Suối Nước Sống

Suối Nước Sống

Xuất bản văn phẩm của Watchman Nee và Witness Lee

  • Đăng ký
  • Đăng nhập

Thông tin sách

Cây Sự Sống

Tác giả: Witness Lee
Dịch từ bản tiếng Anh: Cây sự sống
ISBN:

Mua sách tại:

Đang đọc:

Chương 2

  • « Trước
  • Xem tiếp »

Untitled Document

CHƯƠNG HAI

NGUỒN GỐC VÀ CHUNG KẾT CỦA HAI LOẠI CÂY

Kinh Thánh: Sáng. 2:7-9; 3:2-7; 4:16-22; 6:3, 5; 7:17-24; 11:1-9; 1 Cô. 6:17; Mat. 16:22-25; Khải. 20:10, 14-15; 21:2; 22:1-2

Nhìn thấy một bức tranh phác họa về cây sự sống xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta rất nhiều. Kinh Thánh bắt đầu với hai loại cây và cũng kết thúc với kết quả của hai loại cây. Cách Kinh Thánh bắt đầu giống với cách Kinh Thánh kết thúc.

BA NHÓM TRONG VŨ TRỤ

Trong vũ trụ có ba nhóm, ấy là Đức Chúa Trời, Sa-tan và con người. Con người ở giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan. Sau khi được tạo dựng bởi Đức Chúa Trời, con người là trung lập đối với Đức Chúa Trời và Sa-tan. Trong Sáng Thế Ký, Đức Chúa Trời được tượng trưng bởi cây sự sống. Đức Chúa Trời đã giới thiệu chính Ngài như cây sự sống cho con người, vì vậy cây sự sống là thực tại của Đức Chúa Trời. Có một loại cây khác, là cây kiến thức đại diện cho Sa-tan. Con người được tạo dựng bởi Đức Chúa Trời với linh, hồn và thân thể (Sáng. 2:7) thì trung lập đối với hai loại cây này. Ba nhóm trong Sáng Thế Ký chương 2 là Đức Chúa Trời, tượng trưng bởi cây sự sống, Sa-tan, là nguồn gốc của sự chết, tượng trưng bởi cây kiến thức, và con người được Đức Chúa Trời tạo dựng gồm ba phần. Sáng Thế Ký 2:7 nói rằng: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã nắn nên hình người bằng bụi đất, hà hơi thở sự sống vào lỗ mũi; thì người trở nên một hồn sống”. Câu này cho thấy con-người-ba-phần gồm có: thân thể được tạo ra từ bụi đất, linh là hơi thở sự sống, và hồn được hình thành khi linh và thân thể đến với nhau. Đức Chúa Trời và Sa-tan đã và vẫn đang chiến đấu với nhau. Đức Chúa Trời muốn thực hiện và hoàn thành mục đích của Ngài, và Sa-tan thì hết sức cố gắng cản trở ý định của Đức Chúa Trời. Tất cả những sự kiện được viết trong sáu mươi sáu sách Kinh Thánh đều xuất phát từ cây sự sống qua con người hay ra từ cây kiến thức qua con người.

