Nhiều người hẳn chưa quên câu chuyện đau lòng về nữ cán bộ y tế trực chốt kiểm soát Covid-19 tại Hải Dương tử vong sau tai nạn giao thông. Vụ việc xảy ra vào khoảng 18h ngày 25/2, tại Km20 tỉnh lộ 391 thuộc địa phận thôn La Giang, xã Văn Tố, huyện tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Xe máy BKS 34B3-446.86 do anh Nguyễn Văn P. (SN 2000, trú tại thôn Thanh Kỳ, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) điều khiển va chạm với xe máy BKS 34B3-677.89 do chị Vũ Thị T. (SN 1986,trú tại xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ) là cán bộ trạm Y tế xã Văn Tố điều khiển, đang trên đường đến thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 xã Văn Tố. Hậu quả vụ tai nạn khiến anh Phúc và chị Tình bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện tứ Kỳ. Sau đó, chị Tình đã tử vong. Được biết hoàn cảnh gia đình chị T. gặp nhiều khó khăn. Gia đình chị có 3 con, trong đó 1 cháu đã mất do bệnh ung thư máu, 1 cháu đang là học sinh tiểu học, còn 1 cháu mới 2 tuổi. Chị T. là lao động chính để lo toan mọi sinh hoạt trong gia đình.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ tai nạn thương tâm để lại hậu quả đau đớn về tinh thần cho những người ở lại. Thực tế, không dễ để liệt kê đầy đủ những phí tổn về tinh thần hoặc những thiệt hại kéo dài về sau nếu người bị tai nạn giao thông là trụ cột gia đình.
Tai nạn giao thông để lại những hệ lụy dai dẳng, đau đớn
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 1,35 triệu người và làm cho hơn 50 triệu người khác lâm vào cảnh thương tật vĩnh viễn suốt đời. Cùng với đó, hàng năm, nền kinh tế toàn cầu bị thiệt hại khoảng 2,5% tổng giá trị GDP, tương đương khoảng 1.500 tỷ USD do tai nạn giao thông.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, Ủy viên thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, tai nạn giao thông đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với sinh mạng, sức khỏe và tài sản của người dân, cũng như quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã đạt được những kết quả rõ rệt, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn đã từng bước được khắc phục.
Tai nạn giao thông năm 2020 đã giảm sâu nhất cả số vụ, số người chết, số người bị thương trong vòng 10 năm qua và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người.
Trong 11 tháng năm 2021, toàn quốc xảy ra 10.137 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.111 người, bị thương 7.059 người. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 24,72%, số người chết giảm 1.104 người (17,76%), số người bị thương giảm 29,47%.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, tình hình trật tự, an toàn giao thông ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông còn ở mức cao, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đang gia tăng.
Mặc dù tất cả chúng ta đã nỗ lực rất nhiều nhưng mỗi năm vẫn có gần 7.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông, trên 11.000 người bị thương tật suốt đời. Chỉ riêng 11 tháng năm nay, tai nạn giao thông đã cướp đi hơn 5.000 sinh mạng đồng bào.
Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm ở Việt Nam, tai nạn giao thông gây thiệt hại khoảng 2,9% GDP, tương đương mỗi ngày chúng ta mất khoảng 400 tỷ đồng. Trong một năm, tăng trưởng kinh tế được khoảng 7% thì tai nạn giao thông lấy đi gần 3%. Điều quan trọng là trong số rât nhiều người may mắn giữ được mạng sống thì phải chịu thương tật, đau đớn suốt đời, trơ thành gánh nặng với gia đình và xã hội.
Tai nạn giao thông đã, đang và sẽ là gánh nặng rất lớn cho toàn xã hội nói chung và quá trình tăng trưởng kinh tế nói riêng. Việc đưa ra những thống kê thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông mang lại là cần thiết trong việc hoạch định chiến lược phát triển và đảm bảo an toàn giao thông./.