Sỏi thận là bệnh thường gặp, không khó chữa và ít nguy hiểm nhưng những sai lầm trong khi điều trị đã khiến nhiều người phải nhập viện trong tình trạng suy thận, phải chạy thận cả đời.
Siêu âm để phát hiện sỏi sớm.
Cắt thận vì điều trị sai lầm
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sỏi thận là một trong các loại sỏi đường tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo). Sỏi hình thành do các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Kích thước của sỏi phụ thuộc vào thời gian, nồng độ chất khoáng có trong nước tiểu và vị trí lắng đọng của viên sỏi.
Những viên sỏi nhỏ có thể theo nước tiểu ra ngoài, còn những viên sỏi lớn sẽ tích tụ lại trong thận. Khi sỏi càng lớn gây tắc nghẽn đường tiết niệu, làm cho chức năng thận suy giảm, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm thì dễ gây ra suy thận.
Điều đáng nói là có rất nhiều người khi bị sỏi thận vì những sai lầm trong điều trị đã bị suy thận, thậm chí phải cắt thận. Hay gặp nhất là thói quen sử dụng bừa bãi thuốc dân gian điều trị sỏi thận. Gần như 100% bệnh nhân đang điều trị suy thận tại Khoa Thận tiết niệu khi được hỏi cho biết đã từng tự ý dùng thuốc, hoặc mua thuốc ở các ông lang mà không có xét nghiệm gì cả. Rất nhiều bệnh nhân uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc khiến tình trạng suy thận nặng lên rất nhiều và đôi khi suy thận kèm theo suy gan, suy đa tạng…
Thuốc Nam thường giúp cơ thể bài thải cặn sỏi, chứ không làm tan sỏi lớn. Một số bài thuốc tan sỏi thực chất chỉ có tác dụng lợi tiểu và vô hiệu trước khối sỏi lớn. Tuy nhiên, đó chỉ là những bài thuốc dân gian truyền miệng chưa được kiểm nghiệm, chứng nhận. Việc tự sắc thuốc không đúng quy trình, không đúng nhiệt độ, liều lượng và chưa kể có rất nhiều các thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc, trong quá trình sao tẩm, cất trữ có nhiều chất bảo quản, khi uống vào thận có thể suy nặng hơn.
“Nếu muốn sử dụng thuốc Nam, cần thiết phải có sự khám xét, tư vấn, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền. Hiện nay, nhiều thuốc y học cổ truyền cũng có tác dụng trong việc điều trị sỏi. Trước khi dùng người bệnh cần kiểm tra chức năng thận xem cơ địa có phù hợp không vì thuốc đó có thể tốt với người này nhưng lại không tốt với người khác. Dùng thuốc tại các cơ sở y tế, cơ sở thầy thuốc đông y được chứng nhận của cơ quan chức năng, nguồn gốc thuốc rõ ràng”, PGS.TS Đỗ Gia Tuyển khuyến cáo.
Ngoài ra, nhiều người bị sỏi thận do mắc phải các sai lầm sau:
– Sỏi thận chỉ xảy ra ở người lớn. Nhiều người nghĩ rằng, chỉ người lớn mới bị sỏi thận. Nhưng thực tế, bệnh không hạn chế ở một nhóm tuổi cụ thể, giới tính cụ thể nào. Sỏi thận có thể gặp ở bất kỳ ai, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và người già.
– Sỏi nhỏ không cần điều trị: Đa phần người dân thường có tâm lý đợi sỏi to rồi đi tán sỏi một lần cho tiện, ỷ lại vào tiểu phẫu tán sỏi. Bởi vậy thường không đi chữa trị ngay từ đầu. Song kích thước sỏi càng to càng có biến chứng cao, chi phí điều trị cũng sẽ tốn kém hơn. Khi sỏi thận lớn có thể gây nghẽn đường tiết niệu, suy thận cấp tính và mãn tính nếu kết hợp viêm nhiễm. Sỏi mật có thể gặp biến chứng nguy hiểm phải can thiệp bằng ngoại khoa như viêm túi mật cấp, viêm đường dẫn mật, tích nước túi mật, xơ gan do ứ mật…
– Đã điều trị, sỏi sẽ không tái phát: Sỏi thận là bệnh lý hay tái phát. Trên thế giới đã thống kế 50% bệnh nhân có sỏi sau khi được can thiệp lấy sỏi thì 5 – 10 năm sau tái phát. Những người đã được chẩn đoán sỏi thận vẫn cần đi khám định kỳ để kịp thời can thiệp, xử lý khi sỏi thận to lên.
