Sư đồ luyến – Tình yêu vượt qua rào cản xã hội hay nhầm lẫn ngưỡng mộ thành tình yêu

Sư đồ luyến hẳn nhiên không phải là một thể loại xa lạ đối với “dân chuyên ngôn”. Đây là những câu chuyện có nội dung xoay quanh tình yêu giữ thầy/cô và học sinh.

Phải công nhận đây là một thể loại thú vị, nó khai thác một khía cạnh tình yêu mới mẻ và trắc trở, dù vậy mình phải đặt ra một câu hỏi: Sư đồ luyến là tình yêu vượt qua rào cản xã hội hay chỉ là nhầm lẫn của sự ngưỡng mộ?

Nhầm lẫn là điều dễ hiểu

Thầy – trò quả thực là một mối quan hệ được chia cấp bậc. Thầy là những người giỏi giang, họ tỏa sáng khi truyền đạt kiến thức của bản thân cho học sinh, họ từng trải, họ hiểu đời, họ trưởng thành. Còn học sinh là những đứa trẻ nhận sự chỉ dạy, những đứa trẻ đó tiếp cận kiến thức và xã hội một phần là qua thầy cô.

Thầy cô là những người có sức ảnh hưởng rất lớn, dẫn dụ như một đứa trẻ ở nhà có thể không nghe lời cha mẹ nhưng sau khoảng thời gian đi học thì đứa bé còn sợ thầy cô hơn cả cha mẹ. Cha mẹ nói có thể không nghe nhưng thầy cô nói nhất định sẽ nghe, đó là những câu chuyện mà mẹ mình, một giáo viên mầm non, thường được nghe phụ huynh nhắc đến.

Tình yêu giữa thầy cô và học sinh thường phát sinh bởi một chữ “nể”, thực tế cảm giác này được mang tới bởi sự ngưỡng mộ, những đứa trẻ sẽ cảm thấy tại sao người thầy người cô này lại có thể nói những câu sâu sắc đến vậy, có thể biểu đạt những thứ mà những người thân thương nhất với chúng không thể, có thể hiểu chúng như thế, có thể giỏi giang như thế. Liệu rằng có gì mà những thầy cô này không làm được không? Vừa trưởng thành, vừa thấu hiểu như vậy làm sao có thể không ngưỡng mộ.

Tình cảm sẽ lớn dần theo những ảo vọng trong chính đứa trẻ đó, từng cử chỉ, từng lời nói sẽ đi qua một bộ lọc trong não mà trở nên tinh tế, đẹp đẽ vô cùng. Thực ra, thứ mà chúng ngưỡng mộ chính là những ảo vọng đó.

Do đó, việc nhầm lẫn là hoàn toàn có thể hiểu được.

Thế nhưng để nói sư đồ luyến chỉ toàn là nhầm lần thì lại không đủ cơ sở.

Chúng ta đi học từ mẫu giáo đến hết đại học. Thời điểm được công nhận là trưởng thành là ngưỡng 18 tuổi.

Tại sao mình lại đề cập đến vấn đề này? Bởi 18 tuổi chính là thời điểm, dù có là nhầm lẫn ngưỡng mộ thành tình yêu thì điều đó vẫn được công nhận là tình yêu. Vì đứa học sinh ngày nào đã đủ năng lực chịu trách nhiệm trước pháp luật cho tất cả những gì chúng làm!

Tình yêu nam nữ giữa thầy cô và học sinh là hoàn toàn có thực

Như mình đã nói ở trên, 18 tuổi, cái mốc chứng minh bạn hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm cho hành vi cũng như tình cảm của bản thân đã đến, thì những rung cảm của bạn hoàn toàn được công nhận là thật, đó thật sự là tình yêu.

Tại thời điểm đó, có những thứ từ nhầm lẫn thành tình yêu thật sự và cũng có những thứ vốn đã là tình yêu càng được hầm kỹ hơn, vì bản thân được công nhận, tình cảm cũng được công nhận.

Tình yêu giữa thầy cô và học sinh bị cấm cản vốn là bởi tuổi thành niên và định kiến được hình thành từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Người này đã từng dạy dỗ mình, như cha như mẹ mình, làm sao con cái có thể phát sinh tình cảm nam nữ với cha mẹ?

Chỉ khi cả hai người thực sự vượt qua được rào cản vô hình đó, tình yêu giữa họ bắt đầu và nó tồn tại thật, giữa hai người bình thường chứ không còn bị gắn mác thầy – trò nữa.

Dù vậy, sư đồ luyến có nên được ủng hộ?

Đây rõ ràng là một vấn đề rất đáng chú ý. Đối với bản thân mình thì mình không ủng hộ sư đồ luyến dưới 18 tuổi.

Tình cảm là thứ không dễ kiểm soát, nếu dễ kiểm soát thì đã chẳng có Romeo và Juliet, đã chẳng có những bộ truyện ngược luyến tàn tâm, máu chó cả xô…

Không phải mình coi thường những rung cảm của các bạn dưới 18 tuổi mà mình muốn nhấn mạnh rằng: để tình yêu của bạn được công nhận, bạn phải là người được công nhận là người trưởng thành, là người đủ năng lực chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đến lúc đó, bạn không phải nhận bất kỳ bảo hộ nào nữa, cũng từ đó bạn phải suy nghĩ kỹ càng cho tất cả quyết định của bản thân, ngay cả tình yêu!

Nhắc lại một lần nữa, sư đồ luyến là một thể loại thú vị và rất nhân văn. Nhưng nó chỉ đúng khi phù hợp với bối cảnh xã hội và văn minh thời đại.

Mỗi “dân chuyên ngôn” cũng nên vững vàng lập trường để tiếp xúc với những thể loại gây nhiều tranh cãi như thế này nha!

-TLC-

Rate this post

Viết một bình luận