Đối với mỗi anh chị em có tấm lòng nhân hậu và bàn tay giúp đỡ mà đã làm vơi nhẹ gánh nặng của rất nhiều người, thì xin hãy chấp nhận lòng biết ơn chân thành của tôi.
Tối hôm qua, Chị Burton và tôi đã thưởng thức một chút thức ăn Trung Hoa. Nằm trong cái bánh quy đoán vận mệnh là lời tiên đoán: “Tâm trạng căng thẳng mà bạn đang trải qua sẽ chẳng bao lâu được khuây khỏa.” Đây là chuyện có thật.
Một ngày nọ, một nhóm người đang nói chuyện với Tiên Tri Joseph Smith thì có tin là căn nhà của một người anh em nghèo khó sống khá xa thị trấn đã bị đốt. Mọi người biểu lộ sự buồn bã về điều đã xảy ra. Vị tiên tri lắng nghe trong một chốc lát, rồi, “đút tay vào túi, lấy ra năm Mỹ kim và nói: ‘Tôi cảm thấy buồn cho người anh em này với số tiền là năm Mỹ kim; các anh em cảm thấy buồn với bao nhiêu tiền?’”1 Sự khẩn cấp trong cách phản ứng của Vị Tiên Tri thật đầy ý nghĩa. Năm ngoái hằng triệu người trong các anh chị em đã chia sẻ nỗi buồn của những người khác với phương tiện, tấm lòng nhân hậu và bàn tay giúp đỡ của các anh chị em. Xin cảm ơn các anh chị em vì lòng rộng lượng kỳ diệu của các anh chị em.
Lòng trắc ẩn đối với những người khác luôn luôn là một đặc tính cơ bản của những người tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giê Su Ky Tô. Tiên tri An Ma đã nói:
“Các ngươi muốn gia nhập đàn chiên của Thượng Đế và để được gọi là dân Ngài, và sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau để cho gánh nặng ấy được nhẹ nhàng; phải, và sẵn sàng than khóc với những ai than khóc; phải, và an ủi những ai cần được an ủi.”2
Đấng Cứu Rỗi yêu cầu chúng ta phải “cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”3
Tôi đã chứng kiến được tận mắt sự cam kết của Các Thánh Hữu Ngày Sau và những người khác không cùng tôn giáo với chúng ta mà có tấm lòng nhân hậu và bàn tay giúp đỡ và “mang gánh nặng cho nhau.”4 Tôi rất lấy làm đau buồn khi tôi thấy sự tàn phá khủng khiếp và khi tôi đi thăm các nạn nhân không còn hy vọng.
Trong những năm gần đây, thiên nhiên đã cho thấy sự trả thù và uy quyền tối cao của mình trong những cách thức khác thường và mãnh liệt. Cuối tháng Mười Hai năm 2004 đã mang đến một trận động đất đầy kinh hoàng tại bờ biển Nam Dương gây ra một cơn sóng thần nguy hiểm làm thiệt mạng hằng ngàn người và làm đảo lộn cuộc sống của những người còn sống sót. Dưới sự hướng dẫn của các vị lãnh đạo chức tư tế địa phương và các cặp vợ chồng truyền giáo thành niên, sự giúp đỡ lập tức huy động, khẩn cấp cung ứng sự trợ giúp cho các bệnh viện, những người đáp ứng đầu tiên và các cộng đồng ở Nam Dương, Tích Lan, Ấn Độ và Thái Lan.
Trong vòng một thời gian ngắn, vài tín hữu của Giáo Hội đã đi đến khu vực bị tàn phá nặng nhất—vùng Aceh ở miền bắc Sumatra. Chị Bertha Suranto, chủ tịch Hội Thiếu Nữ của giáo hạt từ Jakarta, Nam Dương. Bertha và những người làm việc chung với chị đã lái những chiếc xe tải chất đầy những đồ cần thiết mà sẽ cứu mạng người và mang đến niềm an ủi cho những người đã mất mát quá nhiều.
