TÂM ẤN TỔ SƯ TRÚC LÂM

TÂM ẤN TỔ SƯ TRÚC LÂM

TÂM ẤN TỔ SƯ TRÚC LÂM

TÂM ẤN TỔ SƯ TRÚC LÂM

 Thích Thông Phương  

I/ Dẫn Nhập

Tổ sư Trúc Lâm Đại Đầu Đà nguyên là vị vua danh tiếng thời Trần, đã thấm nhuần thiền tông từ thuở còn trẻ, được trực tiếp học với Thượng Sĩ Tuệ Trung. Chính Ngài đã thuật lại, nhân hỏi Thượng sĩ về tông chỉ việc bổn phận, Thượng sĩ đáp: “ Soi sáng lại chính mình đó là việc bổn phận, chẳng từ nơi nào khác mà được”  (Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc), ngay đó Ngài liền thấy được đường vào. Rồi làm vua, đánh giặc giữ nước, làm Thái Thượng hoàng, uy danh lừng lẫy nhưng tâm thiền đó vẫn không mất.

Nhân duyên đầy đủ, Ngài liền vào núi Yên Tử xuất gia tu hành, chứng nghiệm thiền lý sâu xa, lập tông phong, truyền Tổ đạo, mở ra dòng Thiền Việt Nam, tiếp nối mạch sống Phật, Tổ trên đất Việt, đem lại lòng tự tin cho người người đồng trở về nguồn Tâm đã quên mất từ thuở nào.

II/ Tâm Ấn Trong Thiền Tông.

Thiền tông hay Tổ sư Thiền luôn nêu cao yếu chỉ “truyền tâm, ấn tâm”. Môn nhơn, đệ tử tham học với thầy mà chưa được truyền tâm ấn, tức chưa được sự chấp thuận kế thừa, chưa thực sự vào được cửa Tổ.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi truyền pháp cho Tổ Huệ Khả, đã chỉ dạy: “Trong truyền tâm ấn để khế hợp chỗ tâm chứng, ngoài trao ca-sa để định tông chỉ”.

Ca sa, bình bát chỉ là biểu tín bên ngoài, trọng yếu là tâm ấn bên trong. Làm Phật, làm Tổ, vượt dòng sanh tử là ở tâm ấn bên trong đó, không phải ở ca sa, bình bát. Người chưa đạt đến, lầm nhận theo bên ngoài nên sanh tâm tranh giành y, bát mà quên cái gốc chân thật ở tâm ấn kia. Ca sa, bình bát làm sao biết giác ngộ, biết kiến tánh, minh tâm, tức thấy bản tánh, sáng bản tâm?

Nhưng tâm ấn kia là gì? Làm sao truyền? Đúng thực thì tâm ấn không là gì hết, không thuộc đối tượng suy nghĩ, hiểu biết, không có chỗ định nghĩa. Tâm ấn thì làm sao định nghĩa? Định nghĩa được là thuộc văn tự, chữ nghĩa rồi, là tâm chết, không phải tâm ấn Tổ sư.

Bảo Cảnh Tam Muội mở đầu: “Pháp ấy như vậy, Phật Tổ thầm trao. Nay ông được đó, nên khéo giữ gìn”. (Như thị chi pháp, Phật Tổ mật phó. Nhữ kim đắc chi, nghi thiện bảo hộ).

Pháp ấy là như vậy thôi, không có thêm bớt gì trong đó, chớ có sanh tâm mọc rễ trên đó nữa. Ông vừa động niệm là hết như thế rồi, là thành thế này thế khác theo cái tôi của ông.

Chính vì nó là như vậy, nên người đạt đến cũng chỉ là như vậy, do đó liền tự cảm thông nhau, tâm tâm in nhau, đó là truyền tâm ấn, là tâm ấn tâm, người đứng bên ngoài thật khó dòm lén.

Thiền sư Hoài Nhượng đến tham vấn Lục Tổ – Huệ Năng, Tổ hỏi:

– Ở đâu đến?

Sư thưa:

– Ở Tung Sơn đến.

Tổ hỏi:

– Đem vật gì đến?

Sư không đáp được. Trải qua tám năm, bỗng nhiên có chỗ tỉnh, Sư bèn đến lễ Tổ thưa:

– Con có chỗ hiểu.

