Nếu bạn đã từng học qua văn học Trung Đại VN, bạn sẽ biết vì sao^^ Thời đấy nước ta chưa có chữ Quốc Ngữ, và thơ văn chủ yếu được viết bằng chữ Hán. Về sau chữ Nôm ra đời, nhưng rất ít được dùng trong văn xuôi, do bị triều đình cũng như phần lớn giới sĩ phu phản đối, cho rằng chữ Hán mới là “phương tiện giao tiếp tao nhã”. Vậy nên, các thể văn xuôi như bài Hịch Tướng Sĩ, Thượng Kinh Kí Sự, Hoàng Lê Nhất Thống Chí…đều được viết bằng chữ Hán. Có thể nói, thời đó cái gì trang trọng, mang tính quốc gia đại sự đều được viết bằng chữ Hán, còn chữ Nôm thì bị khinh thường “nôm na là cha mách qué”.
Xét về khía cạnh tác giả, thì Nguyễn Du là 1 đại thi hào dân tộc, 1 nhà thơ lớn của Việt Nam. Do vậy, thơ ca là tài năng thiên phú của ông. Vả lại, thời đấy thơ Nôm khá phát triển, chọn thể loại truyện thơ Nôm (đặc biệt viết bằng thể lục bát) vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa phát huy được thế mạnh của mình. Mà giả sử thời đó có chữ quốc ngữ, rồi Nguyễn Du cũng chọn thể văn xuôi y chang như Kim Vân Kiều Truyện, thế thì gọi là chuyển ngữ rồi chứ có phải sáng tác nữa đâu bạn.
Riêng ý kiến của mình, thì thơ đọc vừa dễ nhớ, vừa súc tích, đôi khi ý tại ngôn ngoại nữa, rất hay. Nhờ đó mới có kiệt tác truyện Kiều được cả thế giới ca ngợi như ngày nay.