Tại sao chúng ta ngáp?
- David Robson
- BBC Future
9 tháng 3 2019
Nguồn hình ảnh, Science Photo Library
Hành vi ngáp làm các khoa học gia đau đầu trong hơn hai thiên niên kỷ. Nhưng một lý thuyết mới có thể trả lời được câu hỏi này hay không? David Robson giải thích.
Robert Provine là nhà tâm lý học tại Đại học Maryland, Baltimore County và là tác giả của cuốn ‘Hành vi lạ lùng: ngáp, cười, nấc, và nhiều hơn thế’. Ông đã tiến hành thử nghiệm bằng cách yêu cầu sinh viên thử ngáp mà vẫn khép môi, hoặc hít thở qua hàm răng nghiến chặt, hoặc cố gắng để ngáp với mũi bị kẹp lại.
Qua thử nghiệm như thế này mà ông Provine đã cố gắng khám phá bí ẩn nhiều thiên niên kỷ là tại sao chúng ta ngáp.
Chúng ta đều biết rằng sự mệt mỏi, chán nản, hoặc khi nhìn thấy một người nào đó ngáp thì mình không thể kìm nén.
Có thể nói người nghiên cứu đầu tiên về hành vi ngáp là nhà vật lý Hy Lạp Hippocrates gần 2.500 năm trước đây. Ông tin rằng ngáp giúp để giải khí độc, đặc biệt là khi bị cơn sốt.
“Giống như một lượng lớn hơi nước thoát ra từ nồi nước khi đang sôi, không khí tích tụ trong cơ thể được đẩy qua miệng khi nhiệt độ cơ thể tăng lên,” ông viết.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Việc ngáp dây chuyền có nghĩa rằng tất cả chúng ta đi ngủ cùng một lúc?
Những lý giải khác nhau vẫn được đưa ra cho đến thế kỷ 19, khi các nhà khoa học giải thích rằng ngáp hỗ trợ hô hấp – kích hoạt một luồng khí oxy cho nguồn máu, trong khi xả ra carbon dioxide.
Nếu điều đó là đúng thì mọi người ngáp nhiều hơn hoặc ít hơn tùy thuộc vào lượng nồng độ oxy và carbon dioxide trong không khí.
Tuy nhiên, khi nhà tâm lý Robert Provine yêu cầu các tình nguyện viên thở các hỗn hợp khí khác nhau, ông không thấy có sự thay đổi như vậy.
‘Ngáp dây chuyền’
Thay vào đó có nhiều giả thuyết nhắm vào bản chất kỳ lạ, tính chất lây nhiễm ngáp – một thực tế tôi nắm quá rõ từ cuộc trò chuyện của mình với ông Provine.
“Khoảng 50% những người quan sát một cái ngáp sẽ ngáp,” ông nói. ”Nó có mức lây nhiễm lạ thường vì người ta chỉ cần nhìn thấy hoặc nghe người khác ngáp, hoặc thậm chí đọc về việc ngáp là sẽ ngáp.
Vì lý do này, một số nhà nghiên cứu đã tự hỏi liệu ngáp có thể là một hình thức cơ bản của truyền thông hay không – nếu như vậy, những thông tin mà ngáp truyền đi là gì?
Chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi khi chúng ta ngáp, vì vậy một giả thuyết là việc ngáp sẽ giúp đặt lại đồng hồ sinh học của mọi người để có cùng nhịp.
“Theo quan điểm của tôi rất nhiều khả năng ngáp đóng vai trò đồng bộ hóa hành vi của một nhóm xã hội – tức là làm cho họ đi ngủ cùng lúc,” Christian Hess từ Đại học Bern ở Thụy Sĩ nói. Với cùng một thói quen, một nhóm có thể làm việc với nhau hiệu quả hơn trong ngày.
Tuy nhiên, chúng ta cũng ngáp khi căng thẳng: vận động viên Olympic thường ngáp trước vào cuộc đua, trong khi nhạc sĩ đôi khi chơi sai tại buổi hòa nhạc.
Vì vậy, một số nhà nghiên cứu, kể cả ông Provine, tin rằng những động tác gắng sức có thể có một vai trò chung hơn trong việc khởi động lại não – khi bạn đang buồn ngủ thì ngáp làm cho bạn tỉnh táo hơn, hoặc khi bạn đang bị phân tâm thì ngáp sẽ làm cho bạn tập trung hơn.
Nguồn hình ảnh, Thinkstock
Chụp lại hình ảnh,
Ngáp giúp bạn tái kích hoạt não?
Trong khi đó một nhà nghiên cứu người Pháp, Olivier Walusinski, cho rằng ngáp giúp bơm dịch tủy bao quanh não và có thể gây chuyển đổi trong hoạt động thần kinh.
