Sự thật về những thành phần “mang tiếng xấu” trong mỹ phẩm

Nếu bạn là người sở hữu làn da nhạy cảm, dễ kích ứng/dị ứng khi sử dụng mỹ phẩm thì chắc chắn bạn phải có thói quen hay săm soi bảng thành phần và “tẩy chay” hết những thành phần được cho là có hại cho da như dễ gây bí tắc lỗ chân lông (Comedogenic), có khả năng gây kích ứng da (Irritating Ingredient), có khả năng gây ung thư (Cancer-Causing Ingredient)… Nổi bật nhất phải kể đến là các “gương mặt thân quen” như Paraben, Mineral Oil/Petrolatum, Hydroquinone. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng đào sâu vào các thành phần vốn đã “mang tiếng xấu” trong mỹ phẩm này, tìm hiểu sự thật đằng sau chúng, xem có phải thực sự những thành phần này gây hại cho da và liệu chúng ta có nên tiếp tục sử dụng chúng hay là “nghỉ chơi” dài dài nhé.

Parabens

Đây hẳn là thành phần “tai tiếng” nhất và thường xuyên bị dân tình xa lánh mỗi khi đọc bảng thành phần sản phẩm. Paraben được sử dụng cực kỳ phổ biến trong mỹ phẩm chăm sóc da, chăm sóc cơ thể, chăm sóc tóc, makeup… với vai trò làm chất bảo quản nhờ khả năng kháng khuẩn và kháng nấm, ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn và hạn chế sự phân hủy của các hoạt chất dẫn đến giảm hiệu quả của sản phẩm, đặc biệt là trong những môi trường ẩm ướt, nhiệt độ cao như phòng tắm nhà bạn. Tuy nhiên, dẫn xuất của Paraben là Isoparaben bị nghi ngờ là có thể gây ung thư vú ở phụ nữ, đặc biệt ở những người thường xuyên sử dụng lăn khử mùi có chứa thành phần bảo quản này. Từ đó, xu hướng phản đối việc mỹ phẩm chứa Paraben ra đời. Trên thị trường bắt đầu xuất hiện rất nhiều sản phẩm gắn nhãn “Paraben free” (không chứa Paraben) nhằm giúp người tiêu dùng an tâm hơn. Kể cả ở Việt Nam cũng đã cho ban hành quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc các sản phẩm mỹ phẩm có chứa 5 dẫn chất paraben (Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) vào năm 2015, theo Quyết định của Hội đồng mỹ phẩm ASEAN. 

Thực chất thì Paraben có gây hại hay không?

Một trong những nghiên cứu có tầm ảnh hưởng nhất về mối nguy hại từ Paraben được thực hiện bởi tiến sĩ Philippa Darbre – giảng viên cao cấp về ung thư học và nhà nghiên cứu về sinh học phân tử thuộc trường Đại học Reading ở Anh, chuyên nghiên cứu về tác động của estrogen đối với ung thư vú. Vào năm 2004, nhóm nghiên cứu của TS Darbre đã công bố một nghiên cứu quan trọng về việc phát hiện ra paraben trong 18 trên 20 mẫu khối u ung thư vú. Tuy nhiên, thực tế nghiên cứu này không hề chứng minh được Paraben là nguyên nhân gây ra ung thư, mà chỉ nêu lên được việc Paraben xuất hiện xung quanh các tế bào ung thư mà thôi. Nghiên cứu này còn nhận về rất nhiều chỉ trích vì không so sánh được mức độ Paraben trong các mẫu tế bào bình thường. Ngoài ra, TS Darbre còn đặc biệt quan tâm đến các loại kem và sản phẩm khử mùi được sử dụng ở vùng da dưới cánh tay, vùng da gần bầu ngực. Cô nhấn mạnh rằng có khoảng 55% các khối ung thư vú xuất hiện ở phần bên ngoài phía trên của bầu ngực – phần gần với nách nhất. Nhưng Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã bác bỏ cáo buộc này bởi cho đến hiện tại, không hề có bằng chứng cụ thể nào để đưa đến kết luận Paraben chứa trong các sản phẩm này có liên quan đến ung thư vú.

Trong một nghiên cứu khác đến từ Đan Mạch lại cho thấy rằng, Paraben có thể được phát hiện trong máu và nước tiểu của những tình nguyện viên nam trẻ khỏe sau một vài giờ bôi sản phẩm lotion có chứa Paraben lên da. Họ kết luận rằng, bởi vì Paraben có thể được hấp thụ, chuyển hoá và bài tiết qua cơ thể, vì vậy chúng có thể góp phần vào việc gây ra những tác động xấu đến sức khoẻ con người.

=> Nói tóm lại, vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào đưa ra được dẫn chứng Paraben trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ hay gây ra ung thư.

Chúng ta cần lưu ý rằng, trong công thức của một sản phẩm mỹ phẩm, hàm lượng Paraben chỉ chiếm % cực kỳ nhỏ với công dụng bảo quản, và lượng rất nhỏ này không gây hại cho sức khoẻ hay gây ung thư (một nghiên cứu khác của tổ chức Cosmetic Ingredient Review vào năm 2015 đã chứng minh điều này).

Chưa kể đó là, Paraben trong mỹ phẩm hay các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cơ thể sẽ được hấp thụ qua da. Sau đó, nó sẽ được “hoàn toàn chuyển hoá trước khi đi vào hệ tuần hoàn” và được thải ra trong nước tiểu. Vì thế, việc Paraben tồn đọng trong cơ thể và gây ra ung thư là điều khó có thể xảy ra.

Mặt khác, có một sự thật bạn cần biết nữa là Paraben còn tồn tại trong cả tự nhiên. Chúng có mặt trong các sản phẩm hữu cơ, các loại đậu, hạt lanh, hoa quả, quả việt quất, cà rốt, dưa chuột đều sản sinh ra Paraben. Vậy nên việc bạn lo lắng về Paraben quá mức là không cần thiết. 

Liệu có thành phần bảo quản nào thay thế được cho Paraben?

Câu trả lời phũ phàng là chưa có.

Nhiều thập kỷ trước, Paraben ra đời đã thay thế cho hàng loạt sản phẩm chứa formaldehyde như một chất bảo quản, bởi chúng vừa rẻ lại vừa vô cùng hiệu quả. Chẳng ai trong chúng ta muốn quay lại sử dụng formaldehyde, và mọi người đều cố gắng tìm kiếm một lựa chọn thay thế tốt hơn. Thế nhưng hiện nay lại chưa có một chất nào ổn định và mang lại hiệu quả tương tự như Paraben cả. Và vì không phải người tiêu dùng nào cũng sẵn lòng bảo quản mỹ phẩm của họ trong ngăn mát tủ lạnh, nên Paraben vẫn cứ tiếp tục được sử dụng mà thôi.

Đương nhiên bạn vẫn có thể tìm thấy được rất nhiều sản phẩm gắn nhãn “Paraben free” trên thị trường, nhưng phần lớn chúng đều phải sử dụng các chất bảo quản thay thế như Phenoxyethanol, Ethylhexylglycerin, hỗn hợp các loại tinh dầu thiên nhiên, chiết xuất thực vật… Các chất bảo quản này tuy có thể “an toàn” hơn Paraben, nhưng không mang lại hiệu quả tối ưu bằng (thời hạn sử dụng ngắn hơn chỉ khoảng 6 tháng sau khi mở nắp), một trong số đó còn có khả năng gây kích ứng cho làn da. Liệu bạn có muốn lọ kem dưỡng hay chai lotion của mình đổi màu, đổi mùi, lên mốc… chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng không? Nếu tiếc rẻ dùng tiếp thì hậu quả có khi còn kinh khủng hơn là chọn dùng mỹ phẩm chứa Paraben nữa cơ!

Vậy thì chúng ta có nên ngưng sử dụng hoàn toàn các sản phẩm chứa Paraben không?

Câu trả lời tuỳ thuộc ở bạn. Nếu thuộc tuýp người cẩn tắc vô áy náy, bạn có thể “né xa” Paraben càng nhiều càng tốt cho đến khi nó được chứng minh 100% không gây hại hoặc đến lúc các nhà nghiên cứu tìm ra được thành phần bảo quản thay thế an toàn và vượt trội hơn. Hoặc giả như bạn có thể “nhắm mắt làm ngơ”, “phó mặc sự đời” thì vẫn cứ tiếp tục sử dụng bình thường thôi, vì làm gì có ai thoa hết cả chai sữa dưỡng thể to đùng trong một ngày hay bôi hết lọ kem dưỡng ẩm lên mặt liền một lúc đâu nhỉ?

Lời khuyên của Happy Skin là đối với những sản phẩm làm sạch, tẩy rửa, không lưu lại lâu ở trên da như dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt… thì bạn có thể “du di” sử dụng những loại có chứa Paraben. Riêng với các sản phẩm như lăn khử mùi hay kem dưỡng thể, nên hạn chế tối đa thành phần Paraben để ngăn ngừa nguy cơ ung thư vú, đồng thời cũng hạn chế thoa kem dưỡng da ở khu vực gần bầu ngực và vùng da dưới cánh tay nữa nhé.

Mineral Oil/Petrolatum

Một trong những thành phần “mang tiếng xấu” nữa là dầu khoáng (Mineral Oil) hay còn gọi là Petrolatum. Thành phần này thường xuyên bị “gọi hồn” mỗi khi ao đó nhắc đến vấn đề bí tắc lỗ chân lông, mụn trứng cá, mụn ẩn dưới da… Nhưng sự thật thì sao nhỉ?

Mineral Oil/Petrolatum là gì?

Nếu như bạn cảm thấy hơi xa lạ với cái tên Mineral Oil hay Petrolatum, thì Happy Skin xin gợi ý bạn một cái tên mà chắc chắn ai cũng biết – Vaseline. Thực chất Vaseline mà mọi người hay dùng để dưỡng môi, thoa chống nẻ, nứt gót chân… được làm từ 100% Petrolatum Jelly đấy. Vaseline đã được bán tại Mỹ từ những năm 1870, còn Petrolatum thì đã được các bác sĩ khuyên dùng từ hơn 100 năm nay rồi cơ! Bất ngờ chưa?

Mineral Oil/Petrolatum trên thực tế chính là hydrocarbon – thành phần đến từ trái đất này, 100% hoàn toàn tự nhiên, không phải hoá chất tổng hợp! Cả hai chất này đều có nguồn gốc từ dầu hoả/dầu mỏ, nhưng chúng KHÔNG hề giống nhau đâu nhé.

Mineral Oil/Petrolatum được hình thành từ quá trình chưng cất dầu mỏ. Chúng là sản phẩm được tinh chế, chiết lọc từ quá trình này và có độ tinh khiết cao.

Công dụng của Mineral Oil/Petrolatum trong mỹ phẩm?

Đã từ lâu, Petrolatum được sử dụng trong công nghiệp như một chất bôi trơn giúp máy móc hoạt động trơn tru. Còn ngày nay, chúng ta dùng nó để làm giảm chứng hăm tã, giảm chứng viêm mũi dị ứng, làm dịu đôi môi khô nứt nẻ vào mùa lạnh, thoa trị bỏng hay giúp làm lành vết thương…

Trong mỹ phẩm, Petrolatum được sử dụng rộng rãi như một thành phần dưỡng ẩm/giữ ẩm vô cùng hiệu quả, giúp tạo lớp màng bảo vệ ngăn ngừa mất nước qua da, bảo vệ da khỏi vi khuẩn, các tác nhân gây kích ứng hay gây hại từ bên ngoài. Ngoài ra, Petrolatum còn là một dung môi vô cùng tuyệt vời, dễ dàng hoà trộn với các thành phần khác. Còn gì tuyệt vời hơn Petrolatum, một chất vô cùng rẻ, không mùi, không màu, không vị, không gây kích ứng da? Petrolatum có mặt trong mọi thứ, từ son dưỡng môi, kem dưỡng ẩm, dầu em bé, kem trị nẻ, mỹ phẩm trang điểm… Theo Environmental Working Group (EWG) – tổ chức phi chính phủ về môi trường tại Mỹ, cứ mỗi 14 sản phẩm mỹ phẩm trên thị trường thì lại có 1 sản phẩm chứa Petrolatum, trong đó bao gồm 15% là son môi và 40% là kem dưỡng da/dầu trẻ em. 

Rate this post

Viết một bình luận