Tại sao Trái đất không tròn hoàn hảo?

Thanh Hà

  –  

Thứ hai, 04/04/2022 09:59 (GMT+7)

Nếu có một thước đo khổng lồ bắt đầu từ tâm Trái đất và đi đến đỉnh cao nhất của hành tinh chúng ta thì đó không phải đỉnh Everest mà ngọn núi cao nhất sẽ nằm ở Chimborazo của Ecuador.

Tại sao Trái đất không tròn hoàn hảo?
Trái đất. Ảnh: NASA

Chimborazo trở thành đỉnh cao nhất trong trường hợp này vì Trái đất thực sự hơi bị méo ở các cực, giống như một người đang ấn cả hai tay vào mặt trên và mặt dưới của một quả bóng. Kết quả là, đường xích đạo – vị trí mà Ecuador tọa lạc – nhô ra ngoài. Không phải một hình cầu hoàn hảo, Trái đất có dạng hình cầu dẹt hai đầu (oblate). 

Trên thực tế, “hầu hết các hành tinh và vệ tinh không phải là hình cầu thật. Chúng thường bị bóp méo theo cách này hay cách khác”, Live Science dẫn lời James Tuttle Keane, nhà khoa học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California.

Vậy tại sao Trái đất, các hành tinh khác và Mặt trăng không tròn hoàn hảo?

Chuyên gia Keane cho hay, lực ly tâm, hay lực hướng ra bên ngoài mà một vật thể đang quay chính là nguyên nhân. Một hành tinh đang quay sẽ chịu tác dụng của lực ly tâm. 

Để dễ hình dung, bạn cũng có thể thấy lực này hoạt động: Nếu xoay người trên ghế hoặc trên đôi chân của mình, bạn sẽ cảm thấy bị kéo ra khỏi trung tâm của mình. Có thể tay hoặc chân của bạn sẽ vung ra. Hoặc, nếu bạn ngồi trên một chiếc đu quay, “sẽ có thêm một chút lực tác động lên bạn trên chiếc đu quay đó và vì vậy bạn cảm thấy bị kéo sang một bên”, nhà khoa học hành tinh James Tuttle Keane giải thích. 

Bởi vì các hành tinh và mặt trăng quay, lực ly tâm khiến chúng phình ra ở đường xích đạo. Hiệu ứng có thể không dễ phát hiện nhưng những ví dụ điển hình về điều này là sao Mộc và sao Thổ. Nếu bạn nhìn vào hình ảnh toàn cầu của 1 trong 2 hành tinh khí khổng lồ này sẽ thấy chúng hơi bị thu nhỏ ở 2 cực và phần thân phình ra. Keane cho biết, hình dạng của những hành tinh này đáng chú ý hơn vì chúng là những hành tinh quay nhanh nhất trong Hệ Mặt trời. Vật gì quay càng nhanh thì lực ly tâm tác dụng lên vật đó càng nhiều.

Nhà khoa học hành tinh Keane cho biết, một ví dụ điển hình về lực ly tâm tác động lên thiên thể là hành tinh lùn Haumea. Hành tinh lùn này nằm trong Vành đai Kuiper, vùng của các vật thể băng giá bên ngoài quỹ đạo của sao Hải Vương. Haumea có kích thước tương đương với sao Diêm Vương, nhưng quay rất nhanh (cứ 4 giờ lại có một vòng quay hoàn chỉnh) đến mức nó “gần giống hình quả trứng”, ông Keane nói.

Rate this post

Viết một bình luận