Tổ hỏi:

– Hiểu như thế nào?

Sư thưa:

– Nói giống một vật tức không trúng.

Tổ bảo:

– Có tu chứng chăng?

Sư thưa:

– Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô chẳng thể được.

Tổ bảo:

– Chỉ cái chẳng nhiễm ô này, là chỗ hộ niệm của chư Phật, ông đã như thế, ta cũng như thế.

“Ông như thế, ta cũng như thế”, đó là thầy trò khế hợp nhau, tâm tâm in nhau, chỉ là như thế thôi, đó là tâm ấn tâm, chỗ này thì ngôn ngữ làm sao nói hết? Định nghĩa thế nào? Ông vừa sanh tâm định nghĩa nó, là nó hết như thế, bị bóp méo theo ông! Thiền tông truyền trao là truyền trao chỗ trước khi ông sanh tâm động niệm kìa!

Kỉnh Huyền, đến tham vấn Thiền sư Duyên Quán, Sư hỏi:

– Thế nào là đạo tràng vô tướng?

Duyên Quán chỉ tượng Bồ Tát Quán Âm bảo:

– Cái này là do Ngô Xử Sĩ vẽ.

Sư suy nghĩ để tiến ngữ, Thiền sư Duyên Quán nhanh nhẩu nói:

– Cái này có tướng, cái kia không tướng.

Ngay đó sư tỉnh ngộ, liền lễ bái.

Ông vừa động niệm liền thành có tướng, là trái với tâm ấn, cần xoay lại “cái kia không tướng”. Tâm ấn Tổ sư luôn sáng ngời?

III/ Tâm Ấn Tổ Sư Trúc Lâm.

Tổ sư Trúc Lâm Đại Đầu Đà, Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm có sáng tỏ tâm ấn Thiền tông hay không? Nếu không, sao là Tổ sư của một dòng Thiền? Nếu có làm sao thấy được?

Đây hãy nghe lời khai thị cho buổi thượng đường ở chùa Sùng Nghiêm:

Mở đầu pháp hội, Ngài niêm hương báo ân xong, bước lên tòa, vị thượng thủ bạch chùy.v.v.

Ngài bảo:

– Đức Phật Thích Ca Văn vì một đại sự mà xuất hiện giữa cõi đời này, suốt 49 năm chuyển động đôi môi mà chưa từng nói một lời. Nay ta vì các ngươi lên ngồi tòa này, biết nói chuyện gì đây?

Ngồi giây lâu, Ngài ngâm:

                Thân như hô hấp tỹ trung khí,
                Thế tợ phong hành lãnh ngoại vân.
                Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,
                Bất thị tầm thường không quá xuân.
                                —*—
                Thân như hơi thở ra vào mũi,
                Đời tợ mây trôi đỉnh núi xa.
                Tiếng quyên từng chập, trăng sáng rỡ,
                Nào phải tầm thường xuân luống qua.

 Ngài vỗ bàn một cái nói:

– Không có gì sao? Ra đây! Ra đây!

Mở đầu pháp hội sắp thuyết pháp, lại dẫn Đức Phật Thích Ca thuyết pháp 49 năm mà chưa từng nói một chữ, để chận trước, đó là ngài muốn truyền cái gì? Rõ ràng không phải truyền cái tâm chữ nghĩa, cái tri thức sanh diệt, mà muốn người phải nghe thấu qua ngôn ngữ, thẳng vào tâm ấn kia!

Ngài nói bài kệ gợi ý. Thân này mỏng manh, không bền chắc; thế gian vô thường, tạm bợ, không có gì để bám giữ, nương tựa. Trong khi đó, có một lẽ thật sáng ngời đang hiện hữu đây, chớ để lầm qua, thật đáng tiếc! Tức là tiếng đỗ quyên từng chập, từng chập nhắc ai kia, có một vầng trăng sáng ngời đang hiện hữu giữa trời thênh thang kìa, hãy ngẩng đầu lên, mở mắt ra liền thấy, đâu thể lầm theo mùa xuân trống rỗng qua suông, chôn vùi trong cảnh vô thường sanh diệt.

Và để đánh thức trực tiếp, thúc dục cho người phải ra mặt, liền bảo: “Không có gì sao! Ra đây! Ra đây!”

