Tác động tích cực của kẽm đối với sức khỏe trẻ em

Với sự tiến bộ của khoa học hiện đại, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị đã chứng minh Kẽm (Zn) có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chiều cao, thể chất của trẻ.

Hơn thế nữa kẽm cũng giúp duy trì hoạt động hiệu quả của hệ miễn dịch giúp trẻ khỏe mạnh và chống lại các tác nhân gây bệnh nguy hiểm, bổ sung kẽm đầy đủ và kịp thời sẽ đồng nghĩa với việc giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn. Để giúp trẻ phát triển một cách tốt nhất, phụ huynh nên ghi nhớ việc bổ sung đủ lượng kẽm cần thiết hàng ngày cho trẻ.

Vai trò của kẽm đối với sức khỏe của trẻ

Kẽm đóng vai trò sinh học rất quan trọng đối với sức khỏe con người, cho dù kẽm chỉ chiếm khoảng vài phần triệu trọng lượng khô của cơ thể. Các nhà khoa học đã phát hiện được nhiều căn bệnh nghiêm trọng liên quan tới sự thiếu hoặc thừa chất kẽm trong cơ thể con người, nhất là trẻ em. Vai trò nổi bật của kẽm đối với sức khỏe trẻ em được tóm lược như sau:

Kẽm tác động tích cực trên sự tăng trưởng của cơ thể:

Kẽm giúp tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, phân chia tế bào, tăng cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với trẻ em. Khi thiếu kẽm thì sự phân chia tế bào sẽ khó xảy ra nên ảnh hưởng trầm trọng đến sự tăng trưởng. Thiếu kẽm sẽ làm chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì và giảm chức năng sinh dục.

Bổ sung kẽm đầy đủ sẽ cải thiện chiều cao, đồng thời giúp tăng cân nhanh

Bổ sung kẽm đầy đủ sẽ cải thiện chiều cao, đồng thời giúp tăng cân nhanh

Trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên đang phát triển nhanh, đặc biệt phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ bị thiếu kẽm vì nhu cầu tăng cao hơn người bình thường. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai làm giảm cân nặng và chiều cao của trẻ sơ sinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy bổ sung kẽm đầy đủ sẽ cải thiện chiều cao đối với trẻ thấp lùn, đồng thời giúp tăng cân nhanh đối với trẻ suy dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, kẽm còn giúp duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn “trầm kha” ở trẻ do rối loạn vi giác. Trẻ em biếng ăn kéo dài sẽ dễ bị suy dinh dưỡng, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển.

Kẽm giúp tăng cường sức mạnh cho hệ miễn dịch cơ thể:

Kẽm hỗ trợ và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu kẽm làm giảm phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, bao gồm cả tế bào T, tế bào B và đại thực bào. Do đó thiếu kẽm làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, từ đó làm giảm tăng trưởng cũng như sự phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ.

Thực phẩm giàu kẽm

Thực phẩm giàu kẽm

Theo nghiên cứu của Castillo – Duran, việc bổ sung kẽm cho trẻ có cân nặng sơ sinh thấp cho thấy có sự tăng trưởng tốt cả về chiều cao và cân nặng trong 6 tháng đầu đời. Một nghiên cứu khác có giá trị tại Mỹ cũng cho thấy việc bổ sung kẽm giúp làm giảm tới 18% trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, 41% trường hợp bị viêm phổi và làm giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ trên 50%.

Những dấu hiệu gợi ý trẻ bị thiếu kẽm

Biểu hiện thường thấy ở trẻ bị thiếu kẽm là ăn không ngon, vị giác bất thường, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, thương tổn ở da và mắt, chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm trưởng thành và bất lực. Thiếu kẽm cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ như biếng ăn, rối loạn vị giác, chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng, nôn không rõ nguyên nhân; rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, mất ngủ, ngủ không yên giấc, thức giấc nhiều lần trong đêm, khóc đêm), tư duy chậm, trí nhớ kém; trẻ bị tiêu chảy, bị viêm nhiễm đường hô hấp; thị lực kém, bị các bệnh viêm da, chàm, đặc biệt là tình trạng vết thương chậm liền sẹo.

Thiếu kẽm không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn tác động xấu đến tinh thần, làm trẻ dễ nổi cáu. Bởi kẽm giúp vận chuyển canxi vào não vì canxi là một trong những chất quan trọng giúp ổn định thần kinh.

Hầu hết trường hợp thiếu kẽm ở trẻ em xảy ra khi lượng kẽm tiêu thụ chưa đủ hay hấp thụ kém, tăng thất thoát kẽm khỏi cơ thể (tiêu chảy cấp, nôn ói nhiều), hay khi nhu cầu cơ thể về chất kẽm gia tăng (phụ nữ mang thai). Dấu hiệu sinh hóa đi kèm với thiếu kẽm gồm giảm mức kẽm trong huyết thanh (dưới 70mcg/dl hay dưới 10.7micromol/L). Ngoài ra, khi cơ thể trẻ thiếu kẽm, bữa ăn sẽ không còn “hấp dẫn” với trẻ vì đây chính là khoáng chất giúp tăng cường vị giác.

Bổ sung kẽm giúp trẻ khỏe mạnh và tăng trưởng tối ưu

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) thì việc bổ sung lượng kẽm cần thiết cho trẻ tùy thuộc lứa tuổi, cụ thể:

Trẻ dưới 3 tháng cần 3mg kẽm mỗi ngày, trẻ từ 5 tháng – 12 tháng tuổi là 5 – 8mg/ngày, ở trẻ từ 1 tuổi – 10 tuổi cần khoảng 10 – 15mg/ngày để phát triển chiều cao và thể chất tối ưu.

Thanh niên và người trưởng thành cũng cần bổ sung lưỡng kẽm cần thiết là 15mg/ngày đối với nam, 12mg/ngày đối với nữ để cơ thể có thể phát triển một cách khỏe mạnh nhất.

Phụ nữ mang thai cần khoảng 15mg kẽm trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Đối với các trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nguồn kẽm tốt nhất và dễ hấp thu nhất đó chính là sữa mẹ. Tuy nhiên, lượng kẽm trong sữa mẹ sẽ giảm dần theo thời gian, trong 3 tháng đầu lượng kẽm có trong sữa mẹ chiếm khoảng 2 – 3mg/lít, 3 tháng tiếp theo thì lượng kẽm giảm xuống còn khoảng 0,9mg/lít. Vì thế, người mẹ cần duy trì lượng kẽm trong sữa cũng như cung cấp kẽm cho sự phát triển của trẻ bằng việc ăn nhiều những loại thức ăn được xem là “giàu chất kẽm” như: tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò…

Đối với trẻ lớn hơn thì người mẹ có thể bổ sung kẽm qua thức ăn, ví dụ như: trong 50g thịt thăn heo chứa khoảng 2mg kẽm, 250g sữa chua chứa 1,6mg kẽm, và nửa cái ức gà chứa 1mg kẽm… Ngoài ra, để bé có thể hấp thụ kẽm tốt nhất, người mẹ còn nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây tươi giàu lượng vitamin C sẵn có như cam, chanh, quýt, bưởi…

Như vậy, bên cạnh việc bổ sung vitamin D và chất khoáng canxi, phụ huynh đừng quên bổ sung kẽm cho trẻ đầy đủ, đây chính là việc làm nhiều ý nghĩa giúp con trẻ phát triển tối ưu về chiều cao, thể chất và có một sức sức khỏe dẻo dai giúp trẻ phòng bệnh hiệu quả.

ThS.BS. Đinh Thạc

(Bệnh viện Nhi đồng 1)

Rate this post

Viết một bình luận