TẠI SAO THỊT CÁ HỒI CÓ MÀU ĐỎ CAM
-
Không chỉ có một loại cá hồi
Cá hồi (Salmon) là tên gọi chung cho một số loài cá vây tia thuộc họ Salmonidae vốn phân bố chủ yếu ở Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Hầu hết cá hồi có tập tính di cư: cá con được sinh ra trong các vùng nước ngọt trong đất liền sau đó mới di chuyển ra biển, khi trưởng thành đến tuổi sinh sản thì chúng lại quay trở lại nơi chúng được sinh ra để sinh sản ra thế hệ tiếp theo. Đó chính là nguồn gốc tên gọi của cá “Hồi”, trong tiếng Hán-Việt, “hồi” có nghĩa là quay lại hay trở lại, ngoài ra một số quần thể cá hồi lại sống hoàn toàn trong các vùng nước ngọt kín. Do giá trị dinh dưỡng cao và mùi vị thơm ngon đặc trưng, nhu cầu thịt và trứng cá hồi luôn rất cao trong khi cá hồi tự nhiên để khai thác là tương đối hạn chế, hiện nay, phần lớn sản phẩm cá hồi trên thị trường có nguồn gốc từ cá hồi nuôi.
-
Tại sao thịt cá hồi có màu hồng cam, cá hồi nuôi có màu đó không?
Thịt cá hồi có màu hồng cam đặc trưng, đây là màu của sắc tố thuộc nhóm carotenoids tương tự như sắc tố cam trong củ cà rốt hay nhiều loại rau củ khác. Không có nhiều loài động vật có khả năng tổng hợp carotenoids, cá hồi cũng vậy, thay vào đó, cá hồi tích lũy carotenoids từ con mồi mà chúng ăn như tôm hay nhiều loài giáp xác nhỏ khác (tôm khi luộc lên có màu đỏ hồng cũng là do các sắc tố này được giải phóng khỏi phức hợp với protein). Cá hồi nuôi được cho ăn bằng các loại cá và thức ăn công nghiệp chứa rất ít carotenoids. Tuy vậy, để cá hồi nuôi có màu đỏ hồng như cá hồi tự nhiên (giúp làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá hồi nuôi trên thị trường) thức ăn cho cá hồi được bổ sung trực tiếp một số carotenoids như astaxanthin hay canthaxanthin để giúp chúng có được màu thịt đặc trưng như đồng loại tự nhiên.
-
Thông tin về thịt cá hồi nuôi gây ung thư có chính xác không?
Thực ra không chỉ cá hồi nuôi hay cá hồi tự nhiên mà gần như tất cả các sản phẩm mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày đều nhiều ít có chất gây ung thư. Nhưng vấn đề quan trọng là hàm lượng các chất đó như thế nào, có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe chúng ta hay không. Ví dụ các loài cá biển, đặc biệt là các loài ăn thịt bậc cao như cá hồi, đều ít nhiều tích lũy những chất có hại cho cơ thể như thủy ngân hay một số kim loại nặng khác, tuy nhiên hàm lượng những chất này thấp hơn nhiều so với ngưỡng có thể gây hại cho cơ thể con người. Tương tự như vậy, cá hồi nuôi cũng có thể tích lũy các chất độc hại có trong môi trường nuôi chúng nhưng với hàm lượng không đáng kể. Dẫu biết rằng chất lượng cá hồi cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mật độ nuôi trồng, điều kiện chăm sóc cũng như chế biến nhưng hàm lượng các chất có hại trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu cũng thường xuyên được kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đặc biệt là với loại thực phẩm có giá trị cao như cá hồi.
-
Kết luận
Xin được nhấn mạnh lại một lần nữa, thực phẩm có chứa các chất độc hại hay chất gây ung thư không đồng nghĩa với việc ăn chúng sẽ gây bệnh tật, ung thư, điều đó phụ thuộc vào hàm lượng của chất đó trong thực phẩm. Điều này cũng tương tự như nước mắm có chứa asen vậy, có chứa asen chưa hẳn là có hại, nó phụ thuộc vào đó là asen dạng gì, hàm lượng như thế nào. Thiết nghĩ, cá hồi là một loại thực phẩm quý, có giá trị dinh dưỡng cao, chúng ta cũng không thể chỉ vì những tin đồn, đánh giá vu vơ, thiếu tính khoa học mà quay lưng với loại thực phẩm này.