Thói quen xấu gây nên sỏi thận
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (Bệnh viện Quân y 103) cho biết, sỏi thận có nhiều loại, hay gặp nhất (80-90%) là sỏi canxi, gồm canxi oxalat, can xi phosphat và can xi oxalat phosphat. Ngoài ra, những loại sỏi ít gặp hơn là sỏi struvit, sỏi acid uric, sỏi cystin. Thành phần sỏi khác nhau cũng phụ thuộc vào vùng miền, vị trí địa lý nơi người bệnh sinh sống.
Nguyên nhân gây sỏi thận có nhiều. Một số thói quen xấu hình thành sỏi thận mọi người hay mắc phải là ăn mặn, uống ít nước, lười vận động… Để phòng tránh sỏi thận, cần uống nhiều nước (trên 2 lít/ngày) để hòa loãng nước tiểu và làm tăng dòng nước tiểu sẽ hạn chế sự kết tinh thành tinh thể của các chất hòa tan trong nước tiểu và rửa trôi các tinh thể hình thành. Có thể sử dụng một số nước thảo dược có tác dụng ngăn tạo sỏi và làm mòn sỏi như nước lá kim tiền thảo, nước lá vối hoặc nước nụ vối làm nước uống hàng ngày.
Cùng với đó, mọi người nên có chế độ ăn uống hợp lý. Trong đó, tuyệt đối tránh ăn mặn, nhất là với trẻ em. Tránh sử dụng kéo dài các chất làm tăng calci máu như vitamin D, các thực phẩm có nhiều oxalat như rau dền, vitamin C vì khi thoái biến vitamin C tạo ra nhiều oxalat, nếu tăng acid uric máu cần dùng thuốc allopurinol để giảm nồng độ acid uric máu. Tăng cường ăn các hoa quả họ cam chanh vì có nhiều acid citric có tác dụng ngăn tạo sỏi.
Ngoài ra, cần tránh các trường hợp can thiệp không cần thiết vào đường tiết niệu như đặt xông do nhiễm trùng đường tiểu. Khi có tình trạng nhiễm trùng này phải điều trị. Một số loại bệnh có thể gây ra sỏi thận như gút, rối loạn chuyển hóa, dị dạng đường tiết niệu, tăng canxi máu… cần phải điều trị, giải quyết những căn nguyên này.
Về việc điều trị sỏi thận, PGS.TS Đỗ Gia Tuyển cho biết, khi bị sỏi thận việc đầu tiên cần làm là thăm khám để biết sỏi ở mức độ nào, kích thước bao nhiêu, nằm ở vị trí nào, chức năng của thận, có gây biến chứng cấp tính (đái ra máu, đau quặn thận, nhiễm trùng gây viêm bể thận, ứ mủ thận…) hay mãn tính không mà có chỉ định phù hợp.
Phương pháp điều trị sỏi thận hiện có rất nhiều như: Tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi, qua da, mổ mở… Để can thiệp sỏi sẽ phải dựa vào các yếu tố như trên là kích thước, vị trí và biến chứng của sỏi gây ra là gì?. Thường sỏi nhỏ nằm sâu trong nhu mô thận dưới 0,5mm chỉ cần theo dõi và điều trị biến chứng đi kèm, tìm nguyên nhân thuận lợi để giải quyết. Sỏi to hơn, tùy theo vị trí có thể dùng tán ngoài cơ thể…
Để tránh những biến chứng nguy hiểm, khi cơ thể có những dấu hiệu sau cần đi khám để kịp thời điều trị: Đái dắt, đau buốt, đái mủ tái phát nhiều lần và có thể đi ra sỏi; Xuất hiện những cơn đau từng cơn. Mới đầu đau ở hai hố thắt lưng sau đó lan ra bụng, xuống bụng dưới, đùi hoặc kèm theo nôn hay trướng bụng; Đi tiểu ra máu…
Nguồn Giadinh.net.vn