HAI LOẠI HÒA LẪN

Trước khi con người tiếp xúc với cây sự sống bằng cách vận dụng linh của mình Sa-tan đã xuất hiện và con người bị cám dỗ nhận lấy cây kiến thức. Ý định của Đức Chúa Trời là muốn cây sự sống vào trong linh của con người, nhưng trước khi điều này xảy ra, cây kiến thức đã vào trong hồn của con người. Do đó, có một sự hòa lẫn giữa Sa-tan với hồn người. Tất cả những điều gian ác và những câu chuyện tội lỗi đều xuất phát từ việc hòa lẫn giữa Sa-tan và nhân loại trong hồn người. Sự hòa lẫn ấy chính là nguồn gốc của tất cả những điều gian ác và tội lỗi trên đất này. Sáng Thế Ký chương 3 tường thuật về việc hòa lẫn này, và trong Sáng Thế Ký chương 4 chúng ta thấy những hậu quả của sự hòa lẫn ấy. Kết quả việc Sa-tan hòa lẫn với hồn người là một thành phố được xây dựng với một nền văn hóa (Sáng. 4:16-22). Ca-in đã dùng tên con ông là Hê-nóc để đặt cho thành phố. Trong nền văn hóa ấy, con người đã trở nên xác thịt và toàn thể nhân loại đều bị bại hoại với sự gian ác (Sáng. 6:3, 5). Vì sự bại hoại của nền văn hóa tội lỗi ấy, Đức Chúa Trời đã khiến xảy ra một trận lụt để đoán xét dòng giống loài người (Sáng. 7:17-24). Một hậu quả khác của sự hòa lẫn giữa quyền lực của Sa-tan và năng lực thuộc hồn của con người là Ba-bên (Sáng. 11:1-9). Ba-bên phát sinh từ việc Sa-tan hòa lẫn với năng lực thuộc hồn của con người. Các câu chuyện tiêu cực về Sô-đôm và Ai Cập, và tất cả những sự kiện tội lỗi được viết trong Sáng Thế Ký và Xuất Ai Cập Ký đều xuất phát từ việc hòa lẫn giữa Sa-tan với hồn người này.

Trong Kinh Thánh có một dây chuyền về công tác của Sa-tan và một dây chuyền về công tác Đức Chúa Trời. Kẻ thù của Đức Chúa Trời luôn luôn hành động bằng cách truyền chính hắn vào hồn người. Tất cả những điều gian ác và mọi câu chuyện tội lỗi đều phát sinh từ sự hòa lẫn giữa Sa-tan với hồn người, sự hành động của Sa-tan vào trong loài người, với loài người và qua loài người. Đồng thời Đức Chúa Trời cũng hành động. Công tác của Đức Chúa Trời là ban phát chính Ngài vào linh của con người. Tất cả những điều thánh khiết và mọi câu chuyện thuộc linh đều phát xuất từ một sự hòa lẫn khác, ấy là sự hòa lẫn giữa Đức Chúa Trời và linh của con người. Sau cùng, trong Tân Ước có một câu Kinh Thánh, 1 Cô-rin-tô 6:17, nói rằng: “Ai kết hiệp với Chúa là một linh”. Vì chính Chúa là Linh (2 Cô. 3:17) và Ngài đã tạo dựng chúng ta với một linh (La. 8:16) nên chúng ta có thể kết hiệp với Ngài nên một linh. Câu chuyện của A-bên làm chứng về một người không sống trong hồn mà sống trong linh. Những câu chuyện kể về Ê-nót, Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép cũng làm chứng về những người không sống bởi lý luận trong hồn của họ mà sống bởi đức tin trong linh.

Con dân Israel, là dòng dõi của các Tổ phụ, đã lìa xa đường lối của Đức Chúa Trời, nhưng từ ngày Đức Chúa Trời giải cứu họ khỏi Ai Cập vào ngày lễ Vượt Qua, họ được dạy dỗ là không nên sống cách trần tục và thiên nhiên. Họ phải sống nhờ chiên con. Họ phải giết chiên con, áp dụng huyết chiên con, và ăn thịt chiên con. Họ còn học tập cách sống nhờ ăn bánh không men. Sau khi ra khỏi xứ Ai Cập, họ đi lang thang trong đồng vắng và được dạy dỗ phải sống nhờ ma-na thiên thượng. Cuộc sống của họ hoàn toàn khác với cách sống trần tục và thiên nhiên. Điều này nghĩa là họ đã học tập không sống trong chính mình mà sống trong Chúa. Con dân Israel sống nhờ chiên con của lễ Vượt Qua, bánh không men và ma-na thiên thượng, là những biểu tượng về Đấng Christ. Hơn nữa, tất cả những của lễ liên hệ đến đền tạm và tất cả những điều bao gồm trong đền tạm là những biểu tượng về Đấng Christ. Điều này cho chúng ta một bức tranh đầy đủ bày tỏ cách sống trong linh, không sống bởi chính mình nhưng sống bởi Chúa.

