Tác dụng của cây và quả tầm xuân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Hồng Chính – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông

Cây tầm xuân được sử dụng phổ biến trong Y Học Cổ Truyền với nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau như trị táo bón, nhọt độc, bỏng, chảy máu cam, khó tiêu, nôn ra máu,… Bộ phận có thể dùng làm thuốc của cây bao gồm hoa, lá, rễ và quả.

Cả phần thân, rễ, lá, ngọn non và quả tầm xuân đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Việc thu hái và sơ chế tùy thuộc vào bộ phận làm thuốc:

  • Thu hái hoa tầm xuân vào mùa hạ
  • Lá và rễ cây tầm xuân được thu hoạch quanh năm
  • Quả được thu hái về làm thuốc khi chín

Các bộ phận trên đem về rửa sạch, có thể dùng tươi hoặc phơi/sấy khô. Dược liệu khô rất dễ bị ẩm mốc, nên cần được bảo quản nơi khô ráo trong điều kiện nhiệt độ phòng là tốt nhất.

Phân tích thành phần hóa học của cây tầm xuân cho thấy có một số hợp chất chống oxy hóa. Ngoài ra, trong quả tầm xuân còn chứa một hàm lượng lớn vitamin C. Riêng phần rễ cây tầm xuân có các thành phần như triterpenoid acid, sitosterol hay cachoa extract.

Tính vị của các vị thuốc từ cây tầm xuân theo Y Học Cổ Truyền:

  • Lá cây tầm xuân có vị đắng, tính bình và hơi sáp.
  • Quả tầm xuân có vị chua và tính ấm.

Theo nghiên cứu hiện đại tác dụng của cây tầm xuân như sau:

  • Dịch chiết từ rễ cây tầm xuân có tác dụng chống đông máu, loại bỏ cholesterol xấu và triglycerid, lipoprotein trong huyết thanh. Đồng thời rễ cây tầm xuân cũng giúp bảo vệ cơ tim, qua đó nâng cao sức khỏe tim mạch.
  • Lá cây tầm xuân có tác dụng sinh cơ, giúp vết thương nhanh liền sẹo

Theo Y Học Cổ Truyền, cây tầm xuân có tác dụng thanh nhiệt, giảm tình trạng nóng trong, khu phong, trừ thấp, kích thích lưu thông tuần hoàn máu, tiêu độc, giảm đau. Cây tầm xuân chủ trị các chứng bệnh sau:

  • Vàng da (hoàng đản) do nhiều nguyên nhân khác nhau.
  • Phù do viêm thận
  • Lỵ
  • Bí tiểu, tiểu khó và tiểu không tự chủ.
  • Đái dầm ở trẻ em.
  • Người già đi tiểu nhiều lần vào ban đêm.
  • Táo bón
  • Đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều
  • Nhọt độc
  • Trĩ xuất huyết,…

Cây tầm xuân được sử dụng làm thuốc dưới dạng thuốc sắc, giã tươi để đắp vào tổn thương hoặc tán bột. Tùy theo bệnh lý bác sĩ sẽ sử dụng bộ phận thích hợp như hoa, lá, rễ hay quả.

Rate this post

Viết một bình luận