Hẳn là giờ các tân sinh viên vẫn còn đang lâng lâng cảm giác sung sướng khi biết được kết quả thi đại học của mình nhỉ. Và chắc hẳn cũng tò mò không kém về những ngày tháng tuyệt vời sắp trải qua trên giản đường Đại học.
Tân sinh viên cần chuẩn bị những gì?
Nếu đằng ấy là một tân sinh viên và chưa biết mình sẽ phải làm gì khi bước vào cổng trường đại học? Chúng tớ mách nhỏ những tips cần có trong sổ tay dành riêng cho tân sinh viên nhé!
Tìm hiểu trước về trường Đại học
Sẽ rất thú vị nếu các ấy nếu tìm hiểu và khám phá ngôi trường mà mình sẽ gắn bó suốt quãng đời sinh viên. Lịch sử của trường này, các truyền thống, thành tích nổi bật của trường này, cả các bài hát mang đậm bản sắc trường nữa.
Khi là sinh viên thì văn phòng khoa, phòng quản lý đào tạo hay thư viện sẽ là các địa điểm mà chắc chắn các ấy sẽ lui tới thường xuyên đấy. Sơn Bình (SV năm 4, ĐH KTQD) hào hứng: “Hồi mới vào trường, các anh chị khóa trên kể cho mấy cái “truyền thuyết” hay ho lắm. Giờ là sinh viên năm cuối rồi truyền lại cho các nhóc năm nhất cho chúng nó thêm yêu trường. He he.”
Chú ý thủ tục nhập học
Sau khi nhận được báo nhập học các ấy nhớ để ý ngày giờ nhập học để tránh bị nhầm lẫn nha cũng như các giấy tờ cần thiết phải chuẩn bị trước. Tùy từng trường mà những thủ tục này sẽ khác nhau. Minh (SV năm 3, ĐH Luật – ĐHQGHN) tự hào khoe: “Năm nào tớ cũng đăng ký tham gia hướng dẫn các bé năm 1 vì mấy cái thủ tục này không biết cũng lằng nhằng lắm. Bọn tớ còn giúp các em ý chuyển đồ vào ký túc xá nữa. Mệt nhưng vui lắm!”. Vì thế các ấy cũng không cần phải quá lo lắng đâu nhé vì sẽ luôn có các anh chị thanh niên tình nguyện sẵn sàng giúp các ấy mà.
Kì I: An cư thì mới lạc nghiệp
Sau bao tháng ngày ôn luyện “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, tốn nhiều công của, giấc mơ trúng tuyển vào trường đại học thành hiện thực làm bao bạn học sinh ngất ngây, thấy như tương lai rộng mở trước mắt.
Thế nhưng còn nhiều khó khăn, thử thách đang chờ đợi các tân sinh viên trên chặng đường bốn năm ĐH. Và thử thách đầu tiên mà sinh viên các tỉnh phải đối mặt là tìm nơi ăn ở, sinh hoạt thuận tiện cho việc học tập.
Khi đi học ĐH, bạn có thể chọn cho mình một trong 3 nơi là Kí túc xá, ở nhà người thân và ở trọ. Mỗi chỗ ở đều có những ưu và nhược điểm riêng, vì vậy, bạn nên cân nhắc xem mình phù hợp với điều kiện nào rồi mới chọn lựa nhé.
1. Ở Kí túc xá, chi phí thấp và cuộc sống năng động của SV
Những điều hấp dẫn
Nếu bạn không dư dả về tài chính thì việc ở KTX là 1 lựa chọn rất hợp lý. Trong khi các bạn đi trọ ngoài phải mất 250.000 – 350.000 đồng cho tiền nhà trọ 1 tháng thì bạn chỉ cần không đến 100.000 đồng/tháng thì có thể ở KTX rồi. Ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM bạn chỉ cần đóng khoảng 70.000 – 80.000 đồng/tháng, KTX ĐH Kinh tế là 110.000 đồng/tháng, KTX Trần Hưng Đạo của trường ĐH KHTN là 880.000 đồng cho cả 11 tháng học…
Vì nhu cầu SV ở KTX cao mà số lượng phòng ốc có hạn nên các trường luôn ưu tiên cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn và nằm trong diện chính sách, các SV năm nhất. Ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM còn ưu tiên thêm SV thuộc các tỉnh có xây dựng KTX: An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Phước, Vĩnh Long, Bình Dương, Đồng Nai và Tiền Giang. KTX ĐH Quốc gia rất rộng lớn nên vẫn còn khá nhiều chỗ cho các bạn không thuộc những diện ưu tiên trên. Vì vậy, các bạn hãy nhanh chân nộp đơn xin ở KTX để được duyệt trước nhé.