Bertha nói: “Mỗi lần chúng tôi đi vào một ngôi làng thì dân chúng bao quanh chúng tôi và tặng thức ăn cho chúng tôi để phân phát—mặc dù họ chỉ có một chút gạo và một số cá mà họ đã câu được từ đại dương. Từ các đền thờ Hồi giáo các vị lãnh đạo cộng đồng đã loan báo rằng một xe đồ tặng dữ nữa từ giáo hội của Chúa Giê Su đã đến.”
Ngay khi nhu cầu cấp bách đã được đáp ứng thì Giáo Hội bắt đầu nhấn mạnh những dự án dài hạn hơn. Những hoạch định để giúp đỡ trong việc xây cất hơn ngàn căn nhà cố định, và sửa sang lại các bệnh viện và trường học. Những dự án khác đang được thực hiện. Dân làng đã được cung ứng tàu đánh cá, lưới mới. Khung cửi dệt vải và máy may đã được phân phát để giúp các gia đình trở lại làm việc.
Miền Bắc Pakistan và Ấn Độ có trận động đất mạnh nhất xảy ra trong vùng trong vòng một trăm năm, và làm thiệt mạng hằng ngàn người cùng làm cho nhiều người mất nhà cửa. Vì mùa đông ở vùng này có thể rất khắc nghiệt, mối quan tâm đã được bày tỏ không những cho những người bị thương trong trận động đất mà còn cho những người không nhà cửa.
Bốn ngày sau trận động đất, Islamic Relief Agency (Cơ Quan Cứu Trợ Hồi Giáo) đã cung cấp một chiếc phi cơ Boeing 747 chở hàng hóa mà đã được chất đầy chăn màn, lều, bộ dụng cụ vệ sinh, những đồ tiếp liệu y khoa, túi ngủ, áo khoác ngoài và tấm bạt che từ nhà kho của giám trợ. Những thùng đựng hàng còn được vận chuyển bằng đường bộ và đường biển mang đến những cái lều có thể thích nghi cho 75.000 người và thêm các đồ tiếp liệu.
Khi nạn lụt xảy ra tại Trung Mỹ thì các nhà hội của chúng ta đã được mở ra để cung ứng chỗ tạm cư cho những người đi lánh nạn. Trong những khu vực mà xe cộ không thể đi được, các tín hữu Giáo Hội cột các đồ tiếp liệu trên lưng của họ và đi ngang qua những dòng suối ngập nước và địa thế nguy hiểm để mang đồ cứu trợ đến những người đang gặp khốn cùng.
Tiếp theo một thời kỳ bất ổn với cộng đồng ở Sudan, hơn một triệu người đã bỏ nhà cửa và ngôi làng của họ để đi tìm kiếm sự an toàn. Nhiều người tị nạn này đã đi hằng trăm dặm qua địa thế cằn cỗi để đến các trại tị nạn, tìm cách đoàn tụ với gia đình họ và phục hồi lại sức khỏe của họ.
Atmit, một loại cháo đặc có pha thêm sinh tố và nước khoáng đã chứng tỏ sự hữu hiệu trong việc cứu mạng các trẻ em và những người già đã được chu cấp. Hằng ngàn bộ dụng cụ vệ sinh, đồ dùng cho trẻ sơ sinh và đồ tiếp liệu y khoa cũng đã được chu cấp.
Giáo Hội đã cùng với các tổ chức phi chính phủ nổi tiếng giúp đỡ tiêm chủng cho hằng triệu trẻ em Phi Châu trong một chiến dịch để trừ tiệt bệnh sởi. Hai ngàn tín hữu trung thành người Phi Châu của Giáo Hội đã tình nguyện làm việc trong phần quảng cáo, nhóm các em lại và cung ứng sự giúp đỡ khi tiêm thuốc.
Mùa bão trong năm 2005 ở miền nam Hoa Kỳ và vùng tây Caribbean được ghi nhận là gây thiệt hại nhiều nhất và tàn phá nhiều nhất. Từ cơn bão này đến cơn bão khác giáng xuống nhà cửa và cửa hàng buôn bán từ Honduras đến Florida. Hằng ngàn người tình nguyện được soi dẫn bởi chức tư tế đã hiện diện nơi đó mỗi khi cơn bão đến, cung ứng những thứ cần dùng để duy trì cuộc sống. Đồ dụng cụ vệ sinh và chùi rửa, thức ăn và nước uống, đồ nhà bếp, đồ trải giường, áo gối và những thứ khác đã giúp trong việc dọn dẹp nhà cửa và thành lập những căn nhà tạm thời.
Anh Michael Kagle đã đem một đoàn hộ tống chiếc xe tải chật ních với những dụng cụ từ công ty riêng của anh đến Mississippi. Nhiều nhân viên, không có cùng tín ngưỡng của chúng ta, đã tình nguyện đi với anh mỗi cuối tuần để giúp đỡ trong những vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Những máy bộ đàm đã được dùng để nói chuyện với nhau trên đường đi. Vị lãnh đạo nhóm thầy tư tế thượng phẩm của Mike, trong khi lái xe cùng Mike trong xe tải riêng của ông, nói là những khớp xương tay của ông trắng đi vì ông lái xe quá nhanh. Để cố gắng giảm tốc độ của đoàn hộ tống đi, ông lên máy bộ đàm và nói: “Qúy vị có biết là mình đang đi 80 dặm một giờ không?” Một trong những người tài xế lên máy bộ đàm và nói: “Ông phải hiểu rằng đấy là do những chiếc xe tải lớn này. Chúng tôi không thể đi nhanh hơn.”
Hằng trăm lá thư tỏ lòng biết ơn đã được nhận. Một người phụ nữ, là một y tá từ Mississippi, đã viết: “Tôi không thể diễn tả bằng lời. Thượng Đế đã đáp ứng những lời cầu nguyện của tôi nhanh chóng vậy sao? Nước mắt ngay lập tức bắt đầu chảy dài trên mặt tôi khi những người đội nón sắt và mang giày ống với cưa xích đủ hình dạng và kích thước xuất hiện từ đống gạch vụn. Thật là một trong những sự hy sinh hoàn toàn, rõ ràng là lớn lao nhất đã từng xảy đến cho riêng tôi.”
Tôi xin bày tỏ lời cám ơn đến nhiều ngón tay lanh lợi mà đã làm ra hằng ngàn tấm mền xinh đẹp. Xin đặc biệt cám ơn những ngón tay không lấy gì làm lanh lợi cũng đã làm ra những tấm mền xinh đẹp. Một bà cố 92 tuổi đã làm vài trăm tấm mền. Trong trường hợp của bà, cả người làm ra lẫn người nhận đều được phước. Khi người con trai của bà ngắm nhìn công trình của bà thì bà hỏi: “Con có nghĩ rằng có ai đó sẽ dùng một trong những cái mền của mẹ không? “Một bức thư của một người mẹ trẻ ở Louisiana trả lời câu hỏi này như sau:
“Tôi sống ở Louisiana, và tôi đi đến một đơn vị y tế địa phương cho con cái của mình. Trong khi tôi ở đó thì họ cho tôi một số quần áo trẻ em, tã, giấy lau và hai tấm mền cho em bé rất đẹp. Một tấm mền có vải màu vàng ở mặt sau với dấu chân tay ở mặt trước, và cái mền kia thì màu nâu nhạt với gạch vằn. Chúng rất xinh đẹp. Đứa con bốn tuổi của tôi rất thích cái mền với gạch vằn, và dĩ nhiên đứa con bảy tháng của tôi thì không thể nói được nhiều. Tôi chỉ muốn nói lời cám ơn đến quý vị và các tín hữu Giáo Hội của quý vị về lòng rộng rãi của quý vị. Xin Thượng Đế ban phước cho quý vị và gia đình quý vị.”
Để đáp ứng những nhu cầu trong vụ lở đất mới xảy ra ở Philippines, các Thánh Hữu địa phương đã làm ra những hộp đầy dụng cụ vệ sinh và những hộp đồ ăn và đã phân phát chúng với những cái mền cho những người đã cần.
