Giao tiếp hiệu quả và khéo léo là điều mà bất kì ai cũng cần phải biết. Đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, môi trường yêu cầu sự tương tác liên tục với lãnh đạo, đồng nghiệp, khách hàng. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng xuất phát từ nền tảng giao tiếp, tương tác giữa các bên với nhau,
90% chuyên viên nhân sự tại 500 doanh nghiệp ở Hoa Kỳ cho rằng nếu muốn đạt được thành công sự nghiệp thì trước tiên phải trau dồi kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Để hiểu rõ hơn tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp, hãy đọc qua bài viết sau đây của Papaya.
1. Văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp là gì?
Văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp có thể hiểu là mối quan hệ tương tác giữa cấp trên và cấp dưới, giữa đồng nghiệp với nhau, giữa nhân viên công ty với khách hàng hoặc đối tác. Văn hóa này thể hiện qua những quy tắc, chuẩn mực trong giao tiếp mà các thành viên trong doanh nghiệp cần tuân theo.
Ví dụ, văn hóa ứng xử của Vinamilk đề cao “Chính trực, thúc đẩy Tôn trọng, đảm bảo Công bằng, duy trì Tuân thủ và coi trọng Đạo đức”. Đây đồng thời là kim chỉ nam quy định các hoạt động diễn ra trong doanh nghiệp.
Tùy theo tình hình hay lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp sẽ lựa chọn và đề ra những bộ quy tắc ứng xử riêng phù hợp với quy định ứng xử của cộng đồng. Những doanh nghiệp có văn hóa ứng xử cởi mở, thân thiện, nhân viên vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau sẽ là doanh nghiệp có sự phát triển bền vững.
2.Các quy tắc ứng xử văn hóa trong doanh nghiệp
2.1 Giao tiếp với cấp trên
-
Chấp hành những yêu cầu lãnh đạo đưa ra và nỗ lực giải quyết tốt công việc.
-
Tôn trọng những quyết định của lãnh đạo, đưa ra góp ý trên tinh thần xây dựng tích cực.
2.2 Giao tiếp với cấp dưới
-
Đối xử với nhân viên theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng trong quan hệ xã hội.
-
Thường xuyên quan tâm giúp đỡ nhân viên, tạo điều kiện để cấp dưới phát triển trong sự nghiệp.
2.3 Giao tiếp với đồng nghiệp
-
Ứng xử với nhau bằng thái độ thân thiện, gần gũi, chân thành.
-
Hỗ trợ lẫn nhau để giải quyết nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả.
2.4 Giao tiếp với khách hàng, đối tác
-
Thể hiện thái độ lịch sự, tận tâm, vui vẻ khi giao tiếp với khách hàng, đối tác.
-
Tư vấn, hướng dẫn tận tình khi khách hàng, đối tác có thắc mắc.
-
Thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, đối tác và đáp ứng kịp thời nhu cầu đó.
-
Giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề của khách hàng, đối tác dựa trên tinh thần tôn trọng quyền lợi lẫn nhau và theo quy định pháp luật.
-
Xây dựng mối quan hệ với khách hàng, đối tác dựa trên tinh thần bình đẳng, hợp tác cùng phát triển.
3. Vai trò của văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp
Một nền văn hóa ứng xử tích cực sẽ có tác động không nhỏ đến sự thành công của doanh nghiệp. Dưới đây là 5 ảnh hưởng quan trọng cho thấy vai trò của ứng xử tại nơi làm việc.
3.1 Xây dựng hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp
Một doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh thương hiệu tốt sẽ nhận được nhiều lợi nhuận hơn cùng sự tin tưởng của khách hàng và đối tác. Hình ảnh thương hiệu đó được thể hiện bởi chính những nhân viên trong công ty. Là những người thường xuyên tiếp xúc với khách hàng hay đối tác, nếu nhân viên có thái độ ứng xử tích cực, linh hoạt sẽ gây được ấn tượng đẹp trong lòng khách hàng.
Để các cá nhân trong tập thể có thể trở thành đại sứ thương hiệu cho doanh nghiệp, lãnh đạo cần đào tạo cho nhân viên về văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp.
Hãy hướng dẫn nhân về kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng giải quyết vấn đề. Thông qua cách nhân viên tư vấn mua sản phẩm sẽ tạo dựng được hình ảnh thương hiệu tốt đẹp với khách hàng.
3.2 Nâng cao sự gắn kết tập thể
Một văn hóa giao tiếp trong doanh nghiệp lành mạnh sẽ có khả năng gắn kết các thành viên với nhau. Một tập thể được gầy dựng bởi các cá nhân có những tích cách, nhận thức hoàn toàn khác nhau.
Nếu các thành viên không có sự tôn trọng lẫn nhau, không lắng nghe nhau thì doanh nghiệp sẽ khó có thể phát triển bền vững. Thực tế cho thấy sự thiếu liên kết trong nhóm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của dự án, theo 97% giám đốc điều hành và nhân viên nhận định.
Chính vì thế lãnh đạo cần thường xuyên tăng cường mối quan hệ tương tác giữa các thành viên. Yêu cầu các nhân viên cần có thái độ ứng xử chân thành, thân thiện với đồng nghiệp nhằm đạt được những mục tiêu chung trong công việc.
3.3 Thu hút và giữ chân nhân viên giỏi
Một nghiên cứu cho thấy môi trường làm việc có văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp tốt sẽ có tỷ lệ nhân viên thôi việc thấp hơn 50%.
Các nhân viên tiềm năng sẽ không chấp nhận làm việc ở một nơi mà lãnh đạo thiếu tinh tế, đồng nghiệp không tôn trọng lẫn nhau, nhân viên không được tham gia vào những quyết định quan trọng của doanh nghiệp. Nhân viên giỏi sẽ tìm đến những nơi mà họ được lắng nghe, có sự kết nối tích cực với tập thể.
Chính vì thế, doanh nghiệp cần thường xuyên duy trì và cải thiện văn hóa giao tiếp trong doanh nghiệp nếu muốn thu hút và giữ chân nhân viên giỏi.
Hãy xây dựng một môi trường làm việc cởi mở, có văn hóa phản hồi tích cực, hướng các thành viên đến mục tiêu và lợi ích chung. Có như vậy doanh nghiệp mới có khả năng cạnh tranh trong thị trường tuyển dụng.
3.4 Cải thiện hiệu quả làm việc của nhân viên
Văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp có tác động không nhỏ đến năng suất làm việc của nhân viên.
Báo cáo của MGI cho thấy hiệu quả hoạt động của người lao động sẽ tăng lên 25% khi các thành viên bao gồm sếp và nhân viên thường xuyên có sự tương tác, chia sẻ kiến thức với nhau.
Lãnh đạo thường xuyên chia sẻ những thông tin quan trọng của doanh nghiệp với nhân viên sẽ khiến họ cảm thấy mình có giá trị cao và có động lực làm việc có chất lượng hơn.
Chính vì thế, nếu doanh nghiệp của bạn đang rơi vào tình trạng giao tiếp một chiều – tức sếp chỉ cung cấp thông tin cho cấp dưới và không nhận lại phản hồi, hãy ngay lập tức thay đổi.
Giao tiếp hai chiều là cực kỳ quan trọng trong quy tắc ứng xử văn hóa trong doanh nghiệp, cho thấy sự tôn trọng lẫn nhau không phân biệt là cấp trên hay cấp dưới. Điều này đồng thời cũng sẽ giúp tăng thêm tinh thần đoàn kết trong tập thể đấy.
3.5 Nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên
Rất ít lãnh đạo nhìn thấy được rằng một môi trường doanh nghiệp có văn hóa giao tiếp tốt sẽ tác động tích cực đến trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên.
Khi các thành viên trong doanh nghiệp có sự tương tác thường xuyên với nhau, họ sẽ dễ dàng trao đổi kiến thức và hỗ trợ nhau bổ sung những kỹ năng cần thiết. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ hoạt động khi không phải tổ chức quá nhiều khóa học đào tạo mà vẫn sở hữu nhiều nhân viên xuất sắc.
Trái lại, khi doanh nghiệp không khuyến khích nhân viên giao tiếp với nhau để chia sẻ kinh nghiệm làm việc, họ sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc để tổ chức chương trình hướng dẫn cho nhân viên. Bằng chứng là các công ty trong danh sách Fortune 500 từng cho biết họ lỗ 31,5 tỷ đô la hàng năm vì sự hạn chế tương tác trong doanh nghiệp.
Lời kết
Văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp có vai trò quyết định đến sự thành bại của tổ chức đó. Lãnh đạo cần xem xét lại hoạt động tương tác trong nội bộ doanh nghiệp để kịp thời đưa ra những chính sách phù hợp nhằm nâng cao văn hóa giao tiếp của tập thể. Như vậy doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững và tạo dựng được lòng tin nơi khách hàng, đối tác.