Tẩy nốt ruồi để lại sẹo lõm cần được hướng dẫn điều trị bởi các bác sĩ da liễu và các chuyên gia chăm sóc da. Thông thường, tùy thuộc vào tình trạng sẹo mà bạn có thể được đề nghị sử dụng các phương pháp điều trị khác nhau như tấm gel silicon, điều trị bằng laser, thuốc tiêm,…
1. Tẩy nốt ruồi có để lại sẹo không?
Tẩy nốt ruồi có để lại sẹo hay không phụ thuộc vào kích thước và độ sâu của nốt ruồi. Trong vài ngày đầu sau tẩy nốt ruồi, vết thương sẽ được hồi phục dần. Sẹo là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với các tổn thương xâm nhập vào các lớp sâu hơn của da. Collagen sẽ được sản xuất để chữa lành vùng da đã được tẩy nốt ruồi.
Collagen là thành phần chính trong các mô liên kết, trong đó có các mô liên kết tại da. Tại vị trí vết thương, lớp collagen thường dày và đặc hơn vùng da bình thường. Khoảng 2 – 4 tuần sau tẩy nốt ruồi, khi các mô lành đã bắt đầu tích tụ, vùng nốt ruồi có thể trông thô ráp, đỏ và cứng trong vòng 1 – 2 tháng sau tẩy, nhưng nó sẽ ít đỏ và phẳng dần theo thời gian và có thể hình thành sẹo lõm.
XEM THÊM: Cách xóa nốt ruồi mà không để lại sẹo?
2. Sẹo sau tẩy nốt ruồi bao lâu thì lành?
Sẹo sau tẩy nốt ruồi bao lâu thì lành phụ thuộc vào loại thủ thuật tẩy nốt ruồi, cụ thể:
- Cạo nốt ruồi: Cạo nốt ruồi là một trong những kỹ thuật tẩy nốt ruồi phổ biến nhất, nó có thể khiến da hơi đỏ một thời gian, thường ít để lại sẹo.
- Phẫu thuật cắt bỏ nốt ruồi: Khi một nốt ruồi đủ lớn, thường có đường kính lớn hơn 8 mm, lớp mỡ bên dưới da cần được cắt để loại bỏ hoàn toàn nốt ruồi. Sau khi cắt bỏ, vùng da sẽ được khâu lại.
- Tẩy nốt ruồi bằng laser: Phương pháp này hiệu quả hơn với những nốt ruồi nông và không phải lúc nào cũng để lại sẹo.
- Tẩy nốt ruồi bằng sóng radio: Đây là kỹ thuật ít có khả năng gây sẹo nhất.
Sau khi tẩy nốt ruồi, vùng da cần trải qua ba giai đoạn để liền sẹo:
- Giai đoạn viêm: Giai đoạn viêm bắt đầu khoảng 12 giờ sau khi làm thủ thuật và kéo dài trong khoảng 5 ngày.
- Giai đoạn tăng sinh: Diễn ra song song với giai đoạn viêm, giai đoạn này bắt đầu trong vòng khoảng 24 giờ sau khi loại bỏ nốt ruồi và kéo dài trong khoảng 7 ngày.
- Giai đoạn trưởng thành: Giai đoạn cuối cùng này có thể tiếp tục kéo dài đến một năm sau khi phẫu thuật.
Các bác sĩ thường cắt chỉ trong vòng 1 – 2 tuần sau phẫu thuật tẩy nốt ruồi. Toàn bộ thời gian hồi phục cho phẫu thuật loại bỏ nốt ruồi thường là khoảng 4 tuần. Trung bình, cơ thể sẽ tiếp tục hoạt động để định hình lại vết sẹo trong ít nhất 1 năm.
3. Tẩy nốt ruồi làm sao để không để lại sẹo?
Chăm sóc vết thương tốt sau khi tẩy nốt ruồi có thể giúp hạn chế sẹo ở mức tối đa. Tùy thuộc vào kỹ thuật tẩy nốt ruồi mà áp dụng việc chăm sóc vết thương khác nhau để tránh hình thành sẹo. Thông thường, giữ ẩm cho vết thương sau tẩy nốt ruồi là điều cần thiết và có thể giúp vết thương mau lành hơn đến 50%. Nói chung, vết thương cần được giữ sạch sẽ, băng bó và dưỡng ẩm bằng các sản phẩm như Vaseline hoặc Aquaphor, xoa nhẹ hai lần một ngày, mỗi lần từ hai đến ba phút. Băng nên được thay 1 – 2 lần/ngày.
Bạn không nên bôi cồn lên vết thương sau tẩy nốt ruồi vì có thể cản trở quá trình lành vết thương. Khi vết thương đã lành lại, bạn nên mát-xa nhẹ nhàng để tăng lưu lượng máu đến vùng vết thương, thúc đẩy quá trình chữa lành và giảm cứng da.
Sau khi hết thời hạn băng bó, bạn nên tiếp tục chăm sóc vết thương, đặc biệt là tránh ánh nắng mặt trời để hạn chế nguy cơ hình thành sẹo. Khi ra ngoài, bạn nên mặc áo nắng và sử dụng kem chống nắng để bảo vệ vùng da khỏi tia nắng mặt trời trong ít nhất 1 năm.
4. Tẩy nốt ruồi để lại sẹo lõm phải làm sao?
Tẩy nốt ruồi để lại sẹo lõm phải làm sao? Nhận được rất nhiều sự quan tâm. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc điều trị sẹo sau tẩy nốt ruồi nên được thực hiện bởi bác sĩ da liễu. Thông thường, sẹo sẽ được chữa lành bằng:
- Tấm gel silicon như miếng dán Gel Silicone Cica-Care
- Băng vết thương polyurethane
- Điều trị bằng laser
- Thuốc tiêm
- Dán ép
- Phẫu thuật
Một số bác sĩ có thể khuyên bạn nên điều trị sẹo bằng thuốc mỡ hoặc kem có chứa vitamin E với mục đích dưỡng ẩm mô sẹo để giữ cho làn da mềm mại và linh hoạt.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Nguồn tham khảo: thehealthy.com, medicalnewstoday.com