Với rất nhiều cách giải thích khác nhau và mâu thuẫn, tìm đến một lý thuyết thống nhất và phổ quát của hành vi ngáp hơi giống mò kim đáy bể.
Nhưng trong vài năm gần đây, một cơ chế cơ bản đã xuất hiện mà có thể, hoặc nhiều khả năng, giải thích được các nghịch lý này.
Andrew Gallup, hiện làm việc tại State University of New York ở Oneonta, là người đầu tiên tìm được nguồn cảm hứng từ công trình từ học đại học của mình, khi nhận ra rằng ngáp có thể giúp thư giãn não và ngăn não bộ bị quá nhiệt.
Gallup lập luận rằng chuyển động mạnh của hàm khiến di chuyển lưu lượng máu xung quanh hộp sọ và giúp giải nhiệt dư thừa, trong khi việc hít sâu mang không khí lạnh vào các hốc xoang và vào xung quanh động mạch cảnh trở lại vào trong não.
Hơn nữa, các động tác của ngáp cũng có thể uốn cong màng của các xoang – thổi cơn gió nhẹ thông qua các lỗ hổng làm bay hơi các chất nhầy trong mũi chúng ta và điều đó làm thư giãn đầu của chúng ta như kiểu có máy điều hòa nhiệt độ.
Ngáp giống sex?
Quan trọng hơn, là việc làm mát não này có thể lý giải được những điều tưởng như mâu thuẫn về việc ngáp hàng loạt.
Nhiệt độ cơ thể của chúng ta tăng lên một cách tự nhiên trước và sau khi ngủ. Làm mát não cũng có thể làm cho chúng ta tỉnh táo hơn – đánh thức ta dậy khi ta đang chán và mất tập trung.
Và bằng cách lây lan từ người này sang người khác, ngáp dây chuyền có thể giúp cả nhóm tập trung hơn.
Nguồn hình ảnh, Thinkstock
Chụp lại hình ảnh,
Ảnh này có làm cho bạn ngáp?
Lý thuyết của Gallup tuy vậy chưa thỏa mãn được tranh cãi giữa các nhà khoa học về hành vi ngáp. “Thử nghiệm của Gallup không đưa ra được bất kỳ bằng chứng thực nghiệm thuyết phục nào để ủng hộ lý thuyết của ông,” Hess nói.
Đặc biệt khi các nhà phê bình ông chỉ ra rằng Gallup đã không được thực hiện việc đo trực tiếp thực trạng thay đổi nhiệt độ trong não người, mặc dù Gallup nói rằng ông đã tìm thấy biến động về nhiệt độ như dự kiến ở chuột khi chuột ngáp.
Trong khi đó Provine có cái nhìn tích cực hơn và tin rằng đây có thể là một cách mà hành vi ngáp giúp não bộ thay đổi trạng thái và giúp não tập trung.
Thậm chí nếu Gallup đã chứng mình được lý về ngáp thì vẫn còn nhiều bí ẩn. Chẳng hạn tại sao thai nhi ngáp trong bụng mẹ?
Có thể là thai nhi đang thực hành cho cuộc sống bên ngoài, hoặc có lẽ là ngáp đóng một vai trò tích cực hơn trong việc hướng dẫn sự phát triển của cơ thể – bằng cách giúp phát triển các khớp ở xương hàm chẳng hạn, hoặc giúp hình thành sự phát triển của phổi, Province nói.
Nhà tâm lý Provine cũng đã chỉ ra rằng ngáp – và có lẽ các hành vi khác của cơ thể, giống như hắt hơi – có một số điểm tương đồng kỳ lạ như tình dục. Các biểu hiện trên khuôn mặt khi ngáp có những nét giống một cách ngạc nhiên như khi hắt hơi hoặc lúc làm tình.
Nguồn hình ảnh, Thinkstock
Cũng giống như quan hệ tình dục, ngáp và hắt hơi liên quan đến một quá trình nâng dần tới điểm cực khoái.
“Một khi bắt đầu thì đều đi đến kết thúc – bạn chẳng bao giờ lại ngáp nửa chừng cả,” ông Provine lập luận.
Và có lẽ đọc tới đây thì bạn cũng sẽ bắt đầu ngáp rồi, và nếu vậy thì hãy ngáp cho thoải mái để thưởng thức một trong những bí ẩn lâu dài nhất của cuộc sống.
Bài tiếng Anh đã được đăng trên BBC Future, bản tiếng Việt đăng lần đầu trên BBC Vietnamese hồi tháng 12/2014 trên giao diện cũ.