Sử dụng trò chơi dân gian nhằm phát triển kỹ năng vận động cho trẻ mầm non

Sử dụng trò chơi dân gian nhằm phát triển kỹ năng vận động cho trẻ mầm non

02/08/2021 21:08


Giáo dục Mầm non là bước đệm đầu tiên cho các cấp học, giúp trẻ có điều kiện hình thành và phát triển nhân cách cũng như trí tuệ. Trò chơi dân gian là một trong những phương tiện quan trọng để giáo dục kỹ năng cho trẻ. Việc kết hợp trò chơi dân gian vào các thời điểm hoạt động của trẻ mang lại ý nghĩa to lớn trong việc rèn luyện và phát triển kĩ năng vận động cho trẻ, đặc biệt nó góp phần xây dựng nhân cách mang đậm văn hóa dân tộc Việt Nam cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Bài viết đã đưa ra cách sử dụng trò chơi dân gian nhằm phát triển kĩ năng vận động cho trẻ mầm non.

Từ khóa: Kỹ năng vận động, phát triển, trẻ mầm non, trò chơi dân gian

I. Đặt vấn đề

Giáo dục mầm non từ lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi. Đây là bước đệm đầu tiên cho các cấp học, giúp trẻ có điều kiện hình thành và phát tiển nhân cách cũng như trí tuệ. Có rất nhiều phương tiện để giáo dục kỹ năng vận động cho trẻ và trò chơi dân gian là một trong những phương tiện đó. Bởi thông qua trò chơi dân gian trẻ được tiếp xúc với cuộc sống và xã hội của con người, giúp trẻ lĩnh hội được những kinh nghiệm lịch sử xã hội của nền văn hóa loài người. Đây chính là môi trường để rèn luyện các kỹ năng, tập cho trẻ biết ứng xử và tham gia vào hoạt động cộng đồng với tư cách là con người xã hội. 

Trò chơi dân gian của trẻ em là hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, mang nét hồn nhiên của trẻ thơ. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nói: “Cuộc sống đối với trẻ em không thể thiếu những trò chơi. Trò chơi dân gian không đơn thuần là một trò chơi của trẻ con mà nó chứa đựng cả nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Trò chơi dân gian không chỉ chắp cách cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển tư duy, sáng tạo, mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Ngày nay các em ở một xã hội công nghiệp, chỉ quen với máy móc và không có khoảng thời gian chơi cũng là một thiệt thòi. Thiệt thòi hơn khi các em không được làm quen và chơi những trò chơi dân gian của thiếu nhi ngày trước – đang ngày càng bị mai một và quyên lãng, không chỉ có ở thành phố mà còn ở các vùng quê. Vì thế giúp các em hiểu và quay về nguồn cội với các trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết”.

Việc sử dụng lồng ghép trò chơi dân gian vào chương trình giáo dục mầm non sẽ là cầu nối đưa trẻ em tiếp xúc với môi trường trải nghiệm đồng thời cũng là rèn kỹ năng vận động cho trẻ.

II. Vai trò của của trò chơi dân gian đối với trẻ mầm non

2.1. Khái niệm trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian là những hoạt động vui chơi giải trí do quần chúng nhân dân Việt Nam sáng tạo ra và được lưu truyền tự nhiên qua nhiều thế hệ. Trò chơi dân gian diễn ra mọi lúc, mọi nơi, không hạn định về mặt thời gian, không gian và phản ánh đời sống tinh thần, văn hóa của dân tộc.

2.2. Đặc điểm của trò chơi dân gian

 Trò chơi dân gian xưa được xem là hình thức giáo dục đơn giản giúp hình thành nhân cách cũng như phát triển thể chất cho trẻ nhỏ, nó thường được thể hiện là hành vi bắt chước của trẻ nhỏ từ các hoạt động của người lớn hay là sự truyền dạy của người lớn cho trẻ nhỏ. Cứ như thế các trò chơi dân gian thường được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một di sản văn hóa dân tộc. Do không lệ thuộc vào hình thức lễ hội như trò chơi của người lớn nên trò chơi dân gian trẻ em có những nét đặc trưng cơ bản như: Trò chơi dân gian thường đơn giản, dễ chơi, phổ biến rộng rãi, không chịu sự ràng buộc một cách nghiêm ngặt về số lượng, không gian và thời gian. Nếu sân nhà nho nhỏ thì các em chơi ô ăn quan, chơi cờ, đánh chuyền, … Nếu diện tích rộng hơn thì có thể chơi trò Rồng rắn lên mây, đá cầu, trốn tìm, bịt mắt bắt dê… Ở những bãi cỏ lớn thì có thể tổ chức các trò cướp cờ, đánh đu, đá gà, chồng bông sen,…Ở trong trường mầm non tổ chức cho trẻ chơi ở trong phòng hoặc ngoài sân… tùy thuộc vào thời gian, lứa tuổi và chủ đề học để lựa chọn trò chơi cho phù hợp với sự phát triển kỹ năng vận động của trẻ.

2.3. Phân loại trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian ở Việt Nam có nhiều trò chơi dân gian cổ truyền dành cho trẻ em. Trò chơi dân gian trẻ em phong phú, không chỉ nhiều về số lượng mà còn đa dạng về thể loại. Để lựa chọn được trò chơi phù hợp với sự phát triển kỹ năng vận động của trẻ mầm non ở đây giới thiệu 4 thể loại như sau:

– Trò chơi dân gian vận động: Bao gồm các trò chơi trẻ em vận động chân tay, chạy, nhảy như trò chơi “Rồng rắn lên mây”, “Trồng nụ trồng hoa”, “Kéo co”, “Cướp cờ”,… Những trò chơi này thường được chơi ở ngoài trời để tiếp xúc với thiên nhiên, nhằm tăng cường sức khỏe và các tố chất về thể lực cho trẻ.

 – Trò chơi trí tuệ: Đó là những trò chơi nhằm phát triển trí tuệ cho trẻ, dạy cho trẻ biết quan sát, tính toán. Như trò chơi “Cờ đi đường” “Ô ăn quan”, “Cờ lúa ngô”,… giúp phát triển trí tuệ cho trẻ.

– Trò chơi sáng tạo: Là trò chơi giúp trẻ thông minh hơn như trò chơi “Ăn quả nhả hột” đây là trò chơi mới được sáng tạo do dựa vào trò chơi cũ là trò chơi “Cá sấu lên bờ”, “Ngũ long tranh đuôi” được sáng tạo từ trò chơi “Rồng rắn lên mây”,… tạo lên sự mới lạ và vui vẻ.

– Trò chơi mô phỏng: Trong trò chơi này, trẻ hóa thân, nhập vai mà trẻ thích. Như trò chơi “Cắp cua”, “Mèo đuổi chuột”…

2.4. Vai trò của trò chơi dân gian đối với trẻ mầm non

– Trò chơi được sử dụng như những quá trình đào tạo nhân cách văn hóa của mỗi con người từ tấm bé cho đến già vì thế ở mỗi lứa tuổi đều có trò chơi. Trò chơi dân gian nằm trong hoạt động vui chơi của trẻ, nó mang nhiều chức năng và mục đích giáo dục. Chức năng cơ bản nhất là thỏa mãn và phát triển nhu cầu, năng lực sáng tạo của trẻ. Mỗi thế hệ trẻ sinh ra đều được tiếp thu và chơi một hệ thống sẵn có các trò chơi do các thế hệ trước sáng tạo nên. Mỗi thế hệ lại chơi các trò chơi ấy theo cách riêng của mình. Những sáng tạo đó đã làm cho trò chơi có sự thay đổi và có tác dụng rèn luyện trí sáng tạo cho những người tham gia cuộc chơi. Tính sáng tạo của trẻ được phát triển mạnh mẽ trong việc đóng vai, tự quy ước, thay đổi, bổ sung luật lệ chơi cho phù hợp với điều kiện chơi của mình.

– Trò chơi dân gian làm thỏa mãn nhu cầu vận động, nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh, nhu cầu giao tiếp giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.

– Trò chơi dân gian rèn luyện ý thức tổ chức kỉ luật trong khi chơi thông qua việc tuân thủ các luật chơi và quy định chơi.

– Trò chơi dân gian trẻ em không chỉ đơn thuần là một trò chơi của trẻ mà nó còn chứa đựng cả nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Qua từng thời kỳ phát triển của xã hội, các hình thức chơi của trẻ cũng thay đổi. Trẻ em được tiếp cận và trực tiếp tham gia chơi các trò chơi dân gian sẽ giúp cho trẻ sớm hình thành các thói quen hoạt động có hệ thống, tính tập thể giúp trẻ tự tin, linh hoạt hơn trong mọi hoạt động cũng như sự phát triển sau này của trẻ.

III. Vận dụng trò chơi dân gian nhằm phát triển kĩ năng vận động cho trẻ mầm non

Để vận dụng trò chơi dân gian vào phát triển kĩ năng vận động cho trẻ mầm non trước hết phải nắm được phương pháp và các hình thức thực hiện trò chơi dân gian đồng thời xác lập được các trò chơi nào nhằm phát triển kỹ năng vận động cho trẻ phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lí từng độ tuổi mầm non.

* Phương pháp tổ chức – hướng dẫn trò chơi dân gian nhằm phát triển vận động cho trẻ mầm non.

– Chọn trò chơi và soạn giáo án tổ chức – hướng dẫn:

+ Xác định được mục đích yêu cầu của trò chơi định chọn;

+ Chú ý đến trình độ và sức khỏe của trẻ, đặc điểm giới tính;

+ Địa điểm tổ chức chơi;

+ Soạn giáo án và tổ chức hướng dẫn từng bước .

– Chuẩn bị địa điểm, phương tiện để tổ chức chơi

+ Về phương tiện: Chuẩn bị phương tiện cho phù hợp với trò chơi đã chọn.

+ Về địa điểm: Sạch sẽ, thoáng mát phù hợp với nội dung và mục đích của trò chơi.

– Tổ chức đội hình cho trẻ chơi

+ Tập hợp trẻ theo các đội hình khác nhau phù hợp với trò chơi, đối tượng chơi và ổn định tổ chức;

+ Phân chia đội (nếu trò chơi phải chia đội); phân vai chơi (nếu trò chơi đóng vai)

+ Chọn vị trí đứng của giáo viên để giải thích trò chơi và điều khiển trò chơi;

+ Chọn đội, những người tham gia đóng vai chính của cuộc chơi.

– Giới thiệu và giải thích trò chơi

Giới thiệu và giải thích trò chơi phụ thuộc vào tình hình thực tiễn.

+ Đối với trò chơi trẻ chưa biết, cần giới thiệu, giải thích, làm mẫu và chơi thử.

+ Đối với trò chơi trẻ đã biết và được chơi rồi thì cô nên cho trẻ nhắc lại cách chơi và luật chơi, nếu trẻ nhắc lại rõ ràng rồi thì giáo viên không cần giải thích lại nữa mà có thể nêu thêm một số yêu cầu cao hơn lần chơi trước.

– Điều khiển trò chơi

+ Giáo viên điều khiển phải quyết định trong quá trình chơi,

+ Trong quá trình điều khiển giáo viên phải chú ý bảo hiểm cho trẻ và có biện pháp phòng ngừa chấn thương đối với trò chơi có dụng cụ.

– Đánh giá kết quả cuộc chơi

+ Sau mỗi lần chơi cần nhận xét, đánh giá kết quả cuộc chơi;

+ Nêu được ưu điểm và nhược điểm của các đội chơi; cá nhân chơi,

+ Đánh giá cuộc chơi phải rõ ràng, công bằng.

* Cách tiến hành

Bước 1: Ổn định tổ chức, giới thiệu tên trò chơi, tác dụng của trò chơi,

Bước 2: Phổ biến nội dung, cách chơi, luật chơi. Hướng dẫn cho trẻ cách chơi, luật chơi,

Bước 3: Tổ chức cho trẻ chơi,

Bước 4: Nhận xét quá trình chơi, kết quả chơi (khen thưởng đội thắng, khích lệ đội thua, lưu ý không nên chê trẻ).

IV. Kết luận

Ở lứa tuổi mầm non, hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo. Thông qua hoạt động vui chơi trẻ phát triển trí tuệ, thể chất, tình cảm, quan hệ, qua đó phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ. Trong hoạt động vui chơi có rất nhiều các thể loại trò chơi và một bộ phận không thể nhắc đến đó là các trò chơi dân gian, đây là loại trò chơi mà khi được giáo viên hướng dẫn, tổ chức cho trẻ chơi, trẻ rất yêu thích. Vì vậy việc kết hợp trò chơi dân gian vào các thời điểm hoạt động của trẻ mang lại ý nghĩa to lớn trong việc rèn luyện và phát triển kĩ năng vận động cho trẻ và đặc biệt nó góp phần xây dựng nhân cách mang đậm văn hóa dân tộc Việt Nam cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Để phát huy tốt vai trò của trò chơi dân gian vào phát triển kĩ năng vận động cho trẻ thì người giáo viên phải nghiên cứu lựa chọn, sưu tầm các trò chơi dân gian phù hợp với chủ đề và lứa tuổi của trẻ để trẻ yêu thích và tham gia tích cực khi được chơi.

ThS Đào Thị Vương

Trường Đại học Hạ Long

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trương Kim Oanh – Phan Quỳnh Hoa (1994), Trò chơi dân gian cho trẻ em dưới 6 tuổi, Nhà xuất bản Giáo dục Viện nghiên cứu trẻ em trước tuổi học.

Xem thêm

Như cái cây có nhiều nhánh cành vươn ra bốn phương

Như cái cây có nhiều nhánh cành vươn ra bốn phương

Những bộ đàn đá Lâm Đồng trong sưu tập đàn đá cổ Việt Nam

Những bộ đàn đá Lâm Đồng trong sưu tập đàn đá cổ Việt Nam

Ao cá Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch

Ao cá Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch

Tre Việt, di sản biểu tượng

Tre Việt, di sản biểu tượng

Làng Diềm ơi! thế giới cổ xưa ơi!

Làng Diềm ơi! thế giới cổ xưa ơi!

Có thể bạn quan tâm

Top

Rate this post

Viết một bình luận