Vậy thì ngay đây không có gì sao? Đều vắng mặt cả, mất đi hết rồi chăng? Nếu không, thì tại sao chẳng ra đây! Ra đây xem!

Đó là Ngài muốn gọi cái gì ra? Thấy được chỗ này liền thầm hợp tâm ấn kia, thì ngay đó thay Thiền sư Hoài Hải cuốn chiếu xong, kết thúc buổi thượng đường! Tâm ấn Tổ sư đã có người khám phá rồi! Chỗ này làm sao giải thích, luận bàn? Do đó, Ngài đã chận trước “biết nói chuyện gì đây?”. Tức là vẫn còn để nguyên vẹn đó cho người học tự khám phá.

Một đoạn khác, Thiền sư Pháp Loa hỏi:

– Nói huyền nói diệu, luận cổ bàn kim đều thuộc thứ nói đùa, một câu không kẹt trong ngôn ngữ, làm sao nói được?

Ngài đáp:

                Đông phong đạm đãng thiên hoa phát,
                Cách trách câu chu hựu nhất thanh.
                Gió đông dìu dịu ngàn hoa nở
                Lách cách vành xe một tiếng vang.
                                —*—
Pháp Loa toan mở miệng nói,

Ngài bảo tiếp:

                Chim hót máu tuôn vẫn vô dụng,
                Non tây như trước phủ mây chiều.
                                —*—
                Đề điểu huyết lưu vô dụng xứ,
                Tây sơn y cựu mộ vân hoành.

Pháp Loa hỏi một câu thật là hết chỗ mở miệng. Nói mà không kẹt ngôn ngữ, làm sao nói?

Ngài đáp như thế là có nói hay không? “Gió đông dìu dịu” tức hơi phất nhẹ, “ngàn hoa nở”, là phất nhẹ với ai? Nở với cái gì? “Lách cách vành xe một tiếng vang” là vang với chỗ nào? Ý Ngài ở gió đông, ở hoa nở, ở tiếng vang hay ở đâu? Làm sao thấy được trong đó?

Quả là Ngài đã bày tâm ấn trong đó rồi, còn muốn nói gì nữa? Nên Pháp Loa định mở miệng nói thêm, Ngài liền tiếp: “chim hót đến máu tuôn ra vẫn vô dụng”; đã bày hết tình rồi, còn chưa chịu nhận, lại muốn để che phủ thật đáng tiếc! “Non tây như trước phủ mây chiều”.

Pháp Loa lại hỏi:

– Khi muôn dặm mây tạnh thì thế nào?

Ngài đáp:

– Mưa tầm tã.

Hỏi: – Khi muôn dặm mây che kín thì thế nào?

Đáp: – Trăng vằng vặc.

Hỏi: – Cứu cánh thế nào?

Bảo: – Chớ động đến, động đến ăn 30 gậy.

Đúng là tâm ấn của Ngài sáng ngời trong đó. Đã là muôn dặm mây tạnh thì tại sao ông còn sanh tâm hỏi nữa? Thế tức là mưa tầm tã che mất hết rồi.

Còn đã là muôn dặm mây che kín, thì còn ai hỏi đó? Quả là trăng vẫn vằng vặc, sáng ngời đâu có gì che giấu!

Vậy thì đến cứu cánh, chỗ rốt ráo tột cùng kia còn phải thêm gì nữa? Vừa thêm một niệm trong đó, là tự trái xa rồi. Ông vừa khởi nghĩ, là rớt ra ngoài ngay. Động đến là ăn 30 gậy liền.

Vân Môn một hôm đưa cây gậy lên bảo chúng:

– Phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích gọi nó là không, Duyên Giác gọi nó là huyễn có, Bồ Tát thì đương thể tức không, Thiền gia thì thấy cây gậy gọi là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến.

Như vậy thiền gia thì cây gậy chỉ là cây gậy, không được động đến, ngay đó thẳng vào, không có thêm bớt gì nữa. Quả là Thiền sư tâm tâm in nhau, đến nơi thì đồng cảm thông không hai. Còn phân biệt kia đây liền đứng ngoài cửa.