Ở KTX không chỉ có chi phí thấp mà còn có rất nhiều điều thú vị. Trong KTX có điều kiện an ninh tốt hơn bên ngoài, có nơi vui chơi, giải trí, tập thể dục thể thao và cũng có không gian yên tĩnh để học tập.
Một điều hay nữa là bạn được ở trong môi trường toàn SV nên rất trẻ trung, vui tươi và năng động. ở một số KTX lớn như KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, làng SV HASINCO – Hà Nội, bạn được ở trong 1 cơ sở vật chất rất tốt: phòng ốc khang trang, nhà tập thể thao, phòng học, phòng xem phim, nhà sinh hoạt đoàn hội, các cửa hàng ăn uống, hàng tiêu dùng, các quán internet ADSL cũng như máy tính nối mạng đến từng phòng, có không gian thoáng mát với rất nhiều cây xanh và một điều thú vị nữa là thường xuyên có các hoạt động văn hóa, văn nghệ với không ít ngôi sao ca nhạc được tổ chức miễn phí cho SV tại đây.
Những nhược điểm
Khả năng đáp ứng chỗ trọ cho SV của các trường ĐH, CĐ chỉ được 20 – 30% nhu cầu.
Khi ở KTX, thông thường thì 1 phòng có tối thiểu 8 SV và dĩ nhiên, đây là sự sắp xếp ngẫn nhiên của ban quản lí KTX chứ không phải là theo ý của bạn. Bởi vậy, các bạn đều chưa hề quen nhau từ trước. Trong 1 phòng có người học năm 1, người năm 2, người lại sắp ra trường. Và đa phần thì phòng nào cũng đầu đủ 3 miền Bắc – Trung – Nam và gồm nhiều trường (như trường hợp KTX ĐH Quốc gia có SV của rất nhiều trường). Những điều xa lạ, khác nhau này đã làm nên những mối quan hệ hoàn toàn mới cho các tân SV như các bạn.
Có thể phòng của bạn sẽ là 1 khối đoàn kết nếu mọi người hiểu nhau, hợp nhau; nhưng sẽ rất đau đầu nếu ngược lại. Ở trong 1 phòng tối thiểu 8 người với văn hóa, lối sống, độ tuổi, năm học… khác nhau như vậy, bạn sẽ khó mà vừa lòng tất cả. Bởi vậy, khi vào ở trong KTX, bạn hãy chuẩn bị cho mình những kĩ năng ứng xử khéo léo để tránh mất lòng mọi người nhé. Trong khi ở, hãy luôn cố gắng chấp hành nội quy của phòng, của ban quản lý. Khi mọi người cùng làm đúng theo nội quy thì sẽ không còn vấn đề gì để lo lắng đâu bạn à.
2. Ở với người thân, sự yên bình dưới mái nhà
Nếu bạn có người thân thiết trên thành phố và họ sẵn lòng đón tiếp bạn thì ở với họ cũng là một lựa chọn cho bạn. Ở với người thân thì gia đình bạn ở quê sẽ đỡ phải lo lắng lắng vì họ sẽ yên tâm rằng con em mình vẫn luôn được chăm sóc cẩn thận trong môi trường thân thích. Bạn sẽ không phải lo lắng nhiều về vấn đề nhà ở, điện nước, ăn uống vì đã có người thân của bạn lo cho rất nhiều. Những khi bạn bị đau ốm hay có gì rắc rối xảy ra, người thân của bạn sẽ lo lắng cho bạn. Một môi trường rất an toàn cho các bạn, đặc biệt là các bạn gái yếu ớt, tiếp xúc xã hội ít.
