Tất tần tật về du lịch Buôn Đôn và những điều bạn cần ghi nhớ
Nổi tiếng là vùng đất đã từng được Vua săn voi Y’Thu Knul – Khunsanop quyết định chọn làm nơi an cư lạc nghiệp, đánh dấu một thời kì lịch sử vàng son, chẳng phải ngẫu nhiên mà Buôn Đôn lại là một điểm đến hấp dẫn khách du lịch thập phương đến vậy. Bên cạnh nền văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đặc sắc, những kỉ vật còn sót lại của Vua săn voi, Buôn Đôn ngày nay đã được phát triển thành một trung tâm du lịch vô cùng hút khách. Vậy trong chuyến đi lần này, các bạn hãy theo chân Ximgo đi “giải mã” sức hút khó cưỡng của buôn làng này nhé!
1. Du lịch Buôn Đôn và những điều bạn cần biết
Trung tâm Du lịch Buôn Đôn (Nguồn: Instagram @juran_20).
- Địa chỉ: Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
- Giá vé vào cửa: 40.000VNĐ/người/lượt và miễn phí cho trẻ em cao dưới 1m3.
- Vé giữ xe máy: 5.000VNĐ/xe/lượt.
- Vé giữ xe ô tô: 20.000VNĐ/xe/lượt.
- Buôn Đôn hiện nay đã được phát triển và trở thành một trung tâm du lịch vô cùng hấp dẫn.
- Trung tâm du lịch Buôn Đôn bao gồm năm điểm thăm quan chính là: Khu du lịch Cầu Treo, thác Bảy Nhánh, nhà sàn cổ, khu mộ Vua săn voi và hồ Đắk Mil.
- Trung tâm du lịch Buôn Đôn nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40km về phía Tây Bắc.
2. Cách di chuyển đến Buôn Đôn
Để di chuyển đến trung tâm du lịch Buôn Đôn, từ trung tâm thành phố Hà Nội, du khách có thể chọn lựa những phương thức di chuyển khác nhau như: di chuyển bàng phương tiện cá nhân, di chuyển bằng xe khách, di chuyển bằng máy bay hoặc theo tour du lịch. Trong bài viết này, Ximgo sẽ chỉ đề cập đến 03 phương thức di chuyển đầu tiên.
2.1. Di chuyển bằng phương tiện cá nhân
Từ trung tâm thành phố Hà Nội, nếu lựa chọn phương thức di chuyển bằng phương tiện cá nhân đến trung tâm du lịch Buôn Đôn, các bạn có thể tham khảo cung đường dưới đây.
Đi theo Nguyễn Trãi/QL6 đến đường Nguyễn Xiển tại Thanh Xuân Trung → Lái xe từ ĐCT Hà Nội – Ninh Bình/ĐCT01, QL1A, QL1,QL1A,… và QL14 đến Pơng D’Rang → Lái xe đến điểm đến của bạn tại xã Krông Na (25h – 1287km).
Quãng đường từ trung tâm thành phố Hà Nội đến trung tâm du lịch Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk.
2.2. Di chuyển bằng xe khách
Nếu chọn phương thức di chuyển bằng xe khách, các bạn có thể tham khảo một số nhà xe chạy tuyến Hà Nội – Buôn Ma Thuột dưới đây.
- Xe khách giường nằm Hoàng Quý: Bến xe Giáp Bát – Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk (Số điện thoại: 05003787070 – 0914041006; Giá vé: 730.000VNĐ/người/lượt).
- Xe khách giường nằm Thanh Khuê: Bến xe Giáp Bát – Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk (Số điện thoại: 05003957957; Giá vé: 730.000VNĐ/người/lượt).
- Xe khách giường nằm Hải Cường: Bến xe Mỹ Đình – Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk (Số điện thoại: 0914071716; Giá vé: 650.000VNĐ/người/lượt).
- Xe khách giường nằm Anh Khôi: Bến xe Mỹ Đình – Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk (Số điện thoại: 0919472539 – 0913433989; Giá vé: 800.000VNĐ/người/lượt).
- Xe khách giường nằm Hồng Anh: Bến xe Mỹ Đình – Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk (Số điện thoại: 05003866025 – 0903575665; Giá vé: 700.000VNĐ/người/lượt).
Sau khi xuống bến xe liên tỉnh Đắk Lắk, du khách có thể thuê xe, hoặc gọi xe ôm, taxi và di chuyển đến điểm đến của mình tại xã Krông Na thêm khoảng hơn 1h nữa. Nếu gọi taxi, giá taxi sẽ rơi vào khoảng từ 10.000VNĐ – 13.000VNĐ/km các bạn nhé!
2.3. Di chuyển bằng máy bay
Còn nếu có điều kiện hơn và để tiết kiệm thời gian hơn, các bạn có thể chọn phương thức di chuyển bằng máy bay. Nếu di chuyển bằng máy bay, các bạn có thể tham khảo một số chuyến bay theo hành trình Hà Nội – Buôn Ma Thuột của một số các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air,…
Sau khi hoàn tất thủ tục check-out tại sân bay, du khách cũng có thể gọi dịch vụ taxi sân bay để di chuyển đến trung tâm du lịch Buôn Đôn cách đó khoảng hơn 1h đi xe nữa.
3. “Giải mã” sức hút của Buôn Đôn
3.1. Khu du lịch Cầu Treo
Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình khám phá Buôn Đôn lần này sẽ là khu du lịch Cầu Treo. Khi tới đây, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác bước trên cây cầu xây dựng hoàn toàn bằng tre, nứa, song, mây và gia cố thêm cáp sắt tưởng chừng như rất mảnh mai. Mỗi một bước chân du khách bước đi, cây cầu lại lắc lư nhè nhẹ, tạo cho du khách cảm giác vừa lo lắng vừa thích thú.
Cầu treo đồng thời cũng là một địa điểm check-in rất độc đáo,thu hút nhiều bạn trẻ (Nguồn: Instagram @pretty_fox19).
Cây cầu này được bắc len lỏ qua một bụi Gừa đã có lịch sử hàng trăm năm tuổi, nằm an yên như vị thần đang canh giữ bên dòng sông Serepok đoạn chảy ngang qua Buôn Đôn.
Du khách check-in tại Cầu Treo (Nguồn: Instagram @thubinhly).
Cầu Treo có chiều dài khoảng 100m, sau khi đã trải nghiệm xong cảm giác mới lạ khi chinh phục hết cây cầu, du khách có thể quay lại nghỉ ngơi trên những ngôi nhà chòi hoặc những sàn gỗ lớn được xây dựng lơ lửng trên cây, thưởng thức một tách trà nóng hổi và thả hồn mình lắng nghe bản tình ca êm dịu được cất lên từ dòng thác nhỏ đang chảy trôi ngay dưới chân.
Sàn gỗ được xây dựng trên cây (Nguồn: Instagram @thuyvan0408).
3.2. Thác Bảy Nhánh
Điểm thăm quan thứ hai trong chuyến hành trình này của du khách chính là thác Bảy Nhánh – dòng thác đang reo ca, chảy róc rách ngay bên dưới Cầu Treo. Được tạo nên bởi đoạn sông Serepok chảy ngang qua địa phận Buôn Đôn, từ trên cao nhìn xuống, dòng thác tựa như một bàn tay khổng lồ với “cổ tay” là phần đầu thác có chiều rộng lên tới 500m.
Ngắm nhìn thác Bảy NHánh từ trên cao (Nguồn: Instagram @truongchitrung91).
Các nhánh khác của thác chảy đi theo từng hướng khác nhau. Trên mỗi nhánh lại hình thành nên những loại cảnh quan riêng. Có nhánh rải rác bên trên là những hòn đá cuội được nước mài tròn lẳn vô cùng xinh xắn, có nhánh lại trở thành vùng đất canh tác, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp của cư dân ven bờ,…
Dạo bước trên Cầu Treo và ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên lạ mắt của dòng thác này là quả là một sự kết hợp vô cùng tinh tế, như một món quà nhỏ mà Buôn Đôn dành tặng những vị khách mời từ phương xa đến thăm.