Con dân Israel không thể tự cứu mình, và thậm chí họ cũng không thể sống bởi chính mình. Họ phải được cứu nhờ huyết của chiên con lễ Vượt Qua, và họ phải sống nhờ chiên con lễ Vượt Qua. Trong đồng vắng, hằng ngày họ phải sống nhờ ma-na thiên thượng. Bất cứ những gì mà nhờ đó họ sống đều là biểu tượng thật sự về Đấng Christ. Trụ lửa và trụ mây là các biểu tượng về Đấng Christ. Vầng đá mà từ đó nước sống tuôn ra để làm cho họ đã khát cũng là một biểu tượng về Đấng Christ. Môi-se và Giô-suê, là những người lãnh đạo của con dân Israel, cũng là các biểu tượng về Đấng Christ. Tất cả những biểu tượng này cho thấy chúng ta không nên sống theo bất cứ điều gì của chính mình; chúng ta phải sống bởi Đấng Christ. Tất cả những người thuộc thế gian đều bị Sa-tan chiếm hữu. Theo bức tranh trong Cựu Ước, chỉ một thiểu số là con dân Israel được Đức Chúa Trời chiếm hữu. Họ đã học tập sống, tồn tại, chuyển động, và đặt trọn bản thể mình phù hợp với đường lối thiên thượng chứ không theo đường lối thuộc thế gian; có nghĩa là họ không sống bởi chính mình nhưng sống bởi Chúa.

Do đó, chúng ta thấy một bức tranh về hai loại hòa lẫn: thứ nhất là sự hòa lẫn của Sa-tan trong hồn người, và thứ hai là sự hòa lẫn của Đức Chúa Trời trong linh con người. Tất cả những sự kiện trải qua suốt quá trình lịch sử của nhân loại đều phát xuất từ sự hòa lẫn này hay sự hòa lẫn kia. Ý định của Đức Chúa Trời là ban phát chính Ngài vào trong chúng ta để Ngài sẽ là mọi sự đối với chúng ta. Nhưng ý định của Sa-tan là hành động đem chính hắn vào trong con người để tạo ra một sự hòa lẫn giả mạo mô phỏng sự hòa lẫn giữa Đức Chúa Trời và loài người. Sa-tan không lưu tâm đến điều gì chúng ta đang làm hay đến những gì chúng ta đang cố gắng hoàn thành. Ý định của Sa-tan là ngăn trở việc chúng ta tiếp xúc với Đức Chúa Trời và được hòa lẫn với Ngài. Nếu có thể cản trở điều này, hắn sẽ cho phép chúng ta làm những việc thiện và có tính cách tôn giáo và thậm chí dùng những điều thuộc tôn giáo để cản trở chúng ta hòa lẫn với Đức Chúa Trời.

Điều này được xác chứng qua lịch sử của con dân Israel. Trong những năm đầu tiên của lịch sử Do Thái, họ đã học tập sống không bởi chính mình nhưng bởi Chúa là mọi sự. Mọi điều liên hệ đến họ trong Ngũ Kinh đều là biểu tượng về Đấng Christ, cho thấy rằng Chúa đã trở nên mọi sự đối với họ và họ sống không phải bởi chính mình mà bởi Chúa. Sau cùng, họ đã rời khỏi chính Chúa và dùng những điều trong Ngũ Kinh làm qui luật và điều lệ, thành lập một tôn giáo ra từ những biểu tượng và hình bóng về Đấng Christ. Họ bị đánh lừa bởi những điều tốt và có tính cách tôn giáo và bị thu hút bởi những điều khác hơn chính Ngài mà lìa xa Chúa. Đây là điều mà chúng ta gọi là Do Thái giáo. Do Thái giáo được thấy trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Theo lời ký thuật trong bốn sách Phúc âm, chúng ta có thể nhận thấy mức độ kẻ thù Sa-tan đã dùng Do Thái giáo cản trở nhiều người tiếp xúc và vui hưởng chính Chúa. Sa-tan, kẻ thù của Đức Chúa Trời, lấy chính những điều mà Đức Chúa Trời đã dùng để đem người ta đến với chính Ngài mà hình thành một tôn giáo của người Do Thái, là điều hắn dùng nhằm mục đích thay thế Đấng Christ, là hiện thân của Đức Chúa Trời, trong kinh nghiệm của họ.

