Sữa bò có thật sự tốt như quảng cáo?
Các chuyên gia dinh dưỡng e ngại về tác hại của sữa bò
Trước đây, nhiều khuyến cáo dinh dưỡng khuyên người dân nên thường xuyên bổ sung sữa bò vào chế độ ăn uống. Trong một đánh giá mới, giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học Walter Willett, công tác tại Trường Y tế Công cộng Chan (Harvard – Hoa Kỳ) và cộng sự đưa ra những ý kiến ngược lại. Những người này cho rằng có quá ít bằng chứng khoa học chứng minh được sữa bò mang lại lợi ích cho sức khỏe như những gì nó được quảng cáo. Thậm chí, giáo sư Walter còn cho rằng, việc tiêu thụ quá nhiều sữa có thể gây hại cho cả cơ thể và môi trường. Giáo sư Walter nhấn mạnh, khi đưa ra một khuyến cáo nào đó, chúng ta nên dựa trên các bằng chứng khoa học có sức thuyết phục cao. Dựa trên những nghiên cứu của mình, ông đã đưa ra các lập luận về tác hại của sữa bò trên tạp chí The New England. Bên cạnh đó, giáo sư Walter còn cho rằng việc chăn nuôi bò sữa ồ ạt sẽ gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Ông khẳng định, ngành công nghiệp bò sữa là yếu tố góp phần vào biến đổi khí hậu. Theo Web MD, giáo sư Walter không phải là người duy nhất e ngại về tác hại của sữa bò. Theo đó, nữ tiến sĩ Elizabeth Jacobs cũng là người có cùng quan điểm với giáo sư Walter. Tiến sĩ Elizabeth cũng là giáo sư dịch tễ học. Cô và các đồng nghiệp của mình vừa có những nghiên cứu về lợi ích và tác hại của sữa bò. Cô cho rằng chúng ta nên xem sữa bò như một nhóm thực phẩm riêng biệt. Người dùng nên có nhiều lựa chọn thực phẩm hơn để cung cấp protein và các dưỡng chất khác cho sức khỏe thay vì uống quá nhiều sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa.
Đa phần các thông điệp quảng cáo về sữa bò đều dựa trên ý tưởng con người cần uống sữa để đáp ứng nhu cầu canxi hằng ngày của cơ thể. Ở Mỹ, con số thống kê năm 2018 cho thấy, trung bình một người Mỹ tiêu thụ sữa và các chế phẩm từ sữa nhiều hơn 9% so với năm 1975. Dữ liệu thống kê cũng cho thấy người dân Mỹ có xu hướng ăn nhiều phô mai, sữa chua và ít uống sữa tươi hơn. So với những năm trước 1975, lượng tiêu thụ sữa của người dân Hoa Kỳ đã giảm khoảng 40%. Tuy nhiên, vì cần nhiều sữa để làm chế phẩm nên lượng tiêu thụ sữa tổng thể lại tăng. Tại Việt Nam, theo tạp chí Thương hiệu Việt Nam, vào năm 2010, trung bình mỗi người tiêu thụ khoảng 15 lít sữa/năm. Dự kiến trong năm 2020, lượng tiêu thụ này sẽ tăng gấp đôi. Những con số này cho thấy, người dân ở Việt Nam, Hoa Kỳ và những quốc gia khác rất tin tưởng vào những lợi ích mà sữa bò mang lại. Điều này có thể do ảnh hưởng từ hiệu ứng truyền thông, quảng cáo. Trong khi đó, tiến sĩ Walter đã tiến hành các nghiên cứu đo lường lượng canxi mà cơ thể một người trưởng thành cần tiêu thụ. Theo đó, những người tham gia nghiên cứu được theo dõi lượng canxi họ đã nạp vào cơ thể qua đường ăn và uống. Từ đó, các nhà nghiên cứu so sánh với lượng canxi được họ bài tiết qua phân và nước tiểu. Kết quả cho thấy, ở Mỹ, người trưởng thành có sức khỏe bình thường chỉ cần tiêu thụ 741mg canxi mỗi ngày. Ở các quốc gia khác, đặc biệt là những nước có văn hóa ẩm thực phong phú như Việt Nam, lượng canxi cần thiết cho người trưởng thành chỉ ở mức 200mg. Theo Walter, canxi không chỉ đến từ sữa. Nó còn có mặt ở nhiều loại thực phẩm khác. Về mặt logic, khi một người ăn ít canxi hơn, khả năng hấp thụ canxi của cơ thể sẽ tự động tăng cường để đáp ứng nhu cầu của nó. Vì thế, bạn không nhất thiết phải uống quá nhiều sữa để cung cấp canxi cho cơ thể. Khi tiến hành các cuộc nghiên cứu khác để chứng minh tác hại của sữa bò, kết quả liên tục chỉ ra rằng, người uống càng nhiều sữa bò, càng có nhiều nguy cơ bị gãy xương. Walter lý giải, sữa và các chế phẩm từ sữa khả năng làm tăng tốc độ tăng trưởng và kéo dài xương. Xương dài dễ bị gãy hơn xương ngắn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với những luận điểm từ nghiên cứu của tiến sĩ Walter và cộng sự. Một nhóm ý kiến khác cho rằng sữa bò vẫn là thức uống cần thiết để có chế độ dinh dưỡng cân bằng cho mọi người. Nhóm này còn khẳng định sữa có ích cho việc giảm cân. Song, họ không tìm thấy bằng chứng khoa học để chứng minh cho điều đó. Nói như thế không có nghĩa là sữa bò hoàn toàn nguy hại cho sức khỏe con người. Trong khi tác hại của sữa bò vẫn còn là điều gây tranh cãi, chúng ta vẫn nên ý thức về việc tiêu thụ có chừng mực. Bên cạnh việc uống sữa, bạn vẫn nên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể từ các nguồn thực phẩm khác.
Trẻ em có nên ngừng uống sữa để tránh tác hại của sữa bò không? Rất khó để thống kê được nhu cầu canxi của trẻ em. Trên thực tế, trẻ em trong giai đoạn phát triển cần nhiều canxi hơn những đối tượng khác. Trẻ em uống sữa đầy đủ cũng có tốc độ phát triển nhanh hơn những đứa trẻ không được cung cấp đủ lượng sữa mỗi ngày. WebMD cho rằng, người ta thường vắt sữa từ những con bò đang mang thai. Đó cũng là lúc sữa bò có nhiều hormone estrogen, progesterone và một số hormone tăng trưởng khác. Điều này làm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của trẻ em uống nhiều sữa, thậm chí khiến chúng dậy thì sớm. Mặc dù trẻ em cần nhiều canxi hơn để xương chắc, khỏe. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học không cho thấy việc uống nhiều sữa hơn sẽ tạo ra sự khác biệt. Cụ thể, một nghiên cứu thực hiện ngẫu nhiên ở 240 trẻ em từ 8-15 tuổi chia làm 2 nhóm. Một nhóm không được ăn uống đa dạng nhưng được bổ sung ba phần sữa mỗi ngày. Nhóm còn lại tiếp tục duy trì chế độ ăn uống bình thường, ít bổ sung sữa hơn nhóm thứ nhất. Sau 18 tháng, kết quả cho thấy không có sự khác biệt về thể chất giữa hai nhóm trẻ này. Điều đó có nghĩa là các loại thực phẩm khác như cải xoăn, bông cải xanh, đậu phụ, các loại hạt vẫn có khả năng đáp ứng nhu cầu canxi của cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trẻ hạn chế uống sữa, bạn phải đảm bảo bé phải nhận đủ vitamin D để có đủ khả năng hấp thu canxi từ thực phẩm. Vì vậy, bạn có thể thay đổi sữa bò thành các loại sữa hạt, vẫn bảo đảm đủ canxi cần thiết cho bé, lại không bị tác dụng phụ của các loại hormone nằm trong sữa bò.