Câu 33. Tâm là gì ? Thế nào là vọng Tâm ? Thế nào là chơn Tâm ? Tu Tâm làm sao ?
Phật Tử hỏi :
A Di Đà Phật
Bạch Thầy,
Kính xin Thầy từ bi giải thích con rõ Tâm là gì ? Thế nào là vọng Tâm ? Thế nào là chơn Tâm ? Tu Tâm làm sao ?
Con thành kính tri ân Thầy,
A Di Đà Phật
Đáp :
A Di Đà Phật
1- Tâm là gì ?
Nói một cách ngắn gọn, đơn giản, hằng ngày chúng ta suy nghĩ, phán đoán, quyết định, thương ghét, vui buồn. mừng giận, v.v…, tất cả những gì thuộc về tinh thần nhận thức đều gọi là Tâm. Nhà Phật gọi đó là vọng Tâm.
Biết nhận định chánh tà, chân giả đều do Tâm.
Tâm chủ động (chỉ huy) hành động, tạo tác suốt cả đời người, làm cho đời sống trở nên thăng trầm, vinh nhục, an định hay loạn động.
2- Phân biệt chơn Tâm và vọng Tâm
- Vọng Tâm
Theo cảnh sanh diệt, chợt có chợt không, gọi là vọng tâm. Cụ thể là buồn vui theo cảnh (thạnh suy, giàu nghèo, …), bị động theo duyên trần (ngũ dục = tài, sắc, danh, thực, thùy; Lục trần = sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) là vọng Tâm.
Phàm phu sống theo vọng Tâm tham lam, sân hận, si mê, ích kỷ, đắm đuối với danh lợi, ái ân, trần cảnh, ngủ dục của thế gian. Được, còn, cảnh thạnh thì vui. Mất, suy, cảnh tàn thì buồn. - Chơn Tâm
Chân thật sáng suốt nhiệm mầu, rỗng rang, linh thông, gọi là chân tâm. Cụ thể là an nhiên, tự tại trước mọi cảnh thịnh, suy, tan, hợp, không bị động theo duyên trần (ngũ dục = tài, sắc, danh, thực, thùy; Lục trần = sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) là chơn Tâm .
Thánh nhân đạt được lẽ “sắc không” (sắc tức thị không), chẳng tham đắm cảnh trần mộng huyễn, tự tại trước mọi cảnh thịnh, suy, tan, hợp.
3- Tu tâm làm sao ?
Nhà Phật ví Tâm như đất (Tâm địa). Đất ruộng không gieo trồng lúa, hoa quả, cây trái, bỏ đất trống thì cỏ dại, cây gai sẽ mọc đầy. Cũng vậy, Tâm không tụng kinh, niệm Phật trì chú, tu hành thiện pháp thì cỏ phiền não tham sân si, ích kỷ, dục vọng, …, sẽ mọc đầy trong khoảnh vườn tâm.
Hiểu vậy, hành giả Tịnh độ cần chăm sóc vườn tâm của mình bằng cách gieo trồng (niệm) Thánh hiệu A Di Đà đầy ngặp tâm địa (tạng thức) mình.
Liên tông Bát Tổ Liên Trì đại sư dạy: “Bí quyết niệm Phật là NIỆM NHIỀU”
Trong quyển Niệm Phật Thập Yếu (trang 254), Hòa Thượng Thiền Tâm nói : “Lúc hành giả khởi niệm, thì mỗi câu Phật hiệu đều đi sâu vào tạng thức (thức thứ tám), khi sức dồn chứa huân tập đã NHIỀU, tức câu niệm Phật từ nơi tạng thức tự phát hiện ra (khởi hiện hành) trong khi thức hoặc lúc ngũ. Đây gọi là cảnh giới “KHÔNG NIỆM TỰ NIỆM” (Bất Niệm Tự Niệm).
Mà Bất Niệm Tự Niệm, hiện tại giúp cho thân tâm mình dần dần thanh tịnh, an lạc, giải thoát, mặc khác được bảo đảm vãng sanh Cực Lạc (Kệ Niệm Phật-Hòa thượng Trí Tịnh). Vãng sanh Cực Lạc thành Bồ Tát bất thối chuyển, nhứt sanh bổ xứ, một đời thành Phật. Thật Hạnh phúc biết dường nào !!!
Vậy thì, không có lý do gì để mà chần chờ nữa ! Chúng ta phải lập tức hạ quyết tâm cao. Quyết tâm niệm Phật đạt Bất Niệm Tự Niệm, vãng sanh Cực Lạc, thành Phật cứu độ chúng sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật.