TMT – QLNT

Chuyên đề: Phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa (tiếp theo)

Tổ 4+5 – Trường Tiểu học Kiến Quốc

          PHẦN THỨ HAI:  MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG                                       DẠY VÀ HỌC TỪ ĐỒNG ÂM, TỪ NHIỀU NGHĨA.

1. Giáo viên phải nắm vững phương pháp dạy từ đồng âm và từ nhiều nghĩa:

1.1. Đối với bài dạy lý thuyết và thực hành:

* Bài học về từ đồng âm và từ nhiều nghĩa (tiết 1) là loại bài lý thuyết. Giáo viên tổ chức các hình thức dạy học để giải quyết các bài tập ở phần nhận xét, giúp học sinh phát hiện các hiện tượng về từ ở các bài tập từ đó rút ra được những kiến thức về từ đồng âm và từ nhiều nghĩa. Bước tiếp theo giáo viên tổng hợp kiến thức như nội dung phần ghi nhớ, cho các em lấy ví dụ về hiện tượng đồng âm, nhiều nghĩa giúp các em nắm sâu và chắc phần ghi nhớ. Chuyển sang phần luyện tập, giáo viên tiếp tục tổ chức các hình thức dạy học để giúp học sinh giải quyết các bài tập phần luyện tập. Sau mỗi bài tập giáo viên lại củng cố, khắc sâu kiến thức liên quan đến nội dung bài học, liên hệ thực tế và liên hệ tới các kiến thức đã học của phân môn LTVC nói riêng và tất cả các môn học nói chung.  

+ Trong quá trình dạy học các bài về từ đồng âm, từ nhiều nghĩa, giáo viên cần sử dụng đồ dùng dạy học, tranh ảnh minh hoạ nhằm giúp học sinh dễ dàng phân biệt nghĩa của từ.

+ Khi dạy khái niệm về từ đồng âm và từ nhiều nghĩa, cần thực hiện theo quy trình các bước:

– Cho học sinh nhận biết ngữ liệu để phát hiện những dấu hiệu bản chất của từ đồng âm và từ nhiều nghĩa.

– Học sinh rút ra các đặc điểm của từ đồng âm, từ nhiều nghĩa và nêu định nghĩa

– Luyện tập để nắm khái niệm trong ngữ liệu mới.

+ Đối với các tiết dạy Luyện tập về từ đồng âm, từ nhiều nghĩa, giáo viên chủ yếu thông qua việc tổ chức các hình thức dạy học để giúp học sinh củng cố, nắm vững kiến thức, nhận diện, đặt câu, xác định đúng nghĩa của từ, …

+ Việc dạy hai bài học trên cũng tuân theo nguyên tắc chung khi dạy Luyện từ và câu và vận dụng các phương pháp, hình thức dạy học như:

– Phương pháp hỏi đáp                          – Hình thức học cá nhân

– Phương pháp giảng giải                       – Thảo luận nhóm

– Phương pháp trực quan                       – Tổ chức trò chơi

– Phương pháp luyện tập thực hành                 (…)

1.2.  Giúp học sinh hiểu và nắm ghi nhớ để vận dụng:

Tâm lí học sinh thích làm những bài tập đơn giản, để lộ kiến thức, ngại học thuộc lòng, ngại viết các đoạn, bài cần yếu tố tư duy. GV cần cho học sinh ngắt ý của phần ghi nhớ, cho đọc nối tiếp, rồi ghép lại cho đọc toàn phần, đọc theo nhóm đôi, có lúc thi đua xem ai nhanh nhất, ai đọc tốt. 

1.3. Giúp học sinh hiểu đúng nghĩa của các từ phát âm giống nhau

Điều đặc biệt của từ đồng âm và từ nhiều nghĩa là phát âm giống nhau (nói, đọc, và viết cũng giống nhau). Ta thấy rõ ràng là “đường” (1) trong “đường rất ngọt”, đường(2) trong “đường dậy điện thoại” và đường(3) trong “ngoài đường xe cộ đi lại nhộn nhịp” đều phát âm, viết giống nhau. Vậy mà đường(1) với đường(2) và đường(1) với đường(3) lại có quan hệ đồng âm, còn đường(2) với đường(3) lại có quan hệ nhiều nghĩa.

Để có được kết luận trên đây, trước hết học sinh phải hiểu rõ nghĩa của các từ đường (1), đường(2), đường(3) là gì?

Đường (1) : (đường rất ngọt): chỉ một chất có vị ngọt

Đường (2) : (đường dây điện thoại): chỉ dây dẫn, truyền điện thoại phục vụ cho việc thông tin liên lạc

Đường (3) : (ngoài đường, xe cộ đi lại nhộn nhịp) chỉ lối đi cho các phương tiện, người, động vật.

Để có thể giải nghĩa chính xác các từ “đường” như trên, các em phải có vốn từ phong phú, có vốn sống. Vì vậy trong dạy học tất cả các môn, giáo viên luôn chú trọng trau dồi, tích lũy vốn từ cho học sinh, nhắc học sinh có ý thức tích lũy cho mình vốn sống và yêu cầu mỗi học sinh phải có được một cuốn từ điển Tiếng Việt, biết cách tra từ điển Tiếng Việt đồng thời nắm được một số biện pháp giải nghĩa từ.

Tiếp đó học sinh căn cứ vào định nghĩa, khái niệm về từ đồng âm, từ nhiều nghĩa để xác định mối quan hệ giữa các từ “đường”.

Xét nghĩa của 3 từ “đường” trên ta thấy:

Từ đường1 và từ đường2 có nghĩa hoàn toàn khác nhau không liên quan đến nhau – kết luận hai từ đường này có quan hệ đồng âm. Tương tự như trên từ đường2 và từ đường(3) cũng có mối quan hệ đồng âm.

Từ đường(2) và từ đường(3) có mối quan hệ mật thiết về nghĩa trên cơ sở của từ đường(3) chỉ lối đi, ta suy ra nghĩa của từ đường(2) (truyền đi) theo vệt dài (dây dẫn). Như vậy từ đường(3) là nghĩa gốc, còn từ đường(2) là nghĩa chuyển. Kết luận từ đường(2) và từ đường(3) có quan hệ nhiều nghĩa với nhau.

2. Mở rộng kiến thức dựa trên chuẩn kiến thức kĩ năng.

Trong chương trình sách giáo khoa, bài dạy về từ nhiều nghĩa được sắp xếp sau bài dạy về từ đồng âm. Theo chuẩn kiến thức kĩ năng, các em học sinh lớp 5 cần “hiểu sơ giản về từ nhiều nghĩa, từ đồng âm” và “hiểu thế nào là từ nhiều nghĩa; nghĩa gốc; nghĩa chuyển của từ nhiều nghĩa”. Để đạt được điều đó và đặc biệt với yêu cầu dạy học phân hóa đối tượng học sinh và để tránh sự nhầm lẫn giữa từ đồng âm với từ nhiều nghĩa, ngay ở bài dạy về từ đồng âm, ngoài ví dụ về các trường hợp đồng âm, tôi cung cấp trêm các “phản ví dụ” tức là cung cấp thêm các từ  không phải là từ đồng âm với nhau để các em nhận xét.

Ví dụ: Từ “đi” trong các trường hợp sau đây có phải hiện tượng đồng âm hay không?

– Mẹ hay đi bộ vào buổi tối để giảm béo .

– Bố mới đi Hà Nội về.

– Hè này, cả nhà em đi du lịch.

– Cụ ốm nặng, đã đi hôm qua rồi.

– Anh đi con mã, tôi đi con tốt.

– Thằng bé đã đến tuổi đi học.

Bài tập này giáo viên chủ yếu yêu cầu học sinh nhận diện từ “đi” trong các câu văn trên là hiện tượng đồng âm hay không phải đồng âm, không yêu cầu các em giải thích gì và chỉ chọn một trong hai phương án trả lời: đồng âm/không đồng âm. Đến đây giáo viên gợi mở để biết từ “đi” trong các câu văn trên có phải là quan hệ đồng âm hay không, các em về nhà suy nghĩ tìm hiểu SGK các tiết Luyện từ và câu sau cô sẽ giúp các em tìm câu giải đáp.