Phải giới hạn sự tự do
Tuy nhiên, bạn sẽ phải giữ ý tứ rất nhiều để tránh cho người thân bạn phiền lòng. Sẽ có những việc nhà không tên bạn cần phải hoàn thành để làm tròn bổn phận của 1 thành viên trong nhà. Bạn sẽ ít được đi chơi với bạn bè hơn cũng như bạn bè sẽ rất ngại khi đến thăm bạn; bạn đi đâu cũng cần phải thông báo, xin phép để người nhà bạn khỏi phải lo lắng.Một cuộc sống yên bình, ít tiếp xúc với cuộc sống SV cũng như xã hội sẽ khiến bạn kém năng động hơn đấy. Và một điều quan trọng nữa, bạn luôn phải là một người con, người cháu ngoan ngoãn để tránh mất lòng người nhà của bạn cũng như ảnh hưởng đến mối quan hệ ruột thịt.
3. Ở trọ – tự do, thoải mái nhưng…
Ở trọ – đó chính là lựa chọn hàng đầu của những bạn SV thích sự thoải mái, ghét bị quản thúc, giám sát. Bạn có thể sang phòng các bạn khác giới chơi hay đi về muộn mà không bị ai phạt, có thể đi chơi mà không phải xin phép ai, có thể mời những người bạn mới quen về nhà mình chơi thoải mái, có thể dạy sớm hay thức khuya mà không phải sợ ai đó bị ảnh hưởng…
Nhưng bạn cũng nên cân nhắc giá thuê nhà trọ ở thành phố. Trong khi ở KTX chỉ mất dưới 1 triệu cho 11 tháng học thì số tiền đó bạn chỉ ở trọ được 3 thậm chí là 2 tháng. Giá phòng trọ càng ngày càng tăng cùng với sự tăng giá của thị trường cũng như nhu cầu cao của SV.
Bên cạnh đó, vấn đề an ninh, vệ sinh môi trường và tiếng ồn là rất đáng lo ngại. Những SV ở trọ khu Văn Thánh (Bình Thạnh) cho hay khi mùa mưa đến, thì cũng là những ngày tháng sống chung với nước cống đến. Nước cống tràn cả vào nhà, ngập đường đi, ngậy nhà bếp. Trong nhà tắm không tắm cũng có nước. Có người thì ở khu nhà trọ mà vừa mới đi chợ được một lát, về nhà đã mất bộ đồ, mất cái đèn hoc hay điện thoại… Có cô bạn thì thuê phòng của một bà cô lớn tuổi mà chưa có chồng, và tâm trạng chủ nhà thay đổi tùy thuộc vào việc người yêu có đến thăm hay không. Tuy cô bạn này nắm bắt tâm trạng khá chuẩn, nhưng sau một thời gian chịu đựng thì cô bạn cũng đánh nhau với bà chủ này và dọn đi luôn…
Ở đâu thì cũng có mặt lợi và mặt hạn chế. Bởi vậy, tùy vào điều kiện của của mình thế nào mà bạn chọn cho mình 1 nơi ở phù hợp. Nhưng ở đâu đi chăng nữa thì bạn vẫn phải luôn đảm bảo rằng bạn đầu tư được nhiều thời gian cho việc học tập và cả việc tham gia những hoạt động Đoàn Hội khác nữa nhé!
Giúp sinh viên tìm nhà
Theo Thành Đoàn Hà Nội, hầu hết Hội Sinh viên của các trường đại học, cao đẳng đều triển khai các hoạt động giúp đỡ sinh viên tìm nhà trọ.
Theo Nguyễn Gia Linh, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Bách Khoa, trường có câu lạc bộ hỗ trợ sinh viên. Ngay từ đầu năm, vẫn có quỹ nhà trọ để giới thiệu cho các em năm thứ nhất. Đây là những địa chỉ do sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi đã gom được trong đợt tiếp sức mùa thi.
Ngoài ra, hội luôn kêu gọi sinh viên trong trường giới thiệu thêm địa chỉ cho tân sinh viên. Với những bạn thay đổi chỗ trọ, hội khuyến khích các bạn “để” lại địa chỉ cho văn phòng hội. Tuy nhiên, rất ít tân sinh viên biết đến liên hệ với kênh này. “Thường thì phải sau một vài tháng học, các em mới biết nhiều về các câu lạc bộ, đội, nhóm của trường để tìm đến”, Linh cho biết.