Khi Chúa Jesus đến, Ngài là thực tại của tất cả những biểu tượng trong Ngũ Kinh. Có rất nhiều điều trong Ngũ Kinh, nhưng trong bốn sách Phúc âm chỉ có một con người bao-hàm-tất-cả. Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời, bánh không men, ma-na thiên thượng, đền tạm cùng với tất cả những của lễ, và mọi sự. Ngài là Đấng bao-hàm-tất-cả. Khi Ngài giới thiệu chính mình cho những người Do Thái, hầu hết họ đều không muốn tiếp nhận Ngài vì họ bị xao lãng khỏi Ngài bởi tôn giáo của họ và ngay cả bởi Cựu Ước. Các nhà thông giáo và những người Pha-ri-si đã thường dùng Kinh Thánh để tranh luận với Chúa Jesus. Kinh Thánh được Đức Chúa Trời ban cho để đem người ta đến với chính Ngài, nhưng ngay cả quyển Kinh Thánh này cũng bị kẻ thù của Đức Chúa Trời lợi dụng để cản trở nhiều người không tiếp xúc được với chính Chúa. Những người theo Do Thái giáo tra dò Kinh Thánh vì kiến thức; tuy vậy, họ không muốn đến với Chúa Jesus để có sự sống (Gi. 5:39-40). Điều này nghĩa là họ gắn bó chính mình với cây kiến thức, dành nhiều thì giờ tra dò, nghiên cứu và học hỏi Kinh Thánh; tuy nhiên, họ không muốn đến với Chúa Jesus là cây sự sống để được sự sống. Họ đã gắn bó chính mình với điều khác hơn là chính Chúa.

Nan đề giống như vậy tiếp tục xảy ra trong sách Công vụ. Hội thánh đã bắt đầu với một nhóm người tiếp nhận Đấng Christ và nhận lấy Đấng Christ làm sự sống của mình. Hội thánh được bắt đầu và hình thành như vậy. Tuy nhiên, sách Công vụ cùng với các Thư tín tiếp theo cho chúng ta thấy rằng ngay cả trong Hội thánh, giữa vòng Cơ Đốc nhân, Sa-tan có thể dùng những điều được gọi là những vấn đề Cơ Đốc để cản trở và làm nhiều người xao lãng khỏi chính Chúa. Kẻ thù đã dùng vấn đề chia rẽ giữa vòng con cái Chúa để cản trở họ hiệp một với nhau trong Đấng Christ.

Những sự chia rẽ đến từ hai điều, ấy là các sự dạy dỗ và các ân tứ. Các Thư tín cho thấy rằng vì những sự dạy dỗ và các ân tứ, sự chia rẽ bắt đầu xuất hiện giữa vòng các Cơ Đốc nhân. Những sự dạy dỗ lẫn các ân tứ đều tốt. Nếu không tốt, Cơ Đốc nhân đã không chấp nhận những điều ấy. Phao-lô đã nêu ra trong 1 Ti-mô-thê rằng những loại dạy dỗ khác nhau là mầm mống, nguồn gốc gây nên sự sa sút, thoái hóa và suy đồi trong Hội thánh (1:3-4, 6-7; 6:3-5, 20-21). Hội thánh tại Cô-rin-tô đã bị chia rẽ hầu hết là vì các ân tứ. Những sự dạy dỗ và các ân tứ đều tốt, nhưng chúng ta phải nhận thức rằng cả hai phải vì Đấng Christ. Những sự dạy dỗ không phải là vì những sự dạy dỗ, và các ân tứ không phải là vì các ân tứ. Tất cả những sự dạy dỗ và các ân tứ đều phải vì Đấng Christ. Những sự dạy dỗ và các ân tứ chỉ là phương tiện chuyển đạt Đấng Christ chứ tự chúng không phải là mục đích. Sa-tan, là kẻ quỉ quyệt, đã xuất hiện để lợi dụng ngay cả những sự dạy dỗ tốt và các ân tứ đúng đắn hầu quyến rũ người ta lìa khỏi Đấng Christ.

