Rốt cuộc đến hẹn lại lên, cứ sau Tết là chúng ta lại bối rối không biết xử lý sao với những bánh chưng, thịt gà, giò, thịt kho, trái cây, dưa hấu, canh măng (hầm xương, giò heo)… còn thừa trong tủ lạnh. Hãy cùng điểm ra vài cách “xử lý” cho ngon và gọn nhé!
Bánh chưng
Cách rán bánh chưng phổ biến nhất và được nhiều người hâm mộ nhất là cho cả miếng vào chảo, rán lửa vừa, lấy muỗng dằm nhẹ để bánh vàng giòn ngoài mặt còn bên trong mềm và nóng, còn thơm mùi của lá dong. Theo kinh nghiệm, nếu rán bằng chảo không dính thì bạn có thể không thêm dầu mỡ mà để mỡ trong nhân bánh tươm ra là vừa, tuy nhiên nhiều người vẫn thích có chút dầu để bánh vàng giòn. Bánh chưng rán dọn ăn với dưa món, củ kiệu, ít dưa góp su hào… chấm xì dầu và chút tương ớt.
Nguyên liệu là bánh chưng, xúc xích xông khói, 1 thìa mắm, 1 thìa xì dầu, nửa thìa dầu ăn: Cho bánh chưng vào chảo, dàn mỏng, sau đó cho xúc xích đã xắt mỏng và nhỏ vào, dằm cho đều với bánh rồi rán lại 2 mặt cho giòn. Bánh rán xong ăn kèm những lát dưa chuột muối, chấm với tương ớt sẽ rất ngon.
Bánh chưng rán giòn cạnh, ăn kèm dưa món, tương ớt… rất ngon miệng
Lưu ý:
– Nên cẩn trọng khi bánh chưng đã bị mốc, hỏng, nhất là khi bạn sống ở
miền Nam – nơi Tết nhiều khi còn nóng – bánh chưng dễ bị thiu chua, meo mốc… Với bánh mới mốc chút ít bên ngoài thì có thể cắt bỏ rộng xung quanh, lấy phần bánh “lành” đem hấp kỹ hoặc rán cẩn thận trước khi ăn. Nhưng nếu bánh đã hỏng, mốc nhiều, có vị chua, bánh bị vữa, có vị đắng thì nhất định không được ăn nữa vì có thể bị ngộ độc.
– Và với bánh chưng rán ngon miệng, bạn hãy cẩn thận “tăng cân vù vù nếu ăn thường xuyên” nhé!
Gà luộc
Nhiều nhà có truyền thống trên mâm cúng tất niên, cúng đón ông bà về ăn Tết… đều phải có gà luộc, khiến sau Tết trong tủ lạnh ít cũng phải có đến 2 con gà được cài chân rất đẹp mà không biết phải dùng làm gì. Chúng ta thường quen gà luộc bị thừa thì đem kho mặn, rang gừng, ăn với cơm hay xôi, nhưng ăn mãi cũng ngán, phải không nào. Thay vào đó, bạn hãy dành chút thời gian gỡ riêng phần thịt và xương. Xương, đầu cổ, cánh, chân… đem ninh lấy nước dùng nấu miến, cháo, súp… Phần thịt có thể xé phay, nấu miến, bún, nấu súp, tẩm ướp và rán… Dùng gà làm gỏi / nộm (gỏi gà bắp cải rau răm, hoa chuối…) ăn nhẹ bụng, ngon miệng, vừa giúp giải quyết gà vừa giúp ăn hết rau.
Phần gà thường bị thừa đến chót cùng là lườn gà, ức gà vì quá nhiều thịt nạc, ăn bị khô. Cái “tội” ấy khiến những miếng gà này dù có làm món gì thì rồi vẫn dễ bị thừa, nấu đi nấu lại chẳng còn chất mà cũng chẳng ngon lành. Bạn có thể quyết ngay từ đầu: đem làm ruốc, để vừa bảo quản được lâu hơn mà cũng dễ ăn hơn. Cách làm ruốc gà không quá phức tạp, bạn xé thịt gà thành sợi, ướp với bột nêm và chút nước mắm cho thơm, sau đó cho cả vào chảo, đảo đều với lửa nhỏ, vừa đảo vừa nêm nếm thêm cho vừa miệng.
Theo kinh nghiệm của những đầu bếp tại gia tài năng: “Khi rang ruốc đến lúc nào đó sẽ có ít thịt bị vụn ra dính ở phía đáy của chảo. Lúc đó không nên rang tiếp mà hãy đặt chảo ra 1 mặt phẳng hút nhiệt: ví dụ như sàn nhà bằng gạch, cái bàn bằng sắt… Để ra ngoài như vậy một lúc thì lớp thịt vụn bám trên mặt chảo sẽ bị tróc ra dễ dàng, chỉ cần dùng đũa ấn lớp ruốc ở phía trên di di vài cái là đáy chảo lại láng như lúc đầu.” . Bạn tiếp tục rang-di cho đến khi ruốc đến độ ẩm đạt yêu cầu.
Kinh nghiệm sử dụng và bảo quản các loại thức ăn khác:
Các món thịt nguội, giò, chả, lạp xưởng… có thể dùng để kẹp bánh mỳ, ăn cùng xôi, ăn nhẹ vào buổi sáng hay bữa xế, hay thay hẳn cho một bữa khi bữa trước đó bạn đã ăn uống linh đình. Giò chả thừa thái chỉ xào với su hào, su su, cà rốt, mộc nhĩ thái chỉ, thêm tỏi và rau mùi, gọi là xào rối, cũng ngon luôn.
Canh măng chân giò còn thừa, thường là thừa thịt chứ măng đã hết veo đúng không nào? Và bạn không biết xử lý thế nào với đám thịt đó vì cảm giác ngấy? Hãy thử cất tất cả lên ngăn đá, sau ít nhất 1 ngày hẵng lấy xuống để tạm quên cảm giác đáng sợ kia, mua thêm bún, măng, phi thêm hành thơm… và làm cho nhà mình một bữa bún măng chân giò xì xụp thật ngon.
Bia: Có lẽ Tết đến là nhà nào cũng có ít nhất 1 thùng bia trong nhà. Tuy bia không cần cất giữ cầu kỳ như các loại thực phẩm qua nấu nướng đã kể ở trên nhưng cũng là một sản phẩm chỉ có thể bảo quản trong thời gian hạn chế. Bạn cần kiểm tra và sử dụng theo hạn, bảo quản nơi khô mát và tránh ánh sáng và nhiệt trực tiếp, chỉ khi gần sử dụng mới cho vào tủ lạnh.
Trái cây có lẽ không bị thừa vì ngày Tết thường háo nước, thèm đồ ăn mát, ngọt. Tuy nhiên với những trái dưa hấu to bự, có lẽ có không ít người ngại ngần và vì thế chúng thường bị ế cho tới khi… hỏng và phải bỏ đi. Bạn hãy là người biết ăn uống một cách thông thái trong năm mới này, tìm hiểu một vài món ngon lành từ dưa hấu để tận dụng được hết những ngon ngọt đầu năm nhé!