mở rộng quy mô chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với PV NTNN, anh Nguyễn Huy Ba – HTX Đoài Phương, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội cho biết: Gà Mía nổi tiếng khắp vùng bởi đặc điểm hình dáng và chất lượng thịt thơm, ngon, trung bình mỗi con gà trưởng thành có cân nặng từ 2-2,5kg. Đặc biệt, gà trống khi trưởng thành ở phía ngoài chân gà có vệt màu đỏ từ trên xuống đến ngón chân trông giống như sợi chỉ là giống gà chuyên dùng để tiến Vua. Tuy phải đầu tư vốn ban đầu tương đối lớn nhưng gà Mía dễ nuôi, hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với trồng lúa hoặc nuôi các giống gà khác. Khó mà dễ: Đẩy mạnh mô hình liên kết chuỗi Nhận định về phương án phát triển thương hiệu gà Mía Sơn Tây, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết: Trong thời gian tới, Hà Nội cần phát triển chuỗi và liên kết chuỗi gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà Mía trên địa bàn Thành phố cũng như các tỉnh. Đồng thời, cần nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất sơ chế bảo quản tiêu thụ sản phẩm theo hướng cung cấp sản phẩm tại các địa phương và liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp tiêu thụ. Ngoài ra, Hà Nội cần phát triển các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm, phát huy và sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu tập thể của từng chuỗi liên kết đối với chăn nuôi và định hướng thị trường cho các chuỗi phù hợp với năng lực sản xuất, nhu cầu của thị trường. Để chăn nuôi gà Mía phát triển, trong thời gian tới cần sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, chuyên môn trong việc nghiên cứu chọn lọc dòng gà Mía có khả năng sinh trưởng cao nhằm bảo tồn nguyên vẹn vốn gen di truyền và tuyển lựa, duy trì, cải tạo nâng cao giá trị của các giống bản địa. Đồng thời, địa phương cần liên hệ chặt chẽ giữa hộ chăn nuôi, trang trại và các hộ sản xuất nông nghiệp khác tại xã Đường Lâm để phát triển hình thức du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái trong tổng thể du lịch Làng cổ Đường Lâm. Qua đó, cung ứng sản phẩm gà Mía Sơn Tây cho hoạt động thương mại, du lịch, góp phần làm gia tăng giá trị hàng hóa sản phẩm.