Sơ cứu và chăm sóc trẻ bị bỏng đúng cách, an toàn – YouMed

Trẻ em nhất là những trẻ nhỏ từ 1-6 tuổi là những người dễ bị bỏng nhất. Chúng thường tò mò, hiếu động và thích khám phá nên dễ bị bỏng cấp độ từ nhẹ đến nặng. Trong đó có tới 70% phụ huynh không biết cách sơ cứu ban đầu hay xử lí chưa đúng cách. Điều này dẫn đến những di chứng nặng hơn, tạo sẹo sâu và to, thậm chí mất chức năng vận động ở trẻ bị bỏng.Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu cách sơ cứu và chăm sóc trẻ bị bỏng đúng cách, an toàn thông qua bài viết dưới đây nhé!

Bé bị bỏng pô xe máy

Nguyên tắc sơ cứu cho trẻ bị bỏng là chỉ sơ cứu tại nhà với vết bỏng nhẹ đến trung bình. Các trường hợp bỏng nặng cần đi cấp cứu ngay vì thao tác sai rất dễ gây nhiễm trùng cho trẻ.

Tùy theo nguyên nhân gây bỏng mà cách sơ cứu cho trẻ cũng khác nhau. Mục đích của sơ cứu là để giảm đau và ngăn ngừa nhiễm trùng do đó cần phải nhanh. Quy trình sơ cứu bao gồm:

  • Đưa trẻ tránh khỏi pô xe máy
  • Đặt ngay vùng bị bỏng của trẻ vào thau nước mát không lạnh hoặc xả liên tục dưới vòi nước. Thực hiện nhanh trong 30 phút đầu, kéo dài ít nhất 15 phút. Chỉ nên dùng nước mát mà không được sử dụng đá lạnh.
  • Để tránh nhiễm trùng, hãy che vết thương bằng băng gạc không dính hoặc một miếng vải sạch. Không bôi bất kỳ thứ gì khác lên vết bỏng và không làm vỡ những nốt phồng rộp.

Bé bị bỏng lửa, nước sôi

Bỏng nước sôi
Bỏng nước sôi

Trẻ bị bỏng lửa, nước sối cách sơ cứu tương tự với bỏng pô xe máy. Các bước sơ cứu như sau:

  • Bước 1: Cần đảm bảo đưa trẻ tránh khỏi nguồn nhiệt như nước sôi hay lửa một cách nhanh nhất. Lưu ý trong trường hợp bỏng do lửa, quần áo cháy có thể bị dính vào da trẻ. Tuyệt đối không cố kéo ra khỏi da mà giữ nguyên và cắt bớt xung quanh vùng bị bỏng. Tự ý lấy quần áo ra có thể lột theo phần da bị dính vào quần áo. Điều này không những gây đau mà còn khiến cho vùng da đang nhạy cảm dễ bị nhiễm trùng hơn.
  • Bước 2: Đặt ngay vùng bị bỏng của trẻ vào thau nước mát không lạnh hoặc xả liên tục dưới vòi nước. Thực hiện nhanh trong 30 phút đầu, kéo dài ít nhất 15 phút. Chỉ nên dùng nước mát mà không được sử dụng đá lạnh.
  • Bước 3: Hãy che vết thương bằng băng gạc không dính hoặc một miếng vải sạch để tránh nhiễm trùng. Không bôi bất kỳ thứ gì khác lên vết bỏng và không làm vỡ những nốt phồng rộp.

Bé bị bỏng hóa chất ở mắt

Bỏng hóa chất là khi vô tình tiếp xúc với hóa chất có tính chất mạnh như acid, base mạnh. Bỏng hóa chất ít xảy ra ở trẻ em nhưng cần lưu ý do thường gây bỏng nghiêm trọng. Điều quan trọng là phải cách ly trẻ khỏi hóa chất một cách nhanh nhất. Các bố mẹ cần động viên và yêu cầu trẻ không được dịu mắt, tránh vết thương lan rộng và sâu hơn. Hóa chất rất nguy hiểm nên cần đảm bảo người sơ cứu phải đeo bao tay bảo hộ. Các bước sơ cứu như sau:

  • Xả nước lạnh nhẹ nhàng lên mắt bị bỏng hóa chất ít nhất 15 phút. Rửa sạch cả mặt trong và ngoài của mí mắt. Điều này để làm loãng nồng độ hóa chất, giúp trẻ giảm đau và tránh làm vết thương nặng hơn.
  • Nếu trẻ mất bình tĩnh khó giữ cố định, bạn nên sử dụng bình nước nhỏ từ từ vào mắt bị thương. Lưu ý tránh để nước bị nhiễm hóa chất sau khi rửa cho trẻ lan vào mắt lành.
  • Sau khi rửa thật kỹ thì dùng băng gạc vô trùng bịt lại.
  • Bỏng hóa chất rất nguy hiểm nên sau khi sơ cứu cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Băng mắt để tránh nhiễm trùng
Băng mắt để tránh nhiễm trùng