Những nguyên tắc an sinh của sự làm việc và sự tự túc được duy trì và giảng dạy khi những người ở trên toàn thế giới được giúp đỡ. Trong năm 2005 nhiều ngôi làng đã nhận được nước sạch nhờ vào những cái giếng mới. Những người dân làng giúp đào giếng và đặt ống bơm nước và tự sửa chữa cái giếng nếu cần.
Sự đào tạo và những dụng cụ được cung cấp bởi các vị lãnh đạo địa phương và những cặp truyền giáo luôn luôn và mãi mãi tận tụy đã cho phép những gia đình phụ thêm vào bữa ăn của họ với thức ăn đầy bổ dưỡng mà họ tự trồng trọt.
Nhiều chiếc xe lăn đã được cung cấp để cho những người tàn tật trở nên tự túc. Hằng ngàn nhân viên y tế đã được huấn luyện để cứu mạng trẻ sơ sinh.
Những nhịp cầu thông cảm và kính trọng trong nhiều quốc gia đã được xây cất khi chúng ta cộng tác với các cơ quan đã được thiết lập và đáng tin cậy khác.
Tiến Sĩ Simbi Mubako, cựu đại sứ Phi Châu tại Hoa Kỳ, đã nói: “Công việc của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đều gây ấn tượng thêm nhiều bởi vì nó không giới hạn cho các tín hữu của Giáo Hội mà thôi mà còn trải rộng đến tất cả những người khác thuộc văn hóa và tôn giáo khác bởi vì [họ] thấy nơi mỗi người hình ảnh của Chúa Giê Su Ky Tô.”
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley yêu dấu của chúng ta có rất nhiều công trong sự phát triển của công việc nhân đạo vĩ đại này. Ông đã nói: “Chúng ta phải tìm đến với tất cả nhân loại. Họ đều là các con trai và các con gái của Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và Ngài sẽ bắt chúng ta chịu trách nhiệm về việc chúng ta làm liên quan đến họ… . Cầu xin cho chúng ta ban phước cho nhân loại với sự tìm đến mọi người, nâng đỡ những người bị ngược đãi hay bị hà hiếp, mang thức ăn và quần áo đến kẻ đói và túng thiếu, trải rộng tình thương yêu và tình giao hảo đến những người chung quanh chúng ta mà không thuộc vào Giáo Hội này.”5
Nỗ lực nhân đạo hiện đại ngày nay là một sự biểu lộ kỳ diệu về lòng bác ái mà đang hừng hực trong tâm hồn của những trái tim dịu dàng và những bàn tay đang sẵn sàng giúp đỡ. Sự phục vụ vị tha này thật sự cho thấy tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô.
Đấng Cứu Rỗi hứa những phước lành thật lớn lao đến với những người hết lòng phục vụ những người khác: “Hãy cho, người sẽ cho mình… . Vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy.”6
Những điều tôi đã nói hôm nay chỉ là một phần rất nhỏ của điều đang xảy ra trong những ngôi làng và các quốc gia trên khắp thế giới. Bất cứ nơi nào tôi đi, những sự bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đều được đón nhận. Thay mặt cho Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và Ủy Ban Quản Trị An Sinh của Giáo Hội, là những người được chỉ định để hướng dẫn cho công việc này, tôi xin được bày tỏ những lời cám ơn chân thành và nồng nhiệt nhất của chúng tôi.
Tôi không thể tìm ra những lời bày tỏ thích đáng về những cảm nghĩ thiêng liêng đang hừng hực trong hồn tôi. Chữ cám ơn giản dị dường như hơi nhàm chán. Đối với mỗi anh chị em có tấm lòng nhân hậu và bàn tay giúp đỡ mà đã làm vơi nhẹ gánh nặng của rất nhiều người, thì xin hãy chấp nhận lòng biết ơn chân thành của tôi. Tôi khẩn cầu các phước lành chọn lọc nhất của Chúa đến với các anh chị em và gia đình của các anh chị em khi các anh chị em tiếp tục nhớ tới những người có trái tim đau khổ và bàn tay buông xuôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.