Gừng có tính ấm và là thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng liệu trà gừng cũng có tác dụng tương tự hay không? Hãy cùng Điện máy XANH tìm hiểu ngay tác dụng của trà gừng và các cách pha trà gừng đơn giản ngay tại nhà qua chuyên mục Mẹo vào bếp ra sao nhé!
1. Tác dụng của trà gừng
Gừng là thực vật thuộc họ Zingiberaceae và có nguồn gốc từ châu Á. Nó không chỉ được sử dụng để làm tăng hương vị cho món ăn và đồ uống, mà còn là nguyên liệu trong một số phương thuốc thảo dược cổ đại dùng để chữa bệnh.
Trong đó, trà gừng có một số tác dụng nổi bật mà bạn nên biết trước khi sử dụng như sau:
Làm dịu triệu chứng say tàu xe
Từ rất lâu trong y học dân gian đã sử dụng trà gừng như một loại đồ uống hữu ích cho việc làm dịu các cơn say do đi tàu xe như đổ mồ hôi lạnh, nôn mửa và chóng mặt.
Nó có thể mang lại hiệu quả như việc bạn dùng thuốc chống say tàu xe. Vì thế, hãy thử uống một cốc trà gừng nhỏ trước khi đi tàu xe bạn nhé!
Chống buồn nôn
Nhờ hợp chất phenol và các chất hoạt tính khác trong gừng, giúp cho trà gừng có tác dụng chống lại dấu hiệu buồn nôn do mang thai, đang trong quá trình hóa trị hoặc sau khi phẫu thuật.
Tuy nhiên, đối với người đang điều trị hóa trị hoặc chuẩn bị phẫu thuật, thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống trà gừng. Vì hợp chất trong gừng có thể gây cản trở quá trình đông máu và làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc dùng thuốc điều trị.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Gừng có tính nóng và chứa một số chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe tim mạch. Do đó, trà gừng cũng có tác dụng tương tự như phòng ngừa một số bệnh mãn tính, giúp hạ huyết áp, ngăn ngừa hình thành cục máu đông, giảm cholesterol, cải thiện lưu thông máu và phòng ngừa xuất hiện những cơn đau tim.
Kiểm soát cân nặng và lượng đường trong máu
Theo kết quả nghiên cứu từ Đại học Columbia vào năm 2012 đã chứng minh rằng: việc uống trà gừng làm tăng cảm giác no trên 10 người đàn ông đang trong tình trạng thừa cân.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu khác còn cho thấy thêm: gừng có tác động tích cực đến việc kiểm soát thể trạng béo phì và cải thiện lượng đường trong máu, làm giảm nồng độ A1C, insulin cùng với triacylglycerol ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Hỗ trợ miễn dịch
Chất chống oxy hóa trong trà gừng có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, thậm chí việc ngửi hương thơm từ trà gừng cũng giúp bạn giảm bớt tình trạng nghẹt mũi và một số vấn đề liên quan đến hệ hô hấp do cảm lạnh thông thường hoặc dị ứng gây ra.
Hơn nữa, trong nghiên cứu được tiến hành ở phòng thí nghiệm đã chứng minh gừng có thể chống lại một số tế bào ung thư ở tuyến tụy và ruột kết.
2. Tác dụng phụ của trà gừng
Tuy trà gừng có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng vẫn tồn tại một vài tác dụng phụ nếu như bạn sử dụng không đúng cách hoặc quá liều lượng cho phép đối với độ tuổi và tình trạng sức khỏe hiện tại, như:
Gây khó chịu: Một số người có thể bị đầy hơi, buồn nôn hoặc ợ nóng sau khi uống trà gừng. Vì thế, chỉ nên dùng khoảng 4mg gừng mỗi ngày để pha trà thôi nhé!
Tuột huyết áp: Một vài hợp chất trong gừng có thể làm giảm huyết áp và gây loãng máu, nên khiến cho cơ thể của một số người có cảm giác bị choáng váng sau khi uống trà gừng.
Dị ứng: Trường hợp này rất ít khi xảy ra, trừ một số người có cơ thể nhạy cảm và dị ứng với gừng. Vì thế, sau uống trà gừng có thể xuất hiện nổi mẩn hoặc cảm giác khó chịu ở vùng miệng.
3. Các cách làm trà gừng
Dưới đây là một số cách mà bạn có thể pha trà gừng để thưởng thức cũng như mang lại lợi ích cho sức khỏe:
Trà gừng mật ong
Mật ong có tính kháng khuẩn và vị ngọt dễ uống, mang lại cảm giác thanh cổ họng sau khi sử dụng. Vì thế, bạn hãy thử pha chút mật ong với trà gừng để hỗ trợ cho một số vấn đề liên quan đến tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Xem thêm: 3 cách làm mật ong gừng bổ sức khỏe, tăng đề kháng cơ thể.
Trà gừng giải rượu
Đập vài lát gừng và ủ trong ly nước nóng khoảng 10 phút. Trước khi thưởng thức, bạn vắt một ít chanh (hoặc tắc) và cho khoảng 1 muỗng cà phê mật ong, khuấy đều rồi uống. Vị chua của chanh sẽ cân bằng với vị ngọt của mật ong, làm cho ly trà gừng dễ uống hơn rất nhiều.
Hơn nữa, bạn có thể dùng trà gừng này để giải rượu thay vì uống như một loại đồ uống có lợi cho sức khỏe thông thường.
Xem thêm: Cách làm trà gừng giải rượu.
Trà gừng giải cảm
Để giải cảm, bạn có thể pha ly trà gừng gồm có trà, gừng, mật ong, chanh và nước ấm. Trong đó, bạn nên sử dụng chanh nhiều hơn để cung cấp vitamin C cho cơ thể, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cùng với lượng mật ong vừa phải để cân bằng lại vị chua và giảm bớt triệu chứng ho (nếu có).
Xem thêm: 4 cách pha trà giải cảm trong mùa mưa dễ làm, hướng dẫn chi tiết.
Trà gừng giảm cân
Cách pha trà gừng cho mục đích giảm cân cũng khá đơn giản. Bạn có thể giảm bớt việc sử dụng chất ngọt như mật ong hoặc đường, đồng thời vẫn pha trà gừng tương tự như những cách phía trên.
Ngoài ra, bạn có thể dùng bột gừng hoặc không cần phải sử dụng chanh đều được.
Như vậy, Điện máy XANH đã cung cấp thêm cho bạn về tác dụng của trà gừng và các cách pha trà gừng đơn giản ngay tại nhà rồi đấy. Chúc bạn có thêm nhiều sức khỏe cùng chuyên mục Mẹo vào bếp.
*Tổng hợp và tham khảo thông tin từ nguồn Healthline.
Biên tập bởi Nguyễn Loan Minh Trang • Đăng 12/03/2021