Bé bị bỏng do điện giật

Sơ cứu cho trẻ bị điện giật cần hết sức cẩn thận. Không được chạm tay trực tiếp nếu chưa ngắt nguồn điện khỏi trẻ. Trẻ bị bỏng điện thường là tình trạng rất nặng nên cần gọi cấp cứu ngay. Trong lúc đợi nhân viên ý tế, bạn cần biết cách sơ cứu như sau:

  • Dùng gậy gỗ hoặc những vật cách điện để đưa trẻ ra vùng an toàn
  • Không cố gỡ quần áo hay vải bị dính vào da trẻ, chỉ nên cắt bỏ xung quanh
  • Dùng băng gạc khô, vô trùng để che vết bỏng lại
  • Giữ ấm cho trẻ và chờ đến khi có sự hỗ trợ của nhân viên ý tế.

Sơ cứu cho trẻ bị bỏng điện
Sơ cứu cho trẻ bị bỏng điện

Bé bị bỏng nắng

Da trẻ rất mỏng nên nếu để trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian quá lâu có thể gây bỏng nắng. Các sơ cứu cho trẻ bị bỏng nắng là tắm cho trẻ bằng nước mát (ngâm trong bồn hoặc tắm bằng vòi hoa sen). Sau đó bạn nên kết hợp với các thuốc bôi giảm đau cho trẻ.

Chăm sóc trẻ bị bỏng đúng cách

Mục tiêu chăm sóc lâu dài vết bỏng là để tránh tạo sẹo và giúp nhanh lành vết thương. Các trường hợp bỏng nặng vẫn cần tiếp tục ngăn nhiễm khuẩn và giảm đau cho đến khi vết thương lành lại. Chăm sóc trẻ bị bỏng cần lưu ý:

Sử dụng thuốc

Sau bước sơ cứu, tùy tình trạng mà bé phải dùng thêm các thuốc bôi giảm đau, kháng sinh. Vậy trẻ bị bỏng bôi thuốc gì?

Với tình trạng bỏng nặng, bé cần bôi thuốc kháng sinh để phòng nhiễm trùng nhưng với điều kiện phải có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau dành cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ em. Nhưng đừng quên gọi cho bác sĩ nhi khoa trước nếu trẻ chưa bao giờ dùng thuốc này trước đây.

Với trẻ bỏng nhẹ nhưng lâu khỏi, sử dụng thêm các thuốc dược liệu có tác dụng ngừa sẹo như lô hội, nghệ.

Lưu ý về thức ăn

Ở trẻ em quá trình bù trừ còn kém. Trong khi nếu bị bỏng nhu cầu về ôxy, đạm, vitamin đòi hỏi tăng nên cơ thể dễ thiếu chất. Các thực phẩm giúp ngừa sẹo và nhanh lành vết thương bao gồm: các thực phẩm chứa nhiều vitamin (vitamin E, vitamin C), đạm, carbohydrat và uống nhiều nước.

Hỗ trợ tâm lý

Ở trẻ dưới 10 tuổi, hệ thống điều nhiệt chưa hoàn chỉnh nên thường sốt cao sau khi bị bỏng. Trẻ có thể quấy khóc, lúc này bạn cần cố gắng xoa dịu tránh để trẻ chạm vào vết bỏng.

Ở những trẻ đã nhận thức được, trẻ có thể lo lắng cho vết bỏng để lại sẹo xấu. Hãy nói trẻ đừng lo lắng và khuyên tuân thủ dùng thuốc để nhanh lành vết bỏng, tránh tạo sẹo.

Tùy mức độ vết bỏng mà thời gian hồi phục có thể nhanh hoặc lâu. Hơn nữa khi mọc da non, trẻ sẽ bị ngứa hoặc cũng vì tò mò mà làm vỡ vết phỏng. Vì vậy, dặn dò trước cho trẻ những thay đổi này sẽ tránh được nguy cơ nhiễm trùng lâu hồi phục.

Đến bệnh viện

Trong quá trình chăm sóc cho trẻ, nếu vết bỏng lâu khỏi hoặc xảy ra bất kỳ điều bất thường nào, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để tránh biến chứng.

Trẻ em hiếu động nên bị bỏng là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý cách sơ cứu và nguyên tắc phòng tránh trẻ bị bỏng. Nếu được xử trí ban đầu đúng thì diện tích, độ sâu của bỏng sẽ ít, thời gian điều trị ngắn và trẻ sẽ ít bị di chứng hơn.

Rate this post

Viết một bình luận