Trong thời buổi tìm nhà khó khăn, ở ghép được xem là phương án khả thi cho các tân sinh viên ra thành phố hơi chậm chân. Minh Nghĩa, chủ nhân của những tờ rơi “Tìm nữ sinh viên ở ghép” dán xung quanh khu vực trường và ký túc xá chia sẻ: “Em vừa tìm được nhà 700.000 đồng/tháng nhưng ở một mình thì đắt quá. Em nghĩ ra cách dán những mẩu thông báo này, biết đâu có người đang cần nhà, họ sẽ liên lạc với mình. Thế là vừa giúp được người khác, mà mình cũng đỡ phải gánh tiền nhà quá cao”.
Dương Bảo Trung, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết: “Các tân sinh viên có thể liên hệ với những địa chỉ trong cuốn danh sách chỗ trọ giá rẻ và miễn phí chúng tôi đã phát phục vụ cho đợt thi tuyển sinh vừa qua. Vì đó là những địa chỉ được tổng hợp trên toàn thành phố, do sinh viên tình nguyện các trường đại học tìm được”. Nếu các tân sinh viên không có cuốn cẩm nang đó, có thể tìm đến văn phòng hội để được tư vấn và phát miễn phí.
1 số điều lưu ý với Tân Sinh Viên:
Làm quen với ma cũ
Trước khi bị “ma cũ’ bắt nạt thì sao các ấy không lân la làm quen trước nhỉ? Các “ma cũ” là kho vô tận kinh nghiệm quý báu mà các ấy có thể khai thác. Từ việc các kinh nghiệm trong học tập, thầy cô giáo nào “kute” đến những kinh nghiệm xương máu trong việc đăng ký tín chỉ mà các ấy sắp “được” trải qua nữa. Các ấy cũng sẽ tiết kiệm được kha khá nếu xin được sách từ các anh chị nữa. Mà học sách cũ cũng có nhiều ưu điểm lắm đấy nhé, các ấy sẽ được cả tá những kinh nghiệm mà anh chị khóa trước ghi chép trong đó.
Nên chăm chỉ ngay từ đầu
Trải qua một kỳ thi vất vả, hẳn là teen nào cũng muốn xả hơi càng lâu càng tốt. Nhưng đó là một tâm lý không tốt đâu nhé! Như Ngọc (SV năm 4, ĐH Ngoại Thương) chia sẻ: “Đỗ đại học tớ lên một list dài lịch ăn chơi lại công thêm việc bố mẹ cũng không quản tớ chặt như hồi học cấp 3 nữa nên tớ cứ lơ là việc học. Đến lúc giật mình nhìn lại thì một học kỳ đã sắp hết rồi.
Dù đã vắt chân lên ôn thi cật lực nhưng kết quả năm nhất thực sự rất tệ.” Thêm nữa, năm nhất các ấy chắc chắn sẽ bị thất vọng vì sẽ toàn được học các môn đại cương, bao nhiêu kiến thức cấp ba giờ chẳng còn dùng làm gì nữa, nhất là với các teen học khối ngành kinh tế. Vì thế, các ấy tốt nhất là nên chuyên tâm học hành ngay từ đầu đi vì nước đến chân nhảy sẽ không kịp đâu ý.
Tham gia các câu lạc bộ
Sẽ là những trải nghiệm vô cùng thú vị, đáng nhớ và ý nghĩa khi các ấy đăng ký tham gia các câu lạc bộ trong trường. Có rất nhiều lựa chọn cho các ấy nhé. Câu lạc bộ thể thao, học tập, các kỹ năng mềm hay các tổ đội tình nguyện luôn chào đón những trái tim đầy nhiệt huyết như các teen đó. Ngọc Anh (SV năm 3, ĐH Y HN) nhiệt tình: “Cứ vào đầu năm học, CLB mình nhận được rất nhiều đơn xin tham gia của các nhóc năm 1. Đúng là hậu sinh khả úy, nhóc nào cũng năng động và sáng tạo hết ý. Nhìn tụi nó lại thấy mình ngày xưa.” Nhưng các ấy vẫn phải đảm bảo việc học tập của mình nhé. Dù gì thì học tập vẫn là quan trọng nhất mà.
(Sưu tầm)