3.3. Nhà sàn cổ
Sau điểm đến Cầu Treo và thác Bảy Nhánh, điểm đến tiếp theo chào đón du khách sẽ là nhà sàn cổ. Nhà sàn cổ Buôn Đôn với 130 năm tuổi thọ, đã từng là nơi cư ngụ của Vua săn voi Khunsanop cùng cháu ngoại của ngài là Vua săn voi Ama Kông trong thời kì hoàng kim của nghề săn voi. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà sàn được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ vẫn giữ được vẹn nguyên những nét độc đáo trong lối kiến trúc của người dân Tây Nguyên.
Nhà sàn cổ – nơi cư ngụ của Vua săn voi.
Theo ghi chép của sách sử, ngôi nhà được khởi công xây dựng vào tháng 10/1883 dưới sự giám sát của một nghệ nhân tài hoa người Lào có tên Khavivongsao. Nhà sàn được thiết kế gồm ba gian chính với phần mái đầu hồi nhọn và cao vút, mô phỏng theo lối kiến trúc chùa tháp cổ bồng của đất nước Lào – người anh em thân thiết của đất nước Việt Nam ta từ bao đời nay. Ngôi nhà có phần mái hình chóp nhọn, được lợp bằng loại gỗ cà chít vô cùng độc đáo, và có thể tách rời từng bộ phận để di dời sang nơi khác bất cứ khi nào cần thiết.
Phần mái của nhà sàn được lợp bằng gỗ quý cà chít.
Ngày nay, sau khi đã trải qua nhiều biến cố cùng những lần di dời, căn nhà đang được trông coi bởi con gái của vua Ama Kông. Trong ngôi nhà sàn hiện nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều kỉ vật có liên quan đến cuộc đời cũng như sự nghiệp săn voi vô cùng hào hùng của những vị Vua săn voi cùng những người kế tục họ.
Bên trong nhà sàn cổ.
3.4. Khu mộ Vua săn voi
Ghé thăm xong nơi cư ngụ của những Vua săn voi danh tiếng lẫy lừng, điểm đến tiếp theo của du khách sẽ là khu mộ của các vị vua này. Khu mộ nằm trong khu quần thể nghĩa địa của huyên Buôn Đôn với những ngôi mộ được trang trí với lối kiến trúc tượng nhà mồ – nét kiến trúc đặc trưng của người dân Tây Nguyên.
Nơi đây là khu lăng mộ của gia đình Vua săn voi Khunsanop – vị vua sở hữu những chiến công săn voi hiển hách trong lịch sử, đưa Bản Đôn vào thời kì hoàng kim rực rỡ. Khu lăng mộ gồm khoảng hơn 20 ngôi mộ cổ, nằm yên tĩnh giữa khu rừng già. Khi tới đây, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy ngay ngôi mộ nằm ở vị trí chính giữa. Đó chính là lăng mộ của Vua Khunsanop.
Lăng mộ của Vua săn voi Khunsanop.
Bên cạnh lăng mộ của Vua săn voi Khunsanop, du khách sẽ nhìn thấy một lăng mộ khác được xây dựng theo lối kiến trúc của đất nước Campuchia với phần đỉnh tháp nhô cao thành hình chóp nhọn. Đây chính là lăng mộ của R’Leo K’Nul – người kế tục sự nghiệp của Vua Khunsanop. Lăng mộ này được chính vua Bảo Đại đích thân cho người đi sưu tầm và học hỏi về kiểu dáng cũng như lối kiến trúc về để xây dựng, thay cho lời cảm tạ về món quà voi trắng và đội tượng binh xưa.
Mộ của Vua Khunsanop (bên trái) và mộ của R’Leo K’Nul (bên phải).
Xung quanh hai lăng mộ này là lăng mộ của những vị dũng sĩ săn voi khác và lăng mộ của Vua săn voi Ama Kông.
Lăng mộ của Vua săn voi Ama Kông.
Khu lăng mộ của những dũng sĩ săn voi khác.
3.5. Hồ Đắk Mil
Và điểm đến cuối cùng trong hành trình khám phá Buôn Đôn lần này chính là hồ Đắk Mil – hồ nước thường được gọi với cái tên thân thương là “hồ Tây” giữa lòng Tây Nguyên nắng gió.
Theo như lời dân làng kể lại, hồ Đắk Mil khi xưa là một vùng thung lũng đầy voi và cá sấu. Sau đó, do sự kiện một công trình thủy lợi được xây dựng đã chặn lại dòng chảy của suối Đắk Man và tạo nên hồ nước này. Hồ được gọi là Đắk Mil theo tiếng của người dân tộc Ê Đê, còn theo tiếng của người Kinh, hồ nước này có tên là Đức Minh.
Hồ Đắk Mil dưới ánh hoàng hôn (Nguồn: Instagram @thao.tmt).
Hồ nước nhân tạo này có diện tích khoảng 200ha, sâu khoảng 15m. Hồ được bao bọc bởi núi Chư Keh và núi Chư Mar, tạo nên một loại cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp. Ven hồ là nơi sinh sống của các hộ gia đình trong buôn làng. Họ đánh bắt hải sản, chăn thả gia cầm, gia súc,… để mưu sinh. Còn những thảm cỏ xanh mướt bên hồ chính là thức ăn cho những đàn gia súc như trâu, bò,… mà người dân chăn thả.
Ven hồ là nơi những hộ dân đánh bắt cá.
Ven hồ cũng là nơi những đàn gia súc nhẩn nha gặm cỏ.
Vào những năm gần đây, do biết cách tận dụng những ưu thế sẵn có của mình, hồ Đắk Mil đã dần dần phát triển thêm các loại dịch vụ du lịch phục vụ nhu cầu của du khách như dã ngoại, nghỉ dưỡng hay khám phá nền văn hóa của những làng bản xung quanh,… Trong tương lai không xa, nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến vô cùng đắt giá của Buôn Đôn.
3.6. Những hoạt động trải nghiệm khác
Bên cạnh việc đi thăm quan những địa điểm trên, du khách khi tới đây có thể trải nghiệm hàng loạt các loại hoạt động vui chơi khác mà tiêu biểu chính là cưỡi voi.
Du khách trải nghiệm hoạt động cưỡi voi (Nguồn: Instagram @nhobin).
Vào mùa cao điểm du lịch, những chú voi thường hay bị mệt do phải chở nhiều lượt khách liên tục. Khi ấy, các bạn chớ có buồn mà hãy thử sức với hoạt động chăm sóc, thuần phục voi nhé! Đây hứa hẹn sẽ là một hoạt động đáng để thử cho các bạn đó!
Du khách trải nghiệm hoạt động chăm sóc, thuần dưỡng voi (Nguồn: Instagram @hsang1994).
Ngoài ra, các bạn cũng có thể lựa chọn hoạt động ngồi trên thuyền độc mộc để ngắm nhìn toàn cảnh dòng sông Serepok.
Du khách trải nghiệm hoạt động ngồi thuyền độc mộc chinh phục sông Serepok (Nguồn: Instagram @tinsongao).
4. Những địa điểm lưu trú gần khi đi du lịch Buôn Đôn
Sau khi đi thăm quan cả một ngày trời, chắc chắn rằng các bạn sẽ vô cùng mệt mỏi và muốn tìm ngay cho mình một điểm dừng chân để nghỉ ngơi, tiếp thêm năng lượng. Ximgo đã sưu tầm được một số nhà nghỉ, khách sạn lý tưởng trong khu vực Buôn Đôn. Các bạn có thể tham khảo ở dưới đây nhé!
- Nhà nghỉ Thùy Dương (Địa chỉ: Xã Tân Hoà, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; Số điện thoại: 02623789257).
- Nhà nghỉ Ngọc Châu (Địa chỉ: TL1, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; Số điện thoại: 02623783182).
