So sánh thần tình yêu Kama của Ấn Độ và Cupid của Hi Lạp – Dehoctot.Edu.vn

Khi khả năng tư duy trừu tượng của con người phát triển,con người thường muốn có nhu cầu tìm hiểu để từ đó phân tích và lí giải về thế giới tình cảm phong phú của mình. Và trong những tình cảm khác nhau thì tình yêu đôi lứa chính là sự tò mò và gợi ra nhiều thắc mắc cũng như hứng thú nhất. Bởi vì sao ? Vì tình yêu là một thứ tình cảm thiêng liêng của con người – đó là sự giao cảm, rung động giữa những người khác giới, cơ sở gây dựng nên một mối quan hệ yêu đương và nảy sinh nhu cầu gắn bó và đem lại cho con người sự hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng muốn một lần được trải qua cảm giác yêu và được yêu,đắm say trong những cung bậc cảm xúc của tình yêu, bởi đây là một thứ tình cảm tự nhiên và là nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Tuy nhiên, trong thời khởi thủy, con người không lí giải tình yêu theo tư duy minh triết như vậy, mà lại có xu hướng lí giải theo tư duy hồn nhiên, ngây thơ của con người lúc bấy giờ, họ cho rằng tình yêu là do ra thần tình yêu – một đấng siêu nhiên của tiên giới đã ban phát, dùng những mũi tên màu nhiệm để gắn kết tình yêu giữa những con người, mang lại cho họ một cuộc sống hạnh phúc. Và họ tôn sùng những đấng siêu nhiên ấy bằng tất cả lí trí và niềm tin.

Vì thế, trên thế giới đặc biệt là ở Ấn Độ và Hi Lạp trong kho tàng văn học của họ đều tôn thờ những vị thần tình yêu những người đã đem đến cho họ những phút giây hạnh phúc và thăng hoa trong tình yêu,trong thứ tình cảm hết sức thiêng liêng này. Nếu Ấn Độ ca ngợi thần Tình yêu Kama một chàng trai khôi ngô tuấn tú thì ở Hi Lạp thần tình yêu của họ hiện lên với dáng vẻ là một cậu bé có phần ngỗ nghịch Cupid. Các nhân vật những vị thần đó được thờ phụng trong những pho thần thoại để ca ngợi công lao họ đã mang lại cho con người đem đến hơi thở tươi mới ,những cảm xúc mới lạ đầy hạnh phúc. Hình tượng thần tình yêu ở Ấn Độ và Hi Lạp sẽ có những nét tương đồng nhưng cũng không ít những điểm khác nhau vì  mỗi khu vực khác nhau lại thì hình tượng của vị thần này lại được xây dựng với nét đặc trưng riêng biệt

  1. Về giống nhau:

a. Nguồn gốc:

– Được sáng tạo bởi trí tưởng tượng của con người. Chính vì thế họ thường tìm cách ca ngợi tình yêu trong những thần thoại rất thi vị. Nhân vật chính được thờ phụng trong những pho thần thoại ngợi ca hiện tượng tinh thần tình cảm như: Kama của người Ấn Độ và Cupid của người Hi Lạp…

b. Chức năng:

– Cả hai vị thần đều mang lại tình yêu và đem lại những phút giây hạnh phúc cho con người. Cả hai vị thần này đều dùng sức mạnh và phép màu của mình để gắn kết những con người, mang đến cho họ tình yêu, hạnh phúc và sự gắn bó – cội nguồn của mọi sự sinh sôi.

   c. Phương tiện:

– Cả hai vị thần đều dùng vũ khí là chiếc cung tên để gắn kết trái tim hai con người xa lạ vào nhau từ đó trong họ nảy sinh tình yêu. Chiếc cung tên giống như sợi chỉ đỏ hợp lại và hình thành nên câu chuyện tình yêu là chiếc cầu gắn kết hai trái tim ,hai con người vào một hạnh phúc, một tình yêu.

  1. Khác nhau

a. Nguồn gốc hình thành:

– Kama:

+ Khởi thủy, Kama là một khái niệm của người Ấn Độ bản địa dùng để giải thích nguồn gốc vũ trụ và muôn loài. Theo đó vũ trụ và muôn loài sinh ra là nhờ sự kết hợp giữa giống đực và giống cái. Hai giống đó đến với nhau là do ý nghĩa của tự nhiên.

+ Khi người Arya xâm nhập Ấn Độ, họ tiếp thu và kế thừa,phát triển khái niệm Kama. Họ cho rằng: “Kama là mầm sống của lòng người, của trí tuệ, là sợi dây ràng buộc cái bản thể và cái không bản thể”. Dần dần, Kama trở thành một vị thần cao cả và tự tại: “Kama có trước tất cả, Kama tự tại, chẳng ai sinh ra nên gọi là Aja (không được sinh ra mà vẫn có), thần thánh, tổ tiên và loài người đều ở dưới, ở sau và do Kama đẻ ra cả”.

– Cupid: Là con của nữ thần Sắc Đẹp Aphroditer. Sắc đẹp của thần được dân chúng ngưỡng mộ tuy nhiên sau khi nhà vua sinh được nàng công chúa xinh đẹp nhất Psikhe sự ái mộ lại dần chuyển sang cô công chúa xinh đẹp. Chính điều đó làm thần tức giận và tìm cách trừng trị công chúa. Và thần sai Cupid mang mũi tên xuống và bắn vào tim Psikhe và chàng trai xấu nhất vương quốc. Nhưng Cupid làm trái với mệnh lệnh của mẹ Venus hay vượt qua mọi chướng ngại, thử thách để tìm lại được tình yêu với nàng Psikhe.

b. Đặc điểm nhận dạng:

– Kama: Là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú.

+ Thần thường ngồi trên một cổ xe do chim vẹt kéo cùng vợ là nàng Say Đắm du ngoạn khắp nơi giữa thiên nhiên tươi đẹp do chúa Xuân tạo ra. Và loài vẹt được xe, là biểu tượng của trí thông minh vì trong tình yêu dù say mê đến đâu thì cũng không thể thiếu sự dẫn dắt của lí trí.

+ Vũ khí của thần là một bộ cung tên đặc biệt. Thân là một cây mía uốn cong, dây cung là những con ong kết cánh mà thành, mũi tên là những bông hoa xoài thơm tho, mềm mại ý chỉ tình yêu luôn mang lại cho con người cảm giác ngọt ngào, hạnh phúc.. Chàng bắn những mũi tên hoa xoài làm trái tim nảy nở trong tình yêu các chàng trai,cô gái.

– Cupid: Là một đứa trẻ bụ bẫm, tinh nghịch.

+ Thần di chuyển bằng đôi cánh nhẹ như như cánh chim. Hình tượng thiên nga, loài vật mà thần Cuppid dùng để di chuyển ý chỉ tình yêu gắn bó, thủy chung giữa hai con người. Cupid có đôi cánh thiên thần là biểu tượng cho sự tự do, thăng hoa của tình yêu, nhưng cũng gợi ra sự mong manh vì chỉ cần những biến động nhỏ thì tình yêu ấy có thể cất cánh bay đi.

+Vũ khí là một cây cung mũi tên được làm bằng vàng nên nó thường không chỉ mang lại hạnh phúc mà khi bắn vào tim của con người còn tạo ra vết thương rớm máu, vì yêu không chỉ có hạnh phúc, mà còn là sự trải nghiệm và những đớn đau.

c. Quan niệm tình yêu:

– Kama:

+ Trong cảm nhận của người Ấn Độ, tình yêu có sức mạnh vô biên mà không một thế lực nào, dù là chủ nghĩa khổ hạnh có thể chiến thắng tình yêu.

+ Người Ấn Độ cho rằng tình yêu là tình cảm của con người đã trưởng thành, chín chắn, chững chạc đầy đam mê, say đắm. Nhưng dù say mê đến đâu cũng không thể thiếu sự dẫn dắt của trí tuệ sáng suốt. Tình yêu đem đến cho con người hạnh phúc vô bờ. Vì vậy, người Ấn Độ xưa mời mọc Kama đến với mình: “Hỡi Kama! Thần có chiếc tên nhắm trúng đích. Cánh tên là sầu muộn, lòng tên là mong mỏi, mũi tên là dục tình, mong thần đến xuyên qua trái tim con người”

+ Tâm hồn người Ấn Độ luôn chao đảo giữa tình yêu và giải thoát nhưng cuối cùng phần thắng luôn thuộc về tình yêu. Người Ấn Độ đã dùng thần Tình Yêu để giải thích những trạng thái tình cảm tinh tế phức tạp trong trái tim con người. Dù phong phú, đa chiều nhưng cảm xúc chung mà tình yêu mang đến lại là niềm hạnh phúc đắm say vô tận.

-Cupid:

+ Nếu như thần tình yêu là một ông già làm việc gì cũng cẩn trọng, cân nhắc cẩn thận trước khi bắn mũi tên. Thì trên trái đất sẽ chỉ có tình yêu viên mãn, con người sẽ hạn phúc đến đầu bạc răng long.

+ Nhưng thực tế, trên thế giới có biết bao nước mắt đã đổ xuống vì tình yêu tan vỡ, tình yêu đơn phương… Vậy nên tình yêu chỉ có thể là kết quả hành động của một đứa trẻ. Có lẽ trong quan niệm của người Hi Lạp cổ đại, “tình yêu là một trò đùa của trẻ con”.

+ Đôi cánh của thần tượng trưng cho tự do và sự mong manh của tình yêu. Không một thế lực nào có thể ngăn trở được tình yêu.

Như vậy, qua sự phân tích trên ta có thể thấy, cùng một hình tượng thần Tình yêu– một sản phẩm sáng tạo, hư cấu của con người thời kì cổ đại, nhưng ở mỗi khu vực khác nhau thì hình tượng của vị thần này lại không hoàn toàn giống nhau. Tuy vẫn giống nhau về chức năng, phép màu là mang tình yêu, hạnh phúc đến cho con người, nhưng do đặc trưng tư tưởng, tư duy văn hóa của mỗi vùng miền thì hình tượng vị thần này lại có sự khác biệt nhất định, không chỉ ở tên gọi mà ngay cả hình dáng, vật dụng huyền nhiệm mang theo bên mình cũng khác nhau, biểu tượng cho những khía cạnh khác nhau của tình yêu. Nhưng điểm chung là vẫn phản ánh về tình yêu, những khía cạnh, cảm xúc chân thực nhất của tình yêu. Giúp truyền tải những nội dung phong phú, mang đến ý nghĩa tinh thần không chỉ cho con người thời cổ đại mà cho cả thế hệ nhân loại ngày nay.

Rate this post

Viết một bình luận