Trong một ngày, buổi sáng sinh khí nhưng không biết đón lấy khí mới sinh, buổi chiều khí tán lại không biết cách giữ lại nên con người hòa theo dòng lên lên xuống xuống của Đất Trời mà sinh sinh diệt diệt, người tu đạo thì ngược dòng mà đi, lúc khí mới sinh ra thì biết đón mà giữ lấy bồi bổ Nguyên Khí, lúc nó tán thì biết cách giữ nó lại không cho tán mà bảo tồn được Nguyên Khí, nhờ đó mà bảo toàn được sinh mệnh kéo dài tuổi thọ.
Bài công pháp Tiến Dương Công – Tụ Hỏa Đan Điền đây là cách để khai thác nguồn Địa Hỏa và tụ nó lại vào Đan Điền để lập lò luyện Đan. Nói Luyện Đan mà không có lò thì chúng ta luyện đan bằng cái gì ? Nói như vậy để biết được tầm quan trọng của việc Tụ Hỏa. Chính nhờ có nguồn hỏa này mà nó đốt cháy hết các trược khí, âm khí và biến thành thanh khí bay lên mà Đan Kinh gọi là Khử Trược Lưu Thanh, tương tự như việc chúng ta đốt rác vậy, hóa giải mọi rác rưởi và trả lại tro cho đất để nuôi dưỡng cỏ cây hoa lá.
Ở người, phía cuối của xương sống là nơi khởi nguồn của các loại Địa Hỏa. Khi hít vào chúng ta đón lấy nguồn Địa Hỏa từ xương cụt đi lên và tiếp với Tâm Hỏa ở ngực, khi thở ra lại đưa toàn bộ hỏa này quy về Đan Điền, cách tập như sau:
Hít vào là dương, hít vào đầy bụng rồi hít tiếp lên đầy ngực là Tiến Dương.
Thở ra là âm, thở ra khí từ ngực đẩy trở xuống và nén chặt ở Đan Điền là Thoái Âm.
Khi hít lên đầy ngực thì nín thở hoặc tiếp tục hít vào, hít vào, và hít vào sao cho không khó chịu, lúc đó vai thả lỏng, cằm như rụt vào, ngực như nở ra, bách hội như bị rút vào trong lồng ngực, ấy là dùng yếu tố Phong thổi bùng lên ngọn lửa đốt các trược khí và khai thông kinh mạch.
Khi thở ra thì đẩy và nén chặt khí từ ngực xuống bụng, đồng thời hóp hậu môn, để kéo hỏa từ dưới lên tụ ở Đan Điền, nén thật chặt để 2 nguồn hỏa cùng giao thoa và tụ lại, đốt cháy hết các trược và âm khí sau đó thả lỏng toàn thân để cơ thể tự phục hồi về trạng thái bình thường.
Như vậy 1 hơi thở sẽ có 4 nhịp: Hít vào, ngưng (hoặt hít tiếp), thở ra và nén, thả lỏng. Nhờ có thả lỏng tự do mà các hơi thở không bị ức chế, tim không bị đập nhanh, không gây khó chịu khi tập. Khi nén hoặc cố hít vào tâm thật tĩnh để không bị hụt hơi hoặc ức chế tâm.
Mới đầu tập nên tập tự nhiên theo cơ thể, đừng cố gắng gượng kéo dài hơi thở. 1 vài hơi thở đầu có thể dùng miệng để thở ra. Hơi thở lúc đầu rất thô, sau nhỏ dần và trở nên nhẹ nhàng, sâu và lâu hơn. Mỗi lần tập chỉ 5 đến 10 phút mỗi lần, thông thường tập đủ 9 lần hít vào thở ra là hợp lý.
Lúc đầu mới tập có thể cơ thể sẽ rất nóng như ngồi trong nồi xông hơi là do hỏa đốt các trược khí và âm khí lâu ngày tích tụ trong cơ thể, sau khi hít thở nên ngồi tĩnh tâm một chút cho đến khi cơ thể sẽ trở nên mát mẻ là có thể thu công.
Quyết yếu để tập thành công: Hít vào căng căng căng, Nén thật chặt chặt chặt, Thả thật lỏng lỏng lỏng.
Khởi hà xa vận tiểu chu thiên
Đại Đạo tịnh mịch hư vô, chợt động và sinh Thái Cực, ấy là Đạo sinh Nhất.
Nhất động diễn sinh 2 khí Âm Dương, ấy là Nhất sinh Nhị. Dương khí thanh nhẹ bay lên làm Trời, Âm trọng trược nặng rơi xuống làm Đất.
Lý của Đất Trời là Âm Dương thăng giáng. Dương thanh nhẹ bay lên, Âm khí trọc rơi xuống. Âm khí trọc rơi xuống gặp Đất thì không xuống được nữa, thái cực và sinh Dương nên mọi cái mọc hoặc sinh ra từ Đất đều hướng lên Trời. Thanh khí bay lên gặp Trời không qua được, thái cực mà sinh Âm rơi trở về với Đất. Một Âm một Dương, một lên một xuống không ngừng vận hành giống như Nhật Nguyệt giao hoan vậy, nhờ đó mà vạn vật sinh thành.
Nương theo cái lý khi hình thành của Đất Trời, sau khi thực hành Bế Mục Minh Tâm, Tâm đã an, Thần đã định, Tức đã chân thì chúng ta mang cái Tâm ấy, mang cái Thần ấy, mang cái Tức ấy định vào Hư Không thì Khí tự về, đấy là ý nghĩa thực sự của công pháp Phục Khí, thiết lập được Thái Cực trong thân. Kiên trì đủ độ thì Khí mãn, Thần sung.
Khi Khí đã mãn, Khí tiếp tục về mà không có chỗ chứa, lại không thể đi lên thì khai Xung mạch tràn xuống Vĩ Lư, dọc theo Đốc mạch xông phá Tam Quan mà tiến vào Nê Hoàn, rồi lại từ Nê Hoàn tràn xuống trán, xuống miệng hóa dịch theo nhâm mạch về Đan Điền.Ở Đan Điền sau khi đã tụ được hỏa và thiết lập được Lô thì sẽ đun luyện khí này hóa thành thanh khí theo Đốc mạch bay lên, rồi lại theo Nhâm mạch đi xuống, một lên một xuống, cứ tuần hoàn như vậy y như sự lên xuống của mặt trăng mặt trời, ấy là Thái Cực sinh 2 nghi Âm và Dương.
Mỗi 1 lần lên 1 lần xuống, khí chạy tuần hoàn theo 2 mạch Nhâm Đốc thì gọi là một chu thiên, qua mỗi chu thiên, nhờ có tác dụng của Lửa đã tụ trong Đan Điền mà khí thanh càng thêm thanh, thanh thì bay lên làm Trời, khí nặng rơi xuống làm Đất, hình thành nên Tiểu Thiên Địa trong thân, lúc này chính thức bước vào con đường song tu Tính Mệnh. Tính là Thần là Âm là tinh hoa của Trời, Mệnh là Khí là Dương là tinh hoa của Đất. Khí Thần gặp nhau, Âm Dương giao hòa mà hóa sinh vạn vật, trong đó Thánh Thai là tinh trong những cái tinh, là con người trong cái Tiểu Vũ Trụ ấy.
Khi Tiểu Vũ Trụ ấy hình thành, Nhâm Đốc tự vận hành, một ngày một đêm đi hết một vòng, Đất Trời thì một năm giao thoa một lần, nên nói một ngày ở nhân gian bằng 1 năm ở trên trời là vậy.
Khi Tiểu Vũ Trụ ấy hình thành, nó giống như con quay đang quay, nó tự đứng vững, cũng giống như trái đất tự quay và quay quanh mặt trời vậy, có sự độc lập tương đối và ít chịu ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh như những người khác.