Để không mất nhiều thời gian tiết học cho nội dung trên, GV cần viết sẵn nội dung câu hỏi gợi mở ra bảng phụ và tiến hành sau khi học sinh lấy ví dụ về từ đồng âm để khẳng định lại ghi nhớ. Lúc đó tự các em sẽ có một sự so sánh giữa các ví dụ về từ đồng âm với ví dụ trên đây, đồng thời giáo viên kích thích được tư duy của học sinh. Trước khi kết thúc tiết học, giáo viên cũng không quên nhắc học sinh về nhà tiếp tục suy nghĩ trả lời giải thích về hiện tượng từ “đi” trong các câu văn đã cho.

Trong bài dạy “từ nhiều nghĩa” cần lấy thêm một hai trường hợp về từ nhiều nghĩa, sau đó quay lại lấy một ví dụ về từ đồng âm cho học sinh nhận định về các từ trong ví dụ chúng có quan hệ với nhau thế nào về nghĩa.

Ví dụ: Từ “chỉ” trong các trường hợp sau là từ đồng âm hay nhiều nghĩa? Vì sao?

Cái kim sợi chỉ – chiếu chỉ – chỉ đường – một chỉ vàng.

Ở câu hỏi này, giáo viên yêu cầu học sinh giải thích lí do lựa chọn để khẳng định kiến thức và khả năng nhận diện, phân biệt từ đồng âm với từ nhiều nghĩa. Sau khi học sinh trả lời tôi chốt lại từ “chỉ” trong các trường hợp trên có quan hệ đồng âm vì nghĩa của từ “chỉ” trong mỗi trường hợp khác nhau, không có quan hệ với nhau.

Nội dung trên, giáo viên cũng tiến hành như trong khoảng 2-3 phút, dành thời gian cho các em làm bài tập phần luyện tập. Cuối tiết học giáo viên nhấn mạnh: các em cần lưu ý phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa, tránh nhầm lẫn đáng tiếc giữa hai hiện tượng này.

3. Dựa vào yếu tố từ loại để giúp học sinh phân biệt được từ đồng âm và từ nhiều nghĩa.

Tùy trường hợp những từ phát âm giống nhau nhưng cùng từ loại (cùng loại danh từ, động từ, tính từ) thì phải vận dụng biện pháp giải nghĩa từ trong văn cảnh đồng thời xét xem các từ đó có mối quan hệ về nghĩa hay không để tránh nhầm lẫn những từ đồng âm với từ nhiều nghĩa hoặc quan hệ đồng nghĩa nếu có. Trong trường hợp này thông thường ta dựa vào ngữ cảnh để nhận biết nghĩa của từ đồng âm, nói cách khác là dựa vào các từ đi với nó trong câu. Ngữ cảnh có tác dụng hiện thực hóa nghĩa của từ và giúp con người sử dụng ngôn ngữ tránh sự nhầm lẫn.

Ví dụ: – đồng tiền – cánh đồng

– vạc dầu – con vạc

– con cò – cò súng

– xe đạp – con xe (quân cờ)

Xét câu văn sau: “Hôm nay, tôi đánh rơi mười nghìn đồng1trên cánh đồng2.”. Từ đồng1 là đơn vị tiền Việt Nam, từ đồng2 trong “cánh đồng” nghĩa là khoảng đất rộng bằng phẳng trồng lúa hoặc hoa màu.

Hiện tượng đồng âm cùng từ loại như trên học sinh rất dễ nhầm lẫn với từ nhiều nghĩa hầu hết các từ nhiều nghĩa đều có cùng từ loại. Trong quá trình dạy học, tôi gặp phần lớn các từ nhiều nghĩa đều có cùng từ loại. Từ “đi” trong các trường hợp sau đều là động từ.

            đi bộ           đi chơi                  đi ngủ                   đi máy báy

Vì vậy gặp những từ có cùng vỏ âm thanh giống nhau thì học sinh không được vội vàng phán quyết ngay hiện tượng đồng âm hay nhiều nghĩa mà phải suy nghĩ thật kĩ. Giải nghĩa chính xác các từ đó trong văn cảnh tìm ra điểm khác nhau hoàn toàn hay giữa chúng có sự liên hệ với nhau về nghĩa. Trong một số bài tập bồi dưỡng học sinh giỏi, có một số trường hợp giống nhau về âm thanh nhưng khó phân biệt hiện tượng đồng âm hay nhiều nghĩa.

Ví dụ: Các từ trong mỗi nhóm dưới đây có quan hệ với nhau thế nào về nghĩa?

a) Đánh cờ, đánh giặc, đánh trống

b) Trong veo, trong vắt, trong xanh

c) Thi đậu, xôi đậu, con chim đậu trên cành

Trong quá trình dạy bồi dưỡng học sinh để giúp học sinh làm tốt các bài tập như trên, giáo viên yêu cầu các em luôn nắm chắc nghĩa của từ và suy xét kĩ lưỡng nghĩa của các từ đó, không được bộp chộp ngộ nhận hoặc mới chỉ nhiều nghĩa mang máng mà đã vội kết luận mối quan hệ giữa các từ đã cho.

4.Tìm ra điểm giống và khác nhau giữa từ đồng âm và từ nhiều nghĩa:

Từ những vấn đề trên, ta phải làm thế nào để học sinh phân biệt được từ đồng âm và từ nhiều nghĩa? Mấu chốt của vấn đề là cả GV và HS cần phải hiểu bản chất kiến thức: Từ đồng âm là nhiều từ nhưng nghĩa các từ trong văn cảnh đều là nghĩa gốc (còn gọi là nghĩa chính hay nghĩa đen). Còn từ nhiều nghĩa thì chỉ là một từ có một nghĩa gốc còn các từ khác là từ mang nghĩa chuyển từ nghĩa gốc. Trở lại VD ở trên, trong VD1 “bàn” trong “cái bàn” và “bàn” trong “bàn công việc” đều mang nghĩa gốc, VD2 “bàn” trong “cái bàn” mang nghĩa gốc còn “bàn” trong “bàn phím” mang nghĩa chuyển. Vậy làm thế nào để HS phân biệt được nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ? Các từ mang nghĩa gốc thì nêu được nghĩa khác nhau nhưng phải bằng cách diễn giải. Còn phần nhiều các từ mang nghĩa chuyển thì nêu nghĩa bằng cách thay thế bằng một từ khác (mang nghĩa phụ).

 VD:           Mùa xuân (1) là tết trồng cây

         Làm cho đất nước càng ngày càng xuân(2).

Ta thấy rằng: “xuân”(2) được dùng theo nghĩa chuyển vì“xuân” có thể thay thế bằng “tươi đẹp”. Sau khi HS đã nắm bắt được bản chất của kiến thức, để cho học sinh có kỹ năng phân biệt, GV cần biên soạn thành những dạng bài tập hỗn hợp cả từ đồng âm và từ nhiều nghĩa để HS luyện tập.

Sau các bài học về từ đồng âm và từ nhiều nghĩa cùng với các bài luyện tập,GV giúp học sinh rút ra so sánh như sau:

* Giống nhau: Là những từ có cùng hình thức ngữ âm (đọc, nói, viết giống nhau.)

* Khác nhau:

                       

Từ đồng âm

– Các từ có nghĩa hoàn toàn khác biệt nhau, không có bất cứ mối liên hệ gì.

Ví dụ: “đá” trong từ “hòn đá”: chỉ chất rắn có sẵn trong tự nhiên, thường thành tảng, hòn rất cứng. Còn “đá” trong “đá bóng” chỉ hành động dùng chân hất mạnh vào quả bóng nhằm đưa bóng ra xa, ….

 – Không giải thích được bằng cơ chế chuyển nghĩa.

                 

  Từ nhiều nghĩa

– Các nghĩa có mối liên quan với nhau.

 

 

Ví dụ: “đá” trong từ “hòn đá” chỉ chất rắn có trong tự nhiên, thường thành tảng, khối vật cứng. Còn “đá” trong “nước đá” chỉ nước đông cứng lại thành tảng giống như đá.

– Do cơ chế chuyển nghĩa tạo thành.

 

5. Một số lưu ý :

5.1. Lưu ý khi phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa

– Nếu hai từ khác nhau về nguồn gốc, trùng nhau về ngữ âm thì đó là hai từ đồng âm. Ngược lại, nếu giống nhau cả về ngữ âm lẫn nguồn gốc thì cần nghĩ tới khả năng đó là hiện tượng nhiều nghĩa

– Nếu có một nghĩa nào đó của từ nhiều nghĩa đã tách xa, đã đứt đoạn mối liên hệ với toàn bộ cơ cấu nghĩa chung thì nó cũng hình thành nên một từ đồng âm với từ ban đầu.

– Nếu có sự tách nghĩa dẫn đến đứt đoạn mối liên hệ về nghĩa thì nên coi ở đây đã hình thành những từ đồng âm.

Ví dụ: cây1 (cây tre) – … cây2 (cây át cơ), cây3 (cây vàng)

Giữa cây1 và cây3 đã hoàn toàn đứt đoạn mối liên hệ về nghĩa. Chúng được coi là hai từ đồng âm.

– Đối với hiện tượng chuyển từ loại, cần có những biện luận cụ thể, vì tình hình của chúng không thuần nhất về nhiều mặt; đặc biệt là mối liên hệ về nghĩa của mỗi từ trong các tư cách từ loại khác nhau vẫn còn rõ rệt: cày1 – cày2; cưa1 -cưa2; đục1 – đục2…

Khi một từ được dùng trong hai tư cách từ loại khác nhau với hai nghĩa riêng, trong đó nếu nghĩa mới phái sinh do chuyển từ loại đã có khả năng độc lập làm cơ sở tạo nên nghĩa phái sinh khác thì lúc này nên tách ra thành hai từ đồng âm. Nếu không thoả mãn điều kiện đó thì cần xử lí nó với tư cách là từ nhiều nghĩa.

Ví dụ: chai1 (d.t): chỗ da dày và cứng lại vì bị cọ xát nhiều

          chai2 (t.t): 1. (Nói về da) đã trở thành dày và cứng vì bị cọ xát nhiều: (Cầm cuốc nhiều đã chai tay); 2. (Nói về đất) đã trở thành cứng, không xốp, khó cày bừa: (Đất ruộng đã bị chai cứng); 3. Đã trở thành trơ, lì vì đã quá quen: (Bị mắng nhiều đã chai mặt, không còn biết xấu hổ là gì nữa.)

Ở đây, nên tách ra chai1 và chai2 vì từ nghĩa 1 của chai2 (phái sinh từ chai1) đã tiếp tục phái sinh ra nghĩa 2 và nghĩa 3.

Trong ngôn ngữ giao tiếp nói chung, từ đồng âm với những sắc thái riêng của từng ngôn ngữ cụ thể, thường được sử dụng trong các hiện tượng chơi chữ rất đặc biệt.

5.2. Lưu ý khi xác định nghĩa gốc và nghĩa chuyển:

Bên cạnh việc hướng dẫn học sinh xác định nghĩa gốc và nghĩa chuyển bằng định nghĩa trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5-Tập 1- tr 67, cần hướng dẫn HS cách xác định nghĩa gốc và nghĩa chuyển trong từ nhiều nghĩa dựa vào từ loại như sau:

1.  Từ nhiều nghĩa là danh từ:

Ở trường hợp này từ nhiều nghĩa xảy ra khi chúng phải cùng từ loại với nhau và có thể chia ra làm các trường hợp sau:

+ Từ nhiều nghĩa, trong đó từ mang nghĩa gốc là danh từ chỉ người hoặc là danh từ có liên quan đến người, còn từ mang nghĩa chuyển là danh từ chỉ đồ vật hoặc là danh từ có liên quan đến đồ vật:

Ví dụ 1: Hàm răng (1) em trắng như ngọc.

             Chiếc cào có ba răng (2).

Răng (1) là danh từ chỉ bộ phận của cơ thể người, có nghĩa là “phần cứng mọc ở hai hàm trong miệng dùng để nhai và nuốt”. Do đó từ răng(1) là danh từ mang nghĩa gốc. Răng (2) là danh từ chỉ vật nhọn giống như răng. Do đó từ răng(2) là danh từ mang nghĩa chuyển.

Ví dụ 2: Đôi chân(1) của Hà rất thẳng.

             Chân(2) của cái bàn này đã gãy rồi.

Chân(1) là danh từ chỉ bộ phận của cơ thể người, có nghĩa là “phần dưới cùng của cơ thể người, dùng để đi, đứng, chạy, nhảy”. Do đó từ chân(1) là danh từ mang nghĩa gốc. Chân(2) là danh từ chỉ bộ phận dưới cùng của chiếc bàn, dùng để đỡ các bộ phận khác. Do đó từ chân(2) là danh từ mang nghĩa chuyển.

+ Từ nhiều nghĩa, trong đó từ mang nghĩa gốc là danh từ chỉ người hoặc là danh từ có liên quan đến người, còn từ mang nghĩa chuyển là danh từ chỉ sự vật hoặc là danh từ có liên quan đến sự vật:

Ví dụ 3: Đôi mắt(1) Hoa sáng long lanh.

             Quả na đã mở mắt(2).

“Mắt”(1) là danh từ chỉ bộ phận của cơ thể người, dùng để nhìn. Do đó từ mắt(1) là danh từ mang nghĩa gốc. Mắt(2) là danh từ chỉ phần lồi ra ở vỏ quả na. Do đó từ mắt(2) là danh từ mang nghĩa chuyển.

Ví dụ 4: Đôi chân(1) của em mỏi rời rã vì đi bộ nhiều.

             Nhà An nằm sát chân(2) đồi.

Chân(1) là danh từ chỉ bộ phận của cơ thể người, có nghĩa là “phần dưới cùng của cơ thể người, dùng để đi, đứng,chạy, nhảy”. Do đó từ chân(1) là danh từ mang nghĩa gốc. Chân(2) là danh từ chỉ bộ phận dưới cùng của quả đồi, chỗ tiếp giáp với mặt đất. Do đó từ chân(2) là danh từ mang nghĩa chuyển.

+ Từ nhiều nghĩa, trong đó từ mang nghĩa gốc là danh từ chỉ con vật hoặc danh từ có liên quan đến con vật. Còn từ mang nghĩa chuyển là danh từ chỉ đồ vật hoặc là danh từ có liên quan đến đồ vật.

Ví dụ 5: Con ngỗng có chiếc cổ(1) dài ngoẵng.

             Cổ(2) áo của bạn đẹp thật.

“Cổ”(1) là danh từ chỉ bộ phận của cơ thể con ngỗng, là bộ phận nối giữa đầu với thân. Do đó từ cổ(1) là danh từ mang nghĩa gốc. Cổ(2) là danh từ chỉ bộ phận của cái áo, là bộ phận phía trên, hơi thon. Do đó từ cổ(2) là danh từ mang nghĩa chuyển.

Ví dụ 6: – Chân(1) con chó nhà em giống như thân cây mía vậỵ.

              – Dù ai nói ngả nói nghiêng

          Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân(2).

Chân(1) là danh từ chỉ bộ phận dưới cùng của cơ thể con vật, dùng để đi, đứng, chạy, nhảy. Do đó từ chân(1) là danh từ mang nghĩa gốc. Chân(2) là danh từ chỉ bộ phận dưới cùng của chiếc kiềng dùng để đỡ một số bộ phận khác. Do đó từ chân(2) là danh từ mang nghĩa chuyển.

+ Từ nhiều nghĩa, trong đó từ mang nghĩa gốc là danh từ chỉ con vật hoặc danh từ có liên quan đến con vật. Còn từ mang nghĩa chuyển là danh từ chỉ sự vật hoặc là danh từ có liên quan đến sự vật.

Ví dụ 7: Mắt(1) chú mèo tròn xoe.

              Phi-líp-pin nằm ở trung tâm của mắt(2) bão.

“mắt”(1) là danh từ chỉ bộ phận của cơ thể con mèo, dùng để nhìn. Do đó từ mắt(1) là danh từ mang nghĩa gốc. Mắt(2) là danh từ chỉ vùng trung tâm của một cơn bão. Do đó từ mắt(2) là danh từ mang nghĩa chuyển.