Chứng Đạo Ca của Thiền sư Huyền Giác cũng nói:

                        Pháp trung vương, tối cao thắng,
                        Hằng sa Như Lai đồng cọng chứng.
                                        —*—
                        Vua trong pháp, thật tối thắng, 
                        Hằng sa Như Lai đồng chung chứng.

Đó là chỗ đồng chung chứng của hằng sa Đức Như Lai, không có riêng biệt, đến nơi thì chỗ thấy như nhau, cùng gặp nhau. Tâm ấn này nếu không phải người trong cuộc, làm sao cảm thông? Như Thiền sư Pháp Loa nói: “Dù anh nói huyền nói diệu, luận cổ bàn kim, đều là lời nói đùa thôi”, không dính dáng gì.

Và chính Thiền sư Pháp Loa cũng đã đạt tâm ấn này, nên khi sắp tịch sư để lại bài kệ thổ lộ trong đó:

                        Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn,
                        Tứ thập dư niên mộng huyễn gian.
                        Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,
                        Na biên phong nguyệt cánh man khoan.
                                            —*—
                        Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn,
                        Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng.
                        Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,
                        Bên kia trăng gió rộng thênh thang.

Sư nói muôn duyên cắt đứt, tức dứt bặt hết chỗ cho tâm sanh, nói năng suy nghĩ không thể đến, là chỗ Mã Tổ khai thị cho ông Bàng Uẩn “người không cùng muôn pháp làm bạn”, là “ông hãy hớp một hớp cạn nước Tây giang đi”.

Hai câu cuối, Sư nói rõ, thôi, chỗ này không phải là chỗ cho ông hiểu, cứ đứng bên ngoài mà hỏi hoài, dù hỏi suốt đời cũng không đến đâu, quan trọng là ông phải vào trong đó đi! Thì kìa: “Bên kia trăng gió rộng thênh thang”, tự do tự tại, không có ngôn ngữ nào nói hết.

Tuy vậy, có người vẫn cứ đứng bên ngoài mà bàn: sao lại còn có bên kia? Có kia có đây, lại thành hai bên rồi, còn đâu thênh thang? Nói thì nghe như phải mà thực thì chẳng phải.

Bởi ông cứ đứng bên ngoài, đem tâm kia đây để hiểu, để bàn, nên cũng méo mó theo ông. Nhà Thiền thường nhắc: “Phải đạt ý quên lời”, cứ bám trên lời là quên mất ý. Bên kia đó, cũng ở ngay nơi ông thôi. Vừa động niệm là lãnh 30 gậy rồi.

VI/ Tóm Kết

Nhà Thiền có câu “chỉ cho Lão Hồ biết, chẳng cho Lão Hồ hiểu”, nhấn mạnh chỗ chứng nghiệm, không dừng ở tâm tri thức hiểu biết. Chỗ truyền của Thiền tông là “tâm truyền tâm”, tâm thầy đi thẳng vào tâm trò, là đánh thức nguồn sống chân thật xưa nay không thuộc chữ nghĩa văn tự. Tâm ấn Tổ sư là nguồn sống ấy, người học Thiền phải học thấu trong đó. Tổ sư Trúc Lâm Đại Đầu Đà từ bỏ ngôi cao, vị lớn, xuất gia tu hành là thực sự chứng nghiệm lẽ thật này và truyền lại cho người. Ai sáng tỏ được lẽ thật ấy và sống thật sự trong đó, là tiếp nối mạch sống của Tổ, là tông môn vững mạnh và sống mãi ở thế gian.

            Ai bảo,

                    Việt Nam không có Tổ
                    Tổ ở nơi xứ nào?
                    Chỉ tâm ta tỏ ngộ,
                    Ấn Tổ tức in nhau.
    
                    Nếu còn chia Nam Bắc,
                    Phân Đông độ, Tây thiên.
                    Ta có người không có,
                    Biết ngay chưa sống thiền.

          Thế mới biết,

                    Dù nay đời xa cách,
                    Phật, Tổ đã từ lâu.
                    Tâm Thiền vẫn không khác,
                    Tổ ấn vẫn làu làu.
    
                    Yên Tử nay còn đó,
                    Trúc Lâm vẫn tiếp nhau.
                    Dòng Thiền trôi suốt mãi,
                    Ánh sáng Tổ tuôn trào.

 

Nguồn: Thiền Viện Thường Chiếu

Rate this post

Viết một bình luận