Suy nghĩ về mối quan hệ thiện ác trong cuộc sống
Hướng dẫn
Suy nghĩ về mối quan hệ thiện ác trong cuộc sống
Cuộc sống là một thế giới kì ảo luôn tồn tại những màu thuẫn, trong đó luôn có hai mặt vừa đối lập nhưng lại vừa thống nhất với nhau đó là thiện và ác.
Thiện và ác là hai khái niệm quá quen thuộc với mỗi chúng ta. Ta có thể hiểu rằng, ác là cái xấu xa, cái đen tối, trái đạo đức làm người. Hoặc ngược lại, thiện là những cái tốt đẹp, tốt lành, hợp với đạo đức. Chúng thuộc hai phía đối lập nhau, nhưng bên cạnh việc đấu tranh, triệt tiêu nhau thì chúng lại thúc đẩy nhau cùng phát triển. Tưởng chừng như vô lí mà lại hoàn toàn có lí. Đơn giản, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống, quy luật ấy luôn tồn tại ngay xung quanh ta, hiện hữu ngay trước mắt ta, trong những thứ thật gần gũi với ta.
Trong thiên nhiên, nơi cuộc sống hoang dã muôn màu, bên cạnh những con vật ăn cỏ hiền lành vẫn có những thú dữ hung ác. Bên cạnh những đàn hươu ngoan ngoãn, những chú thỏ dễ thương, những con nai yếu đuối vẫn có những con hổ khát máu, những con báo háu ăn hay những con cáo ranh mãnh. Và bên cạnh những chim sâu nhí nhảnh, gõ kiến cần cù vẫn có những diều hâu, những đại bàng độc ác. Những cá ngựa, những tôm hùm, rùa biển, cá heo vẫn có những cá sấu, cá mập hung dữ. Ngay giữa khu vườn đầy hoa thơm trái ngọt luôn tồn tại không ít rắn rết, sâu bọ và những loài phá hoại đáng ghét.
Trong cuộc sống cũng vậy, bên cạnh những con người lương thiện là những kẻ xấu xa độc ác. Đối lập với cô Tấm dịu hiền là mẹ con Cám lắm mưu nhiều kế. Nàng Lọ Lem chịu thương chịu khó là mụ dì ghẻ lòng dạ tối tăm. Bên cạnh nàng Kiều tài sắc vẹn toàn là bọn buôn người vô lương tâm Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh… Nên đâu phải vô cớ mà trong phim, trong truyện luôn có những nhân vật chính diện và những nhân vật phản diện. Phim, truyện cũng là những phương tiện để phản ánh cuộc sống mà thôi.
Thậm chí trong mỗi con người, bên cạnh phần tốt đẹp cũng có không ít phần xấu xa. Phần người và phần con, luôn tồn tại và đấu tranh trong mỗi chúng ta. Như nhân vật người hoạ sĩ trong truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, vì việc làm sai trái, ích kỉ của mình mà anh đã làm cho bà mẹ anh chiến sĩ đã từng giúp mình thương con đến nỗi khóc mù cả hai mắt. Cuộc sống nội tâm của anh cũng vì thế mà không bao giờ có một giây thanh thản. Việc làm ấy khiến lương tâm anh cắn rứt. Nhiều lúc, cái thiện thúc giục anh hãy mau đến trước bà mẹ đáng thương ấy mà quỳ gối để cầu xin tha thứ nhưng cái ác lại cản trở anh, ngăn anh làm việc đó. Bởi vậy chúng cứ đấu tranh, giằng xé tâm can anh, làm cho anh lúc nào cũng phải sống trong ưu phiền, sợ hãi…
Đã có ai dám khẳng định rằng mình chưa từng, chưa bao giờ nghĩ đến những việc làm xấu không? Không, tôi dám chắc là trên đời này không tồn tại những con người như vậy. Chúng ta chẳng qua cũng chỉ là những con người rất đỗi bình thường. Mà đã là người bình thường thì ai mà chẳng dễ bị cám dỗ. Hơn thế nữa sức cám dỗ để sa vào cái ác thường mạnh mẽ hơn cái thiện rất nhiều. Đơn giản là vì làm việc ác đôi khi có lợi cho ta nhiều hơn là việc thiện. Ví dụ như nhân vật Thành trong truyện ngắn Sợi tóc của Thạch Lam. Anh hoàn toàn có thể lấy trộm tiền trong chiếc ví căng phồng của người bạn mà chẳng ai nghi ngờ. Dù đã chuẩn bị trong đầu kĩ lưỡng mọi tình huống để đối phó nhưng cuối cùng cái Thiện trong anh đã trở lại lớn đến nỗi đẩy lùi cả cái Ác nên anh đã trả lại cái áo cầm nhầm và còn cẩn thận dặn anh bạn hãy kiểm tra lại tiền. Mà kể cả chúng ta cũng vậy chứ không phải chỉ trong văn chương mới có chuyện như thế đâu. Chẳng hạn như đã bao giờ có người lạ hứa sẽ cho bạn tiền để bạn làm cho hắn một việc không tốt mà khiến bạn phải suy nghĩ mãi? Hay đã có lần nào cô giáo kiểm tra đúng vào bài bạn chưa học nên bạn có ý định quay cóp? Có đấy. Những việc như thế xảy ra là chuyện cơm bữa. Chỉ có điều cái thiện có đủ sức giữ cho bạn vẫn hoàn toàn là người trong sạch hay không thôi.