+ Từ mang nghĩa gốc và nghĩa chuyển đều là danh từ chỉ người hoặc là danh từ có liên quan đến người:

Ví dụ 8: Mắt1 tôi bị đau đã lâu.

              Em bị đau mắt2 cá chân.

– Mắt1 là danh từ chỉ cơ quan để nhìn của người nên mắt1 là từ mang nghĩa gốc. Mắt2 là danh từ chỉ phần lồi ra ở hai bên cổ chân của người nên mắt2 là từ mang nghĩa chuyển.

+ Từ mang nghĩa gốc và nghĩa chuyển đều là danh từ chỉ con vật hoặc là danh từ có liên quan đến con vật:

Ví dụ 9: Chú gà chọi có đôi chân1 chì.

             Con gà trống bị chảy máu chân2 lông.

– Chân1 là danh từ chỉ bộ phận dưới cùng của con gà trống dùng đẻ đi, đứng, chạy, nhảy, … => chân1 là từ mang nghĩa gốc. Chân2 là danh từ chỉ phần dưới cùng của cái lông, nơi tiếp giáp với da của con gà => Chân2 là danh từ mang nghĩa chuyển.

+ Từ mang nghĩa gốc và nghĩa chuyển đều là danh từ chỉ đồ vật:

(Trường hợp này rất hiếm khi gặp)

+ Từ mang nghĩa gốc và nghĩa chuyển đều là danh từ chỉ sự vật hoặc là danh từ có liên quan đến sự vật:

Ví dụ 10: Con đường1 làng rộng thênh thang.

               Kẻ một đường2 thẳng đi qua hai điểm A và B.

– Đường1 là danh từ chỉ lối đi, để mọi người đi lại, đường1 là từ mang nghĩa gốc. Đường2 là danh từ chỉ vệt, vạch được tạo ra, đường2 là danh từ mang nghĩa chuyển.

2.  Từ nhiều nghĩa thuộc từ loại động từ:

Trường hợp này, từ nhiều nghĩa xảy ra khi chúng cùng từ loại với nhau và có thể có các trường hợp sau:

+ Từ mang nghĩa gốc và từ mang nghĩa chuyển đều là động từ chỉ hoạt động, trạng thái của người và sự vật hoặc là động từ chỉ hoạt động, trạng thái liên quan đến người và sự vật.

Ví dụ 11: Hoa ăn1 cơm.        => ăn1 mang nghĩa gốc

               Tàu vào ăn2 than.  => ăn2 mang nghĩa chuyển

Ví dụ 12: Hoa đi1 trên đường. => đi1 mang nghĩa gốc

               Bố đi2 công tác xa.  => đi2 mang nghĩa chuyển

+ Từ mang nghĩa gốc và từ mang nghĩa chuyển đều là động từ chỉ hoạt động, trạng thái của con vật và sự vật hoặc là động từ chỉ hoạt động, trạng thái liên quan đến con vật và sự vật.

Ví dụ 13: Chim đậu1 trên cành.         => đậu1 mang nghĩa gốc

               Xe đậu2 ngay trên đường.  => đậu2 mang nghĩa chuyển

Ví dụ 14: Ngựa chạy1 trên đường.    => chạy 1 mang nghĩa gốc

               Đồng hồ chạy2 nhanh.       => chạy 2 mang nghĩa chuyển

3.  Từ nhiều nghĩa thuộc từ loại tính từ:

Trường hợp này, từ nhiều nghĩa không xảy ra, nếu có xảy ra thì từ mang nghĩa gốc phải là danh từ, còn từ mang nghĩa chuyển là tính từ.

Ví dụ 15: Mùa xuân1 là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân2.

– Xuân1 là danh từ chỉ thời gian đầu năm, là mùa chuyển tiếp từ mùa đông sang màu hạ. Xuân1 là từ mang nghĩa gốc.

Xuân2 là tính từ chỉ mức độ chuyển biến của đất nước ngày càng tươi đẹp hơn. Xuân2 là từ mang nghĩa chuyển.

                                                                                     Tổ 4 + 5 Trường Tiểu học Kiến Quốc

Rate this post

Viết một bình luận