Trong cái Tiểu Vũ Trụ ấy, có Thiên có Địa, có mặt trăng mặt trời không ngừng chiếu Chân Dương xuống, Chân Khí không ngừng được sinh ra, thăng lên qua Đốc mạch, qua Nhâm mạch thì hóa Dịch là Chân Thủy rơi xuống, như vậy Tiểu Vũ Trụ có đầy đủ 4 yếu tố Địa, Thủy, Hỏa, Phong như Đại Vũ Trụ bên ngoài.
Long Hổ Giao (Âm dương giao hội)
Ở ngoài, Dương lên đến Trời thì khó đi lên nữa, thái cực mà sinh Âm. Âm xuống đến Đất thì khó chui vào được, thái cực mà sinh Dương. Âm Dương giao hòa mà sinh vạn vật. Cái lý của Trời Đất là vậy.
Ở người, Tâm là Hỏa là Ly, Thận là Thủy là Khảm. Người bình thường Thủy ở dưới Hỏa ở trên nên chẳng bao giờ giao nhau, Tâm Hỏa đi lên nhẹ thì tính tình nóng nảy, nặng thì mất đi lý trí, thậm chí là điên loạn; Thận Thủy thì theo dục vọng mà tẩu thất xuống dưới, vì thế mà Nguyên Khí Nguyên Thần hao tán, chẳng mấy chốc mà xa lìa trần thế. Người tu Đạo thì biết cách Hàng Long mà hạ Tâm Hỏa cho nó đi xuống, lại biết cách Phục Hổ làm cho Thận Thủy đi lên, Thủy Hỏa tương giao kết thành Chân Chủng tử, là mầm mống của Tiên Gia.
Theo Hà Xa vận chuyển, khi Thận Khí đến Tâm, Thận Khí với Tâm Khí tương hợp, thì thái cực mà sinh Dịch. Dịch này là Chân Long, là Chân Âm, là mẹ sinh muôn vật; Khi Tâm Khí đến Thận, Thận Khí với Tâm Khí tương hợp, thì thái cực mà sinh Khí, Khí này là Chân Hổ, là Chân Dương, là cha của muôn loài. Cha Mẹ giao hợp thì sinh người, Chân Long Chân Hổ giao hợp thì sinh Tiên sinh Phật, đây là bí mật của tạo hóa mà ngàn năm qua chỉ truyền cho người Thượng đức mà không truyền cho kẻ Hạ nhân.
Luyện là Khử Trọc Lưu Thanh, làm cho thanh càng thêm thanh, nhưng không làm cho 2 trở thành 1. Chỉ có Long Hổ giao giống như Cha Mẹ giao hoan, Đất Trời giao tinh, Nhật nguyệt giao quang, mới làm cho Âm Dương hòa hợp mà sinh ra một điểm Linh Quang, là là Chân Chủng Tử, tái lập Hồng Mông Hỗn Độn Bào Thai tại Nguyên Thủy Tổ Khí mà Đan Kinh gọi là Huyền Tẫn Chi Môn, Thiên Địa Chi Căn, Căn Bản Tính Mệnh, Huyền Hựu Huyền, là Khiếu trong Khiếu.
Phòng giao hợp gọi là Huỳnh Phòng hay Huỳnh Đình, là trung tâm của Đất Trời, trên đỏ dưới đen, tả xanh hữu bạch, ở giữa là vàng.
Yếu quyết để Long Hổ giao hợp là phải xác lập được Pháp Luân tại Huỳnh Đình, lúc đầu là tác ý, sau là vô ý, vận chuyển từ ngoài vào trong đến thái cực thì dừng. Đan kinh gọi giai đoạn này là Điên Đảo Ngũ Hành và mô tả: Pháp Luân Tự chuyển, lúc đầu như vân vụ phủ đầy bốn bên, đột nhiên như gió mưa cùng đến, hoảng nhiên như vừa tỉnh mộng lúc ban ngày, thư thái như bệnh lâu ngày mới khỏi, tinh thần như nam nữ mới giao hoan, thịt xương như vừa tắm mát.
Sau khi giao hoan thì Nhất Điểm Linh Quang rơi vào Tổ Khí kết thành Nội Dược hay Chân chủng Tử. Vì nó nhập vào Hỗn Độn nên gọi là Thái Cực, vì nó là nguồn gốc sinh hóa nên gọi là Tiên Thiên, vì nó âm dương chưa phân nên gọi là Nhất Khí, cũng còn gọi là Hoàng Nha, là Huyền Châu, là Dương Tinh.
Luyện Dược Dưỡng Đan
Âm không được Dương thì không sinh, Dương không được Âm thì không thành. Âm không được Dương như gà mái đẻ trứng, không có trống thì không nở thành gà con; Dương như sắt thép nung đỏ chảy thành nước mà không định hình, Dương được Âm như đổ nước ấy vào khuôn mà tạo ra vật như nghề đúc đồng; Dương thêm Dương thì trưởng nên mới có Tiến Dương làm tiêu hao hết Âm để thành thể Thuần Dương, tức là Tiên vậy.
Luyện Dược giống như luyện đao luyện kiếm, lại cũng giống như nung gạch vậy, gạch chưa nung gặp mưa thì tan rã, gạch nung đỏ lên rồi, loại bỏ hết tạp chất thì tồn tại cùng thời gian, nên mới dùng để xây nhà.
Lúc Long Hổ giao hoan mà biến Chân Khí Chân Dịch hợp nhất thành Dương Tinh thì gọi là Thái Dược. Luyện Dược là tiến hỏa mà nung cho Tinh biến thành Châu, Châu biến thành Hống, Hống biến thành Sa, Sa biến thành Kim, mới gọi là Kim Đan, là Ngọc ở trong Đất vậy, là vật liệu để luyện Dương Thần.
Tụ được Hỏa ở đan điền là lập được Lò, giao Long Hổ sinh Dược thì thu về đan điền để tiến hành Luyện Dược. Cách luyện là lấy Hỏa nhào, trộn với Dược thì Âm tự tiêu, Dương tự trưởng. Hỏa càng thanh thì càng mạnh và Đan càng sáng càng trong.
Dùng hỏa nào để luyện Đan thì hầu hết các môn phái đều có bí mật của mình mà không công truyền, trong thân người có 4 loại hỏa là Thiên Hỏa, Quân Hỏa, Tướng Hỏa và Dân Hỏa.
Nếu thái Dược không tiến Hỏa, Dược tất hao tán mà không thể trụ. Nếu tiến Hỏa mà không có Dược, Dương trong Âm không thể trụ, chỉ làm ấm nóng Đan Điền mà thôi. Nếu thái Dược có thời mà tiến Hỏa có số thì Đại Dược kiên cố, vĩnh viễn trấn Hạ Điền, gọi là Địa Tiên.
Dưỡng Đan
Ngọc sáng là nhờ hấp thu ánh sáng của Nhật Nguyệt. Đan thành thì vừa luyện vừa dưỡng, dưỡng thì mang Kim Dịch mà tưới tắm, mang Chân Quang mà soi rọi, Tinh tất biến thành Châu, Châu biến thành Hống, Hống biến thành Sa, Sa biến thành Kim, mới gọi Kim Đan.
Luyện Hình Trụ Thế
Kim Dịch là Phế Dịch, Phế Dịch bao hàm Long Hổ rơi vào Hạ Điền, được đun nấu theo Hà xa vận chuyển mà lên Thượng Điền, rồi qua Trùng lâu mà hạ xuống Trung Điền. Từ Trung Điền lại hoàn về Hạ Điền, ở đâu lại về đấy nên nói là Kim Dịch Hoàn Đan.
Ngọc Dịch là Thận Dịch, Thận Dịch theo Nguyên Khí mà bay lên mà triều Tâm, tích lại thành Kim Thủy, đưa lên mà đầy Ngọc Trì, Nếu lại nuốt nó xuống, từ Trung Điền mà về Hạ Điền nên gọi là Ngọc Dịch Hoàn Đan.
Ngọc Dịch, Kim Dịch nếu nuốt xuống thì gọi là Ngọc Dịch Hoàn Đan, Kim Dịch Hoàn Đan. Nếu thăng lên mà vào tứ chi, luyện phàm thân thì gọi là Ngọc Dịch Luyện Hình, Kim Dịch Luyện Hình.
Phép Luyện Hình, nhỏ thì an lạc diên niên, lớn thì lưu hình trụ thế. Người đã già lại phản lão hoàn đồng. Người chưa già thì định nhan trường thọ, đó là tác dụng của phép Luyện Hình. Nếu là Ngọc Dịch Luyện Hình, thì da trắng nõn mà hình như cây ngọc, quỳnh hoa, ngọc nhụy. Biến đổi phàm thể mà ánh sáng tỏa ra người, thừa gió mà phi đằng thoải mái, hình sắp thành Khí vậy. Nếu là Kim Dịch Luyện Hình thì xương có Kim Sắc mà thể xuất Kim Quang, Kim Hoa phấp phới tự hiện trong không trung.
Luyện Hình ở ngoài thì Dịch đi từ Ngọc Trì qua Khiếu Huyền Ưng dọc theo Nhâm mạch xuống đến Khí Hải thì chia 2 đường đi xuống 2 chân, qua Túc Tam Lý xuống ngón chân cái rồi chảy qua Dũng Tuyền, theo gót chân trở lên và chập vào nhau ở Vĩ Lư đi lên Giáp Tích thì chia 2 đường ra 2 tay, đến ngón tay giữa rồi vào Lao Cung giữa lòng bàn tay quay lại dọc theo phía trong cánh tay mà đi lên đỉnh đầu rồi xuống Ấn Đường quay trở về Ngọc Trì.
Luyện Hình ở trong thì Kim Dịch ở Hạ Điền theo Hà Xa đi lên, đầu tiên lên Can, Can được nó thì ánh sáng tràn mắt, mà mắt sáng long lanh đen thăm thẳm; Tiếp đó đến Tâm, Tâm được nó thì miệng sinh Linh Dịch, Dịch này là Bạch Tuyết mà ; Tiếp đến Tì, Tì được nó thì thịt như mỡ đông, mà sẹo hết cả; Rồi đến Phế, Phế được nó thì mũi ngửi thấy Thiên Hương, mà diện mục như thiếu niên; Rồi đến Thận, Thận được nó thì Đan hoàn Bản Phủ, trong tai thường nghe thấy huyền âm, mái tóc mãi hết hoa râm. Như vậy công dụng của Phép Luyện Hình không nhỏ vậy.
Kim Dịch vào Can thì Thanh khí xung, vào Phế thì Bạch khí xuất, vào Tâm thì Xích quang hiện, vào Thận thì Hắc khí thăng, vào Tỳ thì Hoàng sắc tụ, đầy đủ ngũ khí ngũ dịch. Giờ tý thì Ngũ Khí thì triều Trung Điền, giờ ngọ thì ngũ dịch thì triều Hạ Điền.
Khai Tính Công
Thái Cực thành hình, Nhị Khí phân chia, Khí Dương thanh nhẹ bay lên làm trời, Khí Âm trọng trược rơi xuống làm đất. Tích Chân Dương để thành Thần, mà cái treo trên trời là các vì sao. Tích Chân Âm để thành Hình, mà cái mạnh mẽ ở đất là đá. Cái tinh trong các vì sao là Nhật Nguyệt, cái quý trong đất đá là Ngọc. Luyện cho đất thành đá, đá thành ngọc, ngọc thành Đan là Mệnh Công, luyện cho Chân Dương kết lại thành hình, an vào Tổ Khí kết thành Anh Nhi, hóa thành Dương Thần là Tính Công.
Đại Đạo Tu Chân, có Hình thì là Mệnh, có Thần thì là Tính. Có Mệnh mà không có Tính thì luyện ra Sa ra Cát đâu phải Ngọc mà gọi Kim Đan, có Tính mà không có Mệnh thì như ánh chớp, lóe lên cái rồi tắt, đâu thể tồn. Tính Mệnh ắt phải đồng tu là vậy.
Bài công pháp Khai Tính Công này, là khởi đầu của bộ Công pháp Tiên Thiên Tu Tính thuộc về Vô Vi Công Pháp dùng cho người thượng căn, bách mạch cơ bản khai thông, Tam Quan đã phá, khí mãn thần viên hoặc người đã hoàn thành bộ Công pháp Mệnh Công.
Ở người, Tâm là trời, Thận là đất, cột sống như dải Ngân Hà, vượt qua tâm là 9 tầng trời (Cửu Thiên). Mục tiêu của bài tập này là đưa Thanh Khí bay lên bồi bổ não bộ (Hoàn Tinh Bổ Não) khai thông Thượng Điền và Cửu Cung để Nhật Vãng Nguyệt Lai.
Lại ở người, Tâm ví như con vượn, Ý ví như con ngựa (Tâm Viên Ý Mã) ý nói rằng chúng ta rất khó kiểm soát Tâm và Ý nên đại đa phần những người mới tu tập không có được cái Chân Tâm là cái tâm Tiên Thiên Vô Tư Vô Lự, nên Thần không tụ mà Khí không phục, khiến cho đại đạo xa vời, càng tập càng hôn trầm hoặc suy nghĩ miên man, kết cục chỉ là thân thì đau mỏi, bệnh tật ngày càng nhiều thêm.
Người tu chân tự nhiên nhi nhiên, không cưỡng cầu, thuận theo Pháp, tập Giáng Long thì Tâm Hỏa không bốc lên trên nữa mà quay xuống ký tế với khí từ Thận Thủy bốc lên, Long Hổ điên đảo giao tranh mà sinh Nội Dược, người thường thì tâm hỏa bốc lên che mờ lý trí, thức thần làm chủ, hành động điên loạn mà vẫn cho mình là hay như tỏ ra là một người đáng sợ, quát một tiếng mọi người phải im hơi, ho một tiếng không ai dám thở, không biết họ làm thế để làm gì khi tóc càng ngày càng bạc, thân càng ngày càng héo, tâm hồn càng ngày càng khô ?
Đối với Tâm thì như thế, nhưng đối với Ý thì thật là gian nan, Ý là chủ tể của Thức Thần, Một ý nghĩ khởi lên, chân tay miệng mũi đồng loạt hoạt động, Thần lậu, Khí tẩu không ngừng. Nên kiểm soát được Tâm Ý thì kiểm soát được toàn bộ Lục Tặc, sau cùng chỉ còn lại cái Tâm Tiên Thiên thường trực.
Bài công pháp Khai Tính Công này cũng giống như đánh lên một hồi trống Đại Hùng để gom thâu Ý Mã, lại cũng như gióng lên một tiếng chuông ngân trên tháp Linh Sơn để hơi tỏa Tâm Viên, Tâm được kiểm soát thì Chân Tức hiện, Ý kiểm soát thì Chân Tính hiện, Nhật Vãng Nguyệt Lai xuyên xuốt 9 tầng Cửu Thiên, tác dụng không nhỏ vậy, người tập cần kiểm nghiệm.
Cách tập như sau: Ngồi thoải mái thẳng lưng, thân thể tự nhiên không gò bó, có thể đong đưa nhẹ nhàng, 2 ngón tay trỏ bịt vào 2 lỗ tai, lòng bàn tay hướng vào đầu, ngón giữa và ngón nhẫn chặn ngay khoảng ngang giữa đầu và trán, hơi thở như tiếng chuông ngân núi Linh Sơn, tai thì nghe âm thanh của trống Đại Hùng ở giữa 2 tai, mắt nhìn vào trong. Tâm Viên Ý Mã gom vào một chỗ, chỉ còn 9 tầng trời trong veo, ánh sáng Nhật Nguyệt lai vãng khắp nơi.
Luyện Kỹ Trì Tâm
Luyện Kỹ trước hết là Hàng Long.
Không Hàng Long thì không thể Phục Hổ, không Phục Hổ thì Chân Khí không sinh thì tu tập có nghĩa lý gì, 10 năm 20 năm cũng vô ích. Đời người sét cho cùng thì thời gian chủ yếu của người tu tập là Luyện Kỹ Trì Tâm chứ không phải là thời gian thiền định tu tập công pháp. 10 người công pháp như nhau nhưng người thành người bại, người nhanh người lâu đều là do công phu Luyện Kỹ Trì Tâm quyết định. Đa phần người tập toàn chú trọng vào Công pháp và quên mất Tâm pháp, chú trọng vào Hình tướng và Kỹ thuật mà không chịu rèn tâm nên thành quả thường có hạn hoặc tu mãi không tiến bộ, thậm chí còn đi xuống. Thành tựu của tu tập cuối cùng là thành tựu ở Tâm chứ không phải là biết kỹ thuật gì, học được bao nhiêu pháp, tu được bao nhiêu phép.
Hàng Long là chế ngự được Chân Hỏa trong Tâm, không cho Hỏa khí bốc lên, cũng có nghĩa là chế ngự được Thức Thần.
Hỏa, một khi bốc lên nhẹ thì mờ mắt, nặng thì thiêu trụi lý trí, mất kiểm soát bản thân, có tu tập thì những lúc như thế dễ dàng bị nhập ma. Tu càng cao hỏa càng mạnh, cháy càng khủng khiếp, ví như lửa của củi khô khác với lửa khi cháy rừng và càng khác với lửa do đất đá, sắt thép cháy (núi lửa), một khi bùng lên thì chả còn gì ngoài một đống tro tàn. Tẩu Hỏa Nhập Ma chính là không kiểm soát được Hỏa khí khi tu tập.
Hỏa, khi mất kiểm soát thì trở nên hung hăng và tàn phá mọi thứ nên được ví như Long, Hàng Long là thuần hóa Hỏa khí này. Hỏa không được thuần như suối đầu nguồn sục sôi, cuốn đi tất cả, xói mòn tất cả, chẳng thể xây được cái gì, một khi được kiểm soát thì lại hiền hòa như suối vùng hạ lưu, yên bình và là nơi lắng lại phù sa nuôi dưỡng vạn vật, không hàng được Long thì không phục được Hổ, nên người đời muốn tu tập trước hết phải biết cách Hàng Long, giữ cho tâm tính hiền hòa, vui vẻ, đừng nóng giận hay quát tháo người khác.
Có một điều khá thú vị là một khi kiểm soát được Hỏa khí này, thì nó lại đốt hết sự nóng giận ở người khác, đốt hết trược khí, âm khí, tà ma quấy nhiễu, thậm chí đốt hết cả Tham, Sân, Si hay luyện nên tấm thân bất tử như Tôn Ngộ Không (Tam Muội Chân Hỏa).
Đối với người đã tu tập Mệnh Công, thì đưa Chân Thủy (Ngọc Dịch, Kim Dịch) chảy thẳng vào Tim, nhờ có Chân Âm này mà Chân Hỏa trong Tâm nhanh chóng bị dập tắt và Tim lúc nào cũng mát mẻ như đặt trong tủ đá, người tu tập tim hơn người thường 1 lỗ chính là ý này
Ở mức độ cao hơn, Luyện Kỹ là luyện cho Tâm vô lậu.