Sau cùng, vào cuối Kinh Thánh, trong sách Khải Thị, hệ thống thế gian được mô tả là “kết hôn” với tôn giáo. Nền văn minh thế gian được hình dung như một người chồng, và tôn giáo được ví như một kỵ nữ. Đây là lý do tại sao trong sách Khải Thị có hình ảnh người đàn bà, là kỵ nữ ngồi trên con thú (Khải. 17:3). Con thú tượng trưng cho thành quả sau cùng của tất cả những phát minh nhân loại dẫn đến các thể chế và hoạt động chính trị, còn người đàn bà tượng trưng cho tôn giáo ngồi trên con thú này. Ba-by-lôn lớn và huyền bí là hỗn hợp của nền văn minh nhân loại với tôn giáo. Nếu không sáng tỏ về khải tượng này, chúng ta sẽ dễ dàng bị quyến rũ lìa khỏi đường lối sự sống mà rơi vào một điều gì đó khác hơn là chính Chúa.

Sa-tan truyền chính hắn vào hồn người và đã hòa lẫn chính hắn vào hồn con người. Từ sự hòa lẫn này phát sinh tất cả những câu chuyện tội lỗi và gian ác trong suốt quá trình lịch sử nhân loại. Chúng ta phải nhận thấy rằng sống trong hồn mình và liên hệ đến tôn giáo là một vấn đề nghiêm trọng. Ngay cả tôn giáo cũng có thể bị lợi dụng bởi Sa-tan. Nếu có một khải tượng rõ ràng từ Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay cùng với những sinh hoạt Cơ Đốc, phong trào tôn giáo, và các hoạt động Cơ Đốc đang bị kẻ thù của Đức Chúa Trời lợi dụng để cản trở người ta đến với cây sự sống là hình ảnh tượng trưng về Đấng Christ.

KINH NGHIỆM ĐẤNG CHRIST LÀ CÂY SỰ SỐNG TRONG LINH CHÚNG TA

Về mặt tích cực, có một dây chuyền hay chuỗi liên tục khác trong Tân Ước, ấy là lẽ thật về việc Đức Chúa Trời hòa lẫn với linh của con người. Chúng ta được truyền phải bước đi trong linh, sống trong linh, làm việc trong linh, cầu nguyện trong linh. Đây không phải chỉ là sáo ngữ. Khi sống trong linh, chúng ta sẽ không sống bởi chính mình mà bởi Chúa. Khi học tập bước đi phù hợp với linh, chúng ta sẽ không bước đi theo hệ thống thế gian mà theo con đường thiên thượng. Theo lời ký thuật của Tân Ước, ngay cả những sự dạy dỗ và các ân tứ tự chúng cũng bị liệt vào loại cây kiến thức. Cây kiến thức có sự hiểu biết, điều tốt, điều xấu và sự chết. Cây này rất phức tạp. Nhưng đối với cây sự sống, chỉ có một điều duy nhất, ấy là sự sống, sự sống, sự sống và không có gì khác hơn. Cây sự sống rất là đơn giản. Kinh Thánh khải thị sự sống là sự khởi đầu, sự sống là một tiến trình, sự sống là sự kết thúc, và sự sống là mọi sự. Có thể những việc tốt chúng ta làm không liên quan gì đến sự sống nhưng hoàn toàn liên hệ và được gồm tóm trong cây kiến thức về thiện và ác.

Chúa không chỉ quan tâm đến những gì chúng ta đang làm nhưng cũng quan tâm đến sự kiện chúng ta đang ở trong hồn hay trong linh của mình. Đây là lý do tại sao Chúa đã nhấn mạnh nhiều lần trong bốn sách Phúc âm rằng chúng ta phải chối bỏ hồn, là bản ngã của mình. Đó là vì Sa-tan hòa lẫn với hồn, với bản ngã. Trong Ma-thi-ơ chương 16, Phi-e-rơ tưởng mình đã nói điều tốt cho Chúa, nhưng Ngài lại khiển trách ông, gọi ông là Sa-tan (cc. 22-23). Đấng Christ nhận thức rằng không phải Phi-e-rơ mà là Sa-tan đã cản trở Ngài nhận lấy thập tự giá. Ngay sau đó, Chúa nói về việc chối bỏ bản ngã và đánh mất sự sống phần hồn (cc. 24-25). Điều này chứng tỏ rằng Sa-tan là một với hồn của chúng ta, là một với bản ngã của chúng ta.

Chỉ những kinh nghiệm về chính Chúa trong linh của chúng ta sẽ tồn tại đời đời. Những sự dạy dỗ sẽ không tồn tại, nhưng sẽ mai một. Nhu cầu căn bản của chúng ta không phải là có thêm kiến thức về Chúa. Điều chúng ta cần ngày nay là tiếp xúc với Chúa. Nhu cầu của chúng ta ngày nay không phải là các ân tứ, nhưng chính Chúa làm sự sống, thức ăn, nước uống và không khí của mình. Chúng ta phải nhận biết Chúa cách đầy đủ và bao hàm tất cả như vậy. Khi ấy chúng ta sẽ có sự hiểu biết sống động và đúng đắn về Chúa, không từ văn tự mà từ sự sống. Nếu kinh nghiệm Chúa như vậy anh em sẽ có chức năng đúng đắn. Chức năng và các ân tứ đúng đắn sẽ ra từ sự sống bề trong.

Tốt nhất là chúng ta nên rút lui khỏi những vấn đề nào khác hơn là chính Chúa. Chúng ta phải học tập xoay chính mình trở lại với Chúa. Đối với cây kiến thức về thiện và ác, mọi sự đều phức tạp. Thiện, ác trộn lẫn với nhau và dẫn đến sự chết. Điều duy nhất chúng ta cần là vui hưởng Chúa là cây sự sống. Chúng ta phải học tập cách vui hưởng, nhận vào Chúa sống động này. Chúng ta phải học tập cách tiếp xúc với Ngài, cách nhận biết Ngài, và cách kinh nghiệm Ngài trong linh làm sự sống và mọi sự của mình.

CHUNG CUỘC TỐI HẬU CỦA HAI LOẠI CÂY

Tất cả những điều tích cực ra từ sự kinh nghiệm cây sự sống, ra từ việc Đấng Christ là sự sống hòa lẫn với linh của chúng ta. Hội thánh, vương quốc, Giê-ru-sa-lem Mới, và tất cả những điều thuộc linh thiên thượng có tính cách tích cực ra từ sự hòa lẫn giữa Đức Chúa Trời với linh của chúng ta, nghĩa là ra từ việc kinh nghiệm cây sự sống. Chung cuộc của cây kiến thức là hồ lửa (Khải. 20:10, 14-15), và chung cuộc của cây sự sống là thành phố có nước, tức Giê-ru-sa-lem Mới (21:2). Đặc điểm của thành phố này là có sông nước sự sống thuần khiết với cây sự sống trong dòng chảy của nó (22:1-2). Tất cả những điều thuộc về con người liên hệ đến cây kiến thức, đến Sa-tan sẽ đi vào hồ lửa, và những điều của con người liên hệ đến Đức Chúa Trời, đến cây sự sống sẽ đi vào thành phố đầy nước sống. Chúng ta cần dành thì giờ đọc Tân Ước một lần nữa với quan điểm này, ấy là quan điểm trong linh.

  • « Trước
  • Xem tiếp »

Rate this post

Viết một bình luận