Xét về mối quan hệ giữa cái thiện và cái ác, ta thấy chúng thật phức tạp. Với mỗi con người, ai cũng mong muốn có một xã hội công bằng, trong đó thiện sẽ thắng ác, chính sẽ thắng tà nhưng thực tế thì không tồn tại một xã hội hoàn hảo đến thế. Bởi luôn có nhiều trường hợp xảy ra, có khi thiện thắng ác, có khi ngược lại, có khi lại chuyến hoá cho nhau. Như nhân vât Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Bản chất Chí không xấu nhưng hoàn cảnh đã đẩy Chí vào bước đường cùng khiến cho những cái tốt đẹp trong con người Chí bị tha hoá thành những cái xấu xa, đáng ghét. Như vậy cái thiện đã bị chuyển hoá thành cái ác từ lúc nào có lẽ Chí cũng không hay. Cũng nhiều khi, chúng ta thật khó để phân biệt rạch ròi trắng đen, tốt, xấu, thiện, ác. Đơn cử như nhân vật Xuân Tóc Đỏ, thật khó mà phân biệt nổi xem anh ta là người tốt hay kẻ xấu. Đúng ra thì anh ta cũng chẳng làm hại đến ai nhưng những hành vi của anh ta lại là những hành vi lừa đảo người khác. Mà độ tinh vi của các trò lừa đảo ấy cứ tăng dần lên biến anh ta thành một con người ác nhiều hơn thiện. Sự may mắn đã làm cho anh ta trở nên có tiếng tăm, giàu có, sung sướng. Là một kẻ hữu danh vô thực nhưng anh ta lại hài lòng, tiếp tục lừa dối mọi người. Chẳng phải cái ác đang lấn dần lên trên cái thiện trong con người anh ta đấy sao?
Suy nghĩ về mối quan hệ thiện ác, chúng ta có thể rút ra những bài học cần thiết gì để mỗi người có thể sống tốt hơn?
Thứ nhất, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện, phân biệt đúng tốt xấu, thiện ác, không quá bi quan song cũng không nên ảo tưởng cuộc sống chỉ toàn màu hồng. Ở đâu cũng có cái thiện xen lần cái ác; cái tốt đan vào cái xấu vì thế không có gì là tuyệt đối. Mỗi chúng ta cần phân biệt rõ ràng để lựa chọn một hướng đi đúng đắn cho mình.
Thứ hai, chúng ta cần phải biết đề phòng, cảnh giác với nguy cơ tha hoá trong chính bản thân mình, luôn luôn tự đấu tranh để cho phần tốt đẹp chiến thắng phần xấu xa dung tục. Các Mác đã nói: “Trong trường kì lịch sử đấu tranh của nhân loại, cái thiện chỉ thắng cái ác trong nửa vòng bánh xe”, bởi ranh giới giữa thiện và ác là vô cùng mong manh, chỉ như một sợi tóc…
Cuộc sống luôn luôn là vậy. Xung quanh ta lúc nào cũng lẫn lộn thật, giả, tốt, xấu. Để có thể tồn tại và đứng vững không còn cách nào khác, chúng ta phải tự đứng trên đôi chân của mình, dùng đôi mắt và trái tim của mình để phân biệt đúng sai, trở thành một con người hướng thiện.
Theo wikisecret.com