Trong cuộc sống, chúng ta hay nói nhiều về cụm từ “Cố gắng”: Cố gắng học, cố gắng làm việc, cố gắng chăm chỉ, cố gắng đi đúng giờ, cố gắng giảm cân, cố gắng hiểu/yêu một ai đó….
> ‘Đặt cược’ niềm tin
Hôm nay đọc Facebook của một người bạn, thấy bạn đưa ra một số nguyên tắc trong công việc để thành công thì cần phải “Cố gắng”. Mình bày tỏ quan điểm với bạn ấy “Tại sao bạn phải cố gắng?”.
Cố gắng – tức là bạn phải đưa sức ra nhiều hơn, tiêu hao năng lượng nhiều hơn bình thường để làm việc gì đó. Khi phải “Cố gắng” cũng có nghĩa công việc đó không phù hợp với năng lực của bạn, cũng có thể bạn đã đi sai đường, hoặc đơn giản là bạn không thích nhưng tự trói buộc mình phải làm…
Chúng ta đang tự làm khổ mình vì câu nói “Tôi sẽ cố/Tôi phải cố”. Cứ nói phải cố, phải ráng hết sức… vậy đến khi không cố, không ráng được nữa bạn sẽ bỏ cuộc?
Bao nhiêu người nói “tôi sẽ cố đi đúng giờ” thực tế đến đúng giờ? Bao nhiêu người nói “tôi sẽ cố giảm cân” thực tế giảm cân thành công?
Ở đây, tôi không nói chúng ta không nên dùng từ “Cố gắng”, tôi chỉ muốn bày tỏ một góc nhìn của cá nhân tôi về cụm từ này.
Trong một buổi hội thảo gần đây, tôi có gặp lại một người bạn cũ, anh ấy đang làm Giám đốc điều hành cho một công ty Bất động sản lớn ở Sài Gòn. Khi trao đổi về cụm từ “Cố gắng”, anh ấy bày tỏ quan điểm rằng: Nếu anh phỏng vấn hoặc đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên mà nhân viên cứ lặp lại câu nói “Em sẽ cố gắng hơn nữa/hoặc sẽ chăm chỉ hơn nữa/hoặc sẽ phấn đấu tốt hơn…”, có thể vị trí người đó đang làm công việc theo sở đoản hoặc không đúng người/đúng việc; và rất có thể sẽ bị điều chuyển hoặc rời khỏi công ty. Trong công ty anh có quy định nhân viên phát biểu các từ “Cố, cố gắng, thử, thử nghiệm” sẽ bị phạt tiền.
Cố – tức là bạn bắt buộc mình phải làm một công việc gì đó ngoài sức, quá sức, vắt sức… hoặc kể cả khi bạn không hề muốn làm nhưng vẫn phải “cố” làm. Bạn bắt mình làm trong một tâm trạng không thoải mái, tạo cho bản thân mình những áp lực nặng nặng nề, mất năng lượng… đến một ngày cơ thể bạn không chịu nổi, tự nhiên nó sẽ phản kháng hay xung đột lại với chính bạn.
Câu chuyện giảm cân dễ hiểu nhất đối với những ai o ép bản thân mình phản nhịn ăn, nhịn uống, cố nhịn, ráng nhịn… nhịn cho đến một ngày bạn nhịn không nổi, cơ thể bạn bắt đầu đình công và phản pháo lại bằng các bữa ăn hả hê cơn thèm, và hậu quả là chỉ số cân nặng của bạn lại tăng không phanh.
Niềm vui là dấu hiệu của những điều đúng đắn. Trong cuộc sống hay trong công việc cũng vậy, hãy chọn một mục tiêu nào đó mà bạn tự nguyện, bạn đam mê, bạn có động lực, bạn tìm được niềm vui và ý nghĩa thì bạn không bao giờ cảm thấy mình phải cố gắng, chằng cần ai phải thúc ép bạn, bạn phải mất năng lượng…
Đau khổ là dấu hiệu cho ta biết có điều gì đó đang không ổn. Có thể là bạn đi sai đường, làm không đúng việc phù hợp, lấy không đúng người, học không đúng chỗ… Do vậy, bạn đã lập trình cho bộ não của mình phải cố gắng, phải nỗ lực, bạn ép mình phải làm điều này điều kia.
Cuộc sống là sự lựa chọn. Bạn được chọn cho mình thái độ đau khổ hay niềm vui. “Vậy tại sao bạn phải cố gắng?”.
Phượng Thạch