- Nhà nghỉ Anh Vũ (Địa chỉ: Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; Số điện thoại: 0935739979).
- Nhà nghỉ Thúy Mười (Địa chỉ: 132 tỉnh lộ 681, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; Số điện thoại: 0988861399).
- Nhà nghỉ Thanh Thảo (Địa chỉ: ĐT681, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; Số điện thoại: 0973044858).
- Nhà nghỉ khu du lịch Cầu Treo (Địa chỉ: Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; Số điện thoại: 0973032227).
Không gian tiện nghi của nhà nghỉ Thanh Thảo.
Không gian tiện nghi của nhà nghỉ Thanh Thảo.
Không gian tiện nghi của nhà nghỉ Thanh Thảo.
5. Những món ăn nhất định phải thử khi du lịch Buôn Đôn
Bên cạnh những chiến công săn voi lẫy lừng, Buôn Đôn nói riêng hay vùng đất đỏ badan Tây Nguyên nói chung còn hấp dẫn du khách bởi hàng loạt những món ăn nức tiếng, đi vào lòng người. Vậy đó là những món ăn gì? Cùng Ximgo điểm qua chúng nhé!
- Gỏi lá Kom Tum.
- Bún đỏ Đắk Lắk.
- Rau rừng.
- Bò một nắng.
- Cơm lam.
- Gà nướng Bản Đôn.
- Heo rẫy nướng.
- Bơ sáp.
- Cà phê.
- Lẩu cá lăng.
Gỏi lá Kom Tum (Nguồn: Instagram @mai_cao_son).
Bún đỏ Đắk Lắk.
Bò một nắng (Nguồn: Instagram @jeraldhead).
Cùng một số địa điểm ăn uống để các bạn có thể ghé qua thưởng thức những món ăn trên.
- Nhà hàng Sàn Si (Địa chỉ: Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; Số điện thoại: 02623783020).
- Quán hải sản tươi sống Khánh Hà (Địa chỉ: 54 thôn 15, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; Số điện thoại: 0942888831 – 0983487087).
- Quán cơm Thảo Hiền (Địa chỉ: Thị trấn Buôn Đôn, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; Số điện thoại: 0971953937).
- Quán cơm gà 52 Buôn Đôn Đắk Lắk (Địa chỉ: 52 Buôn Đôn, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; Số điện thoại: 0818225468).
6. Du lịch Buôn Đôn và những điều bạn nên ghi nhớ
- Các bạn nên check kĩ dự báo thời tiết trước khi khởi hành để đảm bảo rằng chuyến du lịch của các bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu nhé!
- Mỗi người nên có ý thức giữ gìn cảnh quan chung, cũng như không xả rác bừa bãi ra khu du lịch.
- Khi đến khu mộ Vua săn voi, các bạn không nên cười đùa quá to tiếng hay văng tục chửi bậy tại nơi đây, cũng như chú ý cách ăn mặc nhé!
- Chuẩn bị kĩ một số dụng cụ, đồ dùng y tế như băng, gạc, thuốc sát trùng,… để đề phòng những trường hợp bất đắc dĩ xảy ra.
Trên đây là tất tần tật từ cách đi, điểm lưu trú, điểm vui chơi, những món ăn ngon đáng để thử cũng như toàn bộ những lưu ý dành cho những bạn trẻ nào đang có ý định thực hiện một chuyến du lịch đến Buôn Đôn. Mong rằng những thông tin mà Ximgo cung cấp trong bài viết này sẽ là những thông tin hữu ích và góp được một phần nhỏ bé nào đó vào chuyến đi của các bạn. Ngoài Buôn Đôn, Đắk Lắk còn có rất nhiều những địa điểm du lịch đáng để được trải nghiệm. Nếu có hứng thú, các bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết này nha!
Chúc các bạn luôn an yên và có những chuyến đi đáng nhớ!
Giới thiệu về tác giả:
Phần giới thiệu tác giả Trần Thị Hải Vân
Tác giả: Trần Thị Hải Vân Giới thiệu về tác giả: