Tại sao bé hay khóc đêm? Giải pháp cho trẻ sơ sinh hay khóc đêm
Thứ Hai ngày 30/05/2022
“Tại sao bé hay khóc đêm?” là câu hỏi của rất nhiều mẹ bỉm sữa, nhất là những mẹ mới sinh con đầu lòng. Lắng nghe tiếng khóc và dựa vào một số biểu hiện của trẻ, ba mẹ có thể xác định được lý do vì sao trẻ sơ sinh hay khóc đêm.
Sau khi ra khỏi bụng mẹ, khóc là phản ứng bình thường của trẻ trong quá trình thích nghi với môi trường mới. Lúc này, mẹ và con đang dần làm quen với nhau. Thông qua tiếng khóc, bé có thể thể hiện tâm tình và tình trạng cơ thể của mình cho mẹ biết. Tuy nhiên tình trạng con thường xuyên quấy khóc, khó ngủ về đêm khiến cha mẹ mệt mỏi vì mất ngủ, căng thẳng vì lo lắng sức khỏe của bé bị ảnh hưởng. Tại sao bé hay khóc đêm? Mỗi tiếng khóc của bé có thể mang ý nghĩa khác nhau: Bé đang hờn, bé đói bụng hoặc bé bệnh, khó chịu…
Tại sao bé hay khóc đêm?
Trẻ sơ sinh khóc đêm không rõ nguyên nhân, dân gian thường gọi là khóc dạ đề. Ông bà ta quan niệm, thời gian trẻ khóc dạ đề là 3 tháng 10 ngày. Biểu hiện là ban ngày bé chơi ngoan nhưng ban đêm hay quấy khóc, trằn trọc không yên, đôi khi khóc dai dẳng không thể dỗ.
Theo y học hiện đại, nguyên nhân của chứng khóc đêm (dạ đề) ở trẻ là do đau bụng co thắt ở trẻ sơ sinh. Trẻ quấy khóc không rõ lý do, không có biểu hiện lạ, tăng cân đều. Kiểu khóc này được cho là lành tính, đạt đỉnh điểm ở tuần thứ 6 và kết thúc ở tháng thứ 5.
Trẻ sơ sinh hay khóc đêm khiến nhiều mẹ lo lắng cho sức khỏe cùa con.
Trẻ sơ sinh hay khóc đêm khiến nhiều mẹ lo lắng cho sức khỏe cùa con.
Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khóc đêm, không loại trừ khả năng trẻ khó chịu hoặc bị bệnh nào đó. Ở mỗi bé, biểu hiện khóc đêm khác nhau như: trẻ khóc đêm bỏ bú, trẻ khóc đêm ưỡn bụng, trẻ khóc đêm lăn lộn trằn trọc, trẻ khóc thét khó dỗ. Mẹ cần theo dõi cụ thể biểu hiện của con để có những biện pháp khắc phục thích hợp, dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu khiến bé khóc đêm:
Môi trường ngủ không thoải mái
Từ môi trường kín, ấm áp và yên tĩnh trong bụng mẹ, trẻ sơ sinh sẽ chưa thích nghi ngay được với không gian sống mới. Phòng ngủ thiếu không khí, không thoáng mát, thường xuyên bị tác động bởi tiếng ồn, sóng wifi, sóng điện thoại, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh khiến trẻ không thoải mái,… những yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến bé, khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi, sinh ra cáu gắt, quấy khóc, ngủ không sâu giấc.
Tiếng ồn cũng khiến bé bị kích thích, căng thẳng thần kinh quá mức, trẻ dễ giật mình thức giấc. Ngủ không đủ giấc càng khiến trẻ trở nên cáu gắt, gây hại đến sức khỏe và sự phát triển của bé.
Ngoài ra, thói quen sinh hoạt của người lớn như xem tivi muộn, làm việc khuya, ánh điện quá sáng cũng khiến con quấy khóc, khó ngủ. Nếu có điều kiện, nên cho trẻ ở phòng riêng cách xa với những hoạt động hàng ngày của người lớn.
Phân bổ thời gian ngủ của trẻ không hợp lý
Cha me nên phân bổ thời gian sinh hoạt, ăn, ngủ, vui chơi của bé hợp lý. Đồng hồ sinh hoạt của trẻ sơ sinh chưa tuân theo quy luật nhất định nào. Trẻ thức, ngủ theo nhu cầu và thói quen từ trong bụng mẹ. Khoảng 2 tháng sau sinh, mẹ có thể tập cho con cách phân biệt ngày đêm và hình thành thói quen ngủ theo giờ giấc cố định.
Chia giấc ngủ của trẻ thành các giấc ngủ ngắn ban ngày và giấc ngủ dài, sâu giấc vào ban đêm. Giảm dần thời gian ngủ vào ban ngày bằng cách cho trẻ tắm nắng, tăng thời lượng chơi đùa cùng trẻ và kéo dài giấc ngủ cho trẻ vào ban đêm.
Chăm sóc trẻ chưa đúng cách
Chăm sóc trẻ sơ sinh là một công việc khó khăn vất vả, đòi hỏi rất nhiều tâm sức và kỹ năng. Nếu mẹ chăm sóc không đúng cách, chưa hiểu được tâm tư tình cảm và nhu cầu của trẻ cũng sẽ làm trẻ khó chịu, mệt mỏi. Trước khi ngủ, mẹ cho trẻ vui chơi quá mức khiến con bị kích thích, căng thẳng thần kinh
-
Quần áo trẻ không phù hợp, quá chật hoặc vướng víu ngứa ngáy.
-
Tã của trẻ bị ướt hoặc bẩn cũng khiến trẻ bứt rứt khó chịu.
-
Trẻ bú quá no trước khi ngủ sẽ dễ bị trào ngược, trẻ đói cũng không ngủ được.
Trẻ mọc răng sẽ mệt mỏi, bỏ bú, khó ngủ quấy khóc nhiều hơn.
Trẻ mọc răng sẽ mệt mỏi, bỏ bú, khó ngủ quấy khóc nhiều hơn.
Trẻ gặp vấn đề về bệnh lý
Trẻ đang trong giai đoạn phát triển mới cũng sẽ khó chịu. Mọc răng sẽ khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, bỏ bú, khó ngủ quấy khóc nhiều hơn. Nếu trẻ đang mắc một số bệnh lý như rối loạn tiêu hóa, hô hấp sốt,… cũng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Ngoài ra, khi cơ thể thiếu một số dưỡng chất quan trọng như Vitamin D, canxi, kẽm, sắt, magie, vitamin B12 cũng khiến trẻ quấy khóc, khó ngủ về đêm.
Dấu hiệu của trẻ thiếu canxi là mọc răng chậm, ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn,… đồng thời có tình trạng giật mình khi ngủ, trẻ hay khóc đêm ngủ không sâu giấc.
Giải pháp an toàn giúp mẹ khắc phục tình trạng khóc đêm ở trẻ
Sau khi tìm hiểu được lý do tại sao trẻ sơ sinh hay khóc đêm, mẹ cần có giải pháp khắc phục tình trạng này cho con để không ảnh hưởng đến sức khỏe của cả hai mẹ con. Các chuyên gia Nhi khoa khuyên mẹ nên áp dụng và thực hiện một số biện pháp sau:
-
Thiết lập thói quen đi ngủ đúng giờ: Từ khi trẻ được 2 tháng tuổi, mẹ nên tập cho con đi ngủ theo giấc nhất định.
-
Xoa dịu cảm xúc của bé: Trẻ khóc đêm có thể do thần kinh căng thẳng, muốn được âu yếm, vỗ về. Mẹ có thể hát ru, ôm ấp hoặc đung đưa,…để giúp con yên tâm, bình tĩnh.
-
Cải thiện môi trường ngủ của trẻ: Sử dụng chăn, ga, gối phù hợp, vệ sinh sạch sẽ giúp không gian ngủ của trẻ thoáng mát, hạn chế tiếng ồn. Nếu trời nóng quá hoặc lạnh quá, cần chú ý điều chỉnh nhiệt ở mức phù hợp từ 26 đến 28 độ để bé ngủ yên.
-
Thay tã bẩn đúng lúc: Trước mỗi giấc ngủ, mẹ nên kiểm tra thay tã sạch cho trẻ để giúp con thoải mái.
-
Cho trẻ bú đủ no: Trẻ bị đói hoặc quá no sẽ khiến hệ tiêu hóa khó chịu, sinh ra quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
-
Để khắc phục tình trạng khóc đêm do thiếu canxi và vitamin D, mẹ nên cho trẻ phơi nắng từ 20 – 30 phút trước 8 giờ sáng mỗi ngày. Khi phơi, cho trẻ mặc quần áo ngắn để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cho trẻ bú ít nhiều lần trong ngày để trẻ nhận đủ lượng canxi từ sữa.
Xoa dịu cảm xúc của bé để giúp con bình tĩnh, bớt quấy khóc.
Xoa dịu cảm xúc của bé để giúp con bình tĩnh, bớt quấy khóc.
Trẻ khóc đêm khi nào là bất thường?
Khi trẻ có tình trạng giật mình khi ngủ, hay khóc đêm, ngủ không sâu giấc kèm theo dấu hiệu thiếu canxi và vitamin như: Mọc răng chậm, ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn,… mẹ cần tư vấn bác sĩ để được hướng dẫn hợp lý.
Trẻ sơ sinh hay khóc đêm có biểu hiện la hét, giật mình khi ngủ có thể do hệ thống thần kinh của trẻ còn non nớt, khả năng ức chế còn kém. Tuy nhiên, tình trạng trẻ khóc đêm kéo dài lặp đi lặp lại cũng có thể do sự bất thường về cấu trúc hay chức năng não bộ. Có một số trường hợp trẻ khóc dai dẳng kéo dài đến 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày, với tần suất 3 ngày mỗi tuần là do trẻ bị dị ứng với protein sữa bò. Trẻ khóc đêm cũng có thể do bệnh lý như lồng ruột… Trong những trường hợp này, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện, bác sĩ nhi khoa để chẩn đoán chính xác nguyên nhân khóc đêm của trẻ, và có những biện pháp chữa trị kịp thời.
Thoa Vy
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.