Sở Nông nghiệp và PTTT Hà Nội

Đầu xuân Quý Tỵ 2013, chúng tôi có dịp thăm Di tích lịch sử Đường Lâm (thuộc Thị xã Sơn Tây – TP Hà Nội), đây là quê hương nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An, … Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do đây là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng. Tìm hiểu về chăn nuôi chúng tôi được bà con giới thiệu ngay đến nhà ông Quân (ông Nguyễn Quốc Quân ở thôn Đông Sàng, năm nay ông vừa tròn 60 tuổi), ông được bà con đặt cho cái tên thân thiện ông Quân “Gà Mía” bởi ông có cái tâm với gà Mía từ bao lâu nay, muốn gìn giữ, lưu giữ giống gà Mía như kỷ vật mà cha ông để lại cho những người chăn nuôi ở xã Đường Lâm.

Thật vậy, khi tiếp chuyện với chúng tôi, ông như thả hồn vào gà Mía, ông nói luôn là bà con chăn nuôi Đường Lâm chúng tôi thường không gọi là “Con Gà Mía” mà thường gọi “Anh gà Mía” bởi giống gà Mía ở đây được lưu truyền qua nhiều thế hệ, như một kỷ vật nên bà con chăn nuôi tránh dùng từ “con” là như vậy. Đến nay ông Quân cũng chỉ nghe được lớp trước truyền lại về nguồn gốc con gà Mía chứ cũng không biết rõ nguồn gốc gà Mía có từ bao giờ. Có điều ông lý giải là tại sao gà Mía nổi tiếng bởi về ngoại hình, đặc biệt là chất lượng gà mía có nét đặc trưng riêng. Hơn nữa việc nuôi dưỡng gà ở xã Đường Lâm (hoặc một số xã liền kề Đường Lâm) thì giữ nguyên được nét đặc trưng về giống cũng như về chất lượng thịt nhưng khi chuyển qua các vùng khác nuôi thi thường gà nhanh bị thoái hóa không còn giữ được hình thức và chất lượng thịt như gà nuôi ở Đường Lâm.

Nói về “Gà Mía” ông bộc bạch những điều hết sức mộc mạc nhưng đầy chất thật, những vui buồn và cả những điều còn quá trăn trở trong ông cùng bà con chăn nuôi bấy lâu nay. Gà Mía thường có đầu nhỏ, mình vuông, thông thường lúc còn nhỏ, da gà Mía có màu đỏ au như trái gấc chín nhưng khi nuôi gà có trọng lượng khoảng 2 kg trở lên da gà bắt đầu chuyển sang màu vàng. Gà trưởng thành, gà trống nặng từ 5-6kg (thực tế nếu gà Mía lai thì không đạt được trọng lượng này), gà  mái nặng từ 2,7-3,2 kg. Gà trống có thân hình to, dài, hình chữ nhật, phần lớn có màu mận chín, tuy nhiên cũng có màu đen, gà trống rất ít lông, điều đặc biệt ở gà trống khi trưởng thành ở má ngoài chân gà có một vệt màu đỏ từ trên xuống đến ngón chân trông giống như sợi chỉ ở chân gà. Cả gà trống và mái đều có mào cờ (đơn), tích tai chảy, da chân màu vàng nhạt, nhiều gà có yếm trải dài. Với gà mái đa số có bộ lông màu lá chuối khô hoặc màu trắng nhờ, chân nhỏ, nhanh nhẹn, đặc biệt, sau khi đẻ từ 4-5 lứa, lườn chảy xuống giống như yếm bò (đây là nét đặc trưng gà mái).

Về chất lượng thịt gà Mía quả thật đúng như lưu truyền, nếu lần đầu tiên được thưởng thức thịt gà Mía, sẽ khó ai có thể quên được vị ngọt, đậm đà dai thịt chứ không mềm, nhũn như thịt gà công nghiệp và cũng không dai quá như gà ta, mà là dai mềm, thơm thịt, ai thưởng thức một lần là nhớ mãi. Đặc biệt về hương vị thịt gà thơm, da gà ăn rất giòn, nhất là ở gà trống thiến có chất lượng thịt rất khác lạ là thịt chắc, màu trắng, da vàng, ăn giòn vị đậm ngọt.

Với hương vị và chất lượng gà ngon như vậy nên đất Đường Lâm vẫn tương truyền gà Mía là sản vật tiến vua (có nhiều người vẫn gọi gà Mía là gà Tiến Vua). Ông Quân cũng kể luôn cho chúng tôi là các cụ truyền lại rằng xưa kia, con gà Mía trống mà đạt được trọng lượng từ 6-7 kg sẽ được người dân trong làng tuyển chọn làm vật tiến vua và tế lễ đầu năm tại đình làng. Không phải ngẫu nhiên mà người dân Đường Lâm chọn gà Mía làm giống vật gà tế lễ Thành Hoàng làng vào đầu năm mới, để thắp hương tổ tiên trong dịp lễ, tết. Gà Mía về hình thức có nhiều nét đặc trưng nổi trội và đẹp như vậy nên trong nghi thức tế Thành Hoàng làng không thể thiếu được sản vật này.

