Từ lâu nay, chú mèo máy Doraemon đã không xa lạ gì với nhiều thế hệ 9x – những người đã quá rành với bộ truyện tranh nổi tiếng của Fujiko Fujio. Sở hữu hàng loạt phát minh thần kỳ từ thế kỷ 22, chú mèo máy đã làm nên tuổi thơ của rất nhiều người. Mỗi lần xuất hiện, chú mèo máy lại đem tới những ý tưởng và phát minh công nghệ mới mẻ khiến nhiều người phát mê. Nhưng sau tất cả, vẫn còn 1 bí ẩn quá lớn xuất hiện từ đầu câu chuyện đến giờ mà chưa được giải đáp – chú mèo máy này cầm nắm mọi thứ kiểu gì?
Chắc hẳn, bất kỳ ai cũng đều nhận ra, tay của Doraemon là một khối cầu chính hiệu. Thế nhưng điều này chưa bao giờ làm khó mèo máy cả, Doraemon vẫn cầm nắm mọi vật như thường. Không ít lần, chúng ta được thấy hình ảnh mèo ú cầm và ăn hết cả đĩa bánh Dorayaki rồi còn gì. Vậy rốt cuộc, thứ công nghệ thần kỳ nào đã giúp Doraemon làm điều này dễ dàng đến thế?
Thật ra, điều này đã từng được giải thích ngay trong truyện. Tác giả Fujiko Fujio đã diễn giải rằng tay của Doraemon có công nghệ từ trường hấp dẫn từ thế kỷ 22, từ đó nó có lực hút mọi vật cần cầm nắm theo ý thích của mình.
Trên thực tế, công nghệ này đã được ứng dụng ở ngoài đời thực từ khá lâu rồi chứ chẳng cần tới thế kỷ 22. Vào năm 2010, các chuyên gia tại Đại học Chicago đã từng phát minh ra bàn tay robot hình cầu có khả năng làm được những việc từ đơn giản như cầm nắm đồ vật cho tới những thứ phức tạp hơn cần xử lý như viết chữ chẳng hạn. Theo các chuyên gia, nhiều ngón tay là thứ mà các robot hiện tại chưa thể xử lý được, chúng vẫn chưa đủ khả năng để kiểm soát mọi thứ dễ dàng như con người.
Theo các chuyên gia cho biết, chỉ cần 1/4 bàn tay robot tiếp xúc với vật là có thể dê dàng cầm nắm được. Do đó, việc tạo ra lực hút cho tay nắm robot này không cần quá to tát, thường chỉ đủ thu nhỏ thể tích tay cao su nhỏ đi 1% là nắm dính mọi vật được rồi. Hiện tại, công nghệ này đã bắt đầu được áp dụng cho máy móc, robot cũng như hỗ trợ người khuyết tật để trở nên thuận tiện hơn trong công việc.
Theo
Helino
Copy link
Link bài gốc
Lấy link