(GDVN) – Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã từng khẳng định: Tất cả những loại thực phẩm chức năng khi quảng cáo chỉ được phép ghi là hỗ trợ điều trị, không được ghi là điều trị bệnh hay thay thế thuốc chữa bệnh. Nếu quảng cáo “trị bách bệnh” như thế là vi phạm pháp luật.
Sự thật về “thần dược” sữa non Alpha Lipid
Xuất hiện rầm rộ từ các tờ rơi, internet.., sữa non Alpha Lipid được quảng cáo giúp chữa lành các bệnh như đau nhức và mệt mỏi mãn tính, hen suyễn, thiếu máu, tiểu đường, cúm, bệnh trĩ, viêm nướu, lupus và bệnh gút. Nó cũng hữu ích trong việc làm lành chấn thương thần kinh, đau sau phẫu thuật, đau khớp, bệnh đa xơ cứng, rối loạn tuyến giáp, đột quỵ, và căng thẳng, loét, viêm gân, bệnh zona và hay nổi nóng… với giá cao ngất ngưởng: 1,5 triệu đồng/lon.
Đường mật ngọt từ quảng cáo chữa bách bệnh.
Theo thông tin giới thiệu trên tờ rơi, sữa non Alpha Lipid được Công ty CP Tân Ích Mỹ, địa chỉ tại 273 An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh, phân phối độc quyền từ Công ty New Image Intermational – New Zealand. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên tại địa chỉ trên, không có công ty nào mang tên Tân Ích Mỹ .
Thực chất, địa chỉ của Công ty CP Tân Ích Mỹ lại nằm trên tầng 3, chung cư số 2 đường Lữ Gia, quận 11 TP.Hồ Chí Minh.
Theo phương pháp chiết khấu bán hàng mà Công ty CP Tân Ích Mỹ đưa ra thì đại lý bán hàng được chiết khấu tới 75% giá trị bán hàng. Như vậy, bán được 1 lon sữa 1,5 triệu đồng, người bán hàng sẽ được hưởng trên 1 triệu đồng/lon, giá trị thực tế của một lon sữa Alpha Lipid chỉ có hơn 300.000 đồng. Không những thế, khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm này, phóng viên được biết, Alpha Lipid thực chất là một dòng sản phẩm chức năng.
Phóng viên Giáo Dục Việt Nam đã liên hệ qua số điện thoại tư vấn trực tuyến 098293685 từ website của hàng Alpha Lipid (http://www.suanonalphalipid.com) và được một chị tên Kim cho biết: “Theo một số khách hàng phản ánh đến Công ty CP Tân Ích Mỹ, khi uống sữa non Alpha Lipid thì bị dị ứng: nổi mề đay, nổi mụn như bong bóng,… chị giải thích rằng, đó là những độc tố được đào thải ra bên ngoài dẫn đến hiện tượng trên”. Vậy nhưng, khi hỏi chị cách xử lý cho khách hàng của mình chị lại lúng túng, mập mờ như: “Tùy theo từng thời gian thích ứng của cơ thể khách hàng mà chất độc kéo dài trong khoảng 5 – 7 ngày ở một số nơi như; vai, đùi… Khi đó, ta có thể dùng trực tiếp sữa non bôi vào vết thương là hết đau nhức”.
Chị Kim cho biết thêm: “Nếu là khách hàng ở Hà Nội muốn mua sữa non Alpha Lipid, chị có quen một người bạn tên Thúy, chị Thúy sẽ là người trung gian trực tiếp chuyển sản phẩm tới tận tay cho khách hàng”.
Đáng lưu ý, mới đây ngày 10/4/2013 Tổng cục Hải quan- Bộ Tài Chính có công văn số 1872/TCHQ-VP gửi cơ quan báo chí nêu rõ: “Theo tra cứu trong cơ sở dữ liệu lưu trữ tại Tổng cục Hải Quan không có doanh nghiệp nào tham gia xuất nhập khẩu có tên là Công ty CP Tân Ích Mỹ, có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh”.
Quảng cáo chữa bách bệnh là vi phạm pháp luật
Trên thực tế, không ít người tiêu dùng vẫn “cả tin”, nghe theo những lời “đường mật của quảng cáo” khi bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua và sử dụng sản phẩm sữa non này.
Như trường hợp của chị Mai (Cầu Giấy- Hà Nội). Chị than thở: “Tôi hay bị chóng mặt thường xuyên do làm việc liên tục trên máy tính.Vậy nên, tôi đã tìm hiểu sữa non chữa bách bệnh và tìm bằng được loại này để uống. Nhưng, khi dùng được hai tuần, tôi thấy càng ngày càng buồn ngủ và uống nhiều làm tôi thấy nghiện vì lượng đường trong hộp sữa non nhiều hơn hẳn so với các loại sữa thông thường khác.Và lại, giá của một hộp sữa là 1.300.000 đồng cũng không phải là rẻ nên tôi băn khoăn không biết có nên dùng tiếp hay không”.
Sữa non Alpha Lipid được coi là “thần dược chữa bách bệnh.”
Trước sự hoang mang của người tiêu dùng về những thông tin mập mờ của “thần dược” sữa non Alpha Lipid, trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã từng khẳng định: Tất cả những loại thực phẩm chức năng khi quảng cáo chỉ được phép ghi là hỗ trợ điều trị, không được ghi là điều trị bệnh hay thay thế thuốc chữa bệnh. Nếu quảng cáo “trị bách bệnh”, như thế là vi phạm pháp luật.
Hiện Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã chỉ đạo phòng chuyên môn ATVSTP phối hợp với Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xác minh nội dung quảng cáo của sữa non Alpha Lipid. Bởi theo một vị lãnh đạo Cục thì “chẳng có sữa nào là sữa điều trị bệnh cả”.
“Cục sẽ xác minh đơn vị nào cấp phép và xử lý doanh nghiệp nào đã có thông điệp quảng cáo này”, Vị lãnh đạo Cục này nhấn mạnh.
Còn chị Hải, nhân viên kế toán trên đường Tôn Thất Tùng ( Hà Nội), sau khi mua 1 hộp sản phẩm này lại tỏ ra băn khoăn: “Sự thật khác biệt giữa sữa non Alpha Lipid được coi là “ thần dược” với sữa đồng bằng như thế nào?”.Trước sự hoang mang của người tiêu dùng về những thông tin mập mờ của “thần dược” sữa non Alpha Lipid, trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã từng khẳng định: Tất cả những loại thực phẩm chức năng khi quảng cáo chỉ được phép ghi là hỗ trợ điều trị, không được ghi là điều trị bệnh hay thay thế thuốc chữa bệnh. Nếu quảng cáo “trị bách bệnh”, như thế là vi phạm pháp luật.Hiện Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã chỉ đạo phòng chuyên môn ATVSTP phối hợp với Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xác minh nội dung quảng cáo của sữa non Alpha Lipid. Bởi theo một vị lãnh đạo Cục thì “chẳng có sữa nào là sữa điều trị bệnh cả”.”Cục sẽ xác minh đơn vị nào cấp phép và xử lý doanh nghiệp nào đã có thông điệp quảng cáo này”, Vị lãnh đạo Cục này nhấn mạnh.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Kiều Oanh