Cá chép là phương tiện duy nhất đưa ông Công ông Táo lên chầu trời. Ảnh minh họa.
Ngày 23 tháng Chạp hằng năm, mọi gia đình đều sắm sửa mâm cơm thịnh soạn để làm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Lễ vật cúng ông Công ông Táo gồm mâm cỗ mặn, bánh kẹo, rượu, trầu cau, hoa quả, quần áo vàng mã… đặc biệt, không thể thiếu một con cá chép.
Theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc Việt Nam, cá chép là “ngựa” để ông Công ông Táo cưỡi, bay về trời báo cáo công việc trong gia đình của một năm cũ.
Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc, tại sao ông Công ông Táo lại cưỡi cá chép mà không phải là một con vật khác và tại sao cá chép lại có thể bay được?
Về vấn đề này, GS Kiều Thu Hoạch – Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu văn hóa dân gian cho hay, tục cúng ông Công ông Táo ở Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc.
Theo tài liệu cổ ghi lại, đời Tống (Trung Quốc), người dân cúng một con ngựa giấy làm phương tiện cho ông Công ông Táo cưỡi và có 2 con cá (không nói rõ cá gì), một thủ lợn linh nhừ làm đồ ăn cho Táo.
Tại Việt Nam, theo tài liệu của ông Phan Kế Bính ghi lại năm 1915 cho biết, người Việt Nam cúng ông Công ông Táo một con cá chép để làm “ngựa” cho Táo lên trời.
“Trong tiềm thức dân gian người Việt xưa, cá chép có thể hóa rồng và bay lên được. Vì vậy, người Việt đã việt hóa phong tục cúng ông Công ông Táo và chọn cá chép làm phương tiện để táo bay lên trời”, giáo sư Hoạch nói.
Giáo sư Trần Lâm Biền – Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho biết thêm, trong âm dương, cá chép tượng trưng cho tính âm, đồng nhất với mặt trăng lên có thể bay lên được.
Ngoài ra, dân gian vẫn tương truyền sự tích “cá vượt vũ môn” để nói đến việc cá chép hóa thành rồng bay lên trời. Cá chép hóa rồng còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí và tượng trưng cho nhân cách thanh cao, tiềm ẩn, hướng đến một kết quả tốt đẹp.
“Dân gian đã nhận thức như thế, vì vậy chỉ có cá chép mới có thể cõng ông Công ông Táo lên chầu trời. Những con vật khác đều không có năng lực”, giáo sư Biền nói.