Tâm còn lậu là Tâm của Hậu Thiên, là Giả Tâm. Tâm vô lậu là Tâm Tiên Thiên, là Chân Tâm. Đạo Tu Chân là Đạo bỏ Giả tìm về Chân, nên muốn Tu Chân trước hết phải có Chân Tâm, giống như luyện ngọc trước hết phải có cái tâm sáng như ngọc vậy.
Như nào là tâm vô lậu ? là không khởi lên ý, tưởng và niệm, tịch mịch như nhiên, vô tư vô lự.
Làm sao để đạt được tâm vô lậu ? là không tẩu lậu Tinh, Khí và Thần.
Như nào là Tẩu lậu Tinh ? là không khởi lên ý, tưởng, niệm do Thân, Thân là thực thể vật lý như thân thể, tay chân, mặt mũi,… ví như khó chịu khi không có điều hòa, ví như không ngủ được do không có đệm, ví như không đi xe xấu,… hễ cứ khởi lên một ý, một tưởng hay một niệm thì đều là tẩu lậu Tinh. Có điều hòa cũng tốt, không có điều hòa cũng không sao, có đệm cũng tốt, không có đệm ngủ vẫn ngon, xe đẹp cũng đi mà xe xấu cũng không từ chối, tâm đón nhận hết thảy một cách vui vẻ mà không gợi lên một suy nghĩ nào, đó là không tẩu lậu Tinh, không bị phụ thuộc vào Hình và Tướng, những thực thể thuộc về Dục Giới.
Thế nào là Tẩu lậu Khí ? là không khởi lên ý, tưởng, niệm do các chức năng của các bộ phận cấu thành của Thân như tai để nghe, mắt để nhìn, mũi để ngửi, miệng để nói,… ví như quát mắng, nói những lời tào lao vô nghĩa, ví như khởi lên sự khó chịu khi nghe những lời mình không muốn nghe, ví dụ như bực mình khi nhìn thấy những thứ không như ý,… thì đều là Tẩu lậu Khí, là đang bị phụ thuộc vào Cảm và Thọ của Thân thuộc về Sắc Giới.
Tẩu lậu Thần là gì ? là không khởi lên ý, tưởng, niệm do hậu quả trong quá khứ và kết quả trong tương lai như đau khổ, tủi thân, lo lắng, suy nghĩ, bất an, sợ hãi, tội lỗi, nghiện ngập,… những thứ không hình không tướng, thì đều là Tẩu lậu Thần, thuộc về Vô Sắc Giới.
Phân chia chỉ là tương đối, vì đối với 1 ý, 1 tưởng hay 1 niệm khởi lên, có thể gây tẩu lậu cả Tinh, Khí và Thần. Còn tẩu lậu là còn cái Tâm phân biệt, còn tẩu lậu là còn “phải thế này, phải thế kia”, còn tẩu lậu là còn phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, còn tẩu lậu là còn ôm vào thân những thứ vô hình. Giữ cho tâm không phân biệt, chấp nhận và vui vẻ với mọi hoàn cảnh, biết buông bỏ và hướng vào bên trong, giữ cho tâm mình hồn nhiên, vô tư và trong sáng là những phương pháp đơn giản để không khởi lên những suy nghĩ làm tẩu lậu Tinh, Khí, Thần. Tâm không bị ràng buộc thì cũng không bị Vô Minh che mờ, khi đó Chân Tâm sẽ hiện, sáng trong soi rõ con đường Đại Đạo.
Tu tập mà không Luyện Kỹ thì không khác gì lấy giỏ đựng nước, vào bao nhiêu ra bấy nhiêu, tu cả đời cũng không đạt được cái gì. Người đang tẩu lậu Tinh, Khí Thần mà biết cách đoạn tẩu lậu giống như đắp đập ngăn sông, thì nước tự dâng lên, tu đâu được đấy, đường đạo như cách buồm no gió, làm chơi ăn thật, như khách phiêu bồng khách, tiêu dao, đủ đầy.
Share this:
Like this:
Like
Loading…