Có những người trong đời thường luôn “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” nhưng trên không gian mạng lại có thói quen nói bạt miệng, nói hoang dại, thậm chí coi đấy như cách để xả những bức xúc nào đó bên trong con người mình. Thực tế, luật pháp nói riêng và luật An ninh mạng nói chung sẽ điều chỉnh tất cả những hành vi này, và đến khi kịp nhận ra điều này thì cái giá phải trả đã là rất đắt…
Kính gửi Tòa soạn báo ANTG GT-CT
Thông qua báo chí, tôi theo dõi rất kỹ câu chuyện bà Lê Thị Giàu – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây, kiện bà Nguyễn Phương Hằng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam, để đòi bồi thường tới 1.000 tỉ đồng. Lý do là theo bà Giàu, bà Hằng đã livestream xúc phạm mình, ảnh hưởng đến cá nhân mình và công ty của mình.
“Suốt thời gian qua, bà Hằng xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội, phát biểu thiếu chuẩn mực, chửi bới tục tĩu, xúc phạm giới văn nghệ sĩ khiến dư luận xã hội bất bình và lên án mạnh mẽ. Hôm nay, tôi là nạn nhân của bà Hằng, tôi vô cùng bức xúc và phẫn nộ trước hành vi bịa đặt, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của tôi và thương hiệu sản phẩm của tôi”, bà Lê Thị Giàu đã chia sẻ như thế với báo chí. Và bà còn cho biết là sẽ chứng minh rõ ràng những thiệt hại nêu trên tại tòa. Tôi chưa biết là tòa án, cụ thể là TAND quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) có chấp nhận đơn kiện của bà Lê Thị Giàu hay không?
Bà Nguyễn Phương Hằng.
Nếu có, vụ kiện tụng có một không hai này rồi sẽ đi về đâu? Nhưng tôi muốn nói rằng, không phải đến vụ việc này, mà từ rất lâu rồi, chúng ta đã chứng kiến hiện tượng nhiều người hồn nhiên, thỏa thích xúc phạm người khác trên mạng xã hội. Họ thường làm điều đó qua những dòng status trên facebook, qua những clip trên youtube, và chính tôi cũng từng là nạn nhân của câu chuyện này. Từ những bức xúc cá nhân đến những quan sát thông tin báo chí, tôi xin đặt ra hai câu hỏi, rất mong quý báo trả lời:
1. Xét ở góc độ pháp luật hiện hành, một người bị xúc phạm nghiêm trọng trên mạng xã hội, phải hứng chịu những tổn thất to lớn về tinh thần, và những thiệt hại nặng nề về kinh doanh có thể khởi kiện để đòi bồi thường một khoản tiền lớn, tương xứng với những tổn thất mình phải hứng chịu hay không?
2. Nếu không phải là những xúc phạm ở cấp độ lớn, mà chỉ là những cấp độ nhỏ lẻ theo kiểu mâu thuẫn cá nhân đời thường thì có nên giải quyết vấn đề bằng cách kiện ra tòa hay không? Bởi thực tế, khi bị nói xấu trên mạng, tôi thấy rất nhiều người thường tìm cách nói lại, và hai phía cứ lời qua tiếng lại trong một thời gian dài, vừa mệt mỏi, vừa ảnh hưởng tới môi trường mạng. Thay vì cứ lời qua tiếng lại như vậy, một lá đơn ra tòa có thể giải quyết vấn đề một cách đích đáng không?
Xin rất mong nhận được hồi âm từ Tòa soạn. Xin chân thành cảm ơn.
Hoàng Thị Vân (TP. HCM)
Kính gửi độc giả Hoàng Thị Vân!
Xin được đề cập ngay tới câu hỏi số 1 của độc giả, rằng khi bị xúc phạm một cách nghiêm trọng trên không gian mạng, một người có thể kiện ra toà, đòi bồi thường một mức tiền lớn, tương xứng với những tổn thất của mình hay không? Đây cũng chính là vấn đề mà dư luận đặt ra sau khi chứng kiến việc bà Lê Thị Giàu kiện bà Nguyễn Phương Hằng với những nội dung mà độc giả đã đề cập ở phần đầu bức thư gửi chúng tôi.
Bà Lê Thị Giàu. Ảnh: Huấn Cao.
Rất nhiều luật sư cho biết, trong những trường hợp như thế này, nguyên đơn có quyền đưa ra một mức tiền bồi thường nào đó, ví dụ như 1.000 tỷ đồng trong câu chuyện của bà Lê Thị Giàu, thậm chí có thể là cao hơn. Tức là người khởi kiện có thể đưa ra một con số bất kỳ, theo những tính toán riêng của mình, để yêu cầu bị đơn bồi thường.
