MV mới phát hành của Sơn Tùng bị chỉ trích dữ dội vì thông điệp tiêu cực. Khi các cơ quan ban ngành vào cuộc, yêu cầu gỡ ca khúc, nam ca sĩ vẫn chọn giải pháp im lặng.
“Tôi muốn vượt qua được giới hạn của chính mình. Thật buồn chán nếu như cứ làm một chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần. Hơn nữa khi thay đổi một chút về mục tiêu cũng như tầm nhìn của bản thân. Chúng ta sẽ có thêm nhiều cảm hứng mới lạ và nó giúp cho chúng ta luôn giữ được ngọn lửa cùng tình yêu vô bờ bến với niềm đam mê của mình” là chia sẻ của Sơn Tùng trước ngày ra mắt There’s No One At All.
Trái với kỳ vọng của Sơn Tùng, MV khi vừa ra mắt đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ công chúng bởi thông điệp sống tiêu cực. Trước phản ứng của khán giả, các cơ quan ban ngành đã vào cuộc. Cục PTTH & TTĐT yêu cầu YouTube chặn MV của Sơn Tùng và thông báo có các biện pháp xử lý.
Điều khó hiểu là đến lúc này Sơn Tùng vẫn chọn cách im lặng – động thái quen thuộc của nam ca sĩ mỗi khi xảy ra scandal.
Sự im lặng vô trách nhiệm của Sơn Tùng
There’s No One At All là MV đánh dấu chặng đường 10 năm sự nghiệp của Sơn Tùng. Sau sự ảm đạm của các sản phẩm gần nhất như Muộn rồi mà sao còn, Chúng ta của hiện tại (2021), There’s No One At All vì thế được kỳ vọng vực dậy tên tuổi của ngôi sao sinh năm 1994.
Đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh, truyền thông, sáng tác và hát hoàn toàn bằng tiếng Anh, kết hợp với ê-kíp quốc tế là điều Sơn Tùng muốn chứng minh bản thân “vượt qua giới hạn của chính mình”. Thế nhưng, điều quan trọng nhất trong thông điệp của mỗi ca khúc lại là yếu tố mà Sơn Tùng quên đi.
Hình ảnh chàng trai ngổ ngáo, bất cần, chọn cách buông mình từ tầng cao xuống lòng đường để kết thúc cuộc đời được xem là thông điệp có nội dung tiêu cực nhất trong MV kéo dài hơn 3 phút.
Hình ảnh trong MV mới của Sơn Tùng.
Khán giả chỉ trích khi Sơn Tùng phát hành một MV tiêu cực giữa thời điểm nhạy cảm, nhiều vụ tự tử ở thanh thiếu niên xảy ra trong thời gian qua. Họ cho rằng nam ca sĩ vô cảm trước thời cuộc và kêu gọi tẩy chay sản phẩm.
Và giống những sản phẩm trước, Sơn Tùng tiếp tục lâm vào cuộc khủng hoảng truyền thông tiếp theo. Tuy nhiên, scandal lần này của nam ca sĩ không dừng lại ở việc đạo nhạc, mượn beat hay tình cảm cá nhân.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Phong Việt, khủng hoảng truyền thông của Sơn Tùng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Vì những khủng hoảng về chuyên môn âm nhạc trong quá khứ nằm trong phạm vi nhỏ, chỉ dính dáng đến Sơn Tùng hoặc một số ít cá nhân khác. Hoặc nếu liên quan đến lùm xùm tình ái, chỉ có khoảng 3 người liên quan đến sự việc.
Tuy nhiên, sự cố lần này có mức độ ảnh hưởng xã hội, thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với sự phát triển về tâm lý, văn hóa của thế hệ trẻ.
“Thông qua sự việc lần này, dễ thấy Sơn Tùng và ê-kíp không hiểu hết về những tiêu cực mà họ có thể gây ra đối với một bộ phận fan nói riêng và giới trẻ nói chung thông qua các sản phẩm âm nhạc có sức lan tỏa lớn. Từ khủng hoảng trên có thể nhận diện được vấn đề là phần đông các nghệ sĩ Việt đang đánh cược với danh tiếng của họ bằng các sản phẩm gây chú ý về truyền thông nhưng không phù hợp với văn hóa, giá trị sống của người Việt”, Nguyễn Phong Việt nhìn nhận.
Vì sao Sơn Tùng vẫn im lặng?
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông cần có các bước: Thu thập thông tin, sau đó tiến hành phân tích, đánh giá, người xử lý khủng hoảng truyền thông phải tự mình tìm hiểu và chất vấn ngược lại người trong cuộc để có thông tin tốt nhất, tiếp đó mới đánh giá và xác định mức độ leo thang của khủng hoảng để lượng giá được khủng hoảng sẽ đi đến đâu, sau cùng mới đưa ra quyết định sẽ xử lý hay im lặng.
Tuy nhiên, Sơn Tùng lại là ca khác biệt của showbiz Việt. Khi nam ca sĩ luôn duy trì động thái im lặng sau khi scandal nổ ra.
Ngay cả khi các cơ quan ban ngành vào cuộc trước sự phẫn nộ của công chúng, Sơn Tùng và ê-kíp vẫn nghĩ “im lặng là vàng”. Mỗi phút trôi qua, sản phẩm của giọng ca quê Thái Bình vẫn tiếp tục tăng vọt lượt xem. MV không hề được dán nhãn hay có sự can thiệp nào từ phía nam ca sĩ.
