Con người chúng ta phải ăn rất nhiều thứ mới đảm bảo chất dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể vậy mà loài trâu bò chỉ cần ăn cỏ vẫn sống tốt, thậm chí béo mập. Tại sao vậy?
Về mặt sinh học, các loài ăn cỏ sở hữu bộ máy tiêu hóa thích nghi với việc ăn cỏ nên chúng chỉ cần ăn cỏ mà vẫn sống được, bao gồm cỏ tươi và cỏ khô.
Trâu bò không có hàm trên nên chúng chỉ có thể dùng lưỡi để lùa cỏ vào miệng rồi dùng hàm để gặm đứt cỏ và sau đó là nuốt xuống. Số cỏ này sẽ được chứa trong ngăn dạ cỏ.
Trâu bò là loài nhai lại nên dạy dày của chúng có cấu tạo đặc biệt, có 4 ngăn. Kích thước của dạ cỏ ở con trưởng thành chiếm tới hơn 80% dạ dày nên sức chứa của nó rất lớn, lên tới 200 lít. Khi đã ăn xong, trâu bò sẽ nằm nghỉ và đẩy cỏ trong dạ cỏ lên để nhai lại.
Nhờ cấu tạo đặc biệt của dạ dày mà các loài động vật nhai lại có thể tiêu hóa được xenlulose (xen-lu-lô), thành phần chính ở vách tế bào thực vật, thứ mà dạ dày con người không tiêu hóa được. Hệ vi sinh vật trong dạ cỏ của trâu bò có thể phá vỡ cấu trúc hóa học của xenlulose để “tổng hợp” thành nhiều chất dinh dưỡng khác.
Các loại lợi khuẩn trong dạ dày của trâu bò còn giúp chúng có thể tiêu hóa được các phụ phẩm trồng trọt nông nghiệp như vỏ trấu, cỏ khô, vỏ hạt ngũ cốc…
Tóm lại, trâu bò chỉ cần ăn rau cỏ mà vẫn có thể béo tốt tất cả là nhờ cấu tạo dạ dày và các lợi khuẩn trong đường tiêu hóa của chúng.