Về kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng gà Mía cũng không quá khó như ông Quân trao đổi, có điều cách nuôi không giống như nuôi gà công nghiệp là chỉ cho gà ăn cám công nghiệp là đủ mà phải nuôi theo phương thức nuôi gà thả vườn. Gà phải được vận động và ăn cả thức ăn xanh (rau, củ, quả …) gà mới đảm bảo khoẻ mạnh và điều quan trọng là đảm bảo tốc độ lớn và chất lượng thịt. Thực tế ông cũng đã nuôi theo kiểu nuôi công nghiệp song gà nhanh bị thoái hoá, không đảm bảo sinh trưởng, phát triển và không đảm bảo chất lượng thịt. Để gà sinh trưởng phát triển tốt cần chú ý một số khâu cơ bản đó là chọn giống tốt, đúng giống gà Mía, dảm bảo vệ sinh chuồng trại, có sân chơi để gà tung tăng chạy nhảy. Đặc biệt về quy trình phòng bệnh phải thực hiện nghiêm quy trình phòng bệnh bằng vac xin (gióng như nuôi các giống gà khác). Chế độ dinh dưỡng thì chủ yếu cho gà ăn thóc, cám gạo, ngô nghiền, rau xanh, bổ sung các loại khoáng, vitamin, nhất là gà ở giai đoạn đẻ trứng và vỗ béo để nâng cao sức đề kháng cho gà. Một kinh nghiêm nữa mà ông cho hay là phải cho gà vận động và cho gà ăn thêm rau xanh, ăn thêm một số cây thuốc nam như cây trà khổng lồ ông trồng ngay trong vườn để đàn gà luôn khoẻ không bị nhiễm bệnh.

Sau nhiều năm gắn bó với gà Mía, với biết bao thăng trầm, giờ đây ông Quân đã phần nào bớt đi những trăn trở với nghề bởi \”Anh gà Mía\” đã được nhiều người biết đến, giá trị đích thực gà Mía đã và đang được lên ngôi. Ông Quân khẳng định nếu nuôi gà Mía là làm giàu được, mấy năm qua giá trị kinh tế từ nuôi gà Mía đã có hiệu quả rõ rệt mang lại lợi ích kinh tế cao cho người chăn nuôi ở Đường Lâm trong đó gia đình ông là một điển hình. Cuối năm 2012, nhất là dịp giáp tết Quý Tỵ giá gà Mía tại quê ông có giá 160 – 180 ngàn đồng/ kg, nhiều người đã tim mua gà Mía nhưng cung không đủ cầu. Giá trứng gà Mía giống đúng thời vụ sẽ rất cao khoảng 5000 – 6000 đồng/quả (có lúc lên 8000 đồng/quả), gà giống 1 – 2 ngày tuổi có giá từ 13000 – 16000 đồng/con. Ông Quân vừa làm gà giống, vừa làm gà thương phẩm, vừa ấp trứng giống bán cho bà con. Với diện tích 1500 m2 (trong đó khoảng 1000 m2 chăn nuôi trên 300 gà Mía), hàng năm ông đã thu từ chăn nuôi khoảng 150 triệu/năm (bình quân ông thu trên 10 triệu đồng/tháng). So với những người kinh doanh buôn bán thì không có gì là lớn song với ông một người chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ ở một miền quê thì đây cũng là nguồn thu lý tưởng, ước mơ của nhiều hộ nông dân. Hiện tại ông còn là Chi hội trưởng chăn nuôi của trên 20 hộ chăn nuôi trong xã với gần chục ngàn gà Mía vừa làm giống vừa nuôi thương phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Ông cũng đang động viên các hội viên trong chi hội làm sao giữ được giống gốc, giống thuần để cung cấp cho bà con trong xã nhân rộng.   

Lợi ích là như vậy song ông Quân cũng còn không ít trăn trở đó là việc nuôi giữ gà giống thuẩn chủng, đã có thời kỳ nhiều gia đình phải cho lai với một số giống gà khác để đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo hiệu quả kinh tế. Việc xây dựng “thương hiệu cho gà Mía” cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên việc phát triển chưa đảm bảo tính bền vững. Mặt khác tính thích nghi của gà Mía vẫn theo phương thức nuôi “thả vườn” mới đảm bảo chất lượng thì việc mở rộng quy mô chăn nuôi cũng còn nhiều khó khăn với người chăn nuôi ở Đường Lâm (về vốn, diện tích, quản lý trang trại, dịch bệnh …).

Những trăn trở của ông Quân cũng chính là những mong muốn của bà chăn nuôi gà Mía ở Đường Lâm. Điều này, ông Tạ Văn Tường (Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội) đi cùng đoàn chúng tôi cũng đã thấu hiểu và có ý kiến rằng, năm tới Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành liên quan tập trung xây dựng thương hiệu gà Mía ở Đường Lâm. Làm sao phải tạo được chuỗi tiêu thụ sản phẩm từ khâu sản xuất đến việc tiêu thụ đến tay người tiêu dùng, để người tiêu dùng được thức đúng chủng loại gà Mía từ Đường Lâm. Bên cạnh đó sẽ giúp người chăn nuôi lưu giữ giống gốc có hiệu quả để xây dựng vùng sản xuất giống có hiệu quẩ. Còn ông Phan Văn Lợi (Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm) cũng đã trao đổi với chúng tôi, về phía xã trong thời gian tới sẽ tập trung xây dựng quy hoạch chăn nuôi, tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi chuyển đổi việc sử dụng đất nông nghiệp dành cho chăn nuôi gà truyền thống. Đồng thời làm tốt việc tuyên truyền, quản lý dịch bệnh, tranh thủ  sự giúp đỡ của các cấp các ngành để gà Mía Đường Lâm có chỗ đứng vững chắc đúng như những gì mà lớp trước truyền lại. Hy vọng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người chăn nuôi, gà Mía ở xã Đường Lâm sẽ có bước phát triển mới trên mảnh đất Địa linh Nhân kiệt.

Nguyễn Ngọc SơnPGĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

Rate this post

Viết một bình luận