Nếu là một nghệ sĩ có trách nhiệm, chỉ vì sự thiếu nhạy cảm cần thiết với các câu chuyện trong đời sống, Sơn Tùng đáng ra phải tự gỡ MV, nhất là khi cơ quan chức năng đã quyết định dừng lưu hành.
Sơn Tùng luôn chọn cách im lặng mỗi khi xảy ra scandal. Ảnh: Bá Ngọc.
Tuy nhiên, “vì sao Sơn Tùng vẫn im lặng?” là câu hỏi được giới phê bình âm nhạc, chuyên gia truyền thông và khán giả thắc mắc tính đến chiều 29/4.
Chuyên gia truyền thông Lương Trọng Nghĩa cho biết anh là người theo dõi sát sao hành trình âm nhạc của Sơn Tùng trong 10 năm qua. Thế nhưng lần này chính bản thân anh không hiểu mục đích, dụng ý của giọng ca 28 tuổi khi thực hiện sản phẩm There’s No One At All với thông điệp tiêu cực.
“Đến lúc này, Tùng không thể im lặng được nữa. Vì những điều xảy ra thật quá kinh khủng. Nếu Tùng vẫn chọn cách im lặng xem như chấm dứt sự nghiệp của cậu ấy”, anh Lương Trọng Nghĩa nói.
Cùng quan điểm, nhà báo Nguyễn Phong Việt cho rằng việc Sơn Tùng lên tiếng ở thời điểm này một mặt thể hiện trách nhiệm, sự chuyên nghiệp trong công việc, mặt khác dành sự tôn trọng cho cơ quan ban ngành, lẫn khán giả.
“Rất khó có thể giải thích vì sao một nghệ sĩ nổi tiếng lại luôn chọn cách im lặng trước tất cả scandal của chính mình. Đến thời điểm này, Sơn Tùng đã quá sai nên cần hành động tức thì. Và hành động đó phải thể hiện sự cầu thị, chân thành của bản thân khi mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng”, anh chia sẻ.
Nghệ sĩ đang thay đổi tư duy “im lặng là vàng”
Trước mỗi scandal nổ ra hay vướng tin đồn liên quan đến đời tư, các nghệ sĩ quốc tế đều chọn cách đối mặt và lên tiếng kịp thời. Điển hình, sự việc gây tốn bút mực nhất của giới báo chí trong tháng qua là câu chuyện Will Smith tát Chris Rock trên sân khấu lễ trao giải Oscar lần thứ 94.
Trong sự việc đó, không chỉ Chris Rock, Will Smith hay Jada Pinkett đều chịu một phần tổn thương. Nhưng trước khi Viện Hàn lâm lên tiếng về vụ việc, Will Smith đã kịp thời xin lỗi Chris Rock và hứa chịu mọi trách nhiệm liên quan.
Dù sau đó tài tử King Richard hứng chịu mọi búa rìu dư luận và trả giá đắt trong công việc, cuộc sống nhưng lối hành xử văn minh, trách nhiệm của nam diễn viên được khán giả khen ngợi.
Ở Kpop, các công ty quản lý đều có động thái phản hồi người hâm mộ mỗi khi có sự việc nào đó xảy đến với nghệ sĩ của họ. Lên tiếng thừa nhận lỗi sai hoặc giải thích nguồn cơn sự việc với công chúng đều thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự tôn trọng đối với người hâm mộ.
Tại Việt Nam, năm qua, nghệ sĩ Việt dần hình thành văn hóa xin lỗi mỗi khi vướng phải scandal. Họ không còn chọn cách im lặng rồi ở ẩn, chờ sóng gió qua đi mới xuất hiện trở lại.
Gần nhất, sau vụ lộ ảnh với người đã có gia đình gây ồn ào dư luận, Hiền Hồ đã lên tiếng xin lỗi và cầu mong sự tha thứ của mọi người.
“Từ tận đáy lòng, tôi xin nhận hết những lời chỉ trích dành cho mình. Đó là bài học rất lớn trong cuộc đời mà tôi phải dành nhiều thời gian để tự chất vấn và nhìn nhận bản thân một cách tường tận thấu đáo. Bên cạnh đó, tôi cũng cảm ơn những lời bình luận, phân tích. Bài học lớn này giúp tôi thức tỉnh và nhìn nhận lại những gì đã xảy ra”, nữ ca sĩ cho biết.
Trước đó, Noo Phước Thịnh, Jack hay Phương Mỹ Chi cũng chọn cách xin lỗi để khép lại những ồn ào xảy đến.
Nghệ sĩ Việt đang dần chuyên nghiệp và thay đổi khi đối mặt với scandal, trừ Sơn Tùng.
10 năm hoạt động trong showbiz với vô số lùm xùm xoay quanh chuyện “vay mượn” trong âm nhạc hay đời tư, song giọng ca sinh năm 1994 vẫn chọn giải pháp “im lặng là vàng”.
Trong một bài phỏng vấn trên Zing, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ dù ở góc cạnh nào, nghệ sĩ phải là tấm gương tốt cho khán giả.
“Đôi khi, họ nhầm lẫn giữa vai trò của một nghệ sĩ và người sử dụng mạng xã hội thông thường. Phát ngôn, ứng xử trên mạng xã hội thế nào là nên, thế nào không nên, dường như họ chưa nắm rõ. Theo tôi, bộ quy tắc không chỉ tốt đối với giới nghệ sĩ, mà còn tốt cho xã hội nói chung. Hình ảnh nghệ sĩ trong sáng, chuẩn mực góp phần định hướng đạo đức cho chính người hâm mộ của nghệ sĩ ấy”, ông nói.