Tuy nhiên đưa ra những con số đó mới chỉ là chuyện đầu tiên, sau đó nguyên đơn còn phải chứng minh tại toà về việc những hành vi xúc phạm của bị đơn đã tạo ra những thiệt hại đến bản thân mình và chuyện kinh doanh, buôn bán của mình, nếu có. Nếu nguyên đơn không chứng minh được điều này, toà có quyền bác đơn. Nếu nguyên đơn chỉ chứng minh được một phần thì toà sẽ chấp nhận một phần đơn kiện.
Trên báo Tuổi trẻ, ngày 3/6/2021, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân là quyền nhân thân bất khả xâm phạm được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ. Khi có căn cứ cho rằng nó bị người khác xâm phạm thì cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại (Bài báo “Kiện đòi bồi thường khủng được không?”).
Trên báo điện tử VOV, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho biết: “Trường hợp đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đến mức độ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý của nạn nhân, hoặc tạo dư luận xấu trong xã hội thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống theo Điều 156 BLHS, tội Làm nhục người khác theo điều 155 và tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân theo điều 331…”.
Tóm lại, khi bị xúc phạm trên không gian mạng, chúng ta hoàn toàn có quyền kiện người xúc phạm ra toà, đòi bồi thường một số tiền bất kỳ mà mình đưa ra. Nhưng quan trọng là phải cung cấp được những thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh. Nếu đưa đủ chứng cứ, chứng minh sự xúc phạm kia là hết sức nghiêm trọng thì cơ quan chức năng thậm chí có thể xem xét, xử lý hình sự.
Giờ xin được trả lời câu hỏi thứ hai của độc giả, đó là trong những tranh cãi lẻ tẻ, mang tính chất mâu thuẫn cá nhân thuần tuý thì để tránh chuyện lời qua tiếng lại trên không gian mạng, có thể/có nên giải quyết bằng phương thức kiện ra toà hay không? Thưa độc giả, tháng 4 năm 2018, từng có chuyện TAND Quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) tuyên một thầy giáo phải bồi thường khoảng 20 triệu đồng vì đã viết Facebook sai sự thật, xúc phạm danh dự của một nữ đồng nghiệp.
Trước đó, năm 2016, cũng chính TAND Quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) đã xét xử sơ thẩm một vụ kiện dân sự tương tự. Theo đó, một người phụ nữ và một người đàn ông có quan hệ tình cảm với nhau. Nhưng sau khi chia tay, người đàn ông đã đăng nhiều bài viết, cùng nhiều hình ảnh nhạy cảm xúc phạm danh dự cá nhân người phụ nữ này.
Kết quả phiên toà sơ thẩm là người đàn ông đã phải đền bù thiệt hại gần 40 triệu đồng, phải chấm dứt ngay những hành vi xúc phạm danh dự người khác trên facebook, và phải công khai xin lỗi người phụ nữ tại cơ quan thi hành án. Hai câu chuyện này cho thấy trên thực tế đã có những mâu thuẫn cá nhân trên không gian mạng được giải quyết ở toà.
Thưa độc giả, khi đề cập đến những câu chuyện trên đây, có lẽ mỗi chúng ta cũng sẽ tự rút ra những bài học ứng xử tốt nhất cho mình trên không gian mạng. Đó không chỉ là những bài học về việc phải xử lý thế nào khi bị ai đó xúc phạm, bôi nhọ danh dự, mà còn là việc phải cẩn thận ra sao trong mỗi dòng viết, mỗi phát ngôn trên không gian mạng.
Đôi khi nhiều người trong chúng ta có suy nghĩ mạng xã hội là nền tảng “ảo”, không phải mặt đối mặt với nhau, nó lại là một nền tảng mà ai cũng có thể tha hồ đưa ra ý kiến, quan điểm cá nhân, do vậy chúng ta thường có xu hướng dễ dãi với mỗi phát ngôn, mỗi chữ viết trên không gian đó.
Có những người trong đời thường luôn “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” nhưng trên không gian mạng lại có thói quen nói bạt miệng, nói hoang dại, thậm chí coi đấy như cách để xả những bức xúc nào đó bên trong con người mình. Thực tế, luật pháp nói riêng và luật An ninh mạng nói chung sẽ điều chỉnh tất cả những hành vi này, và đến khi kịp nhận ra điều này thì cái giá phải trả đã là rất đắt.
“Uốn lưỡi 7 lần trước khi lên mạng”, đó là điều mà lúc này chúng ta cần tự nhắc mình và nhắc nhở lẫn nhau! Xin chân thành cảm ơn độc giả và hy vọng những chia sẻ của chúng tôi cũng có thể giải đáp phần nào những thắc mắc độc giả đặt ra.