Trong hơn 150 năm qua, giới khoa học luôn biết rằng cá mập cũng bị ung thư như người. Tuy nhiên, điều này không làm lay chuyển được huyền thoại lưu truyền lâu nay trong dân gian rằng “sát thủ” đại dương đề kháng được căn bệnh nguy hiểm. Quan niệm sai lầm trên đã góp phần thúc đẩy sự tàn sát cá mập trên toàn cầu để lấy vây – được cho là có khả năng trị bách bệnh. Trong lúc người bán luôn quảng bá công dụng trị ung thư của vây cá, David Shiffman, nghiên cứu sinh của Đại học Miami (Mỹ), lưu ý rằng chưa có báo cáo nào kết luận rằng đây là phương pháp trị liệu hiệu quả chống ung thư, theo trang tin NBC News.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Úc lưu ý trường hợp cá mập trắng bị khối u lớn tràn ra khỏi khoang miệng, trong khi một cá mập đồng bị u lớn ở đầu. Khối u của cá mập trắng có kích thước 30 x 30 cm, theo báo cáo đăng trên chuyên san Journal of Fish Diseases. “Đây là một hình ảnh bất thường, chưa từng được quan sát trước đó”, theo đồng trưởng nhóm nghiên cứu Rachel Robbins đang công tác tại Tổ chức Nghiên cứu cá mập Fox, gần Adelaide thuộc miền nam nước Úc.
Tổng cộng, các nhà khoa học đã ghi lại được ít nhất 23 loài cá mập bị khối u, bao gồm cá mập trắng và đồng trong cuộc nghiên cứu trên. “Thông điệp chính rút ra từ cuộc nghiên cứu này là cá mập hoàn toàn có thể bị ung thư, khác hẳn quan niệm lâu nay cho rằng loài cá trên miễn dịch căn bệnh nguy hiểm này”, kết luận của chuyên gia Robbins. Trong khi đó, chuyên gia Shiffman nhấn mạnh: “Cá mập chính xác là có thể mắc ung thư. Và dù chúng không mắc bệnh, những món ăn làm từ cá mập cũng chẳng loại bỏ được các khối u ác tính”. Không những thế, nếu cứ cho là ăn vây cá mập có thể chữa được bệnh, bệnh nhân đã bỏ qua thời điểm được điều trị đúng lúc, dẫn đến nguy cơ tử vong cao, theo báo cáo trên chuyên san Cancer Research.
Vẫn chưa rõ nguyên nhân gây nên khối u ở cá mập trắng hoặc cá mập đồng. Tuy nhiên, các báo cáo về khối u ung thư ở sinh vật biển, đặc biệt động vật có vú, đã tăng liên tục trong vòng 20 năm qua, làm dấy lên lo ngại rằng chất thải công nghiệp hoặc hoạt động của con người có thể làm bùng nổ ung thư trong lòng đại dương. Cá voi trắng cũng rơi vào danh sách động vật biển mắc bệnh ung thư, và tại các khu vực gần những nhà máy xử lý nhôm, ung thư là sát thủ diệt cá voi đứng thứ hai sau con người.
Trong một báo cáo vào tháng 3.2013, nhóm chuyên gia của Đại học Dalhousie (Canada) ước tính có đến 100 triệu cá mập biến mất khỏi các đại dương mỗi năm, trong khi số liệu khác cho thấy có từ 63 triệu đến 273 triệu cá mập bị giết chết để lấy thịt, dầu gan, vây, sụn. Điều này do ngành ngư nghiệp hoạt động hết công suất để săn bắt loài cá này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người tiêu dùng. Do quá trình tăng trưởng và vòng sinh sản của cá mập khá chậm, sự khai thác quá mức của con người có thể đẩy sinh vật này đến bờ vực tuyệt chủng. Cụ thể, cứ mỗi 6 loài cá mập/cá đuối lại có 1 loài đối diện với nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn, theo báo cáo của Liên đoàn Quốc tế về bảo tồn tự nhiên. Và số mệnh đáng buồn của các sát thủ đại dương có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng trong các hệ sinh thái biển.
Phi Yến
>> Tuyệt chiêu tấn công của cá mập
>> Cá mập mắc… nghẹn
>> Cá mập giết người ở Hawaii
>> Phát hiện loài cá mập ‘đi bộ’ mới
>> Sư tử biển trong dạ dày cá mập
>> Bộ đồ lặn chống cá mập
>> Cá mập 2 đầu
>> Cá mập hai đầu
>> Robot truy lùng cá mập
